Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
08:45 (GMT +7)

Núi Pháo sau Kết luận thanh tra

VNTN - Sau khi có Kết luận thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo (trong bài xin gọi tắt là Công ty NP) vào tháng 5/2017, Công ty đã có những động thái tích cực để khắc phục những sai phạm, tồn tại của mình. Người dân khu vực chịu ảnh hưởng cũng phần nào được yên tâm. Nhưng thực tế vẫn còn đó những vướng mắc chưa thể giải quyết.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến một số bất đồng về quan điểm, chính sách, cách giải quyết của các bên liên quan, còn những nội dung khác về tiến độ, hiệu quả và ý thức khắc phục những sai phạm trong lĩnh vực đất đai, môi trường, tài nguyên nước của Công ty NP sẽ được trở lại trong một dịp khác. 


Kỳ 1: Các “nút thắt” và tiếng nói người trong cuộc

Moong khai thác của Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo (Ảnh công ty NP cung cấp)

Nhìn lại chặng đường “xung đột”

Dự án khai thác và chế biến khoáng sản NP của Công ty NP đã khai thác và đi vào hoạt động từ năm 2012 tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Công ty đã trở thành nhà cung cấp Vonfram lớn nhất thế giới (cung cấp 36% tổng sản lượng Vonfram toàn thế giới). Lợi ích và hiệu quả hoạt động của Dự án đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương trong những năm qua.

Thế nhưng, ngay từ khi đi vào hoạt động, đời sống của nhân dân trong khu vực khai thác đã ảnh hưởng, đảo lộn rất nhiều. Do nhà máy xây dựng liền kề với khu dân cư, khiến nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, không khí (mùi, bụi) và nguồn nước… Nhiều hộ gia đình có người già và con trẻ, do không chịu đựng được ô nhiễm: mùi hóa chất, bụi bặm, tiếng ồn và nỗi lo về bệnh tật nên đã phải di chuyển đi nơi khác sinh sống, một số khác vẫn phải bám trụ vì không biết đi đâu.

Chịu đựng những ảnh hưởng của môi trường cùng với vấn đề chậm bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT, GPMB) làm cho mâu thuẫn giữa người dân và Công ty NP trở nên căng thẳng. Dù phía chính quyền và Công ty đã tổ chức nhiều buổi gặp gỡ, đối thoại cùng nhân dân để tìm cách tháo gỡ vướng mắc nhưng có vẻ như đều không có tác dụng. Đỉnh điểm là tháng 5/2016, đông đảo người dân các xóm 2, 3, 4 đã dựng lán trại ngay trước cổng và chặn xe ra vào Công ty. Chính quyền huyện Đại Từ và tỉnh Thái Nguyên đã nhận được rất nhiều đơn của người dân thuộc xóm 2, 3, 4, 6 (xã Hà Thượng) sát khu vực Mỏ NP phản ánh Dự án gây ô nhiễm môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã nhiều lần lấy mẫu quan trắc môi trường tại NP và kết luận trong nước thải ra môi trường của Công ty đã bị ô nhiễm kim loại nặng và hóa chất. Có thời điểm, tổng lượng xyanua trong nước thải của NP vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần, cá biệt có đợt vượt giới hạn đến 231 lần. Tuy nhiên, phía Công ty NP không công nhận các kết quả quan trắc của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Bởi vậy, năm 2016, UBND tỉnh Thái Nguyên đã đề nghị Chính phủ, Bộ TN&MT vào cuộc xem xét cụ thể. Theo đó, từ ngày 28/9/2016 Bộ TN&MT đã chính thức thực hiện hoạt động thanh tra toàn diện Dự án NP với thời hạn thanh tra trong 45 ngày.

Ngày 4/5/2017, Bộ TN&MT đã chính thức có Kết luận thanh tra. Trong đó chỉ ra 4 vi phạm và tồn tại của NP. Đáng chú ý là một số vi phạm, tồn tại về chấp hành pháp luật về đất đai, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường, cụ thể như: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn chậm so với kế hoạch đề ra; đã thực hiện 01 giếng khoan DW05 và 02 hố thu nước để phục vụ khống chế mực nước xuất lộ vào khu vực dân cư xóm 6 và bơm trở về hồ chứa LR40 để xử lý nhưng chưa có nghiên cứu, đánh giá cụ thể về ảnh hưởng của việc khoan giếng và 02 hố thu nêu trên đến môi trường nước dưới đất, đặc biệt là khả năng nước xuất lộ có chứa các thông số ô nhiễm có thể xâm nhập vào nguồn nước ngầm cũng như chưa có Giấy phép hoặc chấp thuận của cơ quan có chức năng về việc này; Công ty NP chưa lắp đặt hệ thống xử lý nước thải cục bộ trước khi thải ra các hồ lắng quặng đuôi; sử dụng các hồ lắng là các ao, hồ, hố đất tự nhiên chưa được lót đáy đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu về kỹ thuật và đảm bảo nước thải không thấm vào môi trường đất, nước ngầm theo quy định; chưa lắp đặt thiết bị, hệ thống quan trắc nước thải và khí thải tự động, liên tục theo quy định; làm phát tán hơi dung môi hữu cơ, hóa chất đặc trưng trong quá trình tuyển, chế biến khoáng sản…

Đồng thời, trong Kết luận thanh tra, Bộ TN&MT cũng yêu cầu công ty NP phải có những biện pháp xử lý khắc phục các vấn đề trên: Yêu cầu Công ty NP khẩn trương làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan có liên quan để có kế hoạch, lộ trình cụ thể về việc đền bù, hỗ trợ tái định cư và di dân ra khỏi khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng của bụi phát tán từ Trạm nghiền và mùi thuốc tuyển từ nhà máy chế biến khoáng sản NP một cách phù hợp, đặc biệt là các hộ dân thuộc xóm 3 và 4 xã Hà Thượng. Bán kính khu vực đền bù và di dân là 500m theo báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt, tính từ hàng rào khu vực Trạm nghiền và nhà máy chế biến khoáng sản NP; Yêu cầu Công ty NP phải cải tạo nâng cấp và xây dựng các công trình xử lý chất thải theo đúng quy định về bảo vệ môi trường và pháp luật về xây dựng như: các ao, hồ lắng (PTP, PSRP), hồ chứa quặng đuôi (OTC, STC)…, tháo bỏ các hệ thống máy bơm, đường ống có thể bơm xả nước thải trực tiếp không qua xử lý ra môi trường; có lộ trình khắc phục và thực hiện ngay việc đánh giá, quan trắc, giám sát thường xuyên hoặc tự động liên tục đối với chất lượng nước ngầm ở xung quanh các hồ chứa, các khu dân cư (đặc biệt là khu vực xóm 6, xã Hà Thượng) để có giải pháp, phương án xử lý phù hợp…

Không chịu được ảnh hưởng từ hoạt động của Dự án, nên một số hộ dân xóm 3, 4 dù chưa được đền bù nhưng đã bỏ lại nhà cửa, đi nơi khác ở.

Ngày 07/7/2017, Bộ TN&MT, Sở TN&MT, UBND huyện Đại Từ đã tổ chức Hội nghị Thông tin kết quả thanh tra tới các ban ngành liên quan, UBND xã Hà Thượng và đại diện nhân dân các xóm 2, 3, 4, 6 của xã. Có được Kết luận thanh tra, những bức xúc dồn nén bấy lâu của nhân dân các xóm được giải tỏa, nhìn chung bà con đã an lòng hơn.

Vẫn khó tìm được tiếng nói chung

Sau Hội nghị thông tin kết quả thanh tra, ngày 22/8/2017, Công ty NP đã có Kế hoạch thực hiện công tác BT, GPMB đối với các hộ có nhà cần di chuyển trong phạm vi bán kính 500m tính từ hàng rào khu trạm nghiền và hàng rào Nhà máy chế biến khoáng sản NP, tại các xóm 2, 3, 4 xã Hà Thượng. Theo Kế hoạch, có 55 hộ thuộc hai xóm 3 và 4 được BT, GPMB trong năm 2017 và 193 hộ (trong đó có 167 hộ thuộc xóm 3, xóm 4 và 26 hộ thuộc xóm 2) được BT, GPMB xong trong năm 2018.

Tuy nhiên, trong Kế hoạch, Công ty NP đề nghị triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân theo 6 nguyên tắc, trong đó có 2 nguyên tắc: “Chỉ bồi thường đất ở và đất vườn cùng thửa với đất ở và di chuyển dân; không thu hồi, không bồi thường đối với đất nông nghiệp” và “Không bồi thường, hỗ trợ cho tài sản do các hộ dân đầu tư đón bồi thường (các hạng mục xây mới đã được đơn vị kiểm đếm và các hộ xác nhận trong biên bản kiểm đếm)”. Đây là hai điểm chưa nhận được đồng thuận từ phía các hộ dân chịu ảnh hưởng xóm 3, xóm 4 và chính quyền xã Hà Thượng.

Được biết, tổng diện tích đất nông nghiệp hai xóm 3 và 4 là 40,15ha trong đó có 9,39 ha đất nông nghiệp xen kẹp khu dân cư và 30,76ha đất nông nghiệp tập trung (với 12,2ha diện tích đất chè, rừng; 18,56ha đất lúa). UBND xã Hà Thượng xác định sau khi BT, GPMB các hộ dân xóm 3, xóm 4, việc canh tác sản xuất trên các diện tích đất nông nghiệp trên là không phù hợp. Chính quyền xã đã chỉ ra 4 lý do cụ thể: Thứ nhất, các hộ dân sẽ không ở tập trung tái định cư một chỗ theo Dự án bố trí quy hoạch, có thể tự lo tái định cư ở khắp nơi gây khó khăn cho việc canh tác, sản xuất nông nghiệp tại khu đồng xóm 3, 4. Thứ hai, nếu tái định cư tại khu Đồng Bông Dự án NP thì cách xa khoảng 2,5km không thuận tiện cho canh tác sản xuất, bảo vệ tài sản hoa mầu của các hộ dân. Thứ ba, việc sản xuất từ khi có Dự án NP triển khai thi công làm mất nguồn nước tưới tiêu cho các diện tích đất nông nghiệp trên, gây khó khăn cho nhân dân. Nhân dân phải phụ thuộc vào nguồn nước bơm, tưới của Công ty NP nhưng Công ty bơm nước phục vụ không đảm bảo thời vụ và chất lượng nước cho hoạt động sản xuất cây lương thực. Thứ tư, khói, bụi, tiếng ồn, mùi hóa chất... trong hoạt động sản xuất của Dự án gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sản lượng lương thực... (Thực tế ảnh hưởng này đã được chứng minh khi hàng năm Công ty NP vẫn chi trả hỗ trợ sản lượng chè, lúa cho các diện tích bị ảnh hưởng từ Dự án).

Công ty Núi Pháo trồng cây xanh nhằm chặn bụi, giảm thiểu phát tán và chống xói mòn đất.

Ông Phạm Văn Định, trưởng xóm 3 cho biết: Bà con nhân dân ai cũng ý kiến “Đất nông nghiệp là tài sản để chúng tôi sinh sống. Giả sử NP có đền bù tái định cư ở khu Bãi Bông, cách chỗ đất nông nghiệp 2,5km. Chúng tôi đang ở đây lại cho chúng tôi về dưới kia, chúng tôi đi lại canh tác, Công ty NP có hỗ trợ chúng tôi không? Nếu có thì được bao nhiêu, như thế nào?”. Nếu có thì được bao nhiêu, như thế nào?”.

Đấy là về đề nghị không thu hồi, bồi thường đối với đất nông nghiệp, còn với quan điểm không bồi thường, hỗ trợ cho tài sản do các hộ dân đầu tư đón bồi thường của Công ty NP, ông Định cho biết thêm: Cũng vì cái chuyện “mới mới cũ cũ” mà dân và NP bất đồng. Dân bảo: “Chúng tôi xây cái này tính chất là làm ăn chứ nghĩ gì đến chuyện đền bù. Căn cứ vào đâu mà bảo cái này cũ, cái này mới, cái này không tính?”.

Về việc này, phía Công ty, ông Vũ Hồng, Phó Tổng giám đốc cũng đưa ra quan điểm: “Thứ nhất, Công ty có bằng chứng chứng minh là dân không bao giờ có nhu cầu sử dụng những công trình đấy. Như một gia đình có 36 phòng trọ mà 36 phòng ấy không bao giờ có người ở thì không thể chứng minh được đó là việc họ cần. Thứ hai là xây dựng rồi, kiểm đếm xong lại dỡ đi chuyển sang nhà khác ngay, cái đó đều có ghi hình hết cả. Thứ ba, Công ty rất nhiều lần có công văn đến tỉnh, huyện, xã đề nghị phải dừng ngay việc bà con đang cơi nới đón đền bù, nhưng chính quyền không có biện pháp gì”.

Khi được hỏi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Hà Thượng cho hay: “Người dân xây dựng đúng là vào thời điểm 2012, 2013 nhưng mà khi đấy công ty NP chưa có một kế hoạch gì thu hồi đất. Đồng ý cái chữ là “đón bồi thường”, các sở ban ngành cũng thống nhất xây đón là có, nhưng theo luật thì dân không sai, vì Công ty đã có kế hoạch sử dụng đất của dân đâu.”

Xem ra, việc giải quyết các bất đồng này vẫn còn tốn khá nhiều thời gian và công sức của các bên cho đến khi có thể đồng thuận một giải pháp phù hợp.

Phương án BT, GPMB: chậm tiến độTại Kỳ họp lần thứ 5 HĐND tỉnh khóa XIII, trước chất vấn của đại biểu về kế hoạch, lộ trình di dời các hộ dân thuộc xóm 3 , 4 theo Kết luận của thanh tra, đồng chí Nhữ Văn Tâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời: “ UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT, UBND huyện Đại Từ, các cơ quan liên quan tổ chức họp và thống nhất yêu cầu Công ty NP phải bố trí đủ kinh phí di dời tất cả các hộ trong vòng 2 năm 2017 - 2018”.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, sau khi có Kết luận thanh tra, Sở TN&MT, các sở ban ngành, công ty NP, huyện Đại Từ và xã Hà Thượng đã có 5 cuộc họp nhằm tham mưu và đề xuất ý kiến cho tỉnh. Các cuộc họp đều thống nhất đề nghị tỉnh xin cơ chế vận dụng kết quả kiểm đếm từ năm 2012 - 2013 hoặc tiến hành kiểm đếm mới (tức là hộ nào đồng ý theo kết quả kiếm đếm 2012 - 2013 thì lập hồ sơ, chi trả đền bù; hộ nào không đồng ý thì tiến hành kiểm đếm mới theo thời điểm bây giờ).

Về phía Công ty NP đã có Kế hoạch thực hiện công tác BT, GPMB tại xóm 2, 3, 4 xã Hà Thượng (như đã nói ở trên)  theo đúng lộ trình 2 năm 2017 - 2018; nhất trí bồi thường theo cả hai phương án kiểm đếm mới và cũ; và đã chuẩn bị kinh phí gần 80 tỷ đồng cho việc BT, GPMB. Về phía người dân đã có sự đồng thuận cao, chỉ mong đẩy nhanh tiến độ di dời. Tuy nhiên cho đến thời điểm bây giờ, khi chỉ còn hơn 2 tháng nữa là hết năm 2017 (theo Kế hoạch có 55 hộ được di dời trong năm 2017) thì vẫn chưa có văn bản chỉ đạo của tỉnh cho việc thu hồi đất.

Phó Tổng giám đốc Công ty NP cho biết: “Để di chuyển dân thì phải thực hiện theo luật. Tức là tỉnh phải quyết định về chủ trương, huyện phải ra quyết định thu hồi đất rồi phải kiếm đếm, v.v... Chưa có văn bản chính thức về chủ trương thu hồi đất cho nên bây giờ chưa triển khai thực hiện công tác BT, GPMB được”.

Chủ tịch UBND xã Hà Thượng bày tỏ: “Không biết vì lí do gì mà tỉnh chưa ra được văn bản chỉ đạo. Có lẽ vướng mắc ở chỗ một dự án không thể có hai phương án kiểm đếm. Nếu bồi thường theo cách kiểm đếm cũ (2012 - 2013) thì nhanh gọn nhưng rất sợ sau này người dân quay lại khiếu nại, vì thời điểm đó chưa có thông báo thu hồi đất đã tiến hành kiểm đếm. Còn nếu tiến hành kiểm đếm mới tại thời điểm bây giờ, người dân được lợi là cây cối lớn lên, nhưng thiệt hại là tài sản đã chuyển đi hay hỏng hóc, xuống cấp bao nhiêu năm nay không được tu bổ, sữa chữa. Kiểm đếm mới thì phải mất thêm thời gian, công tác BT, GPMB vì thế càng chậm trong khi bà con rất sốt ruột, muốn đẩy nhanh tiến độ di dời”. Chủ tịch xã cũng đưa ra quan điểm của mình: “Nên kiểm đếm mới để tránh việc khiếu nại sau này.”

Hỏi về nguyện vọng của bà con, bà Hoàng Thị Nga, Bí thư chi bộ xóm 4 chia sẻ: “Bà con, ai cũng muốn được đi càng sớm càng tốt. Ý nguyện của bà con là muốn đẩy nhanh tiến độ GPMB vì vấn đề này lâu quá rồi, từ năm 2013 mà giờ đã là 2017, hơn 4 năm rồi.” Bà Nga cũng thẳng thắn bày tỏ: “NP đã sẵn sàng tiền để đền bù, còn quyết định thu hồi đất từng bước như thế nào là do chính quyền nhưng mà vào cuộc hơi chậm. Tháng 7 công bố Kết luận thanh tra, tháng 8 cắm mốc, tháng 10 mới bắt đầu họp bàn giá đất. Đến bây giờ nghe nói 55 hộ được đi, nhưng giấy trắng mực đen đóng dấu đỏ thì chưa hề có. Bây giờ đã là tháng 10 rồi, còn hơn hai tháng nữa, liệu cái chuyện này có thực hiện được không? Nếu không thực hiện được kịp thời, chỉ e dân mất lòng tin hết!”

Nhóm P.V

Kỳ 2: Vẫn còn đó một Xóm 6 bất an

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước