
Góc biếm họa số 6 (2025)

Tết Bính Tuất năm 2006, một bản démo của ca sĩ Quỳnh Anh với ca khúc “Bonjour Vietnam” được tung lên mạng. Trong vòng vài giờ, bản démo đã bất ngờ gây ra một cú “puzz” rộng rãi trong cộng đồng hải ngoại Việt Nam. Thúy Nga Productions (một công ty sản xuất nhạc Việt Nam có trụ sở tại Mỹ) đã rất nhanh chóng giới thiệu bài hát trong những chương trình ca nhạc dành cho người Việt Nam ở nước ngoài trên toàn thế giới. Vào cuối năm 2007, khi bài hát bằng tiếng Pháp được đông đảo khán giả tìm nghe, Guy Balbaert đã dịch bài hát sang tiếng Anh với tên “Hello Vietnam” (không nên nhầm lẫn với bài hát Hello Vietnam được viết bởi Tom T. Hall và được thu âm bởi Johnnie Wright vào năm 1965). “Hello Vietnam” của Quỳnh Anh được xuất bản bởi Decca Records, một công ty con của Universal Music Group và đạt được hàng triệu lượt xem trên YouTube trong một thời gian rất ngắn. Một năm sau đó, bài hát “Xin Chào Việt Nam” được dịch và hát bằng tiếng Việt.
Nói về nguồn gốc ra đời của bài hát, đó là một câu chuyện cảm động.
Diễn viên Phạm Linh Đan trong một cảnh của phim “Đông Dương”
Năm 2005, Quỳnh Anh khi đó là ca sĩ chuyên hát solo, đã gặp Marc Lavoine và được mời hát đôi trong bài “J'esspère” - “Tôi hi vọng” nằm trong album “L'heure d'été” - “Giờ mùa hè” (với gần 700.000 đĩa được bán ra trong hai năm 2005 - 2006). Cuộc gặp gỡ có tính chất nghề nghiệp đã giúp cho Marc quen biết được một nghệ sĩ trẻ đầy tài năng, và hơn hết tình cảm tha thiết của một cô bé với quê hương nơi cha mẹ của cô sinh ra nhưng cô vẫn chưa được đặt chân đến đã khiến Marc rung động. Cùng với nhạc sĩ Yvan Coriat, M. Lavoine đã sáng tác ra bài “Bonjour Vietnam” để tặng riêng cô và sau hết cho những đứa trẻ đồng cảnh ngộ.
Nói về tác giả, Marc Lavoine, sinh năm 1962 tại Essonne (Cộng hòa Pháp), là một ca sĩ, một nhạc sĩ sáng tác và diễn viên người Pháp. Ở mọi lĩnh vực ông đều là một nghệ sĩ gạo cội. Ảnh hưởng của ông tới nền âm nhạc Pháp không hề nhỏ. Những bài hát “Elle a les yeux revolver” (Cô gái có đôi mắt hình viên đạn) - 1985 (với 700.000 ấn phẩm được bán ra trên thị trường), hay mới đây “Je reviens à toi” (Anh tìm về bên em) - 2019 là một trong những bài hát được yêu thích và vẫn thịnh hành. M. Lavoine chưa từng đến Việt Nam nhưng từ những tình cảm chân thành của Quỳnh Anh, ông đã viết lên lời bài hát nói lên ước vọng của họ.
“Hãy kể tôi nghe về cái tên khác lạ và khó gọi mà tôi đã mang tự thuở chào đời.
Hãy kể tôi nghe về vương triều cũ và đôi mắt xếch của tôi.
Ai nói rõ hơn tôi về những gì Người không dám thốt ra”.
(Xin chào Việt Nam - Marc Lavoine)
Quỳnh Anh sinh năm 1987 tại Bỉ, trong một gia đình có cha mẹ gốc Việt. Cha cô sang Bỉ năm 1970 học ngành Y và hiện đang hành nghề bác sĩ. Mẹ cô, một tị nạn chính trị trong những năm 70 tại Bỉ, hiện đang làm y tá. Vì lý do đó, Quỳnh Anh được coi là thế hệ Việt kiều sinh ra tại hải ngoại, những đứa trẻ thuộc thế hệ sau của một cộng đồng gồm hơn 4,5 triệu người hiện đang sống và làm việc ở nước ngoài (trong đó hơn một nửa ở Mỹ). Rất nhiều trong số những đứa trẻ này mới chỉ nghe về Việt Nam qua lời kể của các thế hệ trước. Những năm tháng tuổi thơ, cô làm quen với văn hóa Việt qua những buổi lễ được gia đình tổ chức vào mỗi dịp tết Nguyên Đán. Và cũng giống như những đứa trẻ Việt kiều, dù họ vẫn hàng ngày ăn cơm và có thể nói tiếng Việt cùng cha mẹ, nhưng Việt Nam đối với chúng vẫn là một đất nước xa lạ. Có nhiều người chỉ mường tượng được về một Việt Nam với những tiếng súng, tiếng gầm rú của máy bay quân sự.
“Tôi chỉ biết về người qua những hình ảnh của chiến tranh,
Một cuốn phim của Coppola, [và] những chiếc trực thăng trong cơn thịnh nộ…
Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để chào hỏi hồn người,
Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để cất tiếng chào Việt Nam”.
(Xin chào Việt Nam - Marc Lavoine)
Những đứa trẻ ấy lớn lên, bị thôi thúc bởi sự tò mò và hơn hết là khao khát tìm về “nguồn cội”, sẽ tìm cách phá bỏ mọi hàng rào ngăn cách để trở về. “...Tôi chỉ có thể xúc động khi nói về Việt Nam, cội nguồn của tôi, sự tha phương, nguồn gốc... Tôi có nhu cầu tìm lại quá khứ để hiểu hiện tại và tạo dựng tương lai…”, đó là lời của Quỳnh Anh vào ngày trở về. Bởi việc trở về đó tưởng đơn giản mà lại không hề đơn giản với một số người. Ngoài lý do kinh tế, rất nhiều người trong số họ phải gom đủ dũng cảm và nhất là sự tò mò để thực hiện khát vọng, cũng giống như Quỳnh Anh trước khi được quay về quê hương, họ có chung một tâm trạng: “Ban đầu, tôi cứ sợ mình giống một người lạ khi đặt chân đến Việt Nam vì tôi được nuôi dưỡng, lớn lên tại đất nước châu Âu”. Ngoài những lý do trên, còn một lý do sâu xa hơn, đó là vết thương của chiến tranh để lại trong trí nhớ của thế hệ những Việt kiều trước khiến những đứa con Việt kiều sinh ra tại hải ngoại e dè. Chỉ khi, họ vượt qua được mặc cảm cùng những định kiến, họ mới có thể mở lòng, và khi đã mở lòng, họ sẽ vô cùng ngạc nhiên. Cũng giống như Quỳnh Anh, lần đầu tiên trở về quê hương năm 2011, được đứng trước khán giả, được công nhận và được đón chào, cô xúc động nói: “… Khi đến sân bay, rồi ở Việt Nam những ngày này, tôi cảm thấy rất thân quen. Khi đi dạo trên phố Sài Gòn, nhìn vào ánh mắt của mọi người xung quanh, tôi cảm thấy thân thương đến ngạc nhiên vì mọi thứ đều có cảm giác rất quen thuộc”.
Quỳnh Anh và Lavoine - hình trong album Giờ mùa hè
Có thể nói, câu chuyện của Quỳnh Anh không phải là cá biệt, nó gần như câu chuyện chung cho hàng ngàn, hàng vạn những đứa con Việt kiều sinh ra ở hải ngoại, thế hệ mang hình ảnh của quê hương cội nguồn ở đất nước nơi họ sinh ra. Ngay sau khi bài hát “Bonjour Vietnam” - “Xin chào Việt Nam” được trình làng, nó đã gặt hái được một thành công vang dội, một phần là công nhờ vào sự mượt mà của câu từ và giai điệu, nhưng lý do chính là nó chạm vào tâm tư của hàng triệu người Việt xa quê. Đã có rất nhiều các ca sĩ Pháp và nước ngoài khác hát lại bài hát này, nhưng đối với những Việt kiều sinh ra ở hải ngoại, họ vẫn thích nghe phiên bản của Quỳnh Anh, chỉ cần xem qua một lượt những bình luận để lại trên trang YouTube, chúng ta cũng hiểu được lý do tại sao. Đơn giản vì âm nhạc, ngoài giai điệu và lời ca, còn phải có một tâm hồn để truyền tải nội dung bài hát. Và ai có thể hát hay hơn chính những người sinh ra cùng với tâm hồn đó. Có lẽ vì thế, dù đã có rất nhiều ca sĩ thành danh thử sức với bài hát này, không ai có thể vượt qua Quỳnh Anh, bởi như tâm sự của cô: “Điều làm tôi xúc động hơn cả là câu chuyện tôi kể, câu chuyện của tôi, đã nhờ những người khác mà sống lại. Quan trọng hơn nữa tôi được kết nối với họ thông qua bài hát này”.
“Hãy kể tôi nghe về màu da, mái tóc và đôi bàn chân đã cưu mang tôi tự thuở chào đời.
Hãy kể tôi nghe về căn nhà, con đường, hãy kể tôi nghe về vùng đất lạ,
Về những phiên chợ nổi trên sông và những con thuyền tam bản bằng gỗ.
Tôi chỉ biết quê hương qua những hình ảnh của chiến tranh,
Một cuốn phim của Coppola, [và] những chiếc trực thăng trong cơn thịnh nộ…
Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để chào hỏi hồn tôi
Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để cất tiếng chào Việt Nam
Chào hỏi giùm những người cha của tôi, những ngôi chùa và những thạch tượng Phật,
Chào hỏi giùm những bà mẹ của tôi, những phụ nữ đang cong lưng trên ruộng lúa,
Trong lời nguyện cầu, trong ánh sáng, tôi thấy lại những con người, tôi về với tiếng lòng, với cội nguồn, với đất mẹ quê cha…
Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để chào hỏi hồn tôi
Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để cất tiếng chào Việt Nam”.
(Xin chào Việt Nam - Marc Lavoine)
Giọng ca ngọt ngào, trong trẻo của cô gái gốc Việt Quỳnh Anh đã khiến “Bonjour Vietnam” - Xin chào Việt Nam trở thành một trong những bài hát về Việt Nam hay nhất mọi thời
Ngoài Quỳnh Anh, thế hệ Việt kiều sinh ra ở nước ngoài còn rất nhiều những tên tuổi đã mang lại cho đất nước niềm tự hào, trong số đó phải kể đến nữ diễn viên Audrey Giacomini. Năm 2017, Audrey Giacomini tham gia vào bộ phim “Le Ciel Rouge” - “Bầu trời đỏ” của đạo diện Olivier Lorelle, nhà biên kịch Pháp nổi tiếng, từng đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh (trong đó có giải César cho phim “Indigènes” - “Kẻ ngoại lai”). Bộ phim “Bầu trời đỏ” lấy bối cảnh Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp. Phim kể về mối tình trái ngang giữa chàng lính Pháp Philippe và cô dân quân Thi. Sau khi tra tấn cô gái, nhận ra cô đang đấu tranh vì một lý tưởng tuyệt vời, anh quyết định cứu cô và cùng cô bỏ trốn. Chuỗi ngày lang thang trong rừng sâu cùng nhau khiến họ nảy sinh tình cảm, và từ đó bắt đầu một mối tình đầy biến động. Diễn viên Audrey Giacomini sinh năm 1986 tại Paris, cô là một Việt kiều mang hai dòng máu Việt- Pháp.
A. Giacomini trong một cảnh quay của phim “Bầu trời đỏ” tại Việt Nam
Trong một bài phát biểu ở buổi họp báo ra mắt phim, cô thú nhận rằng trước khi đóng phim cô không nói được nhiều tiếng Việt. Bộ phim chính là cơ hội để cô học thêm tiếng Việt: “Sau khi học, tôi nhận ra mình không chỉ hiểu hơn về tiếng mẹ đẻ, mà còn học được cách đối nhân xử thế, lối suy nghĩ đậm chất Việt để diễn vai này có chiều sâu hơn”. Và khi đã hiểu hơn về Việt Nam Audrey không ngần ngại thổ lộ: “… Là một người con gốc Việt, đôi khi tôi chỉ muốn giữ Việt Nam cho riêng mình”.
Trước Audrey Giacomini, còn một diễn viên nổi tiếng khác Phạm Linh Đan. Cô sinh năm 1974 tại Sài Gòn và di cư sang Pháp năm 1975, là diễn viên gốc Việt đầu tiên được nhận giải thưởng cao quý của điện ảnh Pháp César cho danh hiệu “Nữ diễn viên triển vọng” trong bộ phim “De battre mon cœur s'est arrêté" - “Để đập trái tim tôi ngừng đập” (2005) của đạo diễn Jacques Audiard, diễn xuất bên cạnh nam diễn viên nổi tiếng Romain Duris. Trước đó cô đã từng được đề nghị giải thưởng này cho vai diễn Camille, người con gái nuôi của Eliane Devries, nhân vật do Catherine Deneuve đóng trong bộ phim lừng danh “Đông Dương” của đạo diễn Régis Wargnier. Bộ phim “Đông Dương” được xếp vào một trong những kiệt tác điện ảnh của thế giới. Từ sau bộ phim và giải thưởng điện ảnh, Phạm Linh Đan trở thành một trong những biểu tượng thành công, là người mang tiếng nói của Việt Nam đến với người dân Pháp và ngoài biên giới nước Pháp. Ngoài Pháp, Linh Đan cũng tham gia một số bộ phim ở Việt Nam và gặt được thành công.
Có thể nói thành công của thế hệ Việt kiều sinh ra, lớn lên ở nước ngoài, những Quỳnh Anh, Audrey Giacomini, Phạm Linh Đan hay của bao con người khác trong mọi lĩnh vực đều chứa đựng dáng dấp quê hương cội nguồn trong mỗi sự thành công, đó là một bài hát được yêu thích, một bộ phim được người xem đánh giá cao hay hàng ngàn, hàng vạn những lĩnh vực khác chính là thông điệp mà họ muốn gửi tặng quê hương, rằng họ vẫn hướng về quê hương và khao khát trở về.
Quyên GAVOYE
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...