Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
06:52 (GMT +7)

Những nghịch lý mang tên Trung thu

VNTN - Khi chứng kiến những hình ảnh đáng giật mình, những câu chuyện đầy nghịch lí, không ít người bật ra câu hỏi: trung thu của ai? Có thể là của doanh nghiệp, của tổ dân phố, của chi đoàn thanh niên, hay của bố mẹ.v.v..? Người viết cũng thấy khó trả lời, chỉ biết rằng, hình như trung thu bây giờ không còn là của trẻ em nữa...


Đèn ông sao 100 ngàn thì không được giải ?!

Gia đình người bạn của tôi có đứa con học lớp 4 ở một trường tiểu học của một xã nông thôn. Bố mẹ của cháu đều là cán bộ viên chức nhà nước, đi làm cả ngày nên có lẽ cũng bận rộn, không có thời gian làm đèn ông sao cho con đón trung thu. Người mẹ thấy con thúc giục quá đành phải chạy ra chợ ngoài thị trấn tìm mua một cái đèn. Vừa về đến nhà, đứa bé chạy lại đón lấy chiếc đèn rồi quan sát. Nó chê là chiếc đèn này vừa bé vừa không đẹp, rồi còn hỏi mẹ là mua bao nhiêu tiền. Khi mẹ nói là mua 100 ngàn, nó lập tức phản ứng: Đèn ông sao 100 ngàn thì không được giải đâu! Nghe đứa con thốt lên như vậy, người cha thì bực bội quát mắng, người mẹ thì ngạc nhiên và cố gắng hỏi han xem vì sao con nói như vậy. Thì ra, theo đứa bé nói, nhà trường tổ chức thi chấm đèn ông sao cho học sinh. Những chiếc đèn được trao giải thưởng năm ngoái đều được mua ngoài chợ với giá 300 - 400 ngàn.

Đây chỉ là một trong vô vàn những câu chuyện về chiếc đèn ông sao cho trẻ em. Giờ đây các em nhỏ không còn niềm vui của việc cùng cha mẹ hay ông bà chuẩn bị cây que, keo dính, giấy màu, nến để làm đèn.v.v.., thay vào đó là mối quan tâm chiếc đèn được mua với giá tiền bao nhiêu. Không chỉ nặng tính thương mại hóa, việc trang trí đèn ông sao giờ đây cũng bị mất đi nhiều ý nghĩa. Thay vì hình ảnh ông trăng, chị Hằng, chú Cuội, gốc đa, rặng tre, sáo diều.v.v.. thì giờ đây trên các đèn ông sao bày bán toàn thấy dán hình siêu nhân, thậm chí cả hình ca sĩ, diễn viên đang được coi là “nổi tiếng”. Không hiểu nên coi đó là sự nhạy bén của người kinh doanh hay sự vô cảm, vô trách nhiệm đến đáng sợ?

Hàng bánh ế ẩm, mặt nạ quái thú đắt hàng

Đã nửa chiều trung thu, chúng tôi đi qua các trục đường và các dãy phố, dễ dàng nhận thấy cảnh tượng ế ẩm của các hàng bánh. Những thương hiệu (chưa được kiểm chứng?) và những mặt hàng đa dạng, bắt mắt, xanh đỏ hấp dẫn dường như vẫn không đủ thuyết phục khách hàng mua bánh. Rất nhiều người thờ ơ và nhanh chóng bỏ qua, vì họ cho rằng những loại bánh nướng, bánh dẻo này không rõ xuất xứ, bị làm giả thương hiệu, không đảm bảo vệ sinh. Hình như số đông đang có phản ứng mang tính tự vệ. Một sự hoài nghi và tẩy chay rất lớn đang được khách hàng đưa ra như một sự đáp lại với những chiêu trò lừa lọc ngoài thị trường. Ở đây ít nhất có ba sự tổn thất: niềm vui của trẻ em, lòng tin của phụ huynh, uy tín và doanh thu của một số doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc chính đáng.

Các hàng bánh nổi tiếng, trưng bày bắt mắt nhưng rất vắng khách

Trái ngược với tình hình ế ẩm của các hàng bánh là sự nhộn nhịp đắt khách của hàng đồ chơi. Trẻ nhỏ thích đồ chơi - đó là điều đương nhiên. Nhưng hãy xem, chúng ta đang chuẩn bị những đồ chơi gì cho các em? Nhìn đâu đâu cũng thấy những mặt nạ quái thú mang hình thù dữ tợn kì quái, thậm chí nhiều hình ảnh ma quỷ, máu me. Nhiều không kém là các loại đồ chơi siêu nhân, gươm đao, súng đạn mà chỉ nhìn đã thấy đầy tính bạo lực.

Đồ chơi trung thu tràn ngập những robot, súng, mặt nạ ma quỷ

Quan sát, chúng tôi thấy cả các phụ huynh cũng như các cháu nhỏ đều vui vẻ khi mua những mặt hàng đồ chơi này. Vậy là có cả một số đông người lớn đang vô tình ủng hộ và khuyến khích trẻ em chơi những thứ vừa vô bổ vừa hết sức nguy hại?!

Rước đèn dưới nắng và những cách làm hình thức

Hầu như các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở đều tổ chức trung thu cho học sinh của mình. Điều đó tất nhiên cũng cần thiết, nhưng nó có ý nghĩa hay không thì còn phải phụ thuộc vào cách làm.

Không khó để nhận thấy một cách tổ chức giống nhau ở nhiều nhà trường hiện nay, đó là kiểu làm rất hình thức, vô nghĩa, thậm chí phản cảm. Các em học sinh sẽ được xếp thành hàng ngay ngắn và theo hiệu lệnh của thầy cô để bước đều rước đèn… dưới nắng. Người tổ chức thì mất công mất sức chuẩn bị, còn người tham gia là các bé thì cơ bản cảm thấy nhạt nhẽo, chẳng có gì để thích thú. Tại sao các nhà trường lại không kết hợp với phụ huynh, với các phố xóm địa phương để tổ chức đêm hội thực sự cho các em? Tại sao không để các em được vui đùa, hát hò, chơi đèn, phá cỗ dưới trăng một cách thật thoải mái? Có thể, chính sự rập khuôn đơn điệu, thiếu sáng tạo và có phần thiếu trách nhiệm của các nhà trường là một nguyên nhân khiến trẻ hiểu sai và ngày càng… chán rước đèn.

Các em học sinh xếp hàng rước đèn dưới nắng

Ở một số cơ quan, đơn vị, công ty.v.v.., người ta lại có kiểu tổ chức trung thu khá “lạ lẫm”. Trên sân khấu, không thấy con trẻ được vui văn nghệ, chủ yếu thấy các cô các bác phát biểu, mà thường là nói nhiều - nói dài - nói như cuộc họp của các bố mẹ. Rồi đến phần vui nhất là tặng quà, người ta lại phá hỏng niềm vui của các cháu khi toàn tặng… phong bì. Những cuộc như thế, các cháu hầu như không có cảm giác là đến vui trung thu.

Cứ với cách làm hời hợt và chẳng hề quan tâm đến trẻ như thế, chúng ta không nên trách trẻ khi chúng ngày một lạnh nhạt với trung thu.

Đêm trung thu của… người lớn 

Không khí rước đèn bao giờ cũng là niềm vui lớn nhất trong đêm trung thu. Cách khoảng 2 - 3 tối trước đêm chính rằm, các khu phố, các tổ dân cư đã tổ chức rước đèn. Vậy nhưng, tham gia vào một số cuộc rước đèn với các em, thực sự không thể nào vui được…

Có một phố làm chiếc đèn rất to, đẹp, cầu kì, dùng chung cho cả khu. Trên thân đèn dán những con số rất to: “15/8/1945 - 15/8/2016”. Không hiểu khi các em nhỏ hỏi những người làm ra chiếc đèn ấy về ý nghĩa của dãy ngày tháng năm kia, họ sẽ trả lời thế nào? 15 là ngày dương lịch, sao có thể đem nói về ngày… rằm trung thu?

Doanh nghiệp… vui trung thu

Có một xóm bỏ ra rất nhiều công sức và kinh phí (chắc hẳn là các gia đình phải đóng góp nhiều) để thiết kế một chiếc đèn công phu, hoành tráng. Đèn được đặt lên xe ô tô để chở đi, trang trí nhìn như một con thuyền lớn, bóng điện sáng loáng, đẹp lung linh. Kéo dài trọn hết thân đèn và choán vị trí nổi bật là dòng chữ: “Thanh niên xóm H.T vì ngày mai lập nghiệp”. Lại một lần nữa, đám trẻ nhỏ phải ngơ ngác hỏi về ý nghĩa của những dòng chữ như  thế, và người lớn hẳn cũng sẽ ngơ ngác không biết trả lời thế nào.

Một phố X còn tổ chức “hoành tráng” hơn, với những điều rất đáng ngạc nhiên. Trẻ em thì ăn mặc bình thường (tất nhiên), nhưng tất cả người lớn - phụ huynh các gia đình đều mặc áo đồng phục có ghi tên phố, đồng thời họ còn đội trên đầu những chiếc mũ đồ chơi giống nhau. Họ bật loa tăng âm cỡ lớn để mở những bài hát nhạc trẻ thị trường đầy những chuyện tình yêu vật vã, những điệu nhạc mạnh dùng cho vũ trường, quán bar. Đáng chú ý, mâm cỗ trung thu có cả… rượu. Chốc chốc lại thấy có người bắt nhịp vào micro để mọi người cùng hô to: “1 2 3 Zô”.

Đúng là người lớn cũng cần vui chơi, nhưng không phải dịp này. Xin nhớ cho đây là đêm trung thu, chúng ta hãy để trẻ nhỏ được vui chơi theo đúng nghĩa của nó.

*  *

*

Chứng kiến những câu chuyện đáng giật mình trong trung thu vừa rồi, hẳn nhiều người không chỉ tiếc cho những niềm vui đẹp đẽ trong trẻo đang dần dần biến mất, mà còn cảm thấy lo âu về những hệ lụy không hay có thể đến nếu chúng ta tiếp tục “đón trung thu” như thế này. Trẻ nhỏ cũng mất mát, và người lớn chúng ta cũng mất mát./.

Phạm Văn Vũ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy