Phố Cò
VNTN - Vốn là đất thuộc vùng trung du nên phía tây xã Cải Đan huyện Phổ Yên xưa là một khu đất cao, như một hòn đảo xanh nằm lọt giữa khoảnh đồng với nhiều cây cối rậm rạp, đặc biệt là các lùm tre gai, vầu đắng; nơi đây đã trở nên thích hợp cho những bầy chim chóc tụ tập về làm tổ, thôi thì đủ cả chim cu, cà khiêng, sáo sậu, sáo đen… Vì có những ngọn tre già vươn lên cao, cành ngọn la đà nên bầy cò rủ nhau về đây quần tụ, dễ có đến cả hàng trăm con. Nơi đây như một “rừng cò” đủ loại, nào cò trắng, cò khoang, cò lửa… Ban ngày cò bay lượn là là rồi sà xuống cánh đồng lúa chín, những thửa ruộng mới cầy vỡ hay ao, mương chung quanh để kiếm mồi, khi chiều xuống những cánh cò trắng lại chấp chới ríu rít rủ nhau về tổ.
Phường Phố Cò, thành phố Sông Công ngày nay. Nguồn ảnh: songcong.thainguyen.gov.vn
Cuối những năm 20 của thế kỷ trước, xuất phát từ ý đồ bình định và khai thác tài nguyên phong phú ở vùng núi phía bắc, nhà cầm quyền Pháp cho nâng cấp “Quốc lộ 3” từ Hà Nội qua Thái Nguyên lên Bắc Kạn, Cao Bằng. Con đường đó đã qua khu vực có rừng cò.
Có con đường và người ngựa qua lại, thế là hàng quán cũng bắt đầu mọc lên làm chỗ nghỉ chân cho khách bộ hành. Rồi từ đấy người ta gọi luôn khu vực đó là Phố Cò. Trước Cách mạng Tháng Tám, Phố Cò là huyện lỵ Phổ Yên, nhưng còn mang dáng dấp của một “phố quê”. Từ năm 1930, Quốc lộ 3 tuy đã mở nhưng phương tiện giao thông của dân ta thời đó vẫn còn cổ lỗ, lạc hậu. Người ta vẫn còn đi ngựa hay dùng xe ngựa hoặc xe bò, để chuyên chở hàng hóa theo đường bộ; ngoài ra cũng vẫn còn xuất hiện cả những đoàn gánh bộ hàng hóa trên vai, trẩy ngược xuôi, vì vậy đã có câu ca về chặng đường phải “gánh vã” qua các điểm nghỉ chân để lấy sức:
“ Phố Cò - Phố Mới - Văn Dương,
Tuần Lang - Trạm ngựa - Phố Hương - Gia Sàng…”
Cuối những năm 50 thế kỷ trước, tôi từ dưới xuôi lên dạy học tại Thái Nguyên nên cũng thường đạp xe về thăm nhà và lại ngược đường lên Thái, chặng đầu tiên phải nghỉ là Phủ Lỗ rồi đến Phố Cò, gọi là phố nhưng đến lúc đó chỉ có vài quán hàng, chủ yếu quán nước chè xanh. Ở đây nước chè được các bà bán hàng hãm trong chiếc nồi đồng to đặt trong một cái thúng ủ mảnh chăn chiên để giữ cho nước luôn nóng. Nước chè được múc bằng chiếc gáo dừa trút vào chiếc bát đàn để mời khách. Trên chiếc chõng tre kê cao bằng mấy hàng gạch chỉ có đơn sơ một vài thứ được bày bán như đĩa khoai sọ luộc, mấy chiếc bánh chưng, bánh đa nướng, vài đĩa lạc luộc và mấy nải chuối treo trên móc…
Tôi còn nhớ cạnh hàng nước cũng có quán bán bún riêu cua đồng, đã có lần đói bụng tôi dừng xe, rẽ vào ăn. Bà chủ quán nhanh nhẹn đơm bún vào một chiếc “bát chiết yêu”(loại bát miệng thì loe to còn trôn bát thì thắt nhỏ). Mới đầu bà dùng chiếc muôi nhỏ gạt nhẹ gạch cua sang một bên, rồi múc nước chan ngập bún sau đó mới hớt gạch cua đang nổi trên mặt nồi nước đặt nhẹ vào bát mời tôi. Đây là vùng quê nên rau ăn kèm với bún là lõi thân cây chuối hột non thái mỏng có lẫn ít rau ngổ. Cái vị bún riêu hơi hoi mùi cua đồng này tuy không có mì chính, bột ngọt như bây giờ nhưng thật là hấp dẫn.
Phố Cò hồi đó cũng có quán bán hàng tạp hóa, chủ yếu là để bán cho bà con lân cận, hàng bày bán không có tủ, giá như bây giờ mà được đặt ngay trên một cái chõng tre rộng, bày la liệt mỗi thứ một ít: có mấy xấp giấy màu xanh đỏ, tím, vàng mà hồi đó gọi là giấy hàng mã; mấy chồng giấy và vở viết, nắm quản bút gỗ sơn nhiều màu; quán hàng cũng có bán kim chỉ và một số vải chủ yếu là vải diềm bâu màu trắng ngà (vải mộc) bà con thường mua về nhuộm bùn hay nhuộm nâu rồi tự cắt khâu lấy thành váy áo; ở một góc trống còn xếp các loại bát to nhỏ, vài cái nồi gang, nồi đồng, ngoài ra còn bày bán một số đôi guốc mộc, dép cao su…
Trước đây, Phố Cò là một phố nghèo. Những năm gần đây, kinh tế phát triển, giao thương nhộn nhịp hơn, những mái lá quán nhỏ ngày xưa không còn nữa và thay thế bằng những cửa hàng khang trang, đã có cửa hàng bày bán công nghệ phẩm, của hàng điện máy với tivi, quạt máy, cửa hàng bán xe máy, rồi cả hiệu cho thuê áo cưới, hiệu chụp ảnh… Từ tháng 4 năm 1999, Phố Cò cùng với một số xóm phía tây xã Cải Đan hợp thành thành phường - Phường Phố Cò thuộc thị xã (nay là thành phố) Sông Công.
Ngày nay dọc theo phường Phố Cò, bên những nhà hàng đủ loại, nhiều doanh nghiệp cũng đã hình thành: Công ty Cổ phần Nam Việt (chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi), Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Ngân Long Phát, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ TYRA Việt Nam, Công ty TNHH XDTM & DV Tân Thành… Phố Cò trở thành phường “cửa ngõ” phía nam của TP. Sông Công, nơi tiếp giáp với thị xã Phổ Yên, xuôi theo Quốc lộ 3 (cũ) về Hà Nội. Ít ai tưởng tượng được rằng tám mươi năm về trước nơi đây là đồi hoang còn chấp chới những cánh cò…
TRỊNH TRÚC LÂM
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...