Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
07:06 (GMT +7)

Páo Dung của người Dao Tuyên Quang, di sản phi vật thể cần được gìn giữ, bảo tồn và phát triển

 

Trong các dân tộc anh em sinh sống ở Tuyên Quang, dân tộc Dao có một vị trí quan trọng. Về dân số, dân tộc Dao đứng thứ ba sau người Kinh và người Tày. Một điều đặc biệt, tuy người Dao cư trú ở nhiều tỉnh trên nước ta như Quảng Ninh, Yên Bái, Lào Cai… nhưng chưa có tỉnh nào tập trung tới chín ngành Dao như ở Tuyên Quang (Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Coóc Ngáng, Dao Ô Gang, Dao Quần Chẹt, Dao Coóc Mùn, Dao Áo Dài, Dao Quần Trắng, Dao Thanh Y). Người Dao ở Tuyên Quang còn lưu giữ được khá nhiều những phong tục tập quán đặc sắc, nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Một trong những nét đẹp cần giữ lại sẽ được giới thiệu cùng quý vị và các bạn trong bài viết nhỏ này chính là Páo Dung, một loại hình văn nghệ điển hình mang tính truyền thống lâu đời và độc đáo của người Dao.

Phần 1. Páo Dung của người Dao

Người Dao ca hát gọi là Páo Dung, nhóm Dao Đỏ, Dao Tiền phát âm là Pá dung, Pả dung; nhóm Dao Áo Dài, Dao Quần Trắng phát âm là Ay dủng, Áy dủng, còn âm Hán Nôm - Dao gọi là “co sang” (“co” là ca, là hát lên từ một bài văn vần, “sang” là xướng, nghĩa chung là ca xướng). Dù cho cách phát âm của từng nhóm Dao có nặng nhẹ khác nhau, song Páo Dung chính là lời tâm tình của người Dao. Páo Dung ra đời và phát triển từ lao động sản xuất, từ nhu cầu đời sống tinh thần và tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Dao. Đây là phương tiện để truyền tải những tâm tư, tình cảm và ước muốn của người Dao trong cuộc sống thường ngày. Páo Dung được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tồn tại cho đến ngày nay và trở thành một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Dao cư trú trên địa bàn các huyện của tỉnh Tuyên Quang.

Páo dung không có kí âm, không có nhạc cụ đệm trừ “Tồng lình” nhỏ (chuông đồng nhỏ) cầm tay phụ họa có chừng và ngắt tiết (đánh nhịp). Người Dao có phân chia rõ ràng các thể loại, căn cứ vào nội dung, tính chất, trường hợp và tuổi tác người tham gia.

Nếu chỉ phân biệt qua thể loại thì người nghe, đặc biệt người không có kiến thức âm nhạc, khó thể tận hưởng cái sắc thái đa dạng của Páo Dung Dao. Páo Dung gồm có các thể loại sau đây:

1.1. Páo Dung trong sinh hoạt đời sống hàng ngày

1.1.1. Hát giao duyên

a. Hát giao duyên nam nữ (Tồn tòi, Doi lủng, Sái vần chang)

Hát giao duyên trong dân ca Dao nhằm mục đích để đôi bên nam nữ tìm hiểu nhau, hướng đến tình yêu trong sáng. Thời gian tổ chức hát thường vào lúc nông nhàn, khi xuân sang, tết đến. Hát giao duyên phổ biết nhất là thanh niên lập nhóm, lập bọn đi hát tại bản khác. Cuộc hát giao duyên của thanh niên Dao thường diễn ra sôi nổi với những làn điệu nhất định. Ngoài những làn điệu hát có trong sách vở, các chàng trai cô gái Dao cũng thường ứng khẩu tại chỗ để hát cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Các cuộc hát vì thế mà thường kéo dài suốt đêm đến sáng rồi mới lưu luyến chia tay.

b. Hát chào mừng (chía muộn chiếm): gồm những bài hát chúc mừng năm mới, hát khi uống rượu (Páo Dung hợp tíu), hát trong lễ cấp sắc, lễ cưới.

c. Hát mời gọi (sấy dụa chiếm)

Là cuộc hát diễn ra ngoài trời, trên đường đi giữa nhóm nam và nữ, thường do bên nam hát mời nhóm nữ.

d. Hát ca ngợi phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp

Là cuộc hát diễn ra ngoài trời, giữa nhóm nam và nữ, ca ngợi phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp của làng bạn.

e. Hát chia tay

Thể hiện sự lưu luyến của các nhóm hát với nhau.

1.1.2. Hát trong lễ cưới

a. Hát trong lễ dạm hỏi

b.Hát trong lễ đón dâu

1.1.3. Mài pi áo tồn tòi (bài hát dùng cho người có gia đình)

Trong hát giao duyên của người Dao có thể loại hát đối đáp giữa những người đã có vợ, có chồng. Mục đích chính của những cuộc hát này là để thưởng thức tài nghệ của nhau nên lời hát tập trung vào ca ngợi thiên nhiên, hỏi thăm sức khỏe, công việc đồng áng, nhà cửa.

1.1.4. Hát ru (Hão ton, lồ xấy)

Hát ru của người Dao có làn điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, êm dịu, bay bổng. Lời hát thường được bắt đầu và kết thúc bằng câu: “Ôi í a, mây dỏm hô lìn dòng” (ối í a, ngủ ngon, ngủ ngoan đi). Các bà các mẹ đã gửi gắm lòng mong mỏi của mình với con cháu mai sau khôn lớn nên người bằng những lời ru tha thiết.

1.1.5. Hát răn dạy

1.1.6. Hát mời rượu

1.1.7. Om (Hát đố)

Đây là một thể loại hát thường gặp trong hát dân ca dân tộc Dao.

Hát đố được lồng ghép trong đó rất nhiều kiểu hát của người Dao. Đồng bào có thể hát trong hát giao duyên, hát đám cưới, lễ cấp sắc, hát khi xuống chợ.

Nội dung lời hát đố khá phong phú về các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống hàng ngày: đố về thời tiết trong năm, đố về 12 con giáp, con vật, các loại hoa...

Trong hát đố thể hiện rất rõ trí thông minh, sự đúc kết kinh nghiệm của đồng bào. Lời hát thường ngắn gọn, súc tích, đòi hỏi người giải đố phải nhanh nhạy, có sự hiểu biết mới có thể ứng đối kịp thời.

Ngoài ra, người Dao còn có các kiểu hát: Páo a dẻo (Hát chơi của người lớn và trẻ em, đồng dao), Páo phây và xứ de (hát ứng xử)

 1.2. Hát nghi lễ, tín ngưỡng

Hát nghi lễ là những bài hát dùng trong lễ cấp sắc, lễ cưới, tang ma. Trong đó, hát nghi lễ của đám cưới rất dễ nghe và phù hợp với nhiều người. Còn hát dâng lễ lên thánh thần thường do các thầy cúng hát.

Đa phần các bài hát và xướng đọc trong nghi lễ cúng đều có chữ “dung” đứng cuối cụm từ:

- “Tẩu piàng dung” và “Thùy khoa dung” là bài cúng “Sang vuần” chuộc vía cho trẻ em.

- “Sài dung”: Hát tưởng nhớ ông bà, cha mẹ trong lễ làm chay.

- “Hấp túi dung”: Nghệ thuật đọc và ngâm.

- “Lạ miên” tuy là bài hát 3 từ, 5 từ đọc chơi như đồng dao của mọi lứa tuổi, nhưng vì bắt chước điệu cúng nên cũng được sắp xếp vào thể loại nghi lễ.

Ngoài ra, đồng bào còn đặt ra hàng cả chục thể loại “dung” nữa.

2. Giá trị văn hóa của Páo Dung trong cộng đồng người Dao Tuyên Quang

Dân ca dân tộc Dao là những thành quả, những giá trị văn hóa được kết tinh trong đời sống tinh thần của người Dao. Dân ca Dao mang tính giáo dục, tính kế thừa nền văn hóa truyền thống, ý thức về nguồn gốc cộng đồng rất cao. Páo Dung có sức sống mãnh liệt, không thể tách rời trong quá trình hình thành, phát triển và phản ánh hiện thực đời sống xã hội của cộng đồng Dao trong các giai đoạn lịch sử.

Páo Dung là chiếc cầu nối không thể thiếu trong mọi cuộc giao duyên của nam thanh nữ tú, của hầu hết các vấn đề tồn tại trong cộng đồng người Dao. Páo Dung được sáng tạo trong đời sống lao động và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng Dao, tạo thành một hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian đặc sắc, riêng có của người Dao.

Thông qua dân ca Dao, hàng loạt sinh hoạt văn hóa tinh thần trong đời sống cộng đồng được diễn tả hết sức kĩ lưỡng. Đây chính là chiếc chìa khóa mở cánh cửa kho tàng văn hóa truyền thống của đồng bào một cách nhanh nhất.

Phần 2. Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống Dao Tuyên Quang trong thời đại 4.0

1. Thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh về “xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”

Xác định văn hoá vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội  phát triển, trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang cũng như các ban ngành đã hết sức chú ý, quan tâm đến việc chỉ đạo xây dựng, phát triển sự nghiệp văn hoá - thông tin, bảo tồn, phát huy những giá trị tinh thần, bản sắc văn hoá các dân tộc. Nhiều Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước đã nhấn mạnh vào việc phát triển văn hoá là trách nhiệm của toàn dân, Nhà nước đã tăng cường quản lí, đầu tư cho việc sưu tầm, biên soạn, chỉnh lí, bảo tồn lâu dài và phổ biến sản phẩm văn hoá nghệ thuật của các dân tộc thiểu số, như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) trong nội dung “Về một số nhiệm vụ văn hoá nghệ thuật những năm trước mắt” đã tập trung vào mục tiêu chiến lược là: “Có chính sách toàn diện bảo vệ và phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.”; Quyết định số 25/QĐ-TTg ngày 19/01/1993 của Thủ tướng Chính phủ “Về một số chính sách nhằm xây dựng và đổi mới sự nghiệp văn hoá nghệ thuật” có nêu rõ: “Đầu tư 100% cho việc sưu tầm, chỉnh lí, biên soạn, bảo tồn lâu dài, phổ biến các sản phẩm văn hoá phi vật thể như văn học dân gian, các điệu dân ca dân vũ, các loại nhạc cụ, các thuần phong mỹ tục, các lễ hội truyền thống các dân tộc.”; Hội nghị Trung ương 5 (khoá VIII) cũng đã ra Nghị quyết chuyên đề “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Chỉ thị số 39/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu lên vấn đề đẩy mạnh công tác văn hoá thông tin ở miền núi và vùng đồng bào thiểu số, đòng thời, ngày 12/7/2001, Chủ tịch Nước đã kí lệnh công bố Luật Di sản văn hoá.

Trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang Khoá IX có nêu rõ: “Hướng các hoạt động văn hoá văn nghệ về cơ sở, đi đôi với củng cố phát triển phong trào văn nghệ quần chúng và sưu tầm bảo tồn văn hoá dân gian các dân tộc trong tỉnh”; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang Khoá XIII nêu rất cụ thể: “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), Nghị quyết Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ 10 (khoá XII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.(…) Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở. Bảo tồn, phát huy vốn văn hoá, văn nghệ dân gian truyền thống của các dân tộc,... khuyến khích các hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật, (…) làm phong phú thêm những giá trị văn hoá trong cộng đồng các dân tộc tỉnh Tuyên Quang”.

Nghị quyết Đại hội  Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang Khoá XV rất chú trọng tới việc giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc trong tỉnh: “Chú trọng xây dựng và phát huy nhân tố con người, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.(…) Tăng cường quản lí, phục hồi, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của các di tích lịch sử cách mạng, quan tâm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch”.

Như vậy, từ việc thực hiện các định hướng, chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh về “xây dựng văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, tỉnh Tuyên Quang cũng đã có nhiều cố gắng trong công tác nghiên cứu để bảo tồn, phát triển, bản sắc văn hoá các dân tộc trong tỉnh, trong đó có dân tộc Dao: Lễ cấp sắc dân tộc Dao (Đề tài NCKH cấp tỉnh - 1996), Một số làn điệu dân ca, dân vũ dân tộc Dao (Phim tài liệu - 1999), Văn hoá truyền thống dân tộc Tày, Dao, Sán Dìu ở Tuyên Quang (2000 - 2001), Bảo tồn văn hoá vùng lòng hồ Thuỷ điện Tuyên Quang (2004), Điều tra di sản văn hoá phi vật thể các dân tộc Tày, Dao, Mông, Pà Thẻn (2005), Văn hóa truyền thống của người Dao ở Tuyên Quang (Đề tài NCKH cấp tỉnh - 2016), Những điệu dân ca dân vũ trong không gian văn hóa người Dao xứ Tuyên (Nguyễn Phi Khanh - 2023). Ngày 27/8/2014, nghi lễ Cấp sắc và hát Páo Dung của người Dao tỉnh Tuyên Quang cũng đã được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia.

2. Tích cực bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của người Dao bên cạnh văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Mỗi một dân tộc bao giờ cũng có những sắc thái văn hóa đặc thù, phản ánh những phong cách, diện mạo của chính dân tộc đó. Khi một dân tộc quay lưng với truyền thống, đánh mất bản sắc văn hóa của dân tộc mình, nhất định sẽ không tồn tại. Xuất phát từ thực tế đó, Đảng ta coi việc xây dựng và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của quá trình phát triển đi lên của đất nước. Mỗi người Việt Nam, nhất là đối với thế hệ trẻ - những người chủ tương lai của đất nước phải luôn giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đó cũng là thể hiện trách nhiệm đối với đất nước.

Hiện nay, song song với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế, việc xây dựng nền văn hóa văn minh hiện đại, trong đó bảo tồn và phát huy văn hóa bản địa là việc làm vô cùng cần thiết trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Việc bảo tồn và phát triển văn hóa bản địa của các dân tộc trong tỉnh nhà sẽ là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà không chỉ có ngành Văn hóa, mỗi người dân của dân tộc cụ thể nào đó vào cuộc mà tất cả chúng ta đều không thể thờ ơ với nhiệm vụ này, có như vậy thì việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống của các dân tộc, trong đó có dân tộc Dao mới có thể khởi sắc và đạt được những kết quả tốt. Cần làm cho thế hệ trẻ của dân tộc Dao biết yêu quý, tự hào, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc mình, không tự ti để góp phần quảng bá văn hóa dân tộc mình với đại chúng trong vườn hoa đa sắc màu của Việt Nam.

3. Gắn bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống với phát triển kinh tế - xã hội; huy động nhiều nguồn tài chính phục vụ hiệu quả cho việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống

Để giữ gìn, bảo tồn và phát triển vốn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trong tỉnh nói chung, dân tộc Dao ở Tuyên Quang nói riêng được bền vững, cần gắn bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, ở địa phương; đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển văn hóa và kinh tế; hài hòa giữa bảo tồn, phát huy và phát triển.

Kết nối, lồng ghép giữa các chương trình dự án, đề tài NCKH các cấp về phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội với chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa; giữa Đề án xây dựng và phát triển văn hóa các dân tộc với các chương trình, dự án đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nâng cao năng lực tự bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của Câu lạc bộ văn hóa các ngành Dao. Ban Dân tộc tỉnh cần phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng các chương trình hoạt động, lễ hội, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật các dân tộc cấp tỉnh, vùng và quốc gia định kì hàng năm và cả giai đoạn 2020 - 2025.

Huy động nguồn tài chính từ ngân sách Nhà nước, từ xã hội hóa, các nguồn viện trợ chính thức; khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia tài trợ, đầu tư trong việc triển khai các hoạt động có liên quan đến việc xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc đậm đà bản sắc; tiếp tục đầu tư và phát huy có hiệu quả hoạt động của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Cần xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho việc bảo tồn và nâng cao đời sống văn hóa cho vùng các dân tộc thiểu số. Trong đó, chú ý các chính sách, chế độ khuyến khích các nghệ nhân trao truyền di sản văn hóa, khuyến khích lớp trẻ tiếp thu các di sản văn hóa. Chính sách này lồng ghép với các chính sách ưu đãi đối với nghệ nhân ưu tú và nghệ nhân nhân dân ở các dân tộc.

4. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền giáo dục

Tăng cường công tác tuyên truyền tạo sự hiểu biết của xã hội về bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số; phối hợp giữa Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và chuyên trang phát thanh tiếng dân tộc của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số, ưu tiên sử dụng ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc, các chương trình văn nghệ có sử dụng loại hình Páo Dung.

Công tác tuyên truyền giáo dục luôn được Đảng và Chính phủ quan tâm, đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Vì vậy, các cấp chính quyền cần có sự chỉ đạo sát sao trong việc phổ biến, tuyên truyền tổ chức thực hiện chính sách trên địa bàn, công tác kiểm tra, giám sát được tổ chức thường xuyên liên tục nhằm nâng cao ý thức tự hào, gìn giữ, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của chính dân tộc mình.

Đội ngũ cán bộ văn hoá xã nơi có đồng bào các dân tộc thiểu số cư trú phải tích cực chủ động tham mưu cho các cấp chính quyền xã thực hiện tốt việc bảo tồn các giá trị văn hoá nói chung. Cần khuyến khích và khơi dậy các hoạt động văn hoá dân gian, tổ chức các chương trình văn nghệ quần chúng ở tại địa phương trong đó có các thể loại phong phú, hấp dẫn để bà con tham gia và thể hiện các nội dung văn hoá của dân tộc mình. Khi đồng bào hiểu được lịch sử tồn tại, phát triển của dân tộc mình, họ sẽ biết quý trọng, tự hào hơn về những giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể của dân tộc mình, từ đó mà họ nâng cao được lòng tự hào dân tộc, biết gìn giữ, trân trọng văn hoá truyền thống của dân tộc mình hơn.

Công tác dân tộc hiện nay đã được quan tâm nhiều hơn, các huyện trong tỉnh đều có Phòng Dân tộc trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thực hiện tốt Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc: “1. Hỗ trợ việc sưu tầm nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.(…) 3. Xây dựng, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; hỗ trợ việc đầu tư, giữ gìn, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa đã được nhà nước xếp hạng () 5. Bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, định kì tổ chức ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc theo từng khu vực hoặc từng dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Chính vì vậy, bên cạnh các nhiệm vụ của mình tại các huyện, các phòng Dân tộc còn phải rất chú ý phối hợp với phòng Văn hóa huyện, quan tâm tới các hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, kịp thời quan tâm, đề xuất các nội dung, hoạt động có tác dụng giữ gìn, phát triển, bảo lưu vốn văn hóa của các dân tộc trong huyện, trong tỉnh.

5. Công tác sưu tầm, nghiên cứu, đưa nội dung văn hoá truyền thống các dân tộc vào giảng dạy trong nhà trường

Trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, bảo tồn văn hoá truyền thống (đặc biệt là văn hoá phi vật thể của các dân tộc thiểu số) nên chú ý tới việc thông báo cho các gia đình sưu tầm (ghi chép lại bằng tiếng Việt hoặc bằng tiếng dân tộc mình sau đó dịch ra tiếng Việt) các nội dung về văn hóa truyền thống của dân tộc mình và nộp lại cho cán bộ văn hoá thôn, xã. Phòng Văn hoá phối hợp với phòng Dân tộc các huyện để nhanh chóng thu thập số lượng vốn văn hóa dân gian của các dân tộc (trong đó có truyện cổ tích), phân loại, nghiên cứu và in thành sách làm tư liệu giảng dạy trong nhà trường và nghiên cứu rất tốt. Tất nhiên, cần phải có cơ chế khuyến khích để đồng bào thu thập được càng nhiều càng tốt.

Khuyến khích các đề tài nghiên cứu về văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Qua các đề tài, sẽ tập hợp được nhiều vốn văn hóa dân gian quý báu của các dân tộc Tuyên Quang, trong đó có dân tộc Dao.

Khẩn trương xây dựng các chương trình gặp gỡ các nghệ nhân, người cao tuổi của các dân tộc để nghe kể lại, ghi chép các câu chuyện cổ, bài hát, vốn văn hoá truyền thống trong cộng đồng dân tộc ít người đó.

Việc đưa các nội dung văn hoá truyền thống các dân tộc (trong đó có dân tộc Dao) vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông qua “Chương trình giáo dục địa phương”; đưa vào chương trình đào tạo bậc Cao đẳng với học phần “Văn hóa, Văn học và Ngôn ngữ địa phương”, “Lịch sử địa phương”, chương trình đại học với học phần “Ngữ văn địa phương”. được hiểu không phải chỉ là các bài chính khoá mà còn được sử dụng trong các buổi ngoại khoá, sinh hoạt ngoài trời, sinh hoạt chuyên đề của nhà trường. Muốn làm được như vậy, các nhà trường phải được trang bị nguồn văn hóa truyền thống các dân tộc trong tỉnh thật phong phú.

Hơn nữa, việc quảng bá, giới thiệu sách phải được chú ý triển khai trong các nhà trường, làm sao cho học sinh các dân tộc thích thú khi tiếp xúc với vốn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở tỉnh Tuyên Quang nói chung, dân tộc Dao nói riêng. Cần có những buổi giới thiệu sách tại các trường học trong tỉnh (ngày Thơ Việt Nam, ngày sách Việt Nam) để thày và trò các trường học nhận thấy được tầm quan trọng của nguồn tư liệu quý này cùng địa chỉ để tìm hiểu, trang bị tài liệu giảng dạy, tham khảo cho nhà trường và cho cá nhân. Giáo sư Trần Văn Khê có nói một câu rất tâm huyết: “Văn hoá muốn gìn giữ tốt nhất chỉ có cách đưa vào nhà trường”. Vì chỉ có qua học tập một cách có ý thức, văn hoá cũng như các nội dung kiến thức mà nhà trường trang bị cho các em mới có cơ hội ở lại lâu nhất trong tâm hồn các em, và điều này càng làm sớm càng tốt.

Tổ chức các Hội thảo khoa học về vốn văn hóa truyền thống quý giá của các dân tộc trong tỉnh nhà, đó cũng là một trong các giải pháp để thu hút sự chú ý và tác động nhiều chiều tới nhận thức của những người là người dân tộc thiểu số nhưng có ý thức trách nhiệm cao với văn hoá dân tộc của dân tộc mình.

6. Đào tạo tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lí văn hoá các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở, đủ điều kiện đáp ứng các yêu cầu về văn hoá xã hội

Để góp phần một cách có hiệu quả vào việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển vốn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trong tỉnh, các cơ quan hữu quan trên địa bàn tỉnh phải có chương trình đào tạo nhân lực nòng cốt cho bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc ở các cấp huyện, xã, thôn, bản.

Công tác đào tạo cán bộ xã và cộng đồng thực hiện tốt đã góp phần nâng cao năng lực công tác cán bộ cơ sở; truyền tải chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước rộng rãi trong nhân dân. Qua đào tạo, tập huấn cho cán bộ xã thuộc chương trình, trình độ, năng lực, nhận thức của đội ngũ cán bộ xã đã được nâng cao rõ rệt, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ đầu tư, thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực khác ở các xã được chủ động và hiệu quả hơn; cụ thể trong việc lựa chọn công trình đầu tư, tham gia quản lí đầu tư xây dựng công trình, xây dựng quy chế thực hiện và quản lí hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao kiến thức áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, nhân dân đã biết đầu tư thâm canh sản xuất hàng hóa, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững.

Cần xác định việc đào tạo một đội ngũ cán bộ văn hóa cấp cơ sở là điều vô cùng cần thiết, bởi họ chính là cầu nối giữa chính quyền với các phong tục, tập quán, đời sống văn hóa, tinh thần của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Trong quá trình đào tạo, cần chú ý đội ngũ cán bộ văn hóa xã cần là người dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Dao. Cần chú ý thiết lập mô hình văn hóa đặc thù áp dụng ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số  như nhà văn hóa cơ sở, tủ sách thư viện, đội chiếu bóng lưu động, đội văn nghệ quần chúng, chọn người có trình độ để sưu tầm, bảo tồn vốn văn hóa truyền thống của dân tộc Dao.

7.  Tiếp tục thực hiện bảo tồn tĩnh, bảo tồn động

Các cán bộ văn hóa cơ sở, các phòng Văn hóa, phòng Dân tộc huyện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phải tham mưu cho các cấp chính quyền về công tác bảo tồn văn hóa, đặc biệt là văn hóa phi vật thể, thứ có thể mất rất nhanh trong xã hội hiện đại để có được cơ chế, kế hoạch, tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, tập hợp tư liệu về vốn văn hóa cổ truyền của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cần tổ chức các nhóm nghiên cứu tiến hành quay phim, ghi âm, chụp ảnh, tư liệu hóa và lưu trữ toàn diện các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của mỗi dân tộc, bảo quản lâu dài trong Bảo tàng tỉnh, sách vở, giáo trình, tài liệu tham khảo dùng trong nhà trường và đời sống cộng đồng.

Văn hóa phải sống trong cộng đồng, trong không gian của chính những nét văn hóa thuộc về cộng đồng người nhất định. Không có văn hóa chung chung. Chính vì vậy, việc bảo tồn động văn hóa truyền thống của dân tộc Dao nói riêng, đối với các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nói chung là vô cùng cần thiết. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển phong trào văn nghệ quần chúng nói chung, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số nói riêng, làm cho vốn văn nghệ dân gian tiếp tục đời sống của nó ngay tại nơi sản sinh ra chính các tác phẩm văn hóa này.

Bên cạnh việc duy trì các đội văn nghệ quần chúng thôn bản như khai thác chất liệu, tìm hiểu các tiết mục văn nghệ dân gian, cần tranh thủ tiếp cận, tiếp thu sự trao truyền vốn văn nghệ dân gian của các bậc nghệ nhân, già làng.

Cần tổ chức các cuộc thi sưu tầm, sáng tác nhằm lưu giữ, tìm kiếm và bảo tồn nguồn Páo Dung trong dân. Ngoài ra, cũng cần triệt để tìm hiểu vốn văn hóa cổ trong người già (qua ghi âm, truyền dạy trực tiếp) trước khi quá muộn. Duy trì, phát triển số lượng đội văn nghệ thôn bản cũng như phong trào văn nghệ quần chúng cấp cơ sở.

Đối với các hình thức biểu diễn các bài hát, điệu múa của người Dao, rất cần những người không chỉ am hiểu về lễ cấp sắc, mà còn biết hát các bài hát Páo Dung, sử dụng thành thạo các đạo cụ, nhạc cụ truyền thống của dân tộc Dao như: đánh trống cổ hình con ba ba, đánh chuông, thanh la, chũm chọe, múa gậy, múa đèn…

Để bảo tồn và lưu truyền văn hóa cho thế hệ trẻ, những người già am hiểu phong tục tập quán của dân tộc mình phải tích cực thành lập các đội văn nghệ của người Dao, dạy các bài hát “mùa màng”, “lễ tơ hồng”, “lễ cưới hồn lúa”, “lễ đầy tháng”, hát “Dung óm” và tích cực giao lưu, biểu diễn, duy trì các hình thức ca hát, dân ca, dân vũ trong cộng đồng.

8. Tạo ra mối quan hệ gắn kết văn hóa truyền thống của dân tộc Dao ở Tuyên Quang với phát triển du lịch

Là một tỉnh miền núi có tiềm năng, thế mạnh về du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - lịch sử và một số loại hình du lịch khác, khi có sự quy hoạch tốt và phát huy vốn văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các huyện, trong đó có dân tộc Dao chúng ta sẽ có những vùng văn hóa đặc sắc với địa hình, danh thắng gắn với những truyền thuyết, tích truyện li kì hấp dẫn, làn điệu dân ca say đắm lòng người sẽ có tác dụng thu hút và gây ấn tượng với du khách, như: Bản Biến (xã Phúc Sơn, Lâm Bình), xã Hồng Thái (Nà Hang).

Trên đây là một số giải pháp góp phần bảo tồn, phát huy, giữ gìn vốn văn hóa các dân tộc thiểu số nói chung, của  dân tộc Dao nói riêng mà nhóm nghiên cứu đưa ra. Dù chưa thật đầy đủ và cũng chưa phải là tất cả các giải pháp đều tối ưu song nhóm nghiên cứu mong rằng: với tâm huyết của mình và với kết quả sưu tầm nghiên cứu về văn hóa truyền thống của dân tộc Dao ở Tuyên Quang của nhóm, chúng tôi mong rằng đây sẽ thật sự là những tín hiệu vui để nhiều người chung tay vun đắp, giữ gìn, bảo tồn những vốn quý của các dân tộc anh em, những thứ giá trị không thể nào lấy lại được khi đã mất đi, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc và có giá trị không kém các tác phẩm của dân tộc Việt hay các dân tộc khác trên đất nước Việt Nam.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, Văn kiện đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XV.

[2] Phan Hữu Dật, Một số vấn đề về dân tộc học Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999.

[3] Bế Viết Đẳng, Nguyễn Khắc Tụng, Nông Trung, Nguyễn Nam Tiến, Người Dao ở Việt Nam, NXBKHXH, Hà Nội, 1975.

[4] Nịnh Văn Độ (chủ biên), Văn hoá truyền thống các dân tộc Tày, Dao, Sán Dìu ở Tuyên Quang, NXB Văn hoá Dân tộc, Hà Nội 2003.

[5] Lâm Hòa Chiến, Lí Thị Xuân Các, Xuân Huy, Từ điển Việt - Hán thông dụng, NXB Trẻ, 1998.

[6] Lê Sĩ Giáo (chủ biên), Dân tộc học đại cương, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2002.

[7] Nguyễn Văn Huy (chủ biên), Bức tranh văn hoá các dân tộc Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2000.

[8] Phạm Quang Hoan, Hùng Đình Quý, Văn hoá truyền thống của người Dao ở Hà Giang, NXB Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 1999.

[9] Nguyễn Thu Minh, Văn hoá dân gian người Dao ở Bắc Giang, NXBĐHQG, Hà Nội, 2010.

[10] Đặng Trần Quân (chủ nhiệm đề tài), Bùi Thị Mai Anh, Trần Thị Lâm Huyền,  Văn hóa truyền thống của người Dao ở Tuyên Quang, Đề tài NCKH cấp tỉnh, 2016.

 

Bùi Thị Mai Anh

(Hội VHNT tỉnh Tuyên Quang)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy