Phở Thái Nguyên
VNTN - Phở - cái món được ưa chuộng ấy đã xuất hiện từ rất lâu ở thị xã Thái Nguyên, trải qua năm tháng, “cuộc đời” của phở xem ra cũng lắm lận đận, nhưng dẫu hoàn cảnh nào thì phở cũng vẫn đeo đuổi vì người.
Những người già có mặt ở thị xã Thái Nguyên nhỏ bé và bình lặng từ đầu thế kỷ XX vẫn nhớ đến người đầu tiên bán gánh phở rong là ông Bùng. Phở Bùng chuyên làm phở gà, với đôi thùng gỗ cao, gánh rong khắp phố, bán tận nhà dân, để mọi người tiện ăn sáng, ăn trưa và cả ăn tối. Còn hàng phở sớm có mặt ở thị xã lúc đó là quán phở Lộc, phở Lộc thì nhiều thứ hơn vì có cả phở gà, phở bò và đặc biệt là phở chân giò.
Những năm kháng chiến chống Pháp, thị xã tiêu thổ kháng chiến, mọi người dân đều đi tản cư, nhưng sau năm 1950 thì đã lục tục trở về, phố mới Gốc Me đã hình thành (đầu đường Phù Liễn hiện nay) với khá nhiều lều quán bán đủ loại hàng và hàng phở lại xuất hiện. Nhà thơ Hà Tiến - chiến sĩ Việt Bắc năm xưa cho ta thấy điều đó qua đoạn thơ:
“Thái Nguyên kháng chiến đánh Tây/ Nhà xây phá hết, cầu này cũng tan/ Chỉ còn phố dọc đường ngang/ Chỉ còn me, sấu cùng bàng xanh tươi/ Mà sao thị xã cứ vui/ đêm đêm nườm nượp ngược xuôi đi về/ Muốn ăn phở, uống cà phê/ Ta hẹn nhau về phố mới Gốc Me…”
Thời kỳ này ông Lộc vẫn tiếp tục bán phở và lại có thêm phở ông Gù, phở Gù mới chỉ có quán lá nhỏ ở ven đường, nhưng phở của hai ông vẫn đông khách, hầu hết là những cán bộ, bộ đội đi công tác qua và những cánh lái buôn chuyến từ vùng tạm chiếm mang hàng lên bán.
Phở Đèn Đỏ nổi tiếng với phở gà và phở hải sản. Ảnh: P.V
Hòa bình lập lại, thị xã được khôi phục, nhà cửa xây dựng lại, cửa hàng mậu dịch quốc doanh được mở ra, trong đó có cửa hàng ăn, giữa thị xã. “Cửa hàng ăn số 1” ngay bên đường Bắc Kạn nay là đoạn đầu đường Cách Mạng Tháng Tám, (chỗ cổng phụ của khu vực UBND tỉnh hiện nay). Tôi cũng thường đến ăn phở ở đây và thấy cũng có đủ thứ, phở nước thì có phở gà, phở bò, ngoài ra còn có phở xào, cả xào giòn và xào mềm. Hồi đó cửa hàng còn có món phở xào mềm với lòng lợn, đơm đầy đặn trong một đĩa sắt tráng men to, ăn khá ngon.
Bước vào giai đoạn kháng chiến chống Mỹ và cả những năm sau hòa bình đất nước còn khó khăn, lương thực thực phẩm khan hiếm, mọi người phải mua lương thực thực phẩm theo tem phiếu, nhưng không vì thế mà vắng bóng phở tại các cửa hàng mậu dịch ăn uống. Hiểu nhu cầu của khách hàng nên dẫu khó khăn đến mấy cửa hàng ăn vẫn tìm mọi cách để vẫn duy trì món phở. Thời gian này có thứ phở mà mọi người nói vui là “phở không người lái” (phở không thịt, chỉ có bánh phở và nước dùng pha chút mỳ chính); thôi thì có cũng hơn không, nên mọi người vẫn mua ăn cho đỡ nhớ! Một thời gian sau, cửa hàng mậu dịch cố gắng tạo thêm cả món phở thịt lợn và cả phở thịt chó! Dù chỉ “chạy qua hàng thịt” nhưng cốt sao để phục vụ các khách hàng thích phở…
Ảnh minh họa
Bây giờ thì khác hẳn, ở thành phố Thái Nguyên, hàng phở có mặt khắp nơi, trên đường phố lớn đến trong ngõ nhỏ, trưng nhiều biển hàng đủ các loại phở, từ phở Nam Định đến phở Hà Nội. Đã có nhiều nhà hàng phở thu hút được nhiều khách ăn như Phở Hiền, Phở Hợp (cửa trường Bưu điện trước đây), phở Đèn Đỏ, phở Cường béo (đường Phan Đình Phùng), phở Minh Béo (cầu Mỏ Bạch), phở Chung Hồng, rồi phở Thìn, phở Thanh Hoàn, phở Mơ, phở Cầu bóng tối đường Bến Tượng…
Sáng sáng, các hàng phở đều rất đông khách và dẫu có hàng khách phải ngồi chờ hơi lâu, nhưng khi ngồi trước bát phở với mùi đặc trưng ngầy ngậy theo khói bốc lên thì ai cũng chầm chậm húp trước thìa nước để ngẫm cái vị ngon của phở…
Trịnh Trúc Lâm
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...