Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
21:28 (GMT +7)

Quốc hội “đi ôtô nhìn cảnh”, đại biểu lo!

VNTN - Ngày xưa các cụ bảo như "cưỡi ngựa xem hoa" bây giờ thì đi ôtô nhìn cảnh thôi - đại biểu Dương Văn Thống (Yên Bái) nhận xét về hoạt động giám sát của Quốc hội.


Tuần làm việc thứ hai vừa qua, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận về dự kiến chương trình hoạt động giám sát tối cao năm 2018.

Nhìn lại chương trình giám sát khoảng 10 năm gần đây, đại biểu Dương Văn Thống nhận xét, nhiều vấn đề chưa tạo được chuyển biến tích cực, có vấn đề gây lo lắng và bức xúc kéo dài.

Chẳng hạn, năm 2006 Quốc hội giám sát về quy hoạch, sử dụng đất đai thì nay quản lý đất, sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất... là những vấn đề rất bức xúc.

Hay, năm 2009 Quốc hội giám sát về quản lý sử dụng vốn tài sản tập đoàn, tổng công ty, nhưng bây giờ thất thoát lãng phí đang là vấn đề rất lớn. Cũng năm ấy Quốc hội giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm, hiện nay Quốc hội cũng đang giám sát chuyên đề này, nhưng đây là lĩnh vực rất chậm chuyển biến.

Đến 2010 rồi 2013 giám sát liên quan đến thủ tục hành chính, công tác cán bộ, nhưng bức xúc ở lĩnh vực này thì những năm gần đây hoặc là không được giải quyết hoặc là chậm được giải quyết.

Nhất là công tác cán bộ liên quan đến quy hoạch tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm. "Lo nhất là ở trên cao" - vị đại biểu Yên Bái nhấn mạnh.

Đặt vấn đề về nguyên nhân của tình trạng trên, đại biểu Dương Văn Thống phát biểu: phải chăng giám sát không đi tới tận cùng nên nhiều vấn đề không được làm rõ. "Vừa rồi giám sát về công tác cải cách bộ máy hành chính, tôi trực tiếp tham gia với một số đại biểu thì thấy rằng, theo đề cương nội dung thì nhiều vấn đề liên quan đến doanh nghiệp tôi không làm rõ được, tôi đành hẹn để cuộc khác liên quan đến kiểm tra thì mới làm được. Giám sát không rõ thì không ngăn chặn được" - đại biểu nhấn mạnh.

Theo đại biểu, có thể nguyên nhân còn nằm ở chỗ giám sát Quốc hội không gắn với thanh tra, kiểm tra của Đảng nên hiệu quả không cao. Kiểm soát quyền lực lẫn nhau, đây là một nỗi lo lớn của một quốc gia - ông nói.

Đại biểu Dương Văn Thống phát biểu về dự kiến chương trình giám sát 2018 của Quốc hội.

Ngoài những nhận xét chung, nhiều đại biểu cũng tham gia góp ý lựa chọn chuyên đề giám sát cụ thể cho năm sau.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định hai trong 4 nội dung.

1. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

2. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội.

3. Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

4. Việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Phiên thảo luận ghi nhận sự quan tâm của nhiều vị đại biểu đến chuyên đề thứ nhất và thứ tư.

Đề nghị chọn chuyên đề thứ nhất, đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) dẫn số liệu, tính đến 10/2016, cả nước còn 718 doanh nghiệp nhà nước, đại bộ phận có quy mô vừa và lớn tập trung trong 19 ngành, lĩnh vực then chốt. Tuy nhiên, theo kế hoạch thoái vốn giai đoạn 2016 - 2020 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chỉ còn tập trung ở 12 lĩnh vực trọng yếu như đo đạc bản đồ phục vụ quốc phòng, an ninh truyền tải điện, dịch vụ tìm kiếm cứu nạn, xổ số ... Song, tiến độ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước còn chậm, cho tới nay đã có 96,5% doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa nhưng tổng số vốn cổ phần hóa chỉ có 8%. Như vậy, còn 92% vốn nhà nước chưa được cổ phần hóa, đồng nghĩa với việc chưa thu hút mạnh mẽ nguồn vốn của tư nhân tham gia vào các lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ cũng như quản lý từ đó cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, đặc biệt nổi lên thất thoát vốn tài sản nhà nước, lợi dụng chuyển tài sản nhà nước thành tài sản tư nhân.

"Vì vậy, thời gian tới là thời gian mang yếu tố quyết định vì doanh nghiệp vốn lớn kết quả sẽ ảnh hưởng đến tái cơ cấu doanh nghiệp, tác động to lớn tới tăng trưởng kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cần có đánh giá rút kinh nghiệm và chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, bất cập để làm tốt phần cổ phần hóa còn lại. Vì vậy, nếu giám sát được sẽ kịp thời điều chỉnh" - đại biểu nhấn mạnh.

Chọn chuyên đề thứ tư, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi phân tích, hiện nay đồng bào dân tộc có rất nhiều chính sách nhưng thực tiễn đời sống của họ thì hết sức khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo hơn 20% và chiếm 50% tổng số hộ nghèo của cả nước. 20,8% dân số từ 15 tuổi trở lên không biết tiếng phổ thông hoặc không đọc được tiếng phổ thông.

Bổ sung thêm thông tin tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn ở một số dân tộc thiểu số là trên 50%, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nhận xét, trong thực hiện chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, một số nơi còn thiếu sự quan tâm, đầu tư, hiệu quả thấp, lãng phí. Vì vậy, rất cần Quốc hội giám sát để qua đó, khắc phục được hạn chế, thiếu sót và có những quyết định, chính sách thiết thực, thỏa đáng hơn đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay

Trúc Bạch

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy