Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
21:50 (GMT +7)

Ông “ba nhà” với trái tim ba dòng máu

VNTN - Nhiều người gọi ông Nguyễn Hữu Khánh là ông “ba nhà” (nhà giáo, nhà nghiên cứu lịch sử, nhà văn). “Nhà” nào ông cũng xứng đáng và nhận được sự khâm phục, kính trọng của mọi người.

Là nhà giáo, ông đã có gần 32 năm (1959 - 1990) gắn bó với ngành giáo dục. Năm 1959, sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, ông xung phong lên Hà Giang “gieo chữ trên non”. Trải qua 6 năm phục vụ trên địa đầu Tổ quốc muôn vàn khó khăn, làm giáo viên, Hiệu trưởng Trường Cấp 2 Đồng Yên (Bắc Quang, Hà Giang), rồi làm cán bộ Phòng Giáo dục, Ty Giáo dục Hà Giang. Năm 1965, ông được điều động về Thái Nguyên, đi học Đại học Sư phạm Việt Bắc, rồi về làm cán bộ, Trưởng khoa Văn Trường Cao đẳng Sư phạm Việt Bắc. Tiếp đó ông được phân công về làm Hiệu phó Trường cấp 3 Lê Hồng Phong (Phổ Yên, Thái Nguyên). Năm 1990, ông nghỉ hưu.

 

Điều đặc biệt ở ông mà ít người làm được: ông thống kê tất cả số học sinh mà ông đã dạy (theo vần ABC) và sự trưởng thành của họ. Sau gần 32 năm trong nghề dạy học, ông đã luôn dõi theo các học trò gồm 3.789 học sinh (có 1.862 nữ), là con em của 109 dòng họ, thuộc 18 dân tộc. Trong đó có 1.200 người đã trở thành giáo viên từ bậc mầm non đến đại học. Rồi, cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện; thầy thuốc ưu tú; nhà giáo ưu tú; cán bộ quân đội cấp tá; đại biểu Quốc hội… ông đều thống kê đầy đủ. Và đặc biệt, hơn 20 học trò của ông đã anh dũng hi sinh, là liệt sỹ trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc… Nếu có ai bất chợt hỏi ông về một học sinh nào đó, ông có thể trả lời ngay mà không cần giở sổ sách. Ông bảo: “Tôi ghi chép như nhật ký của người thầy giáo để kiểm nghiệm trên con đường ấy mình đã làm được những gì cho sự nghiệp giáo dục…”. Khi ông đã nghỉ hưu, không chỉ có học trò thành đạt, có địa vị trong xã hội đến thăm ông, mà có cả những trò đời sống còn nhiều khó khăn, cách xa cả ngày đường ô tô, vẫn đến thăm thầy.

Là nhà nghiên cứu lịch sử, vốn là thầy giáo dạy Sử, việc nghiên cứu lịch sử không chỉ gắn bó với ông trong suốt quá trình dạy học. Ông đã có gần 70 đề tài nghiên cứu lịch sử, trong đó có 2 cuốn giáo trình “Lịch sử thế giới” dùng giảng dạy trong Trường Cao đẳng Sư phạm Việt Bắc. Từ khi nghỉ hưu, ông đã xuất bản “Đất và người Thái Nguyên”, các truyện thơ về lịch sử: “Dưới chân núi Cao Phong”, “Anh linh thần nữ”, “Phù Đổng Thiên Vương” và “Vạn Xuân”. Đặc biệt, ông đã dành trên 20 năm nghiên cứu tìm quê hương của Lý Bí (Vua Lý Nam Đế), một câu hỏi tồn nghi trong lịch sử nước ta cách nay đã 15 thế kỉ. Để có căn cứ kết luận, ông phải mất rất nhiều thời gian “mò mẫm” trong các sách lịch sử từ thời Lý, thời Trần, thời Lê… Kể cả sách của Trung Quốc dịch sang Tiếng Việt. Ông đã đi đến nhiều nơi để sưu tầm chỉ bằng chiếc xe đạp cũ. Con đường ông đi nếu cộng lại dài hàng ngàn cây số. Cứ nghe ở đâu có thông tin liên quan đến Lý Bí, là ông lại đến tìm hiểu, mặc trời nắng, mưa, gió rét. Đã có lần, trên đường thu thập thông tin, ông bị ngã xe gẫy chân, phải chữa trị mấy tháng trời. Nhưng khi bình phục, ông lại tiếp tục công việc mình đang theo đuổi, mặc vợ con ngăn cản vì lo cho sức khỏe ông. Trong quá trình nghiên cứu, ông đã công bố 8 bài viết với các cứ liệu cụ thể trên tạp chí “Nghiên cứu lịch sử” của Viện Sử học và tạp chí “Xưa và nay” của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, chứng minh quê hương của Lý Bí thuộc đất Phổ Yên ngày nay. Khi công bố các bài viết, có nhiều ý kiến đồng thuận với ông, nhưng cũng có ý kiến phản bác. Ông gửi một số bài viết cho các giáo sư, nhà nghiên cứu lịch sử thuộc Viện Sử học, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và đã nhận được sự ủng hộ tích cực. Một số nhà nghiên cứu lịch sử đã về trực tiếp nghiên cứu các di tích liên quan đến Lý Bí trên đất Phổ Yên, đều thống nhất ý kiến với ông. Tháng 10/2012, tại Hà Nội, UBND tỉnh Thái Nguyên, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, UBND huyện Phổ Yên (nay là thị xã Phổ Yên), đã tổ chức hội thảo “Một số vấn đề về vương triều Tiền Lý và quê hương của vua Lý Nam Đế”. Trong hội thảo này, những tham luận về quê hương của Lý Nam Đế đều nhận định thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên ngày nay là quê hương của vua Lý Nam Đế.

Là nhà văn, ông tham gia sáng lập Hội VHNT Bắc Thái từ ngày đầu thành lập (1987). Ban đầu ông làm thơ, sau viết cả văn xuôi, nghiên cứu lịch sử, rồi chuyển sang văn nghệ dân gian. Ông quan niệm: văn chương là cái nghiệp vận thân, văn thơ là một phần máu thịt của đời ông. Ông đã dành nhiều thời gian tâm huyết cho văn thơ, đã xuất bản 12 đầu sách (thơ, truyện thơ, nghiên cứu văn hóa dân gian…); có 610 bài với nhiều thể loại, đăng trên các báo trung ương và địa phương.

Mấy năm gần đây, sau cơn tai biến, ông bị liệt nửa người nhưng đầu óc vẫn rất minh mẫn. Nhiều lần chúng tôi đến thăm, chưa khi nào thấy ông phàn nàn về bệnh tật, mà ông luôn nói về dự định công việc sáng tác, sưu tầm khi bệnh ổn định. Ông bảo: Ông sống có nhiều hoài bão mà chưa bao giờ sợ điều mình làm, mình cho là sẽ mất. Ông suy nghĩ bằng nhiệt huyết tuổi trẻ, nhưng tư duy thì bằng những trải nghiệm và bằng mái đầu. Đã vài lần được nghe ông nói trái tim ông có ba dòng máu: dòng máu của người cộng sản (ông được kết nạp vào Đảng tháng 4/1961), dòng máu của một nhà giáo và dòng máu của người chiến sĩ (ông từng tham gia quân đội từ năm 1953 đến năm 1957 ở Đại đoàn 335 Tây Bắc, đã “nằm gai nếm mật” để đánh giặc; năm 1957 do yếu sức khỏe, ông mới chuyển về ngành giáo dục). Vì vậy ông có thể vượt qua khó khăn để làm được nhiều việc. Gần Tết Canh Tý, chúng tôi đến thăm ông, trên cơ thể vốn đã gầy giờ chỉ còn da bọc xương, ông đã yếu lắm, tiếng nói nhỏ, nhưng nghe rõ. Nhưng khi nói chuyện về thơ văn, ông vẫn thể hiện nhiệt tình, say sưa, ông bảo ông vẫn làm thơ và ông đọc cho chúng tôi nghe bài thơ chúc Tết Canh Tý. Ông còn dặn: khi nào Hội làm sách, nhớ nói với ông để ông gửi bài.

Trái tim mang ba dòng máu ấy đã ngừng đập lúc 17 giờ 35 phút ngày 4/4/2020. Những gì ông để lại, chắc chắn sẽ được những văn nghệ sĩ Thái Nguyên nhắc nhớ. Điều ông để lại sâu sắc trong lòng anh chị em Hội VHNT thị xã Phổ Yên là bầu nhiệt huyết không bao giờ vơi cạn. Ông tham gia Hội VHNT Phổ Yên từ ngày đầu thành lập (2005) và tham gia Ban Chấp hành khóa đầu. Bất kể khi nào và gặp ở đâu, ông đều trao đổi công việc của Hội hết sức nhiệt tình.

Một bài viết này không thể nói hết được những điều chúng tôi cảm nhận về ông. Lại càng không thể nói hết những gì ông đã làm được trong suốt chặng đường 87 năm giản dị, thanh cao của ông. Vài lời bộc bạch, thay nén tâm nhang tiễn ông về cõi Phật. Cầu mong ông an giấc ngàn thu, ngậm cười nơi chín suối. Vĩnh biệt nhà giáo - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Khánh của chúng tôi!

PHAN THỨC

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục