Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào: 75 năm truyền thống vẻ vang
Việt Nam và Lào cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng uống chung dòng nước Mê Kông; có nhiều nét tương đồng về lịch sử, kinh tế, văn hóa. Từ những điều kiện tự nhiên và xã hội ấy mà hai dân tộc Việt Nam - Lào đã gắn kết với nhau từ rất sớm và ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhất là trong các cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung của nhân dân hai nước, trở thành tình đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt vĩ đại, một điển hình mẫu mực hiếm có trong lịch sử quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới.
Giúp nhân dân nước bạn là mình tự giúp mình
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tháng 10 năm 1945, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Lào Issala đã ký Hiệp ước tương trợ Lào - Việt và Hiệp định về tổ chức Liên quân Lào - Việt (30/10/1945). Đây là những văn kiện chính thức đầu tiên tạo cơ sở pháp lý để hai nước Việt Nam, Lào hợp tác và đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung. Hội Việt kiều cứu quốc các tỉnh, thành phố tại Lào đã động viên và kêu gọi thanh niên, học sinh, sinh viên, viên chức yêu nước tham gia lực lượng vũ trang, bán vũ trang, liên quân Lào - Việt. Thủ đô Viêng Chăn đã tập hợp được hơn 600 người, tổ chức thành 6 đại đội chiến đấu (3 đại đội Việt kiều, 3 đại đội Lào Issala), Savannakhet tổ chức 2 đại đội, thị xã Thakhec 4 đại đội...
Trên các mặt trận Lào từ Bắc đến Nam, vùng dọc theo biên giới Lào - Việt cũng như vùng dọc sông Mekong giáp Thái Lan, Liên quân Lào - Việt mặc dù trang bị, tổ chức, kinh nghiệm chiến đấu đều thua kém kẻ địch rất nhiều nhưng với ý chí kiên cường, lòng yêu nước và sự dũng cảm hy sinh vô bờ bến đã hầu như chặn đứng, thậm chí ở một vài nơi còn đẩy lùi các mũi tấn công của quân Pháp.
Để sát cánh cùng các đơn vị vũ trang yêu nước Lào chiến đấu, xây dựng và phát triển lực lượng, trong những năm 1945 - 1947, Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà quyết định xây dựng và phát triển các đơn vị Việt kiều Giải phóng quân trên đất bạn Lào. Ngày 30 tháng 10 năm 1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định: “Các lực lượng quân sự của Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện”. Đây là mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu bước phát triển và trưởng thành của các lực lượng quân sự trên chiến trường Lào; khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Với ý nghĩa đó, ngày 30 tháng 10 năm 1949 được lấy làm Ngày Truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời kỳ này các đoàn quân tình nguyện lần lượt được thành lập sang giúp cách mạng Lào đẩy mạnh kháng chiến, tổ chức và xây dựng lực lượng vũ trang. Kết quả là ngày 20/1/1949, quân đội Lào Issala ra đời, đánh dấu bước trưởng thành mới của cách mạng Lào.
Tháng 4/1950, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh quyết định thống nhất các lực lượng Quân tình nguyện hoạt động trên chiến trường Bắc Lào thành ba phân khu (A, B và C) được biên chế thành các trung đoàn, tiểu đoàn và đại đội. Năm 1951, theo thỏa thuận của lãnh đạo hai nước Việt Nam - Lào, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh tiếp tục tăng cường cán bộ và bộ đội tình nguyện sang chiến trường Lào, đưa tổng quân số tăng lên khoảng 12.000 người.
Sau thắng lợi của Chiến dịch Biên giới (1950), cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào đẩy mạnh phối hợp chiến đấu, tổ chức nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch lớn tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến, nổi bật là Chiến dịch Thượng Lào (8/4 đến 3/5/1953); Trung Lào (tháng 11/1953), Thượng Lào lần thứ hai (tháng 2/1954) và Hạ Lào (tháng 4/1954), tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân Việt Nam tiến lên tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân hai nước Việt Nam và Lào kết thúc thắng lợi.
Từ năm 1960, khi đế quốc Mỹ can thiệp ngày càng trắng trợn vào công việc nội bộ của Lào, thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Lào đứng trước nhiều thử thách. Ngày 6/7/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam thành lập Ban Công tác Lào, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Trưởng ban. Sau quyết định này, ngày 12/9/1959, Đoàn chuyên gia quân sự 959 được thành lập và sang hoạt động tại Lào. Đây là những quyết định quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự sáng tạo trong lãnh đạo các lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam giúp Lào kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trong quá trình giúp Lào, các đoàn Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam đều bắt đầu từ đề xuất, kiến nghị những vấn đề quan trọng, giúp Bạn xem xét, đề ra chủ trương, chính sách lãnh đạo kháng chiến, xây dựng và chiến đấu của quân đội. Qua các chiến dịch lớn, như: Nậm Thà (1962), 128, 74A (1964), Nậm Bạc (1968), Mường Xủi (1969), Đường 9 - Nam Lào (1971), Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (1972)..., tạo bước tiến lớn trong công cuộc kháng chiến của cách mạng Lào và tác động tích cực trở lại đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Sau những thất bại liên tiếp, ngày 27/1/1973, đế quốc Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris. Một tháng sau, ngày 21/2/1973, đế quốc Mỹ tiếp tục phải ký Hiệp định Viêng Chăn về Lào. Đến đây, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân hai nước Việt Nam và Lào bước sang giai đoạn mới.
Tháng 12/1973, tại cuộc hội đàm giữa các đoàn đại biểu cấp cao của Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, hai bên thống nhất đưa các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam đứng chân ở tuyến sau, giúp bảo vệ, giữ vững vùng giải phóng, hỗ trợ cho Bộ đội giải phóng Lào chiến đấu ở phía trước. Cùng với đó là việc rút phần lớn chuyên gia quân sự Việt Nam về nước.
“Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình", Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam đã có đóng góp to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cùng quân và dân các bộ tộc Lào giành thắng lợi hoàn toàn trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 - 1975).
Sau thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam và Lào trở thành hai nước độc lập, thống nhất, đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Quan hệ hai nước bước sang giai đoạn phát triển mới - giai đoạn hợp tác toàn diện. Ngày 5/2/1976, Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào do đồng chí Cay-xỏn-phôm-vi-hản, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu sang thăm chính thức Việt Nam. Hai đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ hai nước đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Lào.
Ghi nhận sự cống hiến, hy sinh và giúp đỡ to lớn của Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, trong phát biểu chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Đảng Lao động Việt Nam (năm 1976), Tổng Bí thư Cay-xỏn-phôm-vi-hản đã khẳng định: “Trong mọi sự thành công của cách mạng Lào đều có sự đóng góp trực tiếp của cách mạng Việt Nam. Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam có quyền tự hào vì những đóng góp máu xương vào thắng lợi của quân và dân Lào anh em trong suốt chặng đường dài mấy mươi năm chiến đấu và công tác trên đất nước Triệu Voi anh hùng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trọng đại mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân trao cho". Ngày 30/4/1976, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 251-NQ/TW về tăng cường đoàn kết, giúp đỡ và hợp tác với cách mạng Lào trong giai đoạn mới. Nghị quyết nêu rõ: “Tăng cường đoàn kết, giúp đỡ và hợp tác đối với Lào là một trong những nhiệm vụ quốc tế hàng đầu của Đảng và nhân dân ta trong tình hình hiện nay".
Đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ trong giai đoạn mới
Vào cuối năm 1976 đầu năm 1977, an ninh chính trị, chủ quyền lãnh thổ của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đứng trước tình hình bị đe dọa. Trước tình thế đó, theo yêu cầu chính thức của Lào, Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam một lần nữa đã trở lại giúp Bạn. Từ giữa năm 1976, Việt Nam đã cử hàng trăm Chuyên gia quân sự sang giúp bạn Lào tại tất cả các cơ quan lãnh đạo thuộc Bộ Quốc phòng Lào, các tỉnh trọng điểm, đơn vị trọng điểm của QĐND Lào. Đồng thời, đưa một sư đoàn quân tình nguyện Việt Nam đến các địa bàn xung yếu cùng bạn Lào đập tan mọi âm mưu, ý đồ chống phá, gây bạo loạn của các thế lực thù địch.
Ngày 18/7/1977, trong chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào của Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, Hiệp ước Hoạch định đường biên giới Quốc gia và ra Tuyên bố chung tăng cường sự tin cậy và hợp tác lâu dài. Đây là các hiệp ước đặc biệt quan trọng mang tính chiến lược về đào tạo cán bộ, ngoài chương trình đào tạo dài hạn, Bộ Quốc phòng Việt Nam thường xuyên tổ chức các lớp học ngắn hạn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các đơn vị của Quân đội Lào. Việc tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam trên đất Lào cũng được hai bên quan tâm, tích cực phối hợp và đạt kết quả tốt.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng rất tích cực giúp đỡ và hợp tác với Lào về kinh tế dù rằng trong quãng thời gian đó chúng ta cũng đang gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn của một đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, bị cô lập, bao vây, cấm vận. Cùng với đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, hai nước tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật,... Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp và thủy lợi sang giúp Lào nghiên cứu, thu thập tài liệu, khảo sát phân tích đất, thiết kế hệ thống thủy lợi, tiến hành xây dựng luận chứng kinh tế - kỹ thuật cho các dự án về nông nghiệp; trực tiếp xuống tận các bản làng để giúp đỡ nông dân Lào canh tác, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng hệ thống thủy lợi, phát triển kỹ thuật chăn nuôi theo phương pháp khoa học. Đồng thời, Lào còn yêu cầu Việt Nam cử các chuyên gia sang giúp Bạn xây dựng chương trình giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, hướng dẫn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp...
Giai đoạn 1986 - 1996, giai đoạn đổi mới, Việt Nam và Lào vẫn luôn luôn bị các thế lực thù địch tìm mọi cách chống phá, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, xảo quyệt hơn. Trước tình hình đó, hai nước xác định hợp tác An ninh - Quốc phòng Việt Nam - Lào là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu. Ngay từ những năm đầu thập niên 1990, giữa hai Chính phủ, hai bộ chức năng Nội vụ - Quốc phòng đều đã ký kết những hiệp định, nghị định về hợp tác, hỗ trợ nhau trong công tác bảo vệ an ninh, củng cố quốc phòng. Lực lượng vũ trang Lào đã chủ động phối hợp với Việt Nam tiến công đập tan hai cuộc hành quân “Đông tiến I”, “Đông tiến II” của lực lượng phản động lưu vong do Hoàng Cơ Minh cầm đầu ý định xâm nhập Việt Nam qua đường Lào...
Những năm gần đây, quan hệ hữu nghị Việt - Lào được lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước tiếp tục quan tâm vun đắp, cùng cố, tăng cường, coi đây là quy luật giành thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của mỗi nước. Trong chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước ta từ ngày 24 đến 25/2/2019, hai bên đã nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Cay-xỏn-phôm-vi-hản, Chủ tịch Xu-pha-nu-vông gây dựng.
Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại “Giúp bạn là tự giúp mình” lớp lớp thế hệ những người lính tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào mang trong mình bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, bằng xương máu mình trực tiếp xây dựng nên tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt vĩ đại Việt Nam - Lào. Qua các giai đoạn lịch sử, Quân tình nguyện thực hiện lời dạy của lãnh tụ hai nước quan hệ với nước bạn Lào trong 4 chữ tình: (1) Tình đồng chí: cùng chung lý tưởng cộng sản. (2) Tình anh em: cùng “cha mẹ” là Đảng Cộng sản Đông Dương, chia ngọt sẻ bùi, sống chết có nhau, sướng khổ có nhau. (3) Tình bạn bè: Son sắt, thuỷ chung, trong sáng. (4) Tình hữu nghị: đoàn kết đặc biệt, lâu dài, toàn diện vươn đến tầm vĩ đại.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, dù tồn tại công khai hay tạm ẩn mình dưới danh nghĩa khác nhau nhưng chưa bao giờ, chưa một giây phút nào chúng ta buông tay những bạn bè anh em thân thiết ruột thịt của chúng ta ở phía tây dãy Trường Sơn. Nếu lịch sử một lần nữa yêu cầu, thì một thế hệ Quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào nữa sẽ hình thành và lên đường. Đó là chân lý!
Ban liên lạc Quân tình nguyện tỉnh Thái Nguyên
Được sự đồng ý của Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Nguyên, Ban liên lạc Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào tỉnh Thái Nguyên (thường gọi tắt là Ban liên lạc Quân tình nguyện) được thành lập từ tháng 7/1996.
Đến nay, tổng số hội viên là 1.527 người. Ban liên lạc đã qua 4 kỳ Đại hội. Nhiệm kỳ 2021 - 2026, do phải chờ chủ trương của cấp trên, Ban liên lạc tỉnh họp phiên mở rộng thông qua đề án nhân sự 2021 - 2026, bầu đồng chí Dương Mạnh Việt làm Trưởng ban và giới thiệu tham gia Uỷ viên Ban liên lạc toàn quốc. Tại các huyện, thành phố trong tỉnh cũng đều có Ban liên lạc của mỗi địa phương.
Từ năm 2016 đến nay 2024 Ban liên lạc đã tham gia vào Khối thi đua Các hội xã hội - nghề nghiệp tỉnh. Ghi nhận thành tích trong quá trình hoạt động, Nhà nước, Chính phủ Lào đã tặng thưởng cho các chiến sỹ quân tình nguyện 200 bộ Huân huy chương giai đoạn 1945 – 1975, nâng tổng số huân, huy chương mà Nhà nước Lào trao tặng cho Quân tình nguyện của tỉnh Thái Nguyên lên 2.000 bộ (trong đó có 1.000 bộ Huân chương Tự do cho các anh hùng liệt sỹ hi sinh tại Lào).
Ban liên lạc đã tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa: Trao tặng 165 suất quà cho các đối tượng chính sách thuộc Quân tình nguyện nhân Ngày Thương binh Liệt sỹ; hỗ trợ 10.000.000đ cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trao tặng 77 triệu đồng cho sinh viên Lào tại Đại học Thái Nguyên trong các dịp tết Nguyên đán, tết Bunpymay hàng năm; tổ chức cho 2.000 lượt cựu Quân tình nguyện, thân nhân các anh hùng liệt sỹ hi sinh tại Lào thăm lại chiến trường xưa bằng nguồn xã hội hoá…
Ban liên lạc đã được Trung ương hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng 4 bằng khen về thành tích quy tập hài cốt liệt sỹ; Trung ương hội Hữu nghị Việt Lào tặng 18 bằng khen về thành tích xây dựng hội Hữu nghị Việt Lào; UBND tỉnh tặng 12 bằng khen cho tập thể và cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc; năm 2022 được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua.
Phát huy truyền thống Quân tình nguyện trong 75 năm (1949 - 2024) và 28 năm thành lập Ban liên lạc (1996 - 2024), cán bộ, hội viên Ban liên lạc luôn phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ và biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào để tình đoàn kết, gắn bó ấy ngày càng xanh tươi, đời đời bền vững.
Mạnh Việt – Huy Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...