Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
08:43 (GMT +7)

Nhớ về GS.TSKH Tô Ngọc Thanh - “Cây đại thụ trong làng văn hóa dân gian”

Ngày 24/4/2024, Giáo sư, tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam (VNDGVN) đã qua đời, hưởng thọ 90 tuổi. Ông ra đi để lại di sản đồ sộ về văn hóa dân gian, âm nhạc dân tộc. Công lao của ông mãi được ghi nhận và có tác dụng lâu dài đối với nền văn hóa nước nhà. Ông là tấm gương sáng cho các lớp văn nghệ sĩ, các thế hệ học trò mãi mãi nhớ ơn và noi theo. Ông - một người hết lòng với đồng nghiệp và học sinh thân yêu…

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh. Nguồn: Internet
GS.TSKH Tô Ngọc Thanh. Nguồn: Internet

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh sinh năm 1934, quê ở Mỹ Văn (Hưng Yên). Cha ông là danh họa Tô Ngọc Vân nên năm lên 6 tuổi Tô Ngọc Thanh đã được cha cho theo học mỹ thuật. Nhưng ông sớm bộc lộ khả năng và niềm đam mê với âm nhạc nên cha ông đã cho chuyển hướng sang âm nhạc.

Trong kháng chiến chống Pháp (1949 - 1951), Tô Ngọc Thanh từng là Trưởng đoàn Văn hóa kháng chiến. Đến năm 1956, ông theo học tại Khoa Sáng tác, Trường Trung cấp Âm nhạc Việt Nam, tiền thân của Học viện Âm nhạc Quốc gia.

Năm 1959, ông nhận công tác tại Ban Nghiên cứu âm nhạc thuộc Vụ Nghệ thuật, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Kể từ đó, ông bắt đầu hành trình sưu tầm nghiên cứu âm nhạc dân gian các dân tộc, hòa nhập cùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, khắp các vùng Tây Bắc, Việt Bắc rồi Tây Nguyên để sống cùng đồng bào và nghiên cứu, tìm hiểu âm nhạc, dân ca, dân vũ mà họ đang sở hữu. Trong quá trình công tác, ông có một đam mê là tìm hiểu về dòng âm nhạc dân gian của đất nước mình. Theo ông: “Âm nhạc dân gian chính là âm nhạc của cuộc sống, bởi muốn hiểu người, hiểu đời thì phải hiểu ngọn nguồn của văn hóa”, và “Việt Nam mình là nước nông nghiệp, đa phần là nông dân, họ sống ở nông thôn, nơi chứa đựng dòng văn hóa dân gian vô cùng phong phú. Vậy nên có thể nói văn hóa dân gian là “cốt tử” của người Việt Nam…”. Trong công việc, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh luôn đam mê, cần mẫn, nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học, chính vì vậy ông đã để lại ấn tượng tốt đẹp và niềm kính trọng trong lòng đồng nghiệp và các lớp học trò.

Giờ đây ông đã về miền sáng. Tôi nhớ về ông bằng những kỷ niệm đáng nhớ của đời mình.

Kỷ niệm thứ nhất, đó là vào tháng 8 năm 2007, trong chuyến khảo sát sưu tầm tài liệu, hiện vật dân tộc Xinh Mun tại xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Đây là một xã giáp biên giới Việt – Lào còn rất nhiều khó khăn. Tại đây, tôi phải ở nhờ gia đình anh Vì Văn Nèn, Chủ tịch xã Chiềng On lúc bấy giờ. Một hôm sau bữa cơm tối, bên chén trà, anh Nèn hỏi tôi: “Chú làm công tác văn hoá dân tộc có biết và gặp bác Tô Ngọc Thanh ở Hội VNDGVN bao giờ chưa?”. Tôi trả lời: “Dạ, em có biết nhưng chỉ qua các cô chú, anh chị trong cơ quan thôi, chứ em chưa được gặp bác ấy lần nào”. Nghe vậy, anh Nèn đứng lên lấy một cuốn sách với tựa đề “Nghi lễ cúng thần rừng của người Xinh Mun ở xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La” đưa cho tôi xem. Anh nói: “Đây là cuốn sách đầu tay của anh, do bác Tô Ngọc Thanh giúp đỡ để viết đấy”.

Tôi trân trọng đưa hai tay đón lấy. Anh Nèn tiếp tục: Khi ấy anh chưa hiểu văn nghệ dân gian là gì, nên không biết bắt đầu từ đâu, nhưng được sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của bác Thanh trong việc nghiên cứu như: ghi chép đầy đủ, trung thực nhất những gì diễn ra trong nghi lễ, anh đã dần dần lưu lại được những nét văn hóa của dân tộc qua các nghi lễ. Ngoài việc chỉ dẫn tận tình, trong quá trình thực hiện, bác Thanh còn về Chiềng On hai lần để giúp anh hoàn thành đề tài này. Bác ấy nhiệt tình lắm đấy...

Hết đợt công tác, anh Nèn đã tặng tôi cuốn sách kèm theo lời dặn: “Làm công tác về văn hoá dân tộc, chú nên gặp bác Thanh, sẽ có nhiều đề tài nghiên cứu liên quan đến công việc của chú đấy”. Đó là kỷ niệm đầu tiên của tôi về GS.TSKH Tô Ngọc Thanh.

Kỷ niệm thứ hai, là vào năm 2015, tôi bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, chuyên ngành Văn hoá học với đề tài: “Nghi lễ Cầu tự của người Nùng Phàn Slình ở huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên”. Sau đó, được sự giúp đỡ của chị Nguyễn Thị Thuý – đồng nghiệp của tôi, là hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, tôi và chị Thuý đã đăng ký đề tài trên với Hội VNDGVN để có cơ hội nghiên cứu và quảng bá rộng rãi hơn. Sau khi nộp bản đề cương, chúng tôi đã được bác Tô Ngọc Thanh điện thoại trao đổi trực tiếp để sửa chữa đề cương cho phù hợp với tiêu chí của Hội. Khi hoàn thành đề tài, chúng tôi được Hội đồng đánh giá đạt chất lượng tốt và Hội VNDGVN đã tài trợ để in thành sách. Vậy là ước nguyện của chúng tôi, được quảng bá rộng rãi đề tài, đã thực hiện được nhờ sự quan tâm, sát sao của nhà nghiên cứu văn hóa Tô Ngọc Thanh.

Kỷ niệm thứ ba, theo quy định, để được xét kết nạp vào Hội VNDGVN thì ít nhất mỗi người phải có 02 đề tài cùng thực hiện với hội viên khác. Vậy là tôi và chị Thuý tiếp tục đăng ký đề tài “Nghiên cứu nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình của dân tộc Sán Chay ở tỉnh Thái Nguyên”. Chúng tôi đã đi điền dã, nghiên cứu tại địa phương để viết hoàn thành đề tài nộp về Văn phòng Hội theo đúng quy định.

 Sau khi đề tài được nộp về Hội khoảng nửa tháng. Một hôm chị Thuý nhận được cuộc điện thoại bàn: “Cho tôi hỏi, có phải chị Thuý công tác ở Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam không?”. “Dạ đúng rồi ạ”. Đầu dây bên kia: “Bác là bác Thanh, công tác ở Hội VNDGVN. Cho bác hỏi cháu và một bạn nào thực hiện đề tài gửi về Hội nhỉ ?”. Chắc hơi có phần bất ngờ nên chị Thuý bối rối: “Dạ! cháu và bạn Việt Anh cùng thực hiện ạ, nhưng bạn ấy viết chính”. Lại một câu hỏi: “Bạn ấy là nam hay nữ, đã tham gia viết nhiều chưa?”. Một thoáng suy nghĩ, chị Thuý trả lời: “Là bạn nam ạ. Bạn ấy đã từng thực hiện một số đề tài cấp Viện và đã tham gia đề tài cấp Bộ rồi ạ”. “Thế à, bác chỉ hỏi vậy thôi. Bác xem đề tài rồi, cậu ấy viết được đấy, nhưng nhiều lỗi chính tả quá, khi nào gửi bản mềm cho Hội, phải chỉnh sửa lại lỗi chính tả nhé...”. Rồi ông tiếp: “Những năm 80 của thế kỷ trước, bác cũng nghiên cứu về văn hoá dân tộc Sán Chay ở Thái Nguyên rồi. Cậu ấy nghiên cứu và viết như thế là đã ba cùng (cùng ăn ở, cùng sinh hoạt, cùng làm việc) với đồng bào rồi đấy, cháu động viên cậu ấy tiếp tục viết nhé...”. Chị Thuý và tôi thở phào nhẹ nhõm, cứ nghĩ bác gọi điện phê bình đề tài làm ẩu cơ, giờ thì yên tâm rồi.

Đó là những kỷ niệm của tôi về nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Tô Ngọc Thanh. Với tôi bác Thanh là người lãnh đạo rất bận công việc của Hội, bận nghiên cứu, nhưng vẫn quan tâm đến các hội viên, đến từng đề tài, đến từng chi tiết nhỏ trong mỗi đề tài do hội viên thực hiện. Bác thực sự ân cần, gần gũi, khéo léo, xử lý mọi tình huống, mọi công việc thật chu đáo, tận tình.

Tô Ngọc Thanh dành cả cuộc đời, tận tuỵ, nghiên cứu các mảnh ghép về văn hoá dân gian, âm nhạc dân tộc.
Tô Ngọc Thanh dành cả cuộc đời, tận tuỵ nghiên cứu các mảnh ghép về văn hoá dân gian, âm nhạc dân tộc.

Kể từ hai đề tài viết chung kể trên cùng một số đề tài khác, tôi đã đủ tiêu chuẩn để được kết nạp vào Hội VNDGVN. Những năm sau, tôi tiếp tục nghiên cứu các đề tài “Nghiên cứu hoa văn trên trang phục truyền thống của người Dao Quần trắng ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái”; “Nghiên cứu nghệ thuật múa dân gian sư tử mèo của dân tộc Tày, Nùng ở tỉnh Lạng Sơn”,… các đề tài đó đều đủ điều kiện được Hội Văn Nghệ dân gian Việt Nam tài trợ.

Được là hội viên của Hội VNDGVN, tôi ngày càng có điều kiện hiểu thêm về vị Chủ tịch Hội đáng kính này. Ông đã dành cả cuộc đời, tận tuỵ nghiên cứu các mảnh ghép về văn hoá dân gian, âm nhạc dân tộc, ông đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc. Tiêu biểu như: Công trình “Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc” (1969); Tác phẩm “Âm nhạc dân gian Mường” (1971); “Âm nhạc dân gian nhóm tộc người Nam Á ở Việt Nam” (1979); “Tìm hiểu âm nhạc cổ truyền” - viết chung với nhạc sĩ Hồng Thao (1982); “Fonclo Bahna”, do ông Chủ biên (1988); “Nhạc cụ các dân tộc thiểu số Việt Nam” (1995); Tư liệu “Âm nhạc cung đình Việt Nam” (2000); “Ghi chép về văn hóa và âm nhạc”…

Trong quá trình công tác, ông từng làm Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam. Liên tiếp sáu nhiệm kỳ, từ khóa 2 đến khóa 7, ông được bầu làm Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (năm 2010), và liên tục giữ chức vụ này trong nhiều năm. Với nhiều công trình nghiên cứu đồ sộ về văn hóa dân gian, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh được nhận Giải Nhất do Hội Văn nghệ dân gian trao (1972), 4 giải Nhất của tổ chức Trung tâm Văn hóa châu Á - Thái Bình Dương, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 1 năm 2001.

Trong công tác nghiên cứu văn hóa dân gian ở Việt Nam, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh là một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất nửa sau thế kỷ XX, có nhiều đóng góp quan trọng với nền văn hoá nước nhà. Với những đóng góp to lớn của mình, ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì (2019), Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, và Huân chương Lao động hạng Nhất (2001).

Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền từng khẳng định: “Với cả nghìn học trò trên cả nước, Giáo sư Tô Ngọc Thanh là người thầy vĩ đại. Bởi không chỉ truyền dạy tri thức, kỹ năng làm nghề, ông còn có thể trao truyền cả nghiệp lớn cho các thế hệ tiếp nối. Tất cả những nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, văn hóa dân gian Việt Nam thế hệ sau ông ít nhiều đều lĩnh hội, thụ hưởng kiến thức từ Giáo sư Tô Ngọc Thanh”. 

Giờ đây GS.TSKH Tô Ngọc Thanh đã thảnh thơi “bay về miền ánh sáng”. Sự ra đi của ông là một tổn thất lớn cho nền văn hoá nước nhà, cho cộng đồng nghiên cứu văn hóa dân tộc, văn hóa dân gian, âm nhạc dân gian. Ông là cây đại thụ đã tận hiến cho khoa học, những những di sản mà ông để lại một sẽ mãi hữu ích cho thế hệ hôm nay và mai sau. Cuộc đời, tên tuổi của ông sẽ mãi còn được nhắc dến với lòng kính yêu vô hạn. Riêng cá nhân tôi, những kỉ niệm về ông sẽ mãi mãi là bài học về sự tận tụy, trách nhiệm trong công việc nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn văn hóa dân gian.

Lương Việt Anh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tháng Bảy về…

Văn xuôi 2 giờ trước