Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
21:32 (GMT +7)

Nợ xấu đang xấu đến mức nào?

VNTN - Nợ xấu đang xấu đến mức nào, tỷ lệ nợ xấu và tiềm ẩn chuyển sang nợ xấu báo cáo trước Quốc hội đã chính xác chưa, đã thực chất chưa, hay còn giấu, còn trốn ở đâu nữa không, là vấn đề được nhiều vị đại biểu cho rằng cần có một câu trả lời minh bạch hơn khi thảo luận tại Quốc hội tuần qua.


Trình gấp gáp, song Chính phủ tha thiết Quốc hội sẽ ban hành dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng ngay trong kỳ họp thứ ba này.Vì đây là một cơ sở pháp lý rất quan trọng để Chính phủ có thể có khuôn khổ tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu - theo giải trình của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trong phiên thảo luận toàn thể ngày 7/6 của Quốc hội.

Hồi âm những băn khoăn về con số thực của nợ xấu, Thống đốc Lê Minh Hưng nêu con số 10,08% tổng dư nợ. Chủ tịch Vietinbank Nguyễn Văn Thắng cũng nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia duy nhất đến nay có nợ xấu của nền kinh tế vượt 10%, khoảng 600.000 tỷ đồng. Và số tiền này có thể xây dựng được ba sân bay Long Thành -  một công trình với số vốn được cho là rất "khủng" - trên 200 ngàn tỷ.

Cụ thể hơn, đại biểu Đỗ Văn Sinh - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - ước tính nợ xấu bằng khoảng 13% GDP. Đại biểu khái quát "đống nợ xấu đã chặn dòng chảy động mạch chủ của nền kinh tế".

Huyết mạch của nền kinh tế cũng là điều mà Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh khi nói đến vai trò của hệ thống ngân hàng  tại phiên thảo luận tổ về dự thảo nghị quyết nợ xấu. “Đại biểu Quốc hội khóa trước nói nợ xấu như cục máu đông, hình ảnh đó là rất chính xác, anh em ta đến tuổi mỡ máu nhiều nên tích tụ dần làm đường ống dẫn máu hẹp, huyết áp lên, mạch máu tắc thì tăng xông, nhẹ thì còn chữa được chứ nặng thì đi luôn” - ông Bình ví von.

Vì thế, cựu Thống đốc cho rằng cơ chế xử lý nợ xấu hệt như xử lý bệnh tăng xông, làm sao đừng để tích tụ. Xử lý liên tục thì mạch máu liên thông, nền kinh tế sẽ tốt.

Hình dung một cơ thể đã bị cục máu đông chặn động mạch chủ đã cho thấy mức độ rất xấu của nợ xấu rồi. Nhưng mức độ "xấu" có lẽ không chỉ nằm ở những con số trăm ngàn tỷ đồng.

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đặt vấn đề, khối nợ xấu này không phải lỗi đều do các tổ chức tín dụng và đương nhiên nhà nước không phó thác hết trách nhiệm xử lý nợ xấu cho ngân hàng. Nhưng một số vụ đại án trăm tỷ, ngàn tỷ đã đưa ra xét xử đều có bị cáo là các quan chức của các tổ chức tín dụng. Liệu còn những vụ tương tự chưa bị lộ và mối liên hệ với các dự án ngàn tỷ đang hoang tàn, vất vưởng, xót xa gây bất bình trong nhân dân hiện nay?

Từ phân tích đó, đại biểu Đinh Duy Vượt cho rằng phải nhận dạng, chỉ rõ tổ chức tín dụng nào có tỷ lệ nợ xấu và số tuyệt đối cao nhất đánh giá xếp theo thứ tự để có giải pháp phù hợp, đồng thời phải làm rõ trách nhiệm chủ quan trong từng giai đoạn của ban lãnh đạo, cá nhân lãnh đạo. Bởi nếu không làm rõ trách nhiệm từng giai đoạn vô hình trung đã tạo ra điều kiện để phủi trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm và miễn trừ trách nhiệm, thậm chí bỏ lọt tội phạm trong lĩnh vực này.

Giải trình về xử lý trách nhiệm, thống đốc Lê Minh Hưng nêu những con số giật mình. Đó là, từ năm 2011 đến năm 2016, các cơ quan điều tra của Bộ Công an, không bao gồm công an các địa phương, đã phát hiện và khởi tố điều tra 95 vụ án kinh tế xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng và đã khởi tố bị can khoảng gần 200 cán bộ ngân hàng. Chỉ tính riêng một số vụ án lớn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng, các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố điều tra, truy tố và xét xử khoảng 128 cán bộ ngân hàng trong đó có nhiều đối tượng là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị và Phó Tổng giám đốc, giám đốc chi nhánh của các tổ chức tín dụng và có nhiều mức án đã được kết án rất nghiêm khắc kể cả án tử hình, chung thân và trên 20 năm tù.

Lấy ví dụ ở một đơn vị là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thống đốc cho biết từ năm 2013 đến nay đã xử lý trách nhiệm 352 cán bộ. Đồng thời, trong giai đoạn tái cơ cấu vừa qua đã điều tra xử lý 65 vụ án tại Ngân hàng Nông nghiệp xử lý hình sự 122 cán bộ, trong đó có nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và các lãnh đạo của Ngân hàng này. Thống đốc cũng hứa sẽ bổ sung nguyên tắc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và làm trái quy định pháp luật gây ra nợ xấu và tổn thất cho hoạt động của ngân hàng vào dự thảo nghị quyết khi trình Quốc hội thông qua.

Nhưng, đại biểu Quốc hội vẫn chưa thể yên tâm.

Vẫn thẳng thắn như mọi lần đăng đàn khác, đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) nói, nghiên cứu những nội dung cụ thể trong dự thảo nghị quyết, ông chưa đồng tình, cả căn cứ pháp luật và tính hiệu quả. Đại biểu Phan Văn Tường phân tích, theo đánh giá của Chính phủ cũng như một số tài liệu cho thấy, nợ xấu trầm trọng như hiện nay có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu, cốt lõi nhất là sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. Sự kém hiệu quả đó là do những khó khăn lẽ ra phải bàn tổng thể kỹ lưỡng, trước hết là nhận diện chính xác, đầy đủ những nguyên nhân dẫn tới việc làm ăn thua lỗ việc sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả và xem có hay không mức độ trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền trong đó có Quốc hội, trên phương diện luật pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng, có hay không ảnh hưởng, tác động đến nợ xấu.

Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) phát biểu về dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu

Đề nghị của vị đại biểu đoàn Thái Nguyên là Quốc hội thay vì ban hành nghị quyết xử lý nợ xấu thì ban hành nghị quyết thí điểm cho công ty quản lý tài sản tổ chức tín dụng Việt Nam thực hiện một số quyền và nhiệm vụ để chủ động hơn trong xử lý tài sản theo cơ chế thị trường. Vì công ty quản lý tài sản của tổ chức tín dụng Việt Nam là doanh nghiệp đặc thù với tư cách là công cụ đặc biệt của nhà nước mới hoạt động khoảng bốn năm, cần thí điểm mở rộng nhiệm vụ, quyền hạn cho tương thích với công vụ đặc biệt. Đồng thời, yêu cầu Chính phủ báo cáo số nợ và nợ xấu có bảo lãnh, giải pháp thực hiện trách nhiệm  bảo lãnh một cách triệt để đến cùng theo quy định của pháp luật để tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển.

Trước khi Quốc hội bấm nút, dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ còn được thảo luận một phiên nữa ở nghị trường. Rất có thể khi đó, câu hỏi nợ xấu đang xấu đến mức nào sẽ có thêm câu trả lời thấu đáo hơn.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy