Núi Pháo sau Kết luận thanh tra (Kỳ 2): Vẫn còn đó một xóm 6 bất an
VNTN - Sau Kết luận thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), việc đền bù, di dời các hộ dân xóm 2, 3, 4 xã Hà Thượng bị ảnh hưởng từ Dự án khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo (NP) dù vẫn còn một vài “nút thắt” nhưng về cơ bản đã được chuyển biến theo hướng tích cực. Tuy nhiên vẫn còn đó một xóm 6 đang ngày ngày phải gánh chịu ảnh hưởng của Dự án, bà con nơi đây luôn sống trong nơm nớp lo âu.
“Tiếng kêu cứu” của người dân xóm 6
“Thực ra xóm 6 còn nguy hiểm hơn các xóm 2, 3, 4 vì nó sát chân đập xả thải chứa nhiều loại hóa chất có thể ngấm xuống mạch nước ngầm. Giờ nước ngấm ra suốt ngày đêm ở nhiều nơi trong xóm rồi!”, môt lãnh đạo xã Hà Thượng cho hay.
Vườn tược, ao nước, cống rãnh xóm 6 xã Hà Thượng bị ảnh hưởng bởi nước xuất lộ từ đập xả thải
Xóm 6 (xã Hà Thượng) nằm dọc hai bên quốc lộ 37, gồm 3 khu: Hang Hùm, Hang Rắn, Gò Ranh. Dù được nghe phản ánh nhiều nhưng chỉ khi trực tiếp đến khu Hang Hùm (nằm sát chân đập chứa thải của Công ty NP), chúng tôi mới cảm nhận chân thực nhất về hiện trạng ở đây. Vừa đặt chân đến khu, sực lên mũi là thứ mùi lạ, khó ngửi. Hỏi người dân, họ bảo: “Mùi hóa chất đấy! Ngày nắng nó bốc lên cao còn đỡ, chứ ngày mưa như này, không khí ẩm thấp nó không bay lên được, cứ nồng nặc khắp xóm!”. Không chỉ khó chịu bởi mùi mà những vũng nước vàng đọng váng liên tục hiện ra trước mắt. Hai con rạch nhỏ dọc tuyến đường liên xóm, nước nhìn có vẻ trong nhưng dòng chảy đến đâu, đọng váng màu vàng sẫm đến đó. Nước đọng váng khắp các con hẻm, cửa nhà rồi đến cả vườn tược; ao nước cũng nhuộm một màu vàng.
Nhà bà Nguyễn Thúy Nhinh (56 tuổi) bị nước chảy qua móng nhà, tràn ra sân, trẻ con trơn ngã, gia đình bà phải xây gờ chắn nước, lắp đường ống từ sau nhà dẫn nước thoát đi. Vườn tược ngập úng, nhà bà cố gắng đào mương thoát nước nhưng cũng chẳng ích gì. Bà Nhinh than thở: “Ngày xưa đào giếng phải 10-11m mới có nước, mùa khô không đủ nước ăn còn phải đi xin. Giờ thì nước chảy ra từ khắp nơi, chảy liên tục quanh năm suốt tháng. Nước ngập mặt đất, giếng đầy lên tới miệng, vườn tược ngập úng trồng cây gì cũng chết!”.
Bà Nguyễn Thị Thạch (74 tuổi), nhà sát chân đập đưa chúng tôi ra sau nhà, nơi có những cây vải chết khô, cây chè ngập nước thối rữa, cây cọ úng nước chờ chết, mà ngậm ngùi: “Bãi chè của nhà tôi đấy. Trước đây tươi tốt lắm, bây giờ nước chảy suốt ngày đêm, thành cái ruộng thụt. Chẳng biết trong nước có chất độc gì mà nước vàng khè, chẳng cây gì sống nổi, người lội xuống cũng bị ngứa hết chân!”.
Tiếp lời mẹ, anh Hoàng Văn Tuấn (40 tuổi) cho biết: “Trồng cây không được, nuôi gà thả vịt cũng không xong vì chúng uống nước quanh đây đều chết hết.” Dứt lời, anh lại dẫn chúng tôi ra ao cạnh nhà, nước một màu đục vàng mà bảo: “Cá thả nhiều lắm nhưng mà chết hết, đến trê lai cũng nổi, chỉ mỗi rô phi là cự được lâu nhất. Nhưng mà nuôi mãi chẳng thấy lớn, chỉ thấy đầu cứ to phè ra, nhà sợ cũng chả dám ăn!”.
Xả nước giếng khoan rửa mặt mũi, chân tay, chúng tôi ngửi rõ trong nước có mùi khét như dây điện cháy. Anh Tuấn cho biết: Đây là thứ nước gia đình anh cũng như bà con ở đây, ngoại trừ không dùng để ăn thì vẫn phải sử dụng cho các sinh hoạt hàng ngày. Dùng nước này tắm xong, người bị ám mùi, ngứa ngáy.
Gia đình ông Hoàng Văn Khuê - bà Nguyễn Thị Thạch ngày ngày sống trong nỗi lo lắng cho tương lai của gia đình
Ngoài đường, ba, bốn đứa trẻ đang vô tư nô đùa, thỉnh thoảng lại thấy gãi tay chân. Lại gần, chúng tôi thấy tay chân bọn trẻ đầy những nốt mụn li ti, mẩn đỏ hay những vết gãi bật máu, rỉ nước. Chị Nguyễn Thị Vân (33 tuổi) chỉ cho chúng tôi những nốt mụn khắp người, chủ yếu ở tay chân của con gái Hoàng Bảo Châu (hơn 2 tuổi), bảo: “Không dám tắm cho trẻ con bằng nguồn nước ở đây. Nhưng trẻ con nó hiếu động nghịch nước suốt lại cộng thêm nghịch bẩn chẳng đủ nước sạch nên nhiều lúc vẫn rửa ráy tạm bằng nước này. Chỉ khổ, giờ nó bị mụn, ngứa ngáy, bắt gãi suốt ngày”.
Không phải chịu cảnh nước rỉ rích khắp nhà cửa, vườn tược do ngấm nước ở chân đập chứa thải như khu Hang Hùm, nhưng khu Hang Rắn và Gò Ranh cũng phải chịu những ảnh hưởng về bụi phát tán và nguồn nước xả thải đổ ra suối.
Nói về ảnh hưởng của bụi, ông Hầu Xuân Thủy (50 tuổi) chỉ tay: “Bụi nó thế nào thì cứ nhìn đám lá chuối với nóc cái máy giặt bụi phủ đen kịt kia kìa. Ngày trước mỏ chưa về thì không bị bụi nặng nề như này.” Khi được hỏi ảnh hưởng về nguồn nước, ông Thủy mở ngay bình lọc nước của gia đình, chỉ cho chúng tôi thấy những quả lọc bị bám đen, bức xúc: “Cái máy lọc nhà tôi, trước đây tối thiểu 6 tháng mới phải thay quả lọc, nhưng bây giờ chỉ tầm 20 ngày hoặc 2 tuần đã đen sì không dám cả ăn, gia đình phải đi mua nước về ăn lâu lắm rồi!”.
Trưởng xóm 6, bà Chu Thị Hoa cho biết: “Mỗi lần xả đều có công văn là đủ tiêu chuẩn cho phép, nhưng thực tế là mùi thối, khó chịu vô cùng. Họ bảo đó là axit béo không ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng mà dân không chịu được vì nó thối, cay hết mắt mũi, phải bịt khẩu trang, đóng kín nhà cửa, khổ lắm!”.
Những quan điểm và động thái của Công ty Núi Pháo
Trao đổi về những vấn đề liên quan đến hoạt động của Dự án ảnh hưởng đến môi trường và tài nguyên nước, ông Vũ Hồng, Phó tổng giám đốc Công ty NP bày tỏ: “Dự án của mình không thể nói là không ảnh hưởng được, vấn đề ở đây là nhận diện cái ảnh hưởng là gì, sau đó là tìm cách để giảm thiểu. Nhưng chỉ có cố gắng quản trị và giảm thiểu theo nguyên tắc đạt tiêu chuẩn nhà nước quy định. Ví dụ về nước xả thải, yêu cầu nước xả là nước tiêu chuẩn công nghiệp thì Công ty sẽ quản trị cái này. Nó có mùi, nhưng cái mùi này chấp nhận được ở nước xả công nghiệp thì là được”.
Khi được hỏi điều này bất đồng với quan điểm của người dân, ông Vũ Hồng cho hay: “Tạm gọi là bất đồng quan điểm về môi trường. Bất đồng ấy là giữa một bên làm theo chuẩn mực kỹ thuật khoa học, một bên gọi dân dã là “cảm giác bị ảnh hưởng”. Người chứng minh, trọng tài là Bộ. Khi đoàn thanh tra của Bộ TN&MT đến lấy tất cả các vị trí theo dân và xã đề nghị, lấy ở rất nhiều thời điểm khác nhau, kết quả công bố đều đạt tiêu chuẩn cho phép”.
Tuy nhiên, theo Kết luận thanh tra, Công ty NP vẫn có một số sai phạm và tồn tại liên quan tới lĩnh vực môi trường và tài nguyên nước. Thực hiện yêu cầu Kết luận thanh tra, phía Công ty cho biết: hiện Công ty đang tiếp tục nâng cấp và cải tiến kỹ thuật cho các công trình bảo vệ môi trường hiện hành, tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường; Cải tạo, nâng cấp các kho lưu trữ chất thải nguy hại (CTNH) hiện hữu và hoàn thành nhà chứa CTNH mới vào tháng 7 vừa qua; Lắp đặt hệ thống xử lý nước thải cục bộ trước khi xả ra các hồ lắng đuôi quặng, như: sử dụng vôi để kiểm soát pH nhằm hạn chế hòa tan kim loại nặng tại các hồ chuyển tiếp trước khi bơm về đập thải STC (đập thải đuôi quặng Sulphure); áp dụng các biện pháp xử lý sinh học bằng thực vật kết hợp với với hệ thống sục khí, phun nước làm thoáng bề mặt nước thải tại các hồ chuyển tiếp trước khi bơm về trạm xử lý nước thải; thi công các thác làm thoáng nước thải tại đập OTC (đập thải đuôi quặng Oxide), STC kết hợp với hệ thống bơm định lượng hóa chất để xử lý sơ bộ nước thải trước khi bơm về trạm xử lý nước xả thải.
Riêng về xóm 6, phía công ty NP cho hay đã phối hợp với cơ quan chuyên môn, UBND huyện/xã thực hiện các chương trình quan trắc, đánh giá mực nước, chất lượng nước ngầm tại khu vực từ tháng 2/2016 và đến nay vẫn đang tiếp tục. Theo kết quả từ phía Công ty, các chỉ số quan trắc cho thấy chất lượng nước ngầm mang đặc tính nước ngầm trong khu vực, không có sự khác biệt so với trước đây.
Công ty NP đưa ra quan điểm: “Đặc điểm môi trường nền của xóm 6 là môi trường rất ô nhiễm, chính vì thế trong khi chờ xem kết luận có phải do nước của NP không thì Công ty đã chủ động cấp nước sạch và hỗ trợ hoa màu bị ảnh hưởng cho dân”. Ông Vũ Hồng cũng nói rõ thêm: “Công ty sẵn sàng làm những việc đó gọi là hỗ trợ chứ không phải là trách nhiệm phải đền bù. Vì từ trước tới giờ, phía Công ty vẫn làm nhiều việc cộng đồng như thế”.
Được biết, kể từ đầu năm đến hết tháng 7/2017, Công ty đã cấp gần 7000 nước đóng bình với kinh phí trên 80 triệu đồng cho 31 hộ dân xóm 6 (những hộ bị ảnh hưởng nhất) với mức 5L/người/ngày. Đợt II (từ tháng 8 đến nay), Công ty cấp miễn phí téc đựng nước (Inox loại 1000L) cho các hộ dân trên, tăng định mức nước hỗ trợ lên 10L/người/ngày và mở rộng chương trình hộ trợ thêm 16 hộ dân với mức 5L/người/ngày.
Công ty Núi Pháo hỗ trước nước sạch cho người dân xóm 6 (Ảnh NP cung cấp)
Tuy nhiên, xóm 6 hiện có 141 hộ, nghĩa là chỉ có 1/3 hộ dân của xóm được Công ty hỗ trợ nước sạch và với người dân được cấp nước, đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Nhiều hộ dân than rằng: “Nước được cấp chỉ đủ để nấu ăn với đun nước, còn rửa rau, tắm rửa thì vẫn phải dùng nước giếng khơi hay giếng khoan của nhà đang bị ô nhiễm”.
Cùng với hỗ trợ nước sạch, người dân xóm 6 cũng được Công ty hỗ trợ cho hoa màu bị ảnh hưởng. Song, với quan điểm là hỗ trợ không phải đền bù nên so với thiệt hại, số tiền người dân được hỗ trợ chỉ là một phần nhỏ. Như bãi chè nhà bà Nguyễn Thị Thạch được hỗ trợ 11 triệu đồng trong khi bà cho biết bãi chè cho thu hoạch cũng đã được 11 triệu mỗi năm; vườn rau và cây ăn quả của nhà bà Nguyễn Thúy Nhinh tổng hỗ trợ cho 10 cây rau ngót, 20 cây dứa, 3 cây chuối, 2 cây nhãn lồng, và các cây hồng xiêm, na, roi, đào bị chết chỉ là gần 1,5 triệu đồng.
Cần sự vào cuộc mới từ các cơ quan chức năng
Trong văn bản báo cáo số 147/BC-UBND ngày 14/7/2016 của UBND tỉnh gửi Bộ TN&MT có nội dung: Theo kết quả quan trắc môi trường do Sở TN&MT phối hợp với Công ty NP thực hiện định kỳ cho thấy trong nước thải ra môi trường của Công ty và suối Cát (nguồn tiếp nhận nước thải) đã bị ô nhiễm kim loại nặng và hóa chất. Hàm lượng Asen, Sắt, Thủy ngân, Flo, tổng Xyanua (tên gọi các hóa chất cực độc) đã vượt giới hạn cho phép. Cụ thể: Trong nước thải từ nhà máy (tại đập Khe Vối) đã phát hiện tổng Xyanua vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần, cá biệt có đợt vượt giới hạn đến 231 lần (năm 2014); Trong nước mặt suối Cát tiếp nhận nước thải của Công ty NP đã phát hiện Xyanua vượt giới hạn cho phép đối với nước mặt từ 30 - 217 lần; Kết quả phân tích nước xuất lộ trong khu đất nhà dân xóm 6 (xã Hà Thượng) có hàm lượng sắt, Mangan cao vượt tiêu chuẩn cho phép 2-5 lần; Đêm ngày 29 rạng ngày 30/6/2016, tại khu vực Trạm xử lý nước thải của Công ty NP có những hệ thống đường ống xả nước thải không qua Trạm xử lý nước thải ra môi trường, kết quả phân tích đã phát hiện hàm lượng Xyanua vượt quy chuẩn 32 lần, với lưu lượng trên 10.000 m3.
Ông Hoàng Văn Làu và các tài liệu, đơn từ của nhân dân xóm 6
Cũng tại văn bản này, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ TN&MT đánh giá tổng thể lại các tác động ảnh hưởng đến môi trường, xác định khoảng cách, phạm vi an toàn môi trường để yêu cầu Công ty NP thực hiện phương án thu hồi đất, di dời dân tại khu vực xóm 3, 4, 6 và các khu vực khác tại xã Hà Thượng phục vụ xây dựng công trình phụ trợ, hành lang bảo vệ môi trường của Dự án, đảm bảo không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong quá trình hoạt động khai thác, chế biến của Công ty.
Theo đề nghị của UBND tỉnh, từ 28/9/2016 Bộ TN&MT đã tiến hành thanh tra toàn diện các hoạt động của Công ty NP, ngày 27/4/2017 đã ban hành Kết luận số 2065/KL-BTNM. Theo nội dung Kết luận, trong nước ngầm quanh khu vực NP có thông số môi trường vượt tiêu chuẩn, do vậy Bộ đã yêu cầu Công ty phải thực hiện quan trắc giám sát thường xuyên môi trường nước ngầm quanh các khu vực hồ chứa và tại các khu dân cư, đồng thời phải có các biện pháp kỹ thuật đối với hồ đập để khắc phục tình trạng trên. Kết luận cũng đánh giá nước xuất lộ tại khu vực xóm 6 có khả năng chứa các thông số ô nhiễm có thể ngấm xuống mạch nước ngầm và yêu cầu công ty NP tiếp tục quan trắc đối với chất lượng nước ngầm ở khu vực này để có giải pháp, phương án xử lý phù hợp.
Tuy nhiên, phương án thu hồi đất, di dời dân xóm 6 không được đặt ra như với xóm 3, 4.
Hỏi về mong mỏi, nguyện vọng của người dân xóm 6, hầu hết những câu trả lời mà chúng tôi nhận được đều mang tâm tư, nỗi niềm giống nhau: “Như thế này thì chẳng sống, chẳng ở được; con vật nuôi cũng chết dần chết mòn, cây cối không lên được. Dù các cấp và Công ty NP vẫn đang thực hiện các biện pháp xác định nguyên nhân và khắc phục nhưng rất chậm. Dân chỉ mong sao sớm giải quyết được dứt điểm để dân yên tâm sinh sống. Nếu không thể thì mong sớm được di dời đi chỗ khác giống xóm 2, 3, 4, dành đất cho mỏ hoạt động. Chứ để như này thì dân khổ quá!”.
Lưu giữ rất nhiều văn bản, đơn thư, kiến nghị liên quan tới hoạt động của Dự án NP gây ảnh hưởng tới môi trường và đời sống người dân, cũng là một trong bốn đại diện được các hộ dân xóm 6 ủy quyền lập đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền, ông Hoàng Văn Làu (57 tuổi) chia sẻ: “Ngoài những đơn thư gửi các cấp chính quyền trong tỉnh, chúng tôi cũng đã hai lần lên tận Trung ương, gửi đơn kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ TN&MT. Chừng nào người dân chúng tôi còn phải sống trong ô nhiễm, chừng ấy chúng tôi vẫn tiếp tục gửi đơn thư kiến nghị đến cùng”.
***
Về với xóm 6 (xã Hà Thượng) sẽ thấy thực cảnh hơn 540 con người phải sống trong cảnh ô nhiễm, nỗi bất an về cuộc sống thực tại và biết bao hoang mang, lo sợ cho tương lai của con cháu họ. Chúng tôi ám ảnh mãi giọng nói nghèn nghẹn của bà Đào Thị Lâm 67 tuổi: “Chúng tôi già rồi thì thôi, nhưng xin hãy cứu lấy lũ trẻ!”. Tiếng kêu cứu này có thấu hay không, phụ thuộc sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp các ngành, của những người có trách nhiệm cao hơn nữa với dân
Nhóm PV
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...