Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:21 (GMT +7)
Tác phẩm tham dự Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật về Đại đội Thanh niên xung phong 915

Những chuyện tình cảm động ở Đại đội 915

VNTN - Họ còn rất trẻ, là những thanh niên ưu tú năng nổ, mỗi người đều mang trong mình một mối tình thật đẹp, lãng mạn mà rất đỗi giản dị. Vì chiến tranh, họ phải tạm gác chuyện tình yêu đôi lứa của bản thân để dốc lòng cống hiến cho đất nước và rồi… ra đi mãi mãi.

Trong chuyến đi tìm lại lịch sử về Đại đội Thanh niên xung phong (TNXP) 915, Đội 91, tỉnh Bắc Thái, tôi đã được nghe kể lại một số chuyện tình của các đội viên, chúng đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc, là sự cảm phục, xen vào đó không ít ngậm ngùi. Nhưng trên hết, họ chính là minh chứng khiến tôi tin rằng: bom đạn có thể hủy diệt con người nhưng không thể hủy diệt được tình yêu. 

“Mất con gái nhưng không mất con rể”

Chiến tranh không chỉ có bom đạn, máu đổ và hy sinh, vẫn có những tình yêu được trân trọng, gìn giữ trong xa cách, chia ly. Những người lính đi chiến trận không hẹn ngày về và cả người con gái mà anh luôn ngày đêm mong nhớ cũng ngã xuống vì bom đạn. “Mất con gái nhưng không mất con rể” là câu chuyện về liệt sĩ Nguyễn Thị Năng (tiểu đội trưởng tiểu đội 3, Đại đội 915) được người em trai Nguyễn Văn Dương và ông Trần Quốc Hội, người đã từng đính ước cùng liệt sĩ kể lại.

Liệt sĩ Năng và ông Hội đều là người gốc Thái Bình cùng gia đình lên xã Địa Linh, huyện Chợ Rã, tỉnh Bắc Kạn theo chương trình khai hoang vùng kinh tế mới. Không chỉ chăm chỉ, chịu thương chịu khó khai khẩn đất đai, cả hai còn năng nổ tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của xã. Có nhiều cơ duyên gặp gỡ khiến họ dần dà dành nhiều tình cảm cho nhau. Cặp đôi “trai tài gái sắc” được gia đình, bà con chòm xóm ủng hộ. Năm 1968, ông Hội lên đường nhập ngũ. Thời gian gấp gáp, hai ngày trước khi ông đi, hai gia đình chỉ kịp làm lễ dạm ngõ để đôi bên chính thức qua lại với nhau, chờ ngày ông Hội trở về sẽ tổ chức đám cưới. Mối tình vừa mới nảy nở đã phải chia xa, cô gái Năng 17 tuổi ngày ấy khóc hết nước mắt, thêu tặng chồng chưa cưới chiếc khăn mùi xoa, bao nhiêu tình cảm dồn cả vào từng mũi kim đường chỉ, để rồi mỗi một chữ là hàng trăm mũi kim châm: “Mong anh nhớ mãi đừng quên em!”.

Ông Nguyễn Văn Dương (trái), em trai liệt sĩ Nguyễn Thị Năng và ông Trần Quốc Hội, người đã từng có hôn ước với liệt sĩ Năng
Ông Nguyễn Văn Dương (trái), em trai liệt sĩ Nguyễn Thị Năng và ông Trần Quốc Hội, người đã từng có hôn ước với liệt sĩ Năng

Xa nhau, họ chỉ có thể liên lạc qua thư, nhưng chiến tranh chia cắt, những lá thư gửi đi rất nhiều mà nhận về chẳng được bao nhiêu. Dù vậy, những bức thư ít ỏi cũng đủ khiến Năng hiểu được sự khốc liệt, những vất vả, hy sinh và sự quyết tâm của các chiến sĩ nơi tiền tuyến qua lời kể của Hội. Thương chồng chưa cưới bao nhiêu, Năng càng nhủ lòng phải chăm sóc chu đáo cho cả gia đình hai bên, làm hậu phương vững chắc để nơi tiền tuyến anh nắm chắc cây súng mà vững vàng chiến đấu. Cũng từ đó, ý định xin gia nhập TNXP bắt đầu được Năng ấp ủ.

Chân dung liệt sĩ Nguyễn Thị Năng
Chân dung liệt sĩ Nguyễn Thị Năng

Đến giờ ông Hội vẫn nhớ nguyên ngày đó. Năm 1969, ông được về thăm nhà 2 ngày. Giây phút bên nhau ngắn ngủi, người yêu đã thủ thỉ với ông: “Anh à, Tổ quốc lâm nguy, em xin đi TNXP anh nhé. Dù không được cầm súng ra chiến trường cùng nhau sát cánh chiến đấu, nhưng chí ít cũng góp một phần sức lực phụ giúp các anh”. Ánh mắt của Năng khi ấy rất chân thành và cương quyết khiến ông Hội đồng tình ngay: “Em muốn đi, anh ủng hộ và không có ý kiến gì. Chỉ trách là chúng ta sinh ra vào đúng thời chiến, chờ ngày đất nước thống nhất hoặc có cơ hội nhất định anh và em sẽ làm đám cưới”.

Được sự tin tưởng của Hội, Năng đã viết đơn tình nguyện xin đi TNXP. Dù cả hai người đều đóng quân ở Thái Nguyên, Hội ở Đại Từ còn Năng ở khu vực thành phố Thái Nguyên, khoảng cách không bao xa nhưng họ cũng chẳng thể được gặp nhau dù chỉ một lần. Ngay cả khi Năng lặn lội sang đơn vị Hội cũng chẳng gặp được người yêu bởi lúc này Hội đã đi B chiến đấu ở tỉnh Salavan, Lào. Hai người mất liên lạc với nhau từ đó.

Đằng đẵng mấy năm đi B chiến đấu, không lúc nào Hội không nghĩ về người yêu - người vợ chờ cưới của mình. Đến cuối năm 1975, anh được đơn vị cho về phép 17 ngày để thăm nhà và tổ chức lễ cưới. Thật khó có từ ngữ nào có thể diễn tả được hết niềm vui sướng khôn xiết của anh.

Ngày trở về, từ Quảng Bình, Hội đi xe khách về bến xe Thái Nguyên và nghỉ lại đó một đêm. Tình cờ, anh gặp người cùng tham gia TNXP với người yêu để rồi nghe tin sét đánh: “Anh à, Năng đã hy sinh rồi”. Như người đang ở đỉnh hạnh phúc, mới lúc trước còn sống trong niềm hân hoan, vui sướng bỗng bị đẩy xuống tận cùng của vực thẳm đau thương. Không chấp nhận nổi sự thật đau đớn ấy, Hội như người điên dại hỏi đi hỏi lại: “Sao lại như vậy được? Tôi trở về để tổ chức lễ cưới với Năng cơ mà… Đây này tôi còn mua được ít bánh kẹo để làm lễ cưới, còn có cả quà cho cô ấy đây...”. Nhưng tất cả là sự thật. Năm 1972, Năng tham gia Đại đội TNXP 915, 6 tháng sau, cô hy sinh trong trận ném bom của đế quốc Mỹ đêm 24/12. Vậy là người con gái anh yêu đã nằm dưới đất 3 năm rồi!

Suốt chặng đường còn lại trở về quê nhà Hội thẫn thờ, ngây dại sống với những kí ức ngày xưa. Ngày mà hai đứa còn lên rừng khai hoang, làm rẫy, anh mồ hôi ướt áo, em lặng lẽ thấm, lau. Buổi làm về gặp mưa lũ, con suối nước dâng đầy, anh chặt cây bắc cầu cho hai đứa leo qua. Những đêm diễn văn nghệ, hai đứa hát sóng đôi, ánh mắt trao nhau thay lời nói yêu thương…

Cố kìm nén cảm xúc, ông Hội ngậm ngùi: “Về đến nhà, người đầu tiên tôi gặp là bà nội của Năng. Bà ôm lấy tôi, không nói gì mà chỉ khóc. Dù đã tự nhủ phải thật mạnh mẽ để gia đình Năng không buồn thêm nữa nhưng nước mắt tôi cứ trào ra”.

Không chịu nổi sự buồn đau bởi nhìn đâu cũng thấy hình ảnh người yêu, Hội chỉ ở nhà 3 ngày rồi trở lại đơn vị luôn. Dẫu chưa thể nguôi ngoai chuyện tình cảm với Năng nhưng với trọng trách là con trai trưởng nên hơn 1 năm sau Hội lập gia đình cùng Ngô Thị Thủy, người phụ nữ luôn cảm thông chuyện của chồng với liệt sĩ Năng.

Ông Nguyễn Văn Dương (em trai liệt sĩ Năng) chia sẻ: “Từ khi chị hy sinh, bố mẹ tôi suy sụp nhiều lắm. Những lúc đau yếu nhìn di ảnh của chị thì lại khẽ gọi tên con và khóc. Lúc này vợ chồng anh Hội lại cùng chúng tôi thay phiên nhau chăm sóc các cụ. Chị Thủy là người tình cảm, bản thân chị vẫn luôn an ủi bố mẹ tôi rằng: “Bác à, con và anh Hội vẫn luôn coi các bác như bố mẹ mình. Hãy coi con như chị Năng, cho phép con được thay chị chăm sóc bố mẹ”.

Trước sự chân thành của vợ chồng ông Hội, nỗi đau mất con, mất chị của gia đình liệt sĩ Năng được giảm bớt đi phần nào. Đến nay, ông Hội và bà Thủy đã có với nhau 6 người con, mối quan hệ thâm tình của gia đình hai bên vẫn luôn khăng khít. Có bất cứ việc gì như đám giỗ, ma chay, cưới xin đến việc đồng áng, vợ chồng ông Hội đều san sẻ, tham gia cùng với gia đình liệt sĩ Năng. Các con của họ cũng gọi các em của liệt sĩ là cậu, là mợ.

Trò chuyện cùng tôi, ông Dương và ông Hội vừa xem vừa lau chùi bức di ảnh duy nhất còn giữ lại được của liệt sĩ Năng. Hai người đàn ông mắt đều đỏ hoe, sụt sùi. Ở họ không đơn thuần chỉ là “em vợ, anh rể” mà còn là thứ tình cảm gia đình khăng khít, thiêng liêng và đáng qúy.

Cùng tham gia TNXP và cùng “đi xa”

Nhắc lại chuyện liệt sĩ Nguyễn Thế Tưởng (xã Côn Minh, Na Rỳ, Bắc Kạn), bà Nguyễn Thị Toan (em gái liệt sĩ) không giấu được cảm xúc, vừa trò chuyện bà vừa khóc nấc lên: “Anh Tưởng và chị Loan cùng nhau lên đường đi TNXP và cùng hy sinh vào tối định mệnh đó. Họ đã phải trải qua không ít sóng gió mới đến được với nhau, dự tính sau khi trở về sẽ tổ chức hôn lễ, vậy mà…”.

Liệt sĩ Nguyễn Thế Tưởng
Liệt sĩ Nguyễn Thế Tưởng

Liệt sĩ Tưởng là con thứ 4 trong gia đình có 6 người con. Những anh em khác đã lập gia đình, anh Tưởng sống cùng cha mẹ và em gái út là bà Toan. Trong trí nhớ của bà Toan, anh trai là người cởi mở, chân thành, luôn giúp đỡ mọi người, còn có năng khiếu hát và đóng hài kịch. “Anh Tưởng đóng hài kịch hay lắm, cứ mỗi lần anh ấy sắm vai say rượu, hay Phú Ông là bà con đều cười lăn cười bò. Hễ về đến đầu ngõ là anh lại hát nghêu ngao, lũ trẻ con chúng tôi cũng bắt chước theo làm cả xóm rộn ràng cả lên. Có đợt lên lớp anh hát “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh…”.

Cô giáo là người dân tộc bảo hy sinh có nghĩa là “thai” (tiếng Tày nghĩa là chết), anh nhất quyết bảo rằng hy sinh không phải là “thai”, không phải là cái chết thông thường mà là một cái chết oanh liệt. Ngay từ sớm, anh đã có tư tưởng cách mạng như thế rồi!”.

Còn nói về liệt sĩ Loan, bà Toan cũng cho biết: “Chị Loan, anh Đản và anh Tưởng đồng trang lứa. Anh Đản và chị Loan đã có hôn ước với nhau nhưng ngay sau đó anh Đản nhập ngũ và ít lâu sau thì hy sinh. Chị Loan khi đó khổ tâm lắm, suốt ngày chỉ chú tâm vào làm việc và tham gia công tác văn hóa văn nghệ của thôn xã để quên đi nỗi buồn. Anh Tưởng và chị Loan cùng tổ kịch, hai anh chị diễn với nhau ăn ý lắm. Cứ thế qua mỗi buổi tập, buổi diễn mang lại tiếng cười cho bà con, hai anh chị dần nảy sinh tình cảm và yêu nhau. Chị Loan hiền lành, tháo vát lại khéo tay, còn chơi thể thao giỏi nữa. Chuyện tình cảm của hai người khi đó cũng bị một số người nói ra nói vào bởi với họ chị Loan là người đã từng “qua một đời chồng” còn anh Tưởng vẫn còn là “trai tân”.”

Chân dung liệt sĩ Nguyễn Thị Loan
Chân dung liệt sĩ Nguyễn Thị Loan

Đến với nhau, dù lúc đầu chưa nhận được sự cảm thông của mọi người, song chính sự chan hòa, hết lòng nhiệt tình giúp đỡ bà con, thôn xóm của đôi trai gái Tưởng - Loan khiến mọi người dần nhận ra, cô gái Loan đâu có tội tình gì, kẻ có tội chính là chiến tranh. Chuyện tình của họ cuối cùng cũng được gia đình hai bên cùng làng xóm ủng hộ và chính thức có hôn ước với nhau.

Trong những ngày hân hoan chuẩn bị hướng tới hôn lễ, cả chị Loan và anh Tưởng cùng đi TNXP. Sẵn mang trong mình tư tưởng “vì nước quên thân, vì dân chiến đấu”, họ tạm gác lại chuyện hôn sự để làm tròn trách nhiệm của thanh niên đối với đất nước. Cả hai cùng tham gia TNXP tại Đại đội 915, cùng nhau sửa đường, bốc hàng... Công việc dẫu vất vả, nặng nhọc song lá thư nào hai người gửi về cho gia đình cũng luôn là những lời vui tươi, hóm hỉnh, không một chút thở than. Có lẽ chính nhờ tình yêu là động lực mạnh mẽ giúp cho họ vượt qua mọi gian khổ khó khăn với niềm tin mãnh liệt “hẹn ngày chiến thắng mình sẽ cưới nhau”.

Trớ trêu thay, chiến tranh quá tàn nhẫn. Trận bom ngày 24/12/1972 đã cướp đi sinh mạng cả hai người. Nhớ lại ngày đó, bà Toan không thể nào cầm được nước mắt: “Hôm ấy đáng lẽ chị Loan không bị hy sinh. Chị đi hội thao ở dưới Hà Nội rồi được về phép thăm nhà. Nhưng chị không về thẳng mà quay trở lại đơn vị để đợi anh Tưởng cùng về. Thế nên, chị cũng được phân công tham gia làm nhiệm vụ bốc dỡ hàng ở ga Lưu Xá cùng với anh Tưởng ngày hôm đó, để rồi cả hai anh chị cùng nhau hy sinh.”. Gạt nước mắt, bà Toan gắng mỉm cười: Cùng nhau diễn kịch, để rồi cùng yêu nhau; đi TNXP cùng một ngày và hy sinh cũng cùng một chỗ, chung một ngày. Đó như là định mệnh với anh chị! Phần mộ của anh Tưởng và chị Loan tại nghĩa trang Dốc Lim, thành phố Thái Nguyên cũng nằm rất gần nhau. Mong rằng anh chị vẫn là một cặp và luôn vui tươi, dù là ở cõi nào!”.

Cũng giống như Liệt sĩ Tưởng và Liệt sĩ Loan, Liệt sĩ Vy Văn Hòa và Liệt sĩ Phùng Thị Tấm (huyện Ba Bể) cũng đều là những thanh niên ưu tú của địa phương, cùng tham gia TNXP tại Đại đội 915. Chỉ khác, tại đây, khi làm việc, lao động cùng nhau, tình cảm của họ mới được nẩy nở. Tương lai về một gia đình nhỏ ấm áp đầy ắp tiếng cười của trẻ thơ đã được họ nghĩ đến.

Đúng tinh thần “Tổ quốc gọi thanh niên sẵn sàng”, chàng trai Vy Văn Hòa đã tự nguyện viết đơn gia nhập TNXP. Qua lời kể của người em rể, ông Nguyễn Thế Vĩnh, cũng là bạn thân của liệt sĩ: Anh Hòa cao hơn một mét bảy, đẹp trai, chơi thể thao giỏi, đặc biệt là bóng bàn và bóng chuyền. Tại địa phương, kinh tế gia đình anh thuộc hàng khá giả nhưng anh không hề ỷ lại mà luôn tranh thủ mọi thời gian rảnh rỗi giúp đỡ gia đình việc buôn bán. Học hết lớp 8 anh được gia đình hướng đi học công an nhưng anh âm thầm giấu gia đình đăng ký đi TNXP, lại còn khai “gian” thêm 1 tuổi để đủ tiêu chuẩn. Mãi đến tối trước hôm lên đường anh mới cho gia đình biết thì lúc này chuyện đã rồi…

Tại đơn vị, chàng thanh niên Hòa gặp và đặc biệt ấn tượng với cô TNXP Phùng Thị Tấm làm ở bộ phận chăm lo ăn uống cho đơn vị. Cô Tấm xinh đẹp, sắc sảo và cá tính, là một trong bộ ba “Tấm - Tốt - Túc”, ba cô TNXP được mệnh danh là “đẹp nhất huyện Ba Bể” của Đại đội. Chỉ từ những lần gặp nhau ở nhà ăn của đơn vị, trêu ghẹo bông đùa rồi lườm nguýt nhau một vài câu thế mà lại có tình cảm đặc biệt. Dẫu vậy, phải làm việc cả ngày đến tối muộn mệt nhoài, rồi tập trung ăn cơm, rút kinh nghiệm, sinh hoạt văn nghệ xong là đi ngủ sớm theo quân lệnh nên thời gian để gặp gỡ tâm sự chẳng có là bao.

Chân dung liệt sĩ Phùng Thị Tấm
Chân dung liệt sĩ Phùng Thị Tấm

Theo bà Ngôn Thị Túc (huyện Ba Bể, cựu TNXP Đại đội 915) bạn thân thiết với bà Tấm kể lại: Tình yêu của họ thật đơn giản và mộc mạc. Chàng thấy nàng lạ nước nên bị ghẻ, dù nàng chẳng cho ai biết ấy vậy mà chàng biết được mới tài, rồi tức tốc đi tìm loại “cỏ ba lá”, bí mật đưa cho nàng. Nàng thì thỉnh thoảng xúc thêm cho chàng ít cơm cháy vào suất ăn. Hay “hài hước” hơn chút thì thấy đũng quần chàng bị rách thì mặt đỏ ửng quát “người đâu mặc quần rách, vô duyên”, rồi lại nhỏ nhẹ “đưa đây, người ta vá giúp cho”.

Tình cảm của họ cứ thế được nuôi dưỡng và lớn dần nhưng giữa độ đang “chín” lại bị bom Mỹ hủy diệt. Liệt sĩ Hòa và liệt sĩ Tấm đều đã hy sinh sau trận bom ngày 24/12/1972 năm ấy.

Thế đấy, tình yêu của những TNXP trong thời chiến cứ giản dị, tự nhiên, không hào nhoáng, không lọc lừa, không làm màu phô trương, chỉ có sự chân thành trao cho nhau giữa làn mưa bom khốc liệt. Đau xót thay, những mối tình của Đại đội 915 hầu hết đều đã không thể có kết thúc trọn vẹn, viên mãn. Đó sẽ là những bài học cho tôi và cả thế hệ trẻ ngày nay nhắc nhở mình cần phải biết trân trọng thứ tình cảm đáng quý này khi còn có thể, đồng thời luôn nhớ về công lao, sự hy sinh lớn lao của những lớp người đi trước, trong đó có không ít những đôi trai tài gái sắc, những TNXP anh hùng.

Anh Thắng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 2)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 1)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Phối hợp triển khai sáng tác văn học về Đại đội 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 2 năm trước

Tiếp tục tuyên truyền có điểm nhấn về Đại đội TNXP 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Những nụ cười vẫn sáng lên

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Họ đã tham gia cuộc chiến như thế

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Nhật ký cô văn thư

Xem tin nổi bật 5 năm trước