Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
18:54 (GMT +7)

Những bức tranh mang hơi thở mùa xuân

VNTN - Dù ngoài trời còn rất rét mướt, thậm chí có nơi băng tuyết, sương giá - mưa dầm đằng đẵng, song khi nhìn những bức tranh vẽ về mùa xuân, ai nấy đều cảm thấy ấm áp, tưởng chừng mùa xuân đã về, với cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa quả trĩu trịt trên cành. Yêu mùa xuân, các họa sĩ xưa nay đều dành rất nhiều sáng tác cho cảnh xuân, làm hồi sinh vạn vật và sống dậy không khí tưng bừng của những ngày đầu năm.

Nói đến xuân là nói đến những màu sắc tươi vui hoặc rực rỡ của vườn tược, đồng ruộng. Chỗ nào cũng thấy hoa vì hoa chính là hiện thân của mùa xuân. Có khá nhiều họa sĩ nổi tiếng như Sandro Botticelli của Italy thời Phục Hưng thế kỷ 15, 16, chuyên khắc họa xuân bằng hoa cùng những yếu tố thần thoại. Ông có một tác phẩm tiêu biểu là Primavera theo tiếng La tinh là Nàng Xuân. Ở đó, mùa xuân đang tới trong một khu vườn ngập tràn hoa (đến hàng trăm thứ hoa quả), và có những thiếu nữ xinh đẹp nhảy múa trong những làn gió mát mẻ và bầu trời trong sáng.

 

Tác phẩm Hoa hạnh nhân của Van Gogh

Danh họa Claude Monet của Pháp và trào lưu Ấn tượng thế kỷ 19 lại tả xuân trong khung cảnh mơ màng, huyền ảo bằng những đóa hoa súng, hoa diên vĩ nở xòe trên nước. Trong làn sương buổi sớm vừa tan, bỗng thấy trước mặt một hồ hoa bung tràn bát ngát, chỉ có nắng ấm hoa mới nở rộ như vậy, song xem đầm nước thì vẫn thấy nó xanh thăm thẳm, do những sắc lạnh của mùa đông hãy còn. Trong văn hóa, súng và diên vĩ đều là biểu tượng của nước, của sự sống đang dâng trào mà hết sức thanh khiết, dịu dàng.

Cũng thuộc chủ nghĩa Ấn tượng, với danh họa Van Gogh của Hà Lan, mùa xuân chính là những cành hoa hạnh trắng (hoặc đào hồng) đua chen trên những cành nhánh khô gầy và bay lên đong đưa dưới một bầu trời xanh thật xanh, như muốn nói tới một sự khởi đầu tốt lành. Tác phẩm Hoa hạnh nhân được ông vẽ để tặng cho người anh trai vừa mới sinh quý tử với mong ước cháu sẽ mạnh khỏe và dũng mãnh. Dựa trên tranh in khắc gỗ Nhật Bản, cùng với chủ đề mai, đào, lê, táo trong văn học Đông phương, ông đã tạo nên bức tranh này, song thay đào bằng hạnh - một loài cây ở Tây phương cũng có sức sống mãnh liệt và luôn trổ hoa, nảy lá vào xuân để miêu tả một miền Nam của Pháp khi ông vừa đặt chân tới, lúc đầu còn rất se sắt, nhưng chỉ sau hai tuần, thời tiết thay đổi hẳn, và trên cành hạnh hoa xếp tán rung rinh như kêu gọi mọi vật thức tỉnh và hy vọng.

 

Hanami của họa sĩ hoàng gia Yoshu Chikanobu

Ở Nhật Bản, khi anh đào nở là mùa xuân đến, và dân gian nước này đều nô nức đi ngắm hoa trong một lễ hội dài tới ba tháng. Điều ấy được thấy rất rõ qua bức tranh Hanami của họa sĩ hoàng gia Yoshu Chikanobu triều Minh Trị thế kỷ 19. Trong tác phẩm của ông, các quý nhân trong những tà áo rực thắm, kéo nhau rời cung để tới vui chơi bên những gốc cây anh đào nở đầy hoa phiêu bồng. Dọc theo bờ sông có vô số cây như vậy với những tốp người tụ tập, đùa nghịch say mê. Phong tục này đã có từ thế kỷ thứ 8, và trong không khí sôi sục, náo nhiệt như vậy, thử hỏi ai không muốn đi, đến các nương nương trong hoàng cung Chiyoda - Tokyo cũng rạo rực muốn xem, nhất là khi ở Nhật Bản mùa đông rất dài và lạnh, tuyết thường rơi dày vài chục phân.

Tuy không nhiều hoa, cũng thưa cây song một bức tranh trong bộ tranh Bốn mùa của họa sĩ người Bỉ thế kỷ 16 - 17 Pieter Brueghel Con cũng thấy mùa xuân với việc cày xới, trồng trọt và chăn nuôi sinh động… Tranh khắc họa nhiều nhóm người là nông dân Flemish, kẻ bửa đất, cào luống, kẻ gieo hạt, tỉa cành trong khi những người khác xén lông cừu và xa hơn nữa là nhảy múa, tiệc tùng trong phong cảnh làng xóm trù mật ven sông. Bằng các màu nóng ấm, thiên về đỏ, hồng, vàng, còn sử dụng màu lạnh và xanh cực ít, chỉ đặc tả về cây và là những cây non ngang ngực, tranh phản ánh một ngày đầu xuân của làng quê thật nhộn nhịp, say sưa trong lao động.

 

Wiosna (Mùa Xuân) của Teresa Roszkowska

Vẫn là hoạt động nông nghiệp, nhưng đầy nhịp điệu rộn ràng như thể một ngày hội lớn, là Wiosna (Mùa Xuân) của họa sĩ người Ba Lan thế kỷ 20, Teresa Roszkowska. Vào năm 1932, bà đã sáng tác họa phẩm này ghi lại việc mừng xuân của mọi vùng quê Ba Lan. Tất thảy mọi loài trên đất nước, gồm cả người lẫn vật đều hào hứng đón chờ, hướng tới một thiếu nữ xinh đẹp đang trèo cây và đính những bông hoa lên đó, để những cành khô nở hoa. Một cặp nam nữ chịu trách nhiệm bưng giỏ hoa đưa cho nàng Flora. Còn những người khác thì đứng xem, nhón chân nhằm chạm vào những tán hoa la đà. Ở giữa tranh, cũng có một kiều nữ nữa, và có lẽ đây mới là Nàng Xuân đích thực, khi đầu đội vương miện hoa, cổ đeo vòng hoa, lưng đeo túi hoa, còn tay thì rắc hoa rơi tràn mặt đất, đồng cỏ. Trong không khí mát lành, thơm tho ấy, từng đôi uyên ương hò hẹn trên đồi, và ở phía dưới là cảnh người dân làm đồng, cho đàn trâu bò uống nước. Qua đó, đất trời, thần linh, con người giao hòa thành một, và nếu không phải thần tiên đem tới mùa xuân thì dân gian từ những người hết sức nhỏ bé, bình thường cũng đang cùng nhau hàng ngày thay thiên nhiên kiến tạo mùa xuân.

Ngoài ra, còn có khá nhiều họa phẩm mang hơi thở, tiếng nói của mùa xuân như Đầu xuân đồng áng của Jacob Grimmer, Cánh đồng mùa xuân của Alfred Sisley, Chim én trên cành liễu rủ của Hokusai, Khu vườn xuân sang của Claude Monet, Những cây mận đơm hoa của Camille Pissarro, Lối nhỏ vườn xuân của Duncan Grant, Thung lũng ngày xuân của Laura Knight, Cà phê vườn xuân của Nicolas Lancret, Câu cá vào xuân của Van Gogh…

Chu Mạnh Cường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy