Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
23:22 (GMT +7)

Nông nghiệp Thái Nguyên: kỳ vọng từ hai đề án lớn

VNTN -  “Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” và “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2020 là 2 đề án về nông nghiệp sẽ được HĐND tỉnh thông qua trong kì họp này. Chúng được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn “sinh khí” mới cho nền nông nghiệp tỉnh ta - dù có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng hiện nay chưa phát triển xứng tầm, thậm chí đang dần bị “thụt lùi”. 

Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia (Thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ) - Một điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Thái Nguyên

Không thể tiếp tục “thụt lùi”

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một hợp phần của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước, gắn với phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013: Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Một trong những quan điểm của Đề án là tăng cường sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, xã hội từ trung ương đến địa phương trong quá trình tái cơ cấu ngành; đẩy mạnh phát triển đối tác công tư và cơ chế đồng quản lý, phát huy vai trò của các tổ chức cộng đồng. Nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ, thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn.

Theo quyết định trên của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 1384/QĐ-BNN KH ngày 18/6/2013 thực hiện Chương trình Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Ngay sau đó, nhiều tỉnh trong nước đã thực hiện xây dựng đề án áp dụng phù hợp với địa phương mình. Ngày 06 tháng 10 năm 2015, trước tình trạng trong quá trình thực hiện Đề án còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém: triển khai thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành chưa đồng bộ, chưa quyết liệt; nhận thức về tái cơ cấu còn chậm, chưa đầy đủ ở nhiều nơi… Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các động thái trên cho thấy vấn đề này đã và đang được Chính phủ, Bộ NN&PTNT quan tâm, kiên quyết thực hiện.

Trong khi các đề án của Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã chính thức được ban hành 4 năm, nhiều tỉnh lân cận (Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ) đã tổ chức sơ kết 2, 3 năm thực hiện Đề án, những kết quả đạt được và đúc rút kinh nghiệm cho giai đoạn tiếp theo… thì tỉnh Thái Nguyên từ đó đến nay vẫn chưa có nhiều động thái để triển khai mạnh mẽ, quyết liệt. Những chủ trương, chính sách tái cơ cấu nông nghiệp được kỳ vọng sẽ đem lại sự đổi đời cho hơn 70% dân số Thái Nguyên vẫn lúng túng, vướng mắc ngay từ ngành chủ quản, mãi vẫn chưa thể đi vào đời sống.  Dù đã có những cuộc hội thảo, hội nghị để thảo luận, xây dựng phương án cụ thể hoàn thiện đề án nhưng tiến độ thật sự là chậm. Phải chờ đến Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XIII (được tổ chức từ ngày 16/5/2017 đến 18/5/2017), đề án này mới được UBND tỉnh trình lên để chính thức thông qua.

Thái Nguyên có điều kiện về tự nhiên, vị trí địa lý, kinh tế, xã hội thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Những năm qua tỉnh đã phát huy tiềm năng, lợi thế, tranh thủ nhiều nguồn lực đầu tư, sản xuất nông nghiệp và đã đạt được một số kết quả tích cực. Nhưng vẫn còn đó nhiều tồn tại, hạn chế so với yêu cầu của thời kỳ mới và ngày càng bị nhiều tỉnh trong khu vực “vượt mặt”. Quy mô sản xuất nhỏ, chất lượng sản phẩm chưa cao, ít sản phẩm chế biến sâu, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp; việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến còn hạn chế; năng suất lao động và giá trị sản xuất nông nghiệp thấp so với ngành khác (Giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt trong năm 2016 chỉ đạt mức tăng trưởng 0,34% so với năm 2015); sản lượng tuy lớn nhưng chất lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh thấp; công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; thu nhập và đời sống của người dân nông thôn còn thấp… Tất cả những hạn chế này quả thật không tương xứng chút nào với một Thái Nguyên giàu thế mạnh tiềm năng.

Sẽ nhiều thách thức

Cùng với đề án “Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, tại kỳ họp HĐND tỉnh tới đây, UBND tỉnh cũng sẽ trình lên đề án “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC)” của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2020. Đề án gồm những nội dung, chính sách thiết thực, cụ thể: Quy hoạch bố trí sử dụng đất đai cho các dự án nông nghiệp CNC; các giải pháp về nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ, quy trình ứng dụng CNC trong sản xuất; các giải pháp về cơ chế, chính sách, vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC; thu hút các công ty thu mua bao tiêu sản phẩm nông sản; việc liên kết giữa “4 nhà”: nhà nước, nhà khoa học, nông dân, doanh nghiệp đặc biệt được chú trọng và phát huy…

Việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp không phải bây giờ mới được thực hiện mà đã được các hộ sản xuất, doanh nghiệp từng bước áp dụng từ lâu. Những điểm sáng trong tỉnh có thể kể đến Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia (Thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ); Khu Nông nghiệp CNC đầu tiên của tỉnh tại xã Tiên Phong (thị xã Phổ Yên) do Chính phủ đầu tư xây dựng thí điểm ngoài các điểm sáng trên thì hầu hết việc áp dụng CNC còn ở mức thấp, mô hình trình diễn, (chỉ là các mô hình lồng ghép trong các nhiệm vụ trình diễn công nghệ kỹ thuật của một số đơn vị, sau đó có sức lan tỏa được doanh nghiệp và nông dân ứng dụng chứ nhà nước không đầu tư xây dựng các mô hình này một cách đại trà), quy mô nhỏ, chỉ là mang “bóng dáng” của CNC và chủ yếu là mang tính tự phát. Nhìn chung, nông nghiệp CNC ở Thái Nguyên mới chỉ ở mức “xuất phát điểm”.

Đầu tư vào nông nghiệp đòi hỏi thời gian đầu tư dài hạn, khả năng rủi ro cao, đặc biệt là đầu ra của sản phẩm, khả năng tiêu thụ phụ thuộc vào biến động của thị trường trong nước và quốc tế, hay gặp tình trạng được mùa, mất giá, thiên tai phá hoại, ngoài ra còn một loạt các vấn đề công nghiệp, kỹ thuật canh tác, cây con giống… Đối với nông nghiệp CNC lại càng đòi hỏi nhiều yêu cầu hơn như vốn lớn, dài vốn, máy móc thiết bị hiện đại và phù hợp, mặt khác phải chọn đối tượng cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, giá bán cao, khó cạnh tranh. Rất nhiều doanh nghiệp “e ngại” khi đầu tư vào lĩnh vực này.

Tham khảo một số doanh nghiệp đã và đang có ý định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC, đã có khá nhiều ý kiến. Doanh nghiệp nhỏ thường chú ý đến chính sách, hỗ trợ vốn đầu tư. Doanh nghiệp lớn đã tự chủ được nguồn vốn thì lại đặc biệt quan tâm đến thương hiệu và thu hút công ty lớn để bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó việc truy xuất, giám sát nguồn gốc các loại nông sản không rõ nguồn gốc giá rẻ trôi nổi khắp thị trường khiến cho nông sản an toàn bị lép vế cũng được đặc biệt quan tâm. Thiết nghĩ, đó cũng là những vấn đề mà các cấp quản lý cần chú trọng để khi thực hiện đề án sẽ mang lại hiệu quả.

Hai đề án trên được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả cao cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, muốn đạt được mục tiêu lớn này, nếu chỉ có ngành NN&PTNT đơn phương thực hiện thì sẽ khó có thể thành công, mà cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương cùng bà con nông dân trong tỉnh. Mặc dù xuất phát chậm và còn nhiều rào cản thách thức, nhưng nếu đồng lòng, các đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ, thực sự có trách nhiệm với đời sống hiện tại và tương lai của hàng triệu nông dân Thái Nguyên, thì hai Đề án lớn này nhất định sẽ thành công. Nền nông nghiệp Thái Nguyên sẽ có những bước tiến lớn, xứng tầm với vai trò, vị thế của mình.

Phú Thái

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy