Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
06:12 (GMT +7)

Những nữ cán bộ xã mang sắc phục xanh - Kỳ 2

Kỳ 2: Vì hạnh phúc gia đình, vì bình yên cuộc sống

Các nữ Công an điển hình được khen thưởng tại hội nghị do Hội Phụ nữ Công an tỉnh tổ chức
Các nữ Công an điển hình được khen thưởng tại hội nghị do Hội Phụ nữ Công an tỉnh tổ chức

Mệnh lệnh từ trái tim…

Trong hơn 700 cán bộ nhận công tác tại xã, trị trấn, đã có sự góp mặt của 22 "bông hồng thép", nâng tổng số cán bộ nữ Công an công tác tại cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay lên 51 chị. Cũng chính từ đây, hình ảnh cương quyết đấu tranh với cái xấu, cái ác song hành với nét mềm mại sẻ chia, lắng nghe để giải quyết những khúc mắc, mâu thuẫn trong đời sống nhân dân của những nữ cán bộ Công an đã lưu lại trong lòng dân và lan tỏa trên địa bàn. Các chị được ví là những “bông hoa thép” trong xây dựng “pháo đài” ANTT ở cơ sở.

Đặc thù của Công an cấp xã vốn được chúng tôi, những người trong cùng lực lượng hình dung ước lệ như một Công an huyện “thu nhỏ” hay một trường “đại học tổng hợp”. Đặc biệt trong bối cảnh 3 năm đưa lực lượng Công an chính quy về đảm nhiệm chức danh Công an xã là quãng thời gian đầy chỉ tiêu và trọng trách với những "mệnh lệnh thần tốc", những "cao điểm xuyên đêm". Có những thời điểm "chiến dịch" trùng "chiến dịch", thường 5 cán bộ Công an ở xã vừa tham gia phòng chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo việc thu nhận và cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử, vừa cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và vô vàn các yêu cầu xác minh, giải quyết, phối hợp liên quan đến công tác ANTT diễn ra tại địa bàn.

Thực hiện chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an về xây dựng đề án bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, từ tháng 9/2020, Công an tỉnh Thái Nguyên hoàn thành việc bố trí, sắp xếp 146/146 xã, thị trấn với ít nhất 5 cán bộ/đơn vị cấp xã. Việc sắp xếp đảm bảo chủ trương của Bộ, không phát sinh biên chế, không đứt gãy tổ chức, không xáo trộn tâm lý và ảnh hưởng tiến độ công việc.

Tại Hội nghị gặp mặt nữ Công an cơ sở năm 2021 do Hội Phụ nữ Công an tỉnh tham mưu, đề xuất tổ chức, đại biểu dự Hội nghị hôm đó không khỏi bất ngờ, xúc động và càng vững tin khi đón nhận lời khẳng định "chắc nịch" của các chị: "Chúng tôi nghĩ không có bất cứ nhiệm vụ nào mà nữ giới không thể đảm nhận, thậm chí là còn làm rất tốt. Nếu chúng ta chịu khó học hỏi, đam mê, nhiệt huyết, và tận tuỵ với nghề”.

Còn tại đầu Xuân năm 2022, các nữ cán bộ Công an cơ sở tiêu biểu của Thái Nguyên vinh dự được gặp đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thanh Hải. Khi đó, Trung tá Đặng Thị Nga, Trưởng Công an phường Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên) đã phát biểu: "Chúng tôi những nữ Cán bộ chiến sĩ Công an Thái Nguyên đều được đào tạo cơ bản tại các trường CAND, thấm nhuần 6 điều Bác dạy CAND, được mài giũa và rèn luyện trong thực tiễn. Nhiệm vụ mà chúng tôi được giao phó là nhiệm vụ thiêng liêng của Đảng, của Nhân dân. Chúng tôi tự tin nhận nhiệm vụ, sẵn sàng học hỏi, bám sát địa bàn, gần gũi nhân dân, xây dựng “pháo đài” vững chắc về ANTT tại cơ sở".

Không riêng Trung tá Đặng Thị Nga, mà tại buổi gặp mặt, các chị đều khẳng định tinh thần và ý chí quyết tâm cao, nỗ lực hành động và hoàn thiện bản thân, không ngừng nâng cao vị thế vai trò của phụ nữ trong công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương. Đối với lực lượng được điều động về cơ sở nói chung và các nữ cán bộ, chiến sĩ nói riêng, chúng tôi nhận nhiệm vụ với tâm thế của một người lính thấm nhuần lời thề danh dự "Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Đảng và Nhân dân cần đến". Sắp xếp lại nỗi niềm riêng, những trăn trở, ưu tư lo lắng của cá nhân, hành trang lên đường nhận nhiệm vụ của các đồng chí lúc bấy giờ ngoài tờ Quyết định điều động còn là "mệnh lệnh từ trái tim".

Khéo léo vận dụng “sức mạnh mềm”

Dẫu là nữ có vất vả hơn so với nam giới khi công tác ở cơ sở, song thực tế cho thấy, các nữ cán bộ Công an xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã vận dụng khéo léo phương châm, chuyển “cương” thành “nhu”, chuyển hóa “điểm yếu” của nữ giới thành “điểm mạnh” trong phát hiện, giải quyết nhiều mâu thuẫn ngay từ cơ sở. 

Trung tá Hà Thị Thuỳ Linh - Phó Trưởng Công an phường Nam Tiến (TP. Phổ Yên) là một nữ Công an đã thành công vận dụng phương châm này, trở thành cán bộ “dân vận khéo” ở cơ sở.

Trung tá Hà Thị Thuỳ Linh
Trung tá Hà Thị Thuỳ Linh

Thuỳ Linh là dân tộc Tày ở Ngân Sơn, Bắc Kạn, tốt nghiệp Đại học Cảnh sát nhân dân, được điều động về công tác tại Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an thị xã Phổ Yên (nay là TP. Phổ Yên). Năm 2020, Thuỳ Linh được điều động về Công an xã Nam Tiến (nay là phường Nam Tiến).

Phổ Yên đang chuyển mình từ một thị xã nhỏ, thuần nông phát triển mạnh mẽ vươn lên là một thành phố trẻ, năng động. Kinh tế khởi sắc, bộ mặt đô thị thay đổi, đời sống người dân được nâng lên, nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ nảy sinh mất ANTT như: những mâu thuẫn nảy sinh trong nhân dân xuất phát từ tranh chấp đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng, kèm theo đó là những tệ nạn xã hội nảy sinh trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ thâm nhập.

Bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Công an địa phương trong phát hiện sớm vấn đề từ xa, phòng ngừa khi mâu thuẫn còn chưa phát sinh, Linh đã tham mưu cho Công an phường duy trì hiệu quả mô hình dân vận khéo về ANTT. Như trong năm 2023, Linh và lực lượng Công an phường đã tiếp nhận, xác minh giải quyết các vụ việc và chuyển 15 hồ sơ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra giải quyết theo thẩm quyền.

Lực lượng Công an xã Nam Tiến, trong đó có Linh đều nỗ lực làm việc bằng cả 200% sức lực cho công tác tuyên truyền, vận động những người nghiện tự nguyện đi điều trị và lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc khiến tình trạng phức tạp kéo dài, nảy sinh mâu thuẫn trong nhân dân trước đây chấm dứt. Đặc biệt, Linh còn có tiếng là "mát tay" trong công tác hoà giải, góp phần làm giảm các mâu thuẫn, ổn định tình hình và quan trọng là giữ được "tình làng, nghĩa phố", sự ấm êm trong mỗi nếp nhà ở Nam Tiến.

Trung tá Hà Thị Thuỳ Linh trò chuyện, nắm tình hình từ người dân
Trung tá Hà Thị Thuỳ Linh trò chuyện, nắm tình hình từ người dân

Đáng nhớ nhất với Trung tá Thuỳ Linh là lần hoà giải cho gia đình một phụ nữ tên Q. (sinh năm 1967) ở địa bàn, cách đây hơn 2 năm. Mặc dù đã có với nhau 4 mặt con, có con đã lập gia đình riêng, nhưng thói quen nghiện rượu khiến anh T., chồng chị Q. thường ghen tuông, mượn rượu đánh đập vợ.

Cùng là phụ nữ, gặp gỡ chị Q. và tìm hiểu hoàn cảnh, Trung tá Linh hiểu rất rõ cảm giác đau đớn và nỗi tủi hổ của chị Q. Linh nghĩ, nếu tình hình này kéo dài, những hệ lụy của mâu thuẫn gia đình như người vợ bị tổn thương thể chất, sa sút tinh thần, người chồng bị ảnh hưởng sức khoẻ, làng xóm suốt ngày chịu cảnh “búa rìu” mất an ninh, an toàn, tiềm ẩn nguy cơ nảy sinh tội phạm từ chính những nếp nhà thiếu vắng sự bình yên này.

Sau nhiều lần gặp riêng vợ chồng chị Q. thuyết phục, nhưng anh Q. vẫn chứng nào tật ấy. Biết được anh Q. vốn xuất phát con nhà nông, có tính tiết kiệm đến mức hà tiện, khi đủ rượu trong người thì bất chấp đập phá tài sản, nhưng khi tỉnh lại xót xa tiếc rẻ. Đúng lúc đó, chủ trương kiềm chế, phòng ngừa tình trạng tai nạn giao thông của Bộ Công an được triển khai. Trung tá Linh đã phối hợp với cán bộ Đội Cảnh sát giao thông – trật tự, Công an thị xã tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn trên địa bàn, trong đó có anh Q.  

Mỗi lần tỉnh rượu, anh Q. tỏ thái độ hối hận, tiếc nuối khi thấy “cái dạ dày” của gia đình mình teo tóp từ thói quen uống rượu. Cùng với những lời lẽ mềm dẻo phân tích của Trung tá Linh, anh đã tỉnh ngộ. Còn chị Q. cũng điều chỉnh thói quen sinh hoạt, có cách ứng xử hài hoà, khéo léo, xoa dịu những kiềm tỏa ức chế trong lòng chồng.

Thời cơ đã chín muồi, nữ Trung tá đến gặp cả 2 vợ chồng anh chị Q. động viên, sẻ chia và lập biên bản hoà giải mâu thuẫn trong gia đình chị trước sự chứng kiến, hân hoan của những thành viên trong gia đình và bà con lối phố.

Vậy là nhờ sự xử lý khéo léo của Trung tá Linh mà tiếng cười đã vọng ra từ mái ấm gia đình anh chị Q. Bà con tổ dân phố hôm nay không còn lắc đầu, thở dài ngao ngán đề phòng mỗi khi nghe tiếng xô xát, đập phá từ nhà anh chị như trước.

Chia sẻ với tôi kinh nghiệm công tác hòa giải, Trung tá Hà Thị Thùy Linh cho biết: "Tôi nghĩ phường, xã là môi trường thuận lợi nhất để làm công tác phòng ngừa xã hội. Nhưng đó chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để phát huy tác dụng chính là mỗi cán bộ phải hiểu dân và hiểu rõ trách nhiệm của mình".

Nhìn dáng vẻ dịu dàng, nữ tính mà vẫn toát lên sự chín chắn, trưởng thành, tôi cho rằng, đây chính là "sức mạnh mềm" giúp nữ Trung tá Thùy Linh chiếm được thiện cảm và lòng tin của nhân dân trong công tác hoà giải. Sức mạnh ấy không tự nhiên mà có, mà đó là sản phẩm kết tinh của sự tôi luyện và trưởng thành từ thực tiễn công tác ở địa bàn cơ sở…

Thiếu tá Lý Thị Quyên, Phó Trưởng Công an xã Tiên Hội (Đại Từ) trò chuyện, nắm tình hình từ người dân
Thiếu tá Lý Thị Quyên, Phó Trưởng Công an xã Tiên Hội (Đại Từ) trò chuyện, nắm tình hình từ người dân

Những nữ chiến sĩ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”

Khi tôi hỏi bí quyết nào mà những “bông hoa thép” như nữ Thiếu tá Nguyễn Thị Yến Hằng vừa “giữ lửa” mái ấm gia đình, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ của người Công an góp phần giữ vững bình yên địa bàn cơ sở, chị đã chia sẻ: “Bí quyết ư? Dù việc trong nhà hay vụ việc xảy ra bên ngoài, mình cần nhanh chóng nắm bắt và sớm giải quyết từ mầm mống mâu thuẫn phát sinh, vụ việc nào phát sinh rồi thì nhanh chóng khoanh vùng dập tắt…”.

Công việc của một nữ công an cơ sở đã nhiều mà hậu phương cũng là đồng nghiệp. Đây là câu chuyện khá phổ biến trong lực lượng Công an. Và để đảm bảo việc cơ quan, việc gia đình hài hoà, đồng chí Hằng cũng như nhiều chị em khác phải xây dựng kỷ luật gia đình như điều lệnh lực lượng. "Các con mình được rèn luyện như những người lính, nên việc học tập, sinh hoạt thường chủ động. Thời gian rảnh, mình chủ yếu tâm sự, trao đổi với các con về kỹ năng sống và những câu chuyện cảnh giác theo lứa tuổi thôi" - chị Hằng chia sẻ.

Nỗ lực trong công tác không quên vun đắp hạnh phúc, chăm lo gia đình và “trái ngọt” với chị Hằng là một gia đình hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, học hành giỏi giang. Được biết chị Hằng có 2 con, 1 gái, 1 trai, cháu gái đang học lớp 12 và có thiên hướng về văn học, 3 năm liên tục cháu tham gia kỳ thi Học sinh giỏi Văn cấp tỉnh và đều đạt giải. Cậu con trai học lớp 9, có năng khiếu ngoại ngữ. Cả 2 cháu đều rất ngưỡng mộ bố mẹ, có ước mơ muốn thi vào các trường CAND để tiếp nối truyền thống gia đình

Còn đối với Trung uý Lê Thị Thuỳ Dương, Công an xã Lục Ba khi được hỏi về đời sống gia đình sau khi chuyển vùng và tăng cường cơ sở, Dương cười rạng rỡ: "Cả 2 vợ chồng em đều là công an xã, nên thấu hiểu sự vất vả của nhau, em và ông xã mặc định ai về trước thì chủ động lo việc nhà, chẳng bao giờ hỏi lý do tại sao lại về muộn, sao trực nhiều thế. Nếu có hỏi sẽ chỉ là "bên anh hoàn thành nhiệm vụ cao điểm chưa? ". May mà gần nhà, nên mọi việc phần nhiều nhờ mẹ chồng giúp”.

Khi tôi đến trụ sở Công an xã Lục Ba gặp Dương, cũng là lúc Dương đang mang thai cháu thứ 2 (con gái đầu Dương đã vào lớp 1). Đang vào thời điểm thai nghén 3 tháng đầu, lại đúng dịp cận Tết, công việc nhiều, nhưng tôi không thấy bất cứ sự mệt mỏi nào ở nữ Trung uý nhỏ nhắn này. Sự nhẹ nhàng từ tốn trong giao thiệp có lẽ là thế mạnh của Dương. Khi hỏi về việc sắp xếp thời gian biểu giữa công việc và gia đình, Dương khiêm tốn: "Em chẳng có bí quyết gì đâu, làm dâu, làm vợ, làm mẹ em nghĩ cũng như việc học, chịu khó học và tiếp thu là biết; làm công an xã cũng vậy, em học từ việc nhỏ chị ạ".

Trung uý Lê Thị Thuỳ Dương chụp ảnh lưu niệm với các em học sinh sau khi hoàn thành hướng dẫn cài đặt định danh điện tử VneID
Trung uý Lê Thị Thuỳ Dương chụp ảnh lưu niệm với các em học sinh sau khi hoàn thành hướng dẫn cài đặt định danh điện tử VneID

Câu chuyện của Thiếu tá Hằng hay Trung uý Dương chỉ là hai trong rất nhiều những câu chuyện về nữ Công an chính quy về đảm nhiệm chức danh Công an xã. Cũng như Hằng, Dương, các chị em công tác ở Công an các xã trên địa bàn tỉnh đều nỗ lực hoàn thành việc chung, hài hoà việc riêng.

Rất vui là theo báo cáo tổng kết công tác chăm sóc đời sống cán bộ chiến sĩ hàng năm, thành tích học tập của con cán bộ chiến sĩ trong lực lượng Công an tỉnh rất cao và đáng phấn khởi. Tại hội nghị biểu dương khen thưởng năm 2023, có 1.200 cháu được trao thưởng và biểu dương về thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện (có nhiều cháu là con các cán bộ, chiến sĩ Công an xã).

Xuân đang về! Những ngày cuối năm này, ở bất cứ trụ sở Công an cấp xã nào, cũng nhận thấy sự bận rộn, hối hả. Vừa là tháng cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo yên bình cho nhân dân đón Tết yên vui, phòng ngừa tình trạng tội phạm trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, tội phạm ma tuý, cờ bạc, các vụ cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, va chạm giao thông, nạn chế và đốt pháo nổ, lạm dụng rượu bia…

Chia tay những nữ cán bộ xã mang sắc phục xanh bám, nắm địa bàn trong những ngày cận Tết, trong tôi dâng lên niềm xúc động, tự hào, cảm phục những nữ đồng chí của mình đang nỗ lực mỗi ngày vì bình yên cuộc sống.

Nguyễn Thị Thúy Linh (Công an tỉnh Thái Nguyên)

Kỳ 1: “Dấu chân son” ở cơ sở

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy