Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
21:48 (GMT +7)

Phê bình điện ảnh Thái Nguyên: hãy bắt đầu từ con số không

VNTN - Trong phê bình văn học nghệ thuật thì phê bình điện ảnh là một công việc vô cùng cần thiết nhưng hiện tại ở Thái Nguyên công việc này lại tỏ ra yếu kém và phiến diện, thậm chí là con số không. Để khắc phục tình trạng này không phải ngày một ngày hai, nhưng nếu không bắt đầu từ vạch xuất phát thì sẽ là sự đầu hàng vô điều kiện.


Sự cần thiết của phê bình điện ảnh

Nêu ra vấn đề viết phê bình điện ảnh ở một địa phương lâu nay chưa từng xuất hiện loại tác phẩm này trên báo chí cũng như các phương tiện truyền thông khác quả là một việc hơi bất thường. Tuy nhiên, tuyệt đối không phải không có những chuyện đã được bắt đầu từ con số không.

Tôi đã lật giở hàng vài trăm số báo Văn nghệ Thái Nguyên, báo Thái Nguyên cuối tuần, Tạp chí truyền hình của Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Nguyên, là những địa điểm có khả năng đăng tải loại bài này, nhưng đã hoàn toàn thất vọng vì không tìm thấy dù một bài đáng được gọi là một tác phẩm phê bình điện ảnh đúng nghĩa. Điều này không có gì lạ. Ngay trên các báo chí ở Trung ương và các trung tâm văn hóa lớn của đất nước, các tác phẩm phê bình điện ảnh cũng có phần nghèo nàn, rời rạc và phiến diện.

Hiện nay hàng trăm kênh truyền hình chính thống trên toàn quốc, chưa kể các trang mạng, đều có phát sóng các chương trình phim truyện, thậm chí rất đậm đặc, phục vụ hàng chục, hàng trăm triệu lượt người xem từ thành thị đến các vùng sâu vùng xa (điều này, các loại hình nghệ thuật khác khó có khả năng so sánh). Phim truyện là một loại hình mang tính đại chúng triệt để. Vì vậy, sự vắng bóng các nhà phê bình điện ảnh sẽ là một thiệt thòi lớn cho công chúng. Trên thực tế, hiện nay khán giả ở các địa phương đang bị thả nổi trong thưởng thức điện ảnh. Đơn cử một chuyện nhỏ về một khái niệm đơn giản, có tính nhập môn, đó là việc phân biệt phim truyện điện ảnh với phim truyện truyền hình cũng đang còn là vấn đề xa lạ với không ít người xem. Phim truyện truyền hình (là loại phát trên ti vi) thường phải chứa một cốt truyện hay, hấp dẫn. Yếu tố thứ hai là lời thoại trong phim phải mang tính hành động, giàu chất nhân văn, giàu tính triết lí. Lời thoại còn là sự thúc đẩy bên trong, là một “vật liệu nghệ thuật” góp phần vô cùng quan trọng để xây dựng nên cốt truyện. Chính vì thế mà nhiều nhà lí luận gọi phim truyện truyền hình là “tiểu thuyết bằng hình ảnh”.

Bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" nhận được nhiều ý kiến của các nhà phê bình điện ảnh trong nước. Nguồn: Internet

 Ngoài ra, phim truyện truyền hình là loại nghệ thuật phục vụ đại chúng nên cốt truyện, lời thoại rất cần những thông điệp phù hợp với sự tiếp nhận của số đông. Còn phim truyện điện ảnh (hiện nay nhiều người quen gọi là phim nhựa) là loại phim để chiếu ở rạp. Chúng chỉ phát huy hiệu quả tối đa khi được chiếu trên màn ảnh lớn. Những yếu tố đặc biệt cần thiết trong phim truyện truyền hình như cốt truyện, nhân vật, lời thoại tuy cũng cần thiết đối với phim truyện điện ảnh, nhưng sự đòi hỏi chỉ là tương đối. Đã từng có rất nhiều phim truyện điện ảnh được đánh giá là xuất sắc nhưng lại là những bộ phim có cốt truyện đơn giản, thậm chí không có cốt truyện. Nhân vật, lời thoại trong phim truyện điện ảnh cũng không đóng vai trò trọng yếu. Cái hay, cái hấp dẫn của loại phim này nhiều khi được thể hiện ở các cảnh quay. Một điều nữa, trong phim truyện điện ảnh, những cảnh ngoại, những đại cảnh cũng luôn là sự hấp dẫn bởi sự hoành tráng, sinh động (chúng ta đã từng nín thở trước những đoạn phim hành động rất ít lời của nhiều phim truyện điện ảnh của Mĩ và ngay của cả Việt Nam). Chính bởi vậy mà cảm xúc thẩm mĩ do hai loại phim này đem lại có những điểm khác nhau, mang đặc trưng của từng loại. Trước sự ra đời của kĩ thuật số, trong công việc sản xuất đã có sự xích lại gần nhau giữa hai dòng phim này. Tuy vậy, cũng không thể và không nên đồng nhất các khái niệm trên.

Nhận thức của khán giả bao giờ cũng đúng?

Một việc cần bàn nữa là trong khi xem phim, thường có một hiện tượng khán giả rất hay phản ứng về chuyện nhiều bộ phim, nhất là phim Việt Nam có những chi tiết vô lí. Thậm chí có người chỉ vì chuyện này mà tuyên bố  “không bao giờ xem phim truyện Việt Nam nữa”. Phải thừa nhận là do làm phim trong những điều kiện không đầy đủ hoặc người làm phim còn non kém nhiều mặt nên phim truyện Việt Nam vẫn thường để lọt những sai sót đáng tiếc. Tuy nhiên, không phải lúc nào khán giả cũng đúng. Vẫn biết nghệ thuật phải gần gũi với cuộc sống, nhất là nghệ thuật điện ảnh, nhưng nếu đưa cái logic thông thường để soi chiếu thì đôi khi lại trở nên khiên cưỡng và không chính xác, gây oan cho nhiều tác phẩm điện ảnh, trong đó có phim Việt Nam. Thêm một ví dụ nữa là hiện nay trên kênh Today đang phát bộ phim siêu dài tập “Cô dâu 8 tuổi”. Theo quan sát sơ bộ thì hầu như tất cả các bà nội trợ đến các bậc cao niên đều “nghiện” phim này. Ngược lại, đó cũng là bộ phim bị không ít người chê vì sự rề rà, chậm chạp trong phong cách đạo diễn, quay phim và diễn xuất, hoặc có nhiều trường đoạn được cho là không cần thiết. Tất nhiên, phim Ấn Độ so với một số nước khác (nhất là phim Mỹ) quả là có tốc độ rất chậm. Nhưng một điều nên hiểu là mỗi nước thường có cách làm phim riêng, mang những đặc trưng về truyền thống, văn hóa của dân tộc, đất nước họ. Tất cả những điều ấy thực rất cần tiếng nói của những nhà phê bình điện ảnh để công chúng có những hiểu biết, đồng cảm thêm.

Nêu ra những việc trên để thấy rằng hiện tại không ít vấn đề nổi cộm trong sáng tạo và thưởng thức điện ảnh và truyền hình, rất cần sự có mặt và quan tâm của giới phê bình điện ảnh.

Có thể là một tương lai?

Quay trở lại vấn đề Thái Nguyên đang vắng bóng các tác phẩm phê bình điện ảnh. Điều này không sai, nhưng công bằng mà nói, báo chí ở Thái Nguyên không tuyệt đối xa rời điện ảnh. Ở một số trang báo vẫn thấp thoáng những bài viết về tình hình điện ảnh với tư cách là những bài phản ánh hoặc thường thức, nhưng ở một số bài cũng đã ít nhiều mang tính chất bình luận. Đó là những bài viết của những nhà văn, nhà báo, nhà giáo, thậm chí chỉ là những người yêu điện ảnh, truyền hình. Vài năm gần đây trên báo Thái Nguyên cuối tuần, Văn nghệ Thái Nguyên, Tạp chí Truyền hình đã có một số bài nhận xét, đánh giá về phim truyện của các tác giả Minh Hằng, Tố Hương, Hải Yến... Ngay trong năm 2015, trên báo Văn nghệ Thái Nguyên cũng có tới năm bài viết khá sắc sảo về điện ảnh của các tác giả Cao Minh, Kiều Huyền, Hoài Hương, Suối Linh, Minh Châu.

Nói vậy để thấy tuy tỉnh ta chưa xuất hiện một đội ngũ phê bình điện ảnh thực thụ, nhưng đã có sự manh nha đáng mừng. Nếu được sự quan tâm đầy đủ, trước hết là của những người yêu điện ảnh, thì điều này chắc chắn sẽ trở thành hiện thực trong một ngày không quá xa.

Ở Thái Nguyên, nhiều năm qua, Đài Truyền hình tỉnh đã sản xuất tới vài trăm tập phim tài liệu cùng hai phim truyện (Dưới cờ phục quốc, Tể tướng Lưu Nhân Chú). Nếu không quá lạc quan thì trong tương lai, công việc này còn tiếp tục phát triển theo chiều hướng chuyên nghiệp hơn. Phải chăng, đó là một mạch nguồn cảm hứng cho các cây bút phê bình điện ảnh?

Nhưng điều đáng nói hơn là trong bối cảnh thưởng thức phim truyện như hiện nay ở tỉnh ta, hàng ngày có tới mấy chục vạn người ngồi trước màn hình theo dõi các chương trình phim truyện trong và ngoài nước. Sự đòi hỏi về một đội ngũ phê bình điện ảnh để cùng đồng hành với công chúng thưởng thức đã trở nên vô cùng cấp thiết.

Một cảnh trong phim “Dưới cờ phục quốc”.

Sự đòi hỏi về một đội ngũ phê bình chuyên về điện ảnh trong lúc này là điều không tưởng. Tuy nhiên, như vừa nêu ở trên, phim truyện truyền hình được coi như “tiểu thuyết bằng hình ảnh”, có sự gần gũi với tác phẩm văn học. Với một đội ngũ phê bình văn học khá nổi trội, dày dạn kinh nghiệm ở Thái Nguyên như hiện nay thì việc các nhà phê bình văn học hướng ngòi bút về khu vực điện ảnh, truyền hình là điều khả dĩ. Thêm nữa, hiện nay cũng đã có một số cây bút là các phóng viên chuyên theo dõi hoặc đã từng phụ trách về mảng nghệ thuật ở các cơ quan báo chí như Minh Hằng, Thúy Hằng, Phạm Ngọc Chuẩn, Lê Đình, Tố Hương…, cùng với những nhà biên kịch, đạo diễn, quay phim của Đài PTTH tỉnh Thái Nguyên, trong tương lai, họ đủ sức đảm trách được công việc tuy khó khăn nhưng vô cùng bổ ích này.

Với tất cả những hình ảnh lạc quan trên, có thể khẳng định: Thái Nguyên hoàn toàn có thể hi vọng vào một đội ngũ phê bình điện ảnh mà chỉ được bắt đầu từ con số không!

 

Hồ Thủy Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy