Những tập tục độc đáo trong canh tác lúa của người Khơ Mú
VNTN - Người Khơ Mú chủ yếu canh tác bằng cách gieo lúa trên nương, bởi vậy mới có câu: “Xá ăn theo lửa, Thái ăn theo nước”. Ngày xưa do trình độ canh tác còn hạn chế nên phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên, mà bà con cho rằng do một đấng siêu nhiên chi phối, bởi vậy ngày gieo và gặt không chỉ chọn ngày tốt mà còn phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt. Người Khơ Mú quan niệm, có thực hiện như vậy mới hợp lòng trời, được thần linh phù hộ và mùa vụ sau lúa mới xanh tốt, ít sâu bệnh và bội thu.
Người Khơ Mú gieo lúa theo cách chọc lỗ tra hạt. Để chọn được ngày gieo tốt, chủ nhà phải mổ gà, nhờ thầy mo hoặc người thông thạo xem đầu và chân gà. Người Khơ Mú đặc biệt kiêng gieo lúa vào những ngày giỗ của bố hay mẹ, ngày lên nhà mới, ngày có sấm chớp… Mỗi gia đình có một ngày tốt phù hợp với tuổi của chủ nhà. Ngay việc gieo hạt không phải dòng họ nào cũng làm theo một hướng giống nhau. Có họ gieo từ dưới lên theo vòng tròn thu dần vào giữa. Có họ lại gieo từ giữa ra ven nương rồi ngược lên và quay lại. Có họ gieo từ trên xuống nhưng có họ lại gieo từ giữa ra… Song dù gieo như thế nào thì kết thúc công việc cũng phải ở giữa đám nương của mình. Khi gieo xong, chủ nhà cùng mọi người rửa sạch tay, vừa rửa vừa thầm cầu khẩn đấng thần linh phù hộ cho lúa lên xanh tốt, không bị chim chuột và sâu bọ phá hoại.
Từ xa xưa, khi còn sống du canh du cư, chiếc gậy chọc lỗ tra hạt là công cụ lao động không thể thiếu của người Khơ Mú, Nghĩa Sơn. Có lẽ cuộc sống muôn sắc màu, đầy những âm thanh tuyệt diệu của tự nhiên đã tạo cảm hứng cho những nghệ nhân dân gian sáng tạo nên chiếc gậy chọc lỗ tra hạt độc đáo. Đây vừa là công cụ lao động, vừa là nhạc cụ đem lại những phút giây thư giãn trong trẻo trong quá trình lao động.
Chiếc gậy chọc lỗ tra hạt này làm bằng gỗ cứng, dài gần 2m, đẽo nhọn ở đầu, có khi còn được bịt sắt. Gậy này có ba phần: phần đầu bằng gỗ cứng, phần thân thường bằng tre và phần cuối được gắn với các nhạc cụ được chế tác đơn giản gồm những ống tre, nứa nhỏ cho những viên sỏi vào trong. Khi chọc lỗ, âm thanh dội lên ở phần thân bằng tre như một hộp cộng hưởng, những viên sỏi va đập vào ống tre, nứa tạo nên những âm thanh trầm, bổng tươi vui, rộn rã giữa non ngàn.
Người Khơ Mú làm nương theo lối đổi công, có thể là một nhóm, có khi cả bản cùng làm. Đàn ông khỏe mạnh dàn hàng ngang đi trước, vừa nhún nhẩy, vừa vung gậy chọc lỗ với khoảng cách phù hợp, trước khi rút gậy lên phải xoay nhẹ cho lỗ mịn, theo nghiên cứu của các nhà khoa học cách này làm nối lại những mao mạch bị đứt, tăng độ hút nước từ dưới lên giữ ẩm cho hạt. Những âm thanh như đánh thức đất trời, khích lệ những người tham gia lao động. Các cô gái theo sau nhịp nhàng vung tay gieo những hạt lúa giống vào lỗ, chân gạt nhẹ lấp đất. Tất cả đều nhịp nhàng uyển chuyển, hài hòa, bao nỗi mệt nhọc tan biến. Sau mỗi mùa vụ, nhiều đôi thanh niên nam nữ nên vợ nên chồng.
Sau mỗi mùa vụ, đồng bào thường treo cây gậy chọc lỗ này trên gác bếp để tránh mối mọt. Cũng có gia đình để trên nương để thờ “ma nương”, vụ sau lại đem dùng.
Mỗi độ xuân về, người Khơ Mú đều tổ chức lễ hội “Cầu mùa” và vũ điệu chọc lỗ tra hạt với chiếc gậy độc đáo gắn với nhạc cụ bao giờ cũng được thể hiện tưng bừng rộn rã như sự giao hòa âm dương, thức dậy những khát vọng về một cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Khi lúa chín cũng phải chọn ngày tốt và tránh ngày kiêng như khi gieo. Do đây là thời khắc chờ đợi nhất trong năm, nên còn có những thủ tục đặc biệt hơn khi gieo. Sáng tinh mơ, người vợ, hoặc một phụ nữ trong nhà tuổi hợp với ngày đó có nhiều nết tốt: nhu mì, chăm chỉ, ăn nói dịu dàng, chan hòa cởi mở đi gặt trước. Người này được gọi là “Mạ ngọ” tức là Mẹ lúa. Từ lúc bắt đầu từ nhà, đi đường để lên nương, dù gặp ai chào hỏi “Mạ ngọ” đều không được trả lời, chỉ ra hiệu rồi lặng lẽ đi tiếp. Đến nương “Mạ ngọ” dùng tay tuốt những bông lúa ở ven nương cho vào “bề” (gùi đan bằng tre đeo trên lưng). Khi đầy “bề” “Mạ ngọ” lại lẳng lặng ra về như lúc đi. Sáng hôm sau lại tiếp tục công việc như ngày đầu. Trong những ngày này “Mạ ngọ” không được đi chơi nhà hàng xóm, không được uống rượu, không được cáu giận, không được nói chuyện nhiều (gần như không nói) và phải đi ngủ sớm, đến ngày thứ ba gia đình mới được nhờ dân bản gặt lúa. Người Khơ Mú gọi tục này là “ăn trộm hồn lúa”.
Người Khơ Mú còn nhiều tục kiêng khác khi gieo và gặt lúa như: không ai được đội mũ, nón, không nói chuyện to hoặc hát hò trên nương. Ngay cách gặt cũng rất đặc biệt: mọi người lặng lẽ gặt theo luống của mình không được đổi vị trí cho nhau, đặc biệt không được gặt cắt qua luống của người khác. Khi gặt ra đến ven nương, người gặt ở bên trong phải gặt chậm lại, chờ người gặt ở bên ngoài gặt tiến lên phía trước rồi cùng gặt theo hướng xoáy trôn ốc vào giữa nương. Như vậy khi gieo hay khi gặt như thế nào, thì trung tâm của nương có vị trí rất quan trọng với người Khơ Mú. Người Khơ Mú cho rằng nếu không tuân theo những quy định từ ngàn xưa đó “Mạ ngọ” sẽ tức giận, có khi bỏ đi, lúc đó lúa sẽ không tốt, lại bị sâu bệnh và chim chuột phá hoại, hạt lúa về nhà mình không được bao nhiêu. Có lẽ quan niệm về vũ trụ, nhận thức về vị trí của con người giữa thiên nhiên và ước mong một cuộc sống ấm no hạnh phúc của người Khơ Mú được gửi gắm một cách tinh tế đậm mầu huyền bí như vậy chăng?
Ngay khi nghỉ ăn trưa cũng phải ăn ở ngoài trời, không được ngồi ăn trong lán, trước khi ăn mọi người cầm mấy hạt cơm vung ra xung quanh khấn đấng thần linh, mời thần linh cùng ăn. Sau mỗi ngày thu lúa về và hôm sau lại tiếp tục như ngày hôm trước. Trong những ngày gặt lúa không ai được đào các loại củ ở dưới đất để không kinh động đến thần đất. Khi gặt xong chủ nhà phải cầu khấn gọi “hồn lúa” về nhà để “hồn lúa” biết đường về cùng, mùa sau lúa thêm chắc hạt, sai bông.
Sống giữa thiên nhiên, bị thiên nhiên chi phối, dẫu phong tục gieo và gặt lúa của người Khơ Mú có những yếu tố tâm linh, huyền bí nhưng chở đầy khát vọng của con người mong muốn hòa đồng với thiên nhiên, vươn tới một ngày mai tươi sáng hơn, đồng thời phản ánh những quan niệm sơ khai về vũ trụ quan, thế giới quan và vai trò của con người trong mối giao hòa Thiên - Địa - Nhân.
Trần Vân Hạc
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...