Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
09:37 (GMT +7)

Nói chuyện thị trường nhiếp ảnh Thái Nguyên

VNTN - Lâu nay, các nghệ sĩ và những người yêu thích nhiếp ảnh ở Thái Nguyên nói riêng, cả nước nói chung vốn coi bộ môn này chỉ là nghiệp đam mê chứ ít ai xem đó là nghề kiếm sống. Những năm gần đây, xu hướng thưởng lãm và sở hữu các tác phẩm ảnh nghệ thuật đang manh nha phát triển, chuyện làm kinh tế từ những bức ảnh, tạo ra thị trường ảnh không còn là chuyện không tưởng như trước; tuy rằng tất cả chỉ mới là hé mở và lối đi còn hẹp.


Nhìn từ những điểm sáng

Gần đây nhất, triển lãm ảnh cá nhân của nhà nhiếp ảnh Khánh Vân, hội viên Hội VHNT Thái Nguyên về Trường Sa đã tạo ấn tượng tốt đẹp với công chúng tỉnh nhà. Trong khuôn khổ triển lãm có hoạt động đấu giá tác phẩm ảnh để gây quỹ ủng hộ mua máy lọc nước biển gửi đến đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa; và tính tới thời điểm kết thúc trưng bày (từ 28/4 đến 5/5/2018), 15/75 bức ảnh đã được khách hàng mua. Triển lãm mà đấu giá ảnh, rồi bán được ảnh như Khánh Vân là chuyện mà rất ít nghệ sĩ trong giới ở Thái Nguyên làm được. Nhưng đây cũng mới là lần đầu tiên Khánh Vân bán ảnh, dẫu ông đã theo đuổi niềm đam mê nhiếp ảnh ở các sân chơi chuyên nghiệp nhiều năm.

Nghe Khánh Vân và nhiều nghệ sĩ giới thiệu về một người bán ảnh có tiếng, chúng tôi ghé thăm Gallery 77 của nhiếp ảnh gia Lê Lâm. Không gian gallery hiện đại, xanh mát và rực rỡ sắc hoa, kết hợp dịch vụ spa và trưng bày ảnh khá ấn tượng. Ngay tại phòng khách, hai bức ảnh “Hạnh phúc”, “Ngày mới” được Lê Lâm hóm hỉnh giải thích: Bức “Hạnh phúc” chụp hai bông hoa mua chụm vào nhau, được một cây dây leo quấn lấy (như sợi tơ hồng) bền chặt, chú ong (kẻ thứ ba) dù có “le ve” thì cũng không làm gì được. Dù chụp đã hơn mười năm đến nay vẫn bán được cho nhiều người mua treo hoặc làm quà cưới. Bức “Ngày mới” có bố cục, ánh sáng đẹp, đơn giản chụp về cây cỏ sinh tồn trên cát nóng. Loài cây mạnh mẽ, dù trong hoàn cảnh nào cũng quật cường sức sống, “3 năm trước khi gặp khó khăn trong cuộc sống, mình đã treo nó nhằm mang đến những niềm hy vọng tươi sáng hơn”.

Mù Cang Chải mùa vàng            Ảnh: Lê Lâm

Là người tiên phong chụp ảnh panorama (chụp không gian rộng), anh đã tạo dựng được thương hiệu rất riêng, rằng ở Thái Nguyên hễ nói về phong cảnh thì người quan tâm sẽ tìm đến Lê Lâm. Để có được uy tín, anh cũng tham gia các cuộc thi về ảnh ở trung ương, khu vực, địa phương, những thành quả, giải thưởng đạt được là minh chứng để khách hàng biết anh lao động chân chính. Qua mạng xã hội Facebook, anh coi đây là một trang quảng bá và công bố tác phẩm hiệu quả. Đăng tải có chọn lọc, mỗi tác phẩm up lên trang phải tạo ấn tượng với bạn bè, từ đó anh có nhiều khách hàng tiềm năng. Đối tượng khách hàng đến với gallery của Lê Lâm rất đa dạng: doanh nhân, người làm nghề tự do, công chức nhà nước… Nắm bắt đặc tính của từng nhóm đối tượng để có cách trao đổi, tư vấn cho họ những tác phẩm hợp tính chất công việc và hợp cả túi tiền là điều anh đặc biệt quan tâm.

Với Lê Lâm, ảnh đẹp thôi chưa đủ, để bán được ảnh còn phải có kiến thức về phong thủy mới có thể tư vấn, phân tích với khách hàng. Nếu người muốn mua ảnh làm quà tặng, lúc đó cần quan tâm đối tượng nhận quà, nghề nghiệp, tuổi tác… nhằm lựa chọn những tác phẩm không phải chỉ để treo cho đẹp nhà mà còn giúp người nhận quà có “lộc”. Giúp người mua hàng hiểu về ảnh, chọn được ảnh phù hợp, tư vấn đảm bảo các yếu tố như chất liệu, giá cả, Lê Lâm còn có chế độ bảo hành khá chuyên nghiệp. Tác phẩm gốc bán được trong gần mười năm qua có thể chỉ 20, 30 bức, song số lượng nhân bản thì không kiểm đếm được. Bán ảnh kèm thi công, nghĩa là đầy đủ khung treo, chất liệu ảnh theo yêu cầu, tùy thuộc vào kích cỡ mà giá có thể giao động, từ 1 triệu, 3 triệu, 5 hoặc 10 triệu/ ảnh…, bức cao nhất lên tới 40 triệu đồng. Anh cũng bán nhiều bộ ảnh quảng cáo, ảnh cho các đơn vị trường học, doanh nghiệp mua làm ảnh lịch, quà tặng...

Bác sĩ đồng thời là nhà nhiếp ảnh Trần Đoàn Huy (Bệnh viện Gang thép) cũng là một trong những người chụp ảnh vì đam mê. Trẻ cả tuổi đời và tư duy, anh vận dụng tối đa mạng xã hội Facebook, coi đó là nơi lưu giữ những thành quả sáng tạo của mình. Thế rồi chính những tác phẩm phong cảnh đẹp hút hồn, bố cục mới lạ đã mê hoặc nhiều người xem, từ đó mà có lượng khách hàng đáng kể. Hơn một năm nay với khoảng 20 tác phẩm ảnh được nhân bản bán ra trên 500 bức; Huy không trực tiếp thi công mà chỉ bán ảnh đã in, tùy theo chất liệu và cỡ mà khách hàng chọn, mức giá chỉ từ vài trăm nghìn đồng đến 1 triệu, bức cao nhất (số này không nhiều) là 5 triệu đồng.

Mùa đông Sapa                  Ảnh: Trần Đoàn Huy

Nói với khách hàng về tác phẩm, cả Lê Lâm, Trần Đoàn Huy luôn có những câu chuyện thực tế đầy hấp dẫn trong quá trình sáng tác và ý tưởng của mỗi bức ảnh. Trần Đoàn Huy cũng là người có kiến thức về các yếu tố phong thủy. Không chỉ tương tác nhiều trên Facebook, Huy còn gửi ảnh ở các cửa hàng, phòng khám của đồng nghiệp hay những nhà hàng ăn uống. Ban đầu chỉ là để giúp họ trang trí, làm đẹp không gian, nhưng sau đó có người quan tâm hỏi mua nên bán. Số khách này tuy chưa nhiều, nhưng đây cũng được coi là hình thức quảng bá mang lại hiệu quả mặc dù chưa thật thịnh hành. Không chỉ có khách hàng ở Thái Nguyên, Huy còn nhận được nhiều đơn đặt hàng từ Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng...

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Việt Hùng là người mê sinh vật cảnh, những bức/ bộ ảnh mà ông bán được là ảnh hoa, lưu niệm dòng CP2. Tính đến nay, ông có khoảng 50 - 70 bộ ảnh hoa, phong cảnh, cây cảnh được bán ra, chủ yếu người mua là sinh viên các trường đại học, sử dụng làm luận án tốt nghiệp. Trên trang mạng cá nhân, ông có khoảng 3000 ảnh ở nhiều đề tài, thể loại; đối với ảnh phong cảnh, dù số lượng bán được khiêm tốn chỉ vài, ba trăm bức, nhưng cũng có thể thấy dù ít dù nhiều, việc bán được ảnh vẫn không phải là điều không tưởng.

Tác phẩm “Hạnh phúc”

Cửa ra vẫn hẹp

Nói đến việc bán ảnh, câu chuyện mà giới nhiếp ảnh thường hay nhắc, ấy là cách đây độ chục năm, nhà nhiếp ảnh Trần Lam (Kiên Giang) đã từng bán được một bức ảnh với giá 1 triệu đô. Mục đích bán ảnh chẳng phải thu lợi cho người bán, mà là dành tiền giúp những người nghèo đang cần chữa trị căn bệnh tim ở Đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù việc mua bán bức ảnh là sản phẩm đích thực của kinh tế thị trường, nhưng nhiều người vẫn coi 1 triệu đô ấy là “kiệt tác của lòng nhân ái”. Suy cho cùng, thị trường ảnh là điều còn khá mơ hồ ở nước ta. Ở quy mô địa phương, thị trường ảnh ở Thái Nguyên dù vẫn rất khiêm tốn, song không thể nói là không có. Tuy tạo ra được giá trị kinh tế từ ảnh nhưng là người trong cuộc, những trăn trở của Lê Lâm, Trần Đoàn Huy hay Trịnh Việt Hùng cũng cho thấy cuộc chơi này vẫn muôn vàn cái khó, và thị trường nhiếp ảnh vẫn rất hạn hẹp bởi nhiều nguyên nhân.

Tại Hội thảo Nhiếp ảnh Việt Nam trong cơ chế thị trường và hội nhập (năm 2009), các chuyên gia, các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã thẳng thắn nhìn nhận về “căn bệnh” chung của nhiếp ảnh mà tính đến nay, dường như vẫn đúng và trúng, rằng “người chụp ảnh “nghiên cứu” ban giám khảo nhiều hơn là nghiên cứu đề tài và chủ đề thể hiện. Nhiếp ảnh là cuộc đua của những người theo đuổi giải thưởng, theo đuổi những danh hiệu gắn với nghệ sĩ; các nghệ sĩ đang chạy theo xu hướng đẹp hóa, sắp đặt dàn dựng ngay cả với ảnh báo chí...”. Các nghệ sĩ, những người chơi ảnh ở ta, dẫu nói là đam mê không vụ lợi thì vẫn ít nhiều vướng chân trong vòng xoay của “căn bệnh” ấy.

Nhiếp ảnh, từ trước tới nay mang tính chất ghi chép, tư liệu, kỷ niệm mà ít được xem là tác phẩm trang trí mang tính nghệ thuật cho không gian như mỹ thuật. Chúng ta có rất nhiều cuộc thi ảnh hàng năm, quy mô từ trung ương đến địa phương, và ở bất kỳ cuộc thi nào cũng có chủ đề, đề tài riêng. Tư duy chụp ảnh nghệ thuật mang ý nghĩa chính trị khuyến khích người chụp ảnh tham gia để lấy điểm, đoạt thành tích vào các tổ chức nghề nghiệp… Người chụp ảnh, xét về điều kiện kinh tế, phần lớn họ là người có công việc, thu nhập ổn định…, chơi ảnh vì đam mê, vì thú vui của bản thân là chính, vì thế rất ít những người cầm máy có tâm thế sáng tạo sản phẩm để bán. Thái Nguyên luôn được đánh giá là địa phương có phong trào nhiếp ảnh mạnh trong khu vực, nhưng qua nhiều lần liên hoan ảnh khu vực, số ảnh bị loại cũng nhiều nhất vì sự lặp lại, thiếu sáng tạo, đột phá. Thẳng thắn nhìn nhận, thì mặt bằng về trình độ và sự sáng tạo của người chụp ảnh tỉnh ta không đồng đều, bằng chứng là quanh đi quẩn lại các giải thưởng, các ảnh chọn treo nhiều năm vẫn thường gọi tên “người cũ”.

Về phía đối tượng thưởng lãm, phải thừa nhận rằng nhiếp ảnh kén người chơi hơn, và nếu chơi người ta cũng chỉ chơi một loại, đó là ảnh phong cảnh. Thể loại ảnh này phù hợp với mỹ cảm chung của nhiều đối tượng, nhiều độ tuổi, nó biểu hiện ý nghĩa lộ, chỉ cần nhìn là thấy ngay chứ không cần phải suy nghĩ, đọc giải ý tưởng… Và rằng xưa nay, người ta vẫn chuộng treo các loại tranh bởi quan niệm tranh là độc bản, giá trị và sang trọng dù cách thể hiện rất trừu tượng, đầy ẩn ý; vẽ tranh đòi hỏi tác giả phải được học hành bài bản, có tài năng thực sự. Ngược lại, công chúng nhận định, đánh giá về tác phẩm nhiếp ảnh đơn giản hơn: chỉ cần có máy ảnh, giơ lên và bấm là xong, sau đó có thể sử dụng thiết bị in ra cả nghìn chiếc nếu muốn. Người ta vẫn chưa hiểu thấu đáo về nhiếp ảnh cũng như sự vất vả của người sáng tạo. Người xem về cơ bản chưa có ý niệm về khoảnh khắc. Một bức ảnh đẹp chỉ được quan tâm ở màu sắc, bố cục và ý nghĩa dễ hiểu. Vì thế, dù được bán với giá 1 triệu đồng/tác phẩm vẫn bị coi là đắt đỏ.

Một nguyên nhân quan trọng nữa, đó là tình trạng file ảnh của các nghệ sĩ rất dễ bị sao chép khi đem ra Lab ảnh để in, hoặc do một vài yếu tố chủ quan nào đó. Việc tác phẩm bị một số đối tượng khai thác, phát tán, in bán mà không sợ vấn đề bản quyền, một mặt vì người sao chép chưa hiểu được quá trình khai thác, sáng tạo nên một tác phẩm nhiếp ảnh vất vả thế nào; mặt khác là các nghệ sĩ khi phát hiện cũng thường “rộng lòng” bỏ qua mà chưa nghĩ đến việc truy tìm và áp dụng luật bản quyền đối với những trường hợp vi phạm.

Thực tế cho thấy, từ trước đến nay trong rất nhiều cuộc thi, triển lãm từ trung ương đến địa phương, cũng hiếm khi thấy (thậm chí không có) BTC nào có tư duy chọn ảnh để có thể bán được; đa phần vẫn chọn theo tiêu chí, định hướng đề tài, làm “tròn vai” nhiệm vụ trong năm, trong nhiệm kỳ của cơ quan, đơn vị (?!).

***

Nói đến thị trường nhiếp ảnh, quy mô cả nước hay tỉnh lẻ, thì cũng đối diện với “ma trận” khó khăn như trên. Cửa ra còn hạn hẹp, và dẫu có những điểm sáng để minh chứng rằng nhiếp ảnh là đam mê, song nó có thể tạo ra giá trị kinh tế, thì cũng thật khó để kiến tạo thị trường nhiếp ảnh lên một tầm mới. Nhưng khó không có nghĩa là không thể làm. Dĩ nhiên chuyện từ tư duy đến thực tiễn không phải là chuyện ngày một ngày hai.

Lê Đình

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy