Sách và văn hóa đọc ở Thái Nguyên từ một góc nhìn
VNTN - Ở nước ta, trong những năm gần đây, việc xuất bản, mua bán sách, đọc sách tại nhiều thành phố lớn (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...) khá phát triển. Các mô hình hội chợ sách, đường sách, thi kể chuyện theo sách... được tổ chức sáng tạo với sự tham gia của nhiều nhà xuất bản trong toàn quốc đã tạo nên một không gian văn hóa kích thích tinh thần đọc sách của nhiều bạn đọc, thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều ngành nghề... và góp phần tạo nên một hình thức sinh hoạt văn hóa bổ ích trong cộng đồng. Các cửa hàng sách phong phú, đa dạng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bạn đọc. Có một quy luật mang tính thị trường - quy luật “cung - cầu” - đã và đang chi phối đời sống xã hội. Nhưng đó là ở những thành phố lớn, còn ở các tỉnh, thành và đặc biệt ở vùng miền núi thì thị trường sách, thị hiếu, văn hóa đọc, tinh thần, nhu cầu đọc của nhân dân còn rất hạn chế. Thái Nguyên cũng không nằm ngoài số đó.
Hiện nay, tại thành phố Thái Nguyên, việc mua - bán sách chưa trở thành “thị trường” theo đúng nghĩa của từ này. Những nhà sách ít ỏi (đếm trên đầu ngón tay) như nhà sách Tiền Phong, nhà sách tại khu Vincom, nhà sách Phượng Dư và một số quầy hàng bán sách khác chủ yếu vẫn là bán đồ dùng học tập và sách giáo khoa, sách phục vụ dạy học cấp phổ thông (của Nhà xuất bản Giáo dục). Sách cho thiếu nhi chủ yếu là truyện tranh cho lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học.
Nhà sách Tiền Phong tại Thái Nguyên, nơi khá phong phú về các loại sách. Ảnh: Q.K
Các nhà sách ít nhập (thậm chí không nhập) những đầu sách hay, sách quý về văn hóa, văn học, dạy kỹ năng sống... Nhìn chung thị trường sách chưa phong phú, chưa có nhiều sự lựa chọn cho bạn đọc thuộc nhiều tầng lớp, lứa tuổi, ngành nghề. Nếu ai thực sự ham đọc sách, mê sách hoặc kiếm tìm một cuốn sách phục vụ cho chuyên môn nghiên cứu của mình mà chỉ trông chờ vào thị trường sách ở Thái Nguyên thì sẽ không thể tiếp cận được với những cuốn sách có giá trị. Rất ít các nhà xuất bản đầu tư nhà sách tại Thái Nguyên, mặc dù Thái Nguyên là trung tâm văn hóa của vùng Việt Bắc, là nơi tập trung nhiều trường đại học, có một đội ngũ trí thức khá đông đảo.
Nhìn vào thực tiễn thấy rõ, thị trường sách hiện nay đang phải đối diện với một thực trạng: rất ít người đến hiệu mua sách, coi đọc sách như một nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, gần như không có người mua sách đọc thường xuyên, trừ những phụ huynh và học sinh mua sách giáo khoa hoặc sách tham khảo để phục vụ nhu cầu học tập, số còn lại phần lớn vào hiệu sách chủ yếu để mua những thứ... không phải là sách. Tại sao lại có tình trạng này? Có lẽ bởi một phần do sự phát triển của công nghệ (bạn đọc có thể đọc sách, mua sách online, có thể mua sách của các nhà xuất bản bằng cách đặt trên mạng...), nhưng quan trọng là do nhu cầu và thị hiếu đọc của thời đại đã thay đổi rất nhanh chóng.
Có rất nhiều lý do để không ít bạn đọc hiện nay thờ ơ với sách, đặc biệt là ngại đọc những cuốn sách dài và dày. Giới trẻ ngày nay lười đọc hay họ không biết chọn sách? Những cuốn sách cung cấp tri thức hàn lâm, kiến thức nền tảng về văn hóa lâu nay trở nên rất kén người đọc, nhà sách có nhập về thì cũng bán được rất ít hoặc ế ẩm, không bán được. Một bộ phận không nhiều lắm bạn đọc thích tìm những cuốn sách nghiêm túc thuộc loại “kinh điển” để đọc, làm nghiên cứu, còn lại là thích đọc sách gì “vui vui”, “giật gân”, “nóng”,... hoặc không đọc gì mà chỉ xem sách báo trên mạng theo kiểu tùy hứng. Thời đại công nghệ phát triển, văn hóa nghe nhìn phát triển lấn át văn hóa đọc, hiện nay rất hiếm khi chúng ta bắt gặp một người cầm sách đọc bất cứ ở đâu khi có thời gian như trước nữa. Ngay cả đến sinh viên học tại các trường đại học cũng ít đọc, thậm chí có người mang danh “trí thức” nhưng cả năm cũng không đọc được trọn vẹn cuốn sách nào (!). Không còn thấy mấy ai chia sẻ, chuyền tay nhau một cuốn sách hay như thuở xưa nữa! Thiết nghĩ đó cũng là sự thiệt thòi cho con người ở thời đại mà mọi cái đều có thể thay thế bằng công nghệ số, bằng máy móc.
Bản thân người viết cho rằng, không có gì có thể thay thế được việc tự đọc sách của mỗi cá nhân bởi lẽ đọc sách là một hành vi văn hóa và xung quanh việc đọc này mang đến cho người đọc nhiều giá trị khác khi tự mình đối diện và đối thoại trước trang giấy in những dòng chữ. Đọc sách không đơn thuần chỉ là để lấy nội dung thông tin như kiểu “robot” nạp điện mà đọc sách là để nuôi dưỡng tinh thần và tâm hồn, phát triển trí tuệ. Nhiều tiềm năng ẩn tàng trong mỗi con người sẽ được khơi dậy từ văn hóa đọc sách, cho nên tôi nghĩ rất lạc quan là một ngày gần đây, khi cuộc sống với nhu cầu “sống chậm” quay trở lại, sau quãng đường hối hả, ồn ào thì sở thích đọc sách để nghiền ngẫm, suy tư về cuộc sống và con người rồi sẽ trở thành nhu cầu của số đông, và Thái Nguyên - một thành phố tập trung nhiều trí thức, một thành phố đang hình thành một thế hệ công dân mới năng động, trí tuệ cũng không thể nằm ngoài quy luật!
Một vấn đề đặt ra: Trong bối cảnh hiện nay, làm thế nào để phát triển văn hóa đọc cho người Thái Nguyên? Tìm câu trả lời cho câu hỏi này quả là không dễ dàng. Bởi lẽ như đã nói ở trên, rào cản để việc đọc sách trở thành nhu cầu của mỗi người (thay cho nhu cầu ngồi cafe tán chuyện, nhu cầu lướt mạng xã hội giải trí...) hiện tại là rất lớn. Nhưng trong xu thế của xã hội hiện đại, nếu không đọc sách nghiêm túc thì con người sẽ không thể tự hoàn thiện bản thân để đáp ứng nhiều yêu cầu của xã hội. Không đọc sách, thiếu hụt kiến thức nền về văn hóa là một trong những căn nguyên khiến một bộ phận học sinh, sinh viên, công chức, viên chức mắc bệnh vô cảm, vô tình, ứng xử thiếu văn hóa, thiếu trách nhiệm... nhưng có khi chính họ không hề ý thức được bản thân mình mắc căn bệnh này!
Đi sang các nước châu Âu có nền kinh tế, công nghiệp rất phát triển, chúng ta vẫn thường xuyên chứng kiến cảnh người dân đọc sách ở bất cứ nơi nào có thể như nhà ga, công viên, trên tàu điện ngầm, xe bus... Trong hành trang mang theo của họ, luôn có cuốn sách đang đọc dở. Khi xã hội nhiều người có ý thức đọc những cuốn sách hay, bổ ích thì song hành cùng với tinh thần này là sự phát triển văn hoá, nhân văn trong đời sống cộng đồng. Một xã hội có nhiều người hiếu học, hiếu đọc, ham tìm hiểu, tích lũy tri thức ắt sự nhân ái, yêu thương, tử tế giữa con người với con người sẽ đẩy lùi cái ác, cái xấu.
Vì lẽ trên, việc giáo dục, phát triển văn hóa đọc không thể không đặt ra đối với xã hội. Thiết nghĩ, điều này trước hết phải được làm tốt trong nhà trường các cấp. Hệ thống nhà trường từ tiểu học đến THPT, đặc biệt ở đại học nên tổ chức các hoạt động đọc sách để thu hút sự tham gia của các em học sinh, sinh viên, rộng hơn là cả cộng đồng. Những năm qua, các trường phổ thông và một số các trường đại học đã có tổ chức hoạt động ngày hội đọc, thi kể chuyện sách... nhưng những hoạt động giáo dục văn hóa đọc cho học sinh, sinh viên chưa phong phú, chưa trở thành một hoạt động thường xuyên và hệ thống, mới chỉ dừng lại ở ý nghĩa phong trào, một năm may lắm thì tổ chức được một, hai lần. Nên huy động và phát huy khả năng tâm huyết của những nhà giáo, nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội... để họ có thể chia sẻ với thế hệ sau mình những điều bổ ích rút ra từ chính kinh nghiệm tự đọc, tự học của mình. Nhiều nơi hiện nay ở Thái Nguyên như các trường học, thành phố, xã, phường... đều có thư viện, phòng đọc nhưng chưa thật sự chú trọng việc phải làm sao để giáo dục và nâng cao văn hóa đọc cho cộng đồng - đó cũng là một lãng phí không nhỏ.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, một vài hội sách được một số cơ quan chức năng ở Thái Nguyên tổ chức chưa hấp dẫn được nhiều bạn đọc đến mua sách và trao đổi về sách. Cần phải đổi mới cách thức, nội dung tổ chức, nên tập trung giới thiệu sách hay, sách mới và có chuyên đề sinh hoạt, hướng dẫn đọc sách cho bạn đọc như một hoạt động thường xuyên để bồi dưỡng, nâng cao thị hiếu đọc cho công chúng. Đồng thời, để có một thị trường sách mang tính nhân văn, dân chủ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ những giá trị văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng của công chúng thì việc kết nối, liên kết các đơn vị, cơ quan văn hóa, nhà trường, nhà xuất bản, doanh nghiệp, những người viết sách... cùng vào cuộc một cách rốt ráo là điều kiện tiên quyết để có thể phát triển một thị trường sách phát triển bền vững.
SAO KHUÊ
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...