Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
22:17 (GMT +7)

Những bí ẩn của đền tháp Champa

Những bí ẩn 

Kim tự tháp Ai Cập dùng sức nặng hàng chục tấn của những khối đá được mài nhẵn các cạnh thành hình chữ nhật hoặc hình vuông để làm giá đỡ cho nhau nên không cần chất kết dính giữa những khối đá với nhau. Kỹ thuật mài nhẵn đá của người Ai Cập tinh vi đến mức một con dao sắc bén cũng không thể lách vào được giữa các khối đá. Và càng lên cao thì các khối đá lại có kích thước nhỏ lại dần, trong khi những khối đá ở tầng đáy lại có kích thước lớn nhất để chịu lực toàn bộ công trình. Có lẽ vì thế nên công trình hoàn toàn bằng đá cao đến trăm mét này mới có được sự vững chãi, chắc chắn hàng ngàn năm.

Ngược lại, các đền tháp Champa có kích thước khiêm tốn hơn rất nhiều lần so với các Kim tự tháp Ai Cập, lại được xây bằng gạch, thứ nguyên liệu nhỏ, nhẹ hơn rất nhiều so với nguyên liệu đá. Nhưng nếu đền tháp Champa xây bằng gạch thì phải có chất kết dính những viên gạch lại với nhau như chúng ta dùng vữa từ hỗn hợp xi măng, cát,... ngày nay. Song trên thực tế, không hề phát hiện có những mạch vữa giữa các viên gạch ở các đền tháp Champa.

Vậy nếu không có chất kết dính thì làm sao người Chăm xưa có thể tạo nên một tòa tháp bằng gạch cao hàng chục mét? Đó là chưa kể những bức phù điêu gắn xung quanh thân và phần vòm đền tháp Champa đều làm bằng đá sa thạch. Nếu không có chất kết dính thì làm sao có thể “gắn” những bức phù điêu vào bức tường gạch? Và liệu các lớp gạch không có kết dính có thể chịu được sức nặng của vòm bằng đá sa thạch từ phần mái hay không?

Bên cạnh đó, việc xây đền tháp Champa bằng gạch được nung từ trước hay dùng gạch chưa nung? Bởi theo truyền thuyết dân gian còn truyền ở các làng Chăm tại Ninh Thuận là tháp được xây bằng gạch mộc còn ướt chưa nung. Nếu dùng gạch đã nung để xây đền tháp Champa thì liệu có thể xếp được các viên gạch thành một tòa tháp với kiến trúc rất tinh vi và phức tạp không, nếu không có chất kết dính? Nếu dùng gạch chưa nung thì làm sao để tạo ra vòm bằng sa thạch khi các trụ đứng bằng thứ đất sét yếu ớt khó có thể chống đỡ sức tan chảy của chính nó bởi ngọn lửa khổng lồ đang nung “chín” toàn bộ ngôi đền tháp? Nghĩa là xây đền tháp Champa bằng gạch chưa nung thì chắc chắn không thể tạo ra vòm sa thạch và thân tháp sẽ cực kỳ yếu và dễ sụp đổ. Phải chăng người Chăm xưa đã sử dụng đến sức mạnh của thần linh để tạc nên những hình khối tôn giáo?

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, người đo vẽ từng viên gạch tháp Chăm hàng chục năm qua cho rằng: “Nung toàn khối không phải là kỹ thuật xây tháp của người Chăm xưa. Bởi gạch Chăm bình quân 6 phân, 10 viên 6 tấc, 100 viên 6m, 1000 viên 60m. Tuy nhiên, trên thực tế nếu sắp 200 viên gạch không có kết dính thì nhất định sẽ bị sụp đổ. Trong khi đó các tháp ở Mỹ Sơn lại cao đến 24m, gấp đôi giới hạn chịu đựng của các tầng gạch”.

Điều đặc biệt hơn nữa, những bức tường gạch của các đền tháp Champa đều không bao giờ bị rêu phong, đen sạm bởi sương gió, ngoại trừ bị vỡ, bị tách biệt khỏi môi trường kiến trúc tự nhiên. Chỉ có một màu đỏ và… đỏ rực như ngọn lửa Apsara, bất chấp vương quốc sản sinh ra nó đã lụi tàn như làn sương khói. Trong khi đó, nếu sử dụng gạch hiện đại để phục chế thì chỉ một thời gian ngắn sau “điểm phục chế” lại bị rêu phong và đen sạn rất nhanh… mất mĩ quan. Đúng như phát biểu trong một hội thảo về Champa gần đây được tổ chức tại Đà Nẵng (7/2012), GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho rằng: “Ngay cả vấn đề giải quyết hiện tượng rêu phong cho các khối gạch xây mới, mà người Chăm xưa kia đã giải quyết được, vẫn còn là một thách đố”.

Khu đền tháp Mỹ Sơn

Nỗ lực giải mã

Kỹ thuật xây dựng đền tháp Champa trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (Thế kỷ II - VI), tháp chỉ xây bằng gỗ và chỉ có tượng thờ. Giai đoạn 2, tháp xây theo cách tường gạch và mái gỗ và đã có hệ thống tượng thờ hoàn chỉnh. Tháp Phú Diên, Mỹ Khánh ở Huế thuộc giai đoạn này. Giai đoạn 3 (thế kỷ VI -  XVII), tháp được xây dựng hoàn chỉnh có sự tham gia của đá sa thạch. Nhưng kỹ thuật xây tháp Chăm trong giai đoạn đỉnh cao như thế nào thì cho đến nay vẫn chưa được thống nhất về mặt kiến giải. Từ thời khai phá các đền tháp Champa (cuối thế kỷ XIX) cho đến nay, các học giả Ý, Pháp, Ba Lan... và các học giả của Việt Nam vẫn chưa ai đưa ra được một kết luận cuối cùng.

Hiện có ba quan điểm về kỹ thuật xây dựng tháp Chăm ở giai đoạn đỉnh cao. Đầu tiên, có quan điểm cho rằng người Chăm nung gạch, dùng chất kết dính và xây lên. Quan điểm thứ hai - Leuba (1923) -  cho rằng người Chăm dùng đất sét phơi khô (gạch mộc) và “nung toàn khối”. Quan điểm thứ ba lại cho rằng: Người Chăm xây tháp chừng nào nung chừng nấy, rồi độn đất vào lòng tháp, như vậy vòm mới có thể xây dựng được.

Quan điểm thứ nhất và quan điểm thứ ba đã có từ lâu nhưng vẫn chưa xác định được khả năng. Quan điểm thứ hai thì không được thừa nhận vì những viên gạch giãn nở khác nhau trong khi nung gây ra sự đổ vỡ. Ông Nguyễn Hữu Thông, nguyên Phân viện trưởng, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế nhận định: “Nung toàn khối đúng là một truyền thống của người Chăm. Hiện nay lò gốm ở Bàu Trúc, Phan Rang, Ninh Thuận được đánh giá là lạc hậu nhất thế giới, không có bàn xoay và chất củi đốt (không dùng than) nên nhiệt độ tạo ra chỉ 300 - 400 độ C. Tuy nhiên, giả sử muốn “nung toàn khối” thì cũng không thể thực hiện ngoài trời được. Vì nhiệt độ chỉ đạt 500 - 600 độ C. Trong khi gạch tháp Chăm hoàn chỉnh đã lên tới độ nung 1000 độ C. Và nếu nung ở lò nung thì gạch cũng không thể “chín đều” như vậy được. Vì có chỗ gạch nằm ở lỗ thông hơi, có gạch nằm ở chỗ gần củi đang cháy. Có lẽ chỉ có lò ga hiện đại mới đạt độ hoàn chỉnh đến như vậy. Một điều nữa là khi nung gạch mộc thì tạo sự đùn đẩy vì thông số có giãn mỗi viên gạch chắc chắn là không giống nhau, sẽ gây ra đổ vỡ”.

Về hiện tượng Lê Văn Chỉnh, một người thợ thủ công đã dùng kỹ thuật “mài chập” để tạo nên một mô hình tháp Chăm cao 6,7m tại nhà hàng ẩm thực Apsara (Đà Nẵng) vào năm 2003, ông Nguyễn Hữu Thông nhận định: “Đó là kỹ thuật mài nhẵn hai viên gạch để tạo ra hỗn vị cho gạch. Hỗn vị này là bột gạch, chất kết dính hai viên gạch lại với nhau. Điều này có thể kiểm chứng ở các tháp ở Indonesia. Tuy nhiên, ông Lê Văn Chỉnh chỉ làm nên một mô hình tháp Chăm, tỉ lệ nhỏ hơn rất nhiều so với tỉ lệ thực. Cho nên khả năng chịu lực từng viên gạch thấp hơn rất nhiều so với thực tế. Do đó, mô hình tháp khó có thể bền vững qua hàng thế kỷ như tháp Chăm”.

Trong năm 2004, nhóm chuyên gia kỹ thuật Lerici thuộc Đại học Bách khoa Milan (Italia), TS. Nguyễn Hồng Kiên, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ và nhóm công nhân trong dự án tu bổ nhóm tháp G (Mỹ Sơn) đã làm thí nghiệm một khối xây nhỏ riêng biệt đặt gần tháp G1 bằng chất kết dính gồm nhớt cây bời lời và nhựa cây dầu rái (tên khoa học là Dipterocarpus Alatus Roxb thuộc họ Dipterocarpaceae). Kết quả chất kết dính bằng nhựa thực vật là dầu rái có độ liên kết tốt hơn nhựa cây bời lời. Sau nhiều thí nghiệm và những tính toán cẩn trọng, đến ngày 1/10/2006 Trung tâm Quản lý di tích - di sản tỉnh Quảng Nam chính thức công bố thông tin: Đã nhận biết được loại vật liệu kết dính gạch Chăm là nhựa cây dầu rái. Tuy nhiên, nhận xét về phát hiện chấn động này, ông Nguyễn Hữu Thông lại cẩn trọng nhận định rằng: “Gạch xây tháp Chăm có sự hiện hữu của dầu rái. Nhưng dầu rái không phải là chất duy nhất trong gạch. Chất kết dính các viên gạch tháp Chăm là nguyên chất (dầu rái) hay là hợp chất vẫn chưa có kết luận”. Bởi sau đó 2 năm, vào năm 2008, động tác trả lại cụm tháp Khương Mỹ (Quảng Nam) của Viện Công nghệ Vật liệu Xây dựng vì không thể xử lý được vật liệu và phương pháp trùng tu tương đồng với nguyên bản, gần như đặt một dấu chấm hết cho công cuộc giải mã những bí ẩn đền tháp Champa, sau hơn một thế kỷ tìm kiếm.

Gạch trang trí được trưng bày tại Nhà bảo tàng Mỹ Sơn

Ông Nguyễn Hữu Thông cũng cho rằng việc xây dựng đền tháp Champa có sự tham gia của những nhà sư, thương nhân và thợ thủ công Ấn Độ. Ông cho biết: “Trong cuốn kỷ yếu 10 năm thành lập Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tôi có viết một bài về chủ đề này. Tôi kiến giải rằng việc xây dựng tháp Chăm có sự tham gia của những nhà sư, thương nhân và thợ thủ công Ấn Độ trong đó. Như ngói lưu ly của nhà Nguyễn có sự tham gia của nghệ nhân Trung Quốc với vai trò thợ cả. Và sau này, khi họ về nước thì các xưởng ngói triều Nguyễn cũng bị suy tàn. Như vậy, nếu muốn tạo ra một viên gạch chất lượng như gạch Chăm thì người Chăm phải có một truyền thống làm gạch. Nhưng qua khảo sát thì gạch lại không hề hiện diện trong đời sống của người Chăm. Kể cả công trình dân sinh và tín ngưỡng dân gian. Duy có thành lũy và tháp Chăm mới sử dụng gạch và lại là gạch đã ở đỉnh cao. Chỉ có một cách suy diễn: thời đó các thương nhân và các nhà sư Ấn Độ đến Champa buôn bán, truyền đạo rất đông tại cả tiểu quốc Champa. Cuộc buôn bán đã diễn ra rất hời cho bên các thương nhân Ấn Độ. Họ bán các loại hàng hóa rẻ tiền rất được giá và mua về Ấn Độ sừng tê giác, vàng bạc. Do đó, họ đã hào phóng “biếu” cho các ông vua Chăm của những tiểu quốc Champa những tòa tháp Chăm để lưu dấu vương quyền của các ông vua này. Về thợ xây tháp Chăm, các thương nhân Ấn Độ đã tập hợp các thợ xây Ấn Độ khá dễ dàng. Bởi Ấn Độ luôn loạn lạc, chia rẽ nên các thợ xây Ấn Độ, bậc thầy về sử dụng gạch để xây dựng công trình tôn giáo đã vượt biển để tìm kiếm sự mưu sinh”…

Và cho dù đã có nhiều những lý giải của giới chuyên môn như đã nêu trên thì những bí ẩn xung quanh đền tháp Champa cho đến nay vẫn chưa có lời giải cuối cùng.

 

Nguyễn Văn Toàn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy