Nhận diện di sản Then trong bối cảnh hiện nay
Ngày 12 tháng 12 năm 2019, di sản then Việt Nam chính thức được UNESCO ghi tên vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là thành quả của toàn Đảng, toàn dân ta trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên, sự phát triển của khoa học công nghệ, sự ảnh hưởng của quá trình giao lưu văn hóa các vùng miền và những hạn chế của khâu tuyên truyền, quảng bá đã dẫn đến nhiều sự nhầm lẫn trong nhận diện di sản then. Đây là vấn đề rất cần được quan tâm vì việc nhầm lẫn trong nhận diện tất yếu dẫn đến những hậu quả khôn lường trong công tác bảo tồn và phát huy di sản then trong bối cảnh hiện nay.
1. Nhận diện di sản Then với các loại hình nghệ thuật
Trong cuốn Tìm hiểu dân ca Việt Nam, Phạm Phúc Minh chia dân ca Việt Nam thành 04 thể loại cơ bản là dân ca lao động, dân ca phong tục tập quán, dân ca tín ngưỡng và dân ca lịch sử [4, tr120]. Theo cách phân chia này thì di sản then với tư cách là một loại hình dân ca thuộc nhóm dân ca tín ngưỡng. Nghĩa là môi trường diễn xướng nguyên bản của then là tín ngưỡng, nói cách khác thì then là phương tiện của thực hành tín ngưỡng dân gian Tày, Nùng, Thái. Chính vì điều này nên bản thân danh từ then (01) và những tên gọi khác của loại hình diễn xướng này như pựt, vửt, sliên (02)… đều gợi nên sự linh thiêng. Tuy vậy, rất nhiều người bao gồm cả những nhà nghiên cứu đã có sự nhầm lẫn giữa then với các loại hình dân ca khác của người Tày, Nùng, Thái về tính chất và ngôn ngữ. Một trong những sự nhầm lẫn cơ bản chính là việc đánh đồng khái niệm giữa hát then và hát lượn.
Hát lượn là loại hình dân ca giao duyên phổ biến ở vùng người Tày. Tuỳ từng địa phương mà người Tày có những hình thức hát lượn khác nhau như lượn slương ở vùng Lạng Sơn, lượn cọi ở Cao Bằng, Tuyên Quang, lượn yếu ở Hà Giang, Yên Bái,… Do là dân ca giao duyên, đối đáp nên môi trường tồn tại của hát lượn không phải hoạt động tín ngưỡng mà là sinh hoạt đời thường. Theo các nhà Nho người Tày thì khi viết ra văn bản Nôm Tày, chữ lượn được viết thành 轮 đọc là luân (nghĩa là bánh xe/ chuyển động) [2,tr29,30]. Theo cách viết này thì chữ lượn trong danh từ hát lượn chỉ sự vận hành của các câu hát từ người hát đối sang người hát đáp giống như vòng quay của chiếc bánh xe. Chúng tôi cho rằng đây là một cách giải thích hợp lý và có cơ sở khoa học.
Từ cách chiết tự tên gọi hát lượn đã được văn bản hoá thì ta có thể nhận định rằng lượn là một hình thức ca hát khác biệt về tính chất so với hát then. Sự khác biệt lớn nhất là hát lượn có tính ứng đối và luân chuyển liên tục giữa những người tham gia cuộc hát, còn hát then thì do 01 người hát theo những lời ca có tính cố định nên không có tính ứng đối. Ngoài ra, hát lượn có tính chất rộng mở với tất cả mọi đối tượng nhưng đối với then thì chỉ có những người đã trải qua nghi lễ cấp sắc thụ giới (lẩu then) để trở thành thầy then thì mới được tham gia ca hát (03). Tuy nhiên nhiều tác giả khi nghiên cứu âm nhạc dân gian Tày không căn cứ trên chiết tự mà chỉ theo phương ngôn đơn thuần nên đã đánh đồng từ lượn trong tiếng Tày với động từ ca hát trong tiếng Việt. Bằng cách lý giải đó, họ đồng nhất then cũng là một hình thức hát lượn. Cách hiểu này hoàn toàn sai so với hệ thống văn bản hát lượn đã được ghi lại bằng chữ Nôm Tày và không đúng với tính chất ứng đối của hát lượn. Điều rất đáng quan tâm là cách hiểu này sẽ làm quá trình nhận diện các hình thức dân ca Tày, Nùng, Thái nói chung và then nói riêng trở nên rối rắm. Trên thực tế, trong hệ thống dân ca dân tộc Tày có một hình thức hát lượn tên là lượn then phổ biến ở các huyện Quảng Hoà, Trùng Khánh, Hạ Lang thuộc tỉnh Cao Bằng nhưng đây là trường hợp đồng âm khác nghĩa. Theo Đinh Phương Lan thì từ “then” trong danh từ lượn then chỉ loài ong khoái (04) có tiếng vỗ cánh nhẹ nhàng và êm tai như giai điệu của điệu hát lượn then chứ không phải danh từ “then” trong hàm nghĩa thực hành then [3, tr45].
Bên cạnh đó, do việc quảng bá then chưa được cân đối giữa hình thức then sân khấu và thực hành nghi lễ then nên cho đến thời điểm hiện tại, vẫn còn rất nhiều người ngoài cộng đồng Tày, Nùng, Thái cho rằng then là loại hình dân ca sinh hoạt đời thường hoặc thậm chí là dân ca giao duyên. Có lẽ hình ảnh những chàng trai, cô gái Tày cầm đàn tính hát bên bờ suối hoặc trên nương mà trong các video clip ca nhạc mà chúng ta vẫn thường thấy trên tivi là nguyên nhân dẫn đến sự nhầm lẫn này.
2. Nhận diện thực hành then và then sân khấu
Qua quá trình vận động và phát triển của lịch sử, diễn xướng then trong cộng đồng Tày, Nùng, Thái hiện nay được phân chia thành 02 hình thức cơ bản là thực hành then và then sân khấu. Tuy mỗi hình thức then đều có những đặc điểm riêng trong lề lối diễn xướng và môi trường thực hành nhưng đều là những di sản quý báu trong văn hóa truyền thống Tày, Nùng.
2.1. Khái quát về thực hành then
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Yên thì then là hình thức cúng bái của người Tày và là biểu hiện của tín ngưỡng thờ trời [5, tr106]. Thực hành then là hình thái diễn xướng tổng hợp mang nhiều giá trị đặc sắc về nghệ thuật, tín ngưỡng và phản ánh nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng Tày, Nùng, Thái. Then do các nghệ nhân là những thầy cúng dân gian thực hành trong các nghi lễ truyền thống như giải hạn, cầu an, cầu mùa, lẩu then,… tại các gia đình trong làng, bản hoặc tại nhà của các nghệ nhân. Trên thực tế, năm 2019 khi UNESCO ghi danh then vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại chỉ nhấn mạnh đến hình thức then nghi lễ với cụm từ “Practices of Then” nghĩa là “thực hành của then”; trong đó, từ then ở trong thuật ngữ này được hiểu là biểu hiện của việc thờ trời trong tín ngưỡng dân gian Tày – Thái. Có khá nhiều người hiện nay đang sử dụng danh từ “then tâm linh” để gọi thực hành then. Chúng tôi cho rằng cách gọi này đúng nhưng không đủ vì then còn rất nhiều các giá trị khác như văn học nghệ thuật, nghi lễ, âm nhạc, múa chứ không phải chỉ đơn thuần tâm linh. Sau này then được cải biên, đưa lên sân khấu và trở thành một loại hình nghệ thuật biểu diễn.
2.2. Khái quát về then sân khấu
Trước đây, chúng ta thường gọi hình thức then này bằng nhiều tên gọi khác nhau như then mới, then văn công, then văn nghệ, then cải biên… Tuy nhiên theo chúng tôi thì cách gọi tên này hiện nay đang có nhiều điều bất hợp lý. Cụ thể:
Thứ nhất: Những năm gần đây, bên cạnh các bài then được đặt lời mới thì các Câu lạc bộ và các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đã đưa thêm cả hình thức then nghi lễ lên sân khấu. Như vậy thì trên sân khấu biểu diễn hiện nay đang hiện diện cả then mới và then nghi lễ (then cổ). Vì lẽ đó nên thuật ngữ “then mới” đã không còn phù hợp.
Thứ hai: Nếu ta gọi là then văn nghệ thì chỉ bao hàm được hoạt động biểu diễn then ở sân khấu không chuyên (quần chúng); ngược lại, nếu gọi là then văn công (danh từ chỉ những người tham gia hoạt động chuyên nghiệp) thì cũng không phản ánh được biểu diễn then ở trong phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng.
Thứ ba: Cách gọi then cải biên chỉ còn đúng trong thời kỳ trước đây khi người ta chưa đưa các trích đoạn then cổ lên sân khấu biểu diễn.
Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng nên sử dụng danh từ “then sân khấu” nhằm phân biệt với hình thức then nghi lễ. Trong danh từ này đã có sự phân biệt rõ ràng về môi trường diễn xướng của 02 hình thức then: Một hình thức hiện diện trên sân khấu biểu diễn và một hình thức hiện diện trong không gian nghi lễ truyền thống. Đây là yếu tố căn cốt nhất để nhận diện các dòng then đang hiện diện trong đời sống văn hóa, tinh thần người Tày, Nùng, Thái.
Do then sân khấu có nhiều yếu tố đã được nâng cao về nghệ thuật và nội dung phù hợp với từng thời kỳ lịch sử nên được quảng bá một cách sâu rộng hơn then tâm linh. Tuy có khác nhau về tính chất, môi trường diễn xướng nhưng hai dòng then này vẫn chảy trong văn hoá Tày, Nùng, Thái và đều trở thành giá trị rất đáng trân quý. Như vậy ở đây, khâu quảng bá then của chúng ta đang gặp rất nhiều vấn đề và việc chưa chuyển tải được bộ nhận diện của then đến với công chúng là một vấn đề cơ bản.
2.3. Mối tương quan giữa then sân khấu và thực hành then
Sự xuất hiện của dòng then sân khấu có lẽ từ những năm 50 của thế kỷ trước. Đây là thời kỳ đất nước bước vào công cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Văn hoá nghệ thuật lúc này cũng là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng giúp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đồng lòng nhất trí và củng cố tinh thần vì mục tiêu chung. Những giá trị tinh túy và gần gũi nhất trong kho tàng văn hoá nghệ thuật của các vùng miền, tộc người luôn là ưu tiên số một để đưa lên sân khấu hoặc các chương trình phát thanh. Đối với vùng đồng bào Tày, Nùng, Thái, giai điệu êm đềm của hát then và tiếng đàn tính dìu dặt bao đời nay đã là tiếng hát của tâm hồn, nó rất gần gũi với đồng bào hơn bất kỳ loại hình dân ca nào khác. Do vậy nên việc đưa hát then lên sân khấu để đồng nhịp với sự vận động chung của nền văn hoá – nghệ thuật cách mạng là điều hiển nhiên. Những bài then của một thời kháng chiến hào hùng được phát từ đài phát thanh khu tự trị Việt Bắc như Co lùng hua bản (cây đa đầu làng), Phua bộ đội mìa dân quân (chồng bộ đội vợ dân quân), Năm qua thắng lợi vẻ vang,… góp phần không nhỏ cho sự nghiệp vệ quốc và xây dựng đời sống văn hoá – nghệ thuật xã hội chủ nghĩa. Sự xuất hiện của then sân khấu còn có một vai trò quan trọng nữa là phục vụ nhu cầu được nghe then và hát then của đồng bào Tày, Nùng, Thái một cách thường xuyên. Đó là sự vận động phù hợp của then đối với hoàn cảnh lịch sử.
Bên cạnh đó, sự ra đời của dòng then sân khấu còn là phương cách để then tồn tại trước những sự biến động của đời sống xã hội. Như ta đã biết, trong một thời gian dài do sự tác động của chiến tranh, loạn lạc và sự nhìn nhận không đúng đắn nên thực hành then gần như đã bị đứt gãy. Sự đứt gãy thể hiện ở việc các nghệ nhân bỏ nghề, không tìm được truyền nhân và các nghi lễ gắn với thực hành then trong gia đình, làng bản bị gián đoạn. Đơn cử như huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) trước đây có khá nhiều nghệ nhân thực hành nghi lễ then như nghệ nhân Nguyễn Văn Lanh, nghệ nhân Ma Đình Tài, nghệ nhân Dương Đình Giang,… nhưng các nghệ nhân này hiện nay đã mất và cũng không có truyền nhân.Vai trò tương hỗ của then sân khấu đối với thực hành nghi lễ then là việc giúp hình thức then này không bị lãng quên trong cộng đồng và là tiền đề cơ sở để khôi phục vốn di sản văn hóa quý báu. Trên thực tế, đã có rất nhiều nghệ nhân thực hành nghi lễ then có xuất phát điểm ban đầu là các hạt nhân phong trào hát then sân khấu địa phương như NNƯT Nguyễn Văn Thọ, nghệ nhân Bế Trung Kiên, nghệ nhân Chu Văn Minh (Lạng Sơn), NNND Nguyễn Đăng Lưu (Bắc Kạn),... Ngoài ra để nâng cao tay nghề, các nghệ nhân thực hành then vẫn tìm đến học thêm cách hát then và cách đánh đàn tính tại các CLB then. Điều này thể hiện mối quan hệ khăng khít không thể tách rời giữa thực hành then với then sâu khấu.
3. Nhận diện thực hành then qua ngôn ngữ
Hiện nay chúng ta vẫn thường dùng từ then để chỉ tất cả những giá trị bao hàm trong loại hình diễn xướng này như hát then, múa then, đàn then, nghi lễ then, ông then, bà then,… Cách gọi này tuy không sai vì ở một số tỉnh như Hà Giang, Tuyên Quang và một phần Thái Nguyên sử dụng danh từ then nhưng vô tình lại làm mất đi tính đa dạng của ngôn ngữ Tày, Nùng, Thái. Ở vùng Cao Bằng [5, tr107], Lạng Sơn, những người thực hành then là nữ giới được gọi là pựt/ vửt/ phjựt/ ón, những người nam giới được gọi là chàng/ giàng.
Cách gọi tên này lại thể hiện được đặc trưng trong tính chất shaman của thực hành then [5, tr104]. Trong cách gọi tên của đồng bào Tày, Nùng ở vùng Lạng Sơn, Cao Bằng thì những danh từ này thường được đặt trước tên của nghệ nhân. Ví dụ bà then tên là A thì sẽ được gọi là Pựt A, ông then tên B sẽ được gọi là Giàng B. Dòng then Nùng thường kết hợp chữ Pựt hoặc Chàng với họ của nghệ nhân (05). Cá biệt ở vùng Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn), cả nam và nữ tham gia nghề làm then đều được gọi chung là Vửt. Trong đó, từ Pựt được dùng phổ biến hơn cả, khi tổ chức cuộc lễ then đồng bào gọi là hất pựt, đại lễ lẩu then được gọi là lẩu pựt,... Do không nắm được điều này nên những cách gọi như Pựt A, Giàng B (cách gọi tên các thầy then theo đúng dân gian) ngày nay đã bị thay thế thành Then A, Then B,… Tất nhiên để định hình một loại hình di sản ta cần phải tìm ra điểm chung có tính phổ biến nhưng vẫn cần nhìn nhận và giới thiệu một cách đầy đủ để có thể thấy được sự đa dạng tồn tại trong di sản đó. Đây là điều cần thiết vì nếu không quan tâm tuyên truyền để thay đổi sự nhận thức thì ngôn ngữ trong then sẽ mất đi sự đa dạng và ngày càng thu hẹp lại.
4. Nhận diện diễn xướng then với các loại hình diễn xướng khác
Quá trình phát triển của hệ thống giao thông cũng như phương tiện truyền thông đã giúp thực hành then có sự giao lưu với các hình thái tín ngưỡng của các tộc người khác. Trong đó, sự giao lưu giữa thực hành then và tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ người Việt đã tạo nên hình tượng Chúa Then [1, tr26] trong thực hành nghi lễ lên đồng tại các đền phủ. Ngoài ra, các nghệ nhân then cũng đã tham gia vào hoạt động cúng bái ở các đền phủ trong nghi thức cúng khao sơn trang hoặc “khao cúng then”. Tuy nhiên theo nghiên cứu của chúng tôi thì sự xuất hiện của Chúa Then hoặc hoạt động “khao cúng then” trong các ngôi đền, phủ về cơ bản vẫn chỉ là thực hành nghi lễ của tín ngưỡng thờ Mẫu người Việt chứ không phải là thực hành then truyền thống. Nói cách khác, đó chỉ là một sự ảnh xạ của then vào thực hành nghi lễ của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ và mới xuất hiện trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, do sự phát triển quá mạnh của mạng lưới truyền thông, đặc biệt là các ứng dụng mạng xã hội như Facebook hoặc TikTok vốn không được kiểm chứng thông tin nên việc hiện diện của Chúa Then đã gây nhiều thông tin trái chiều giữa các chủ thể thực hành di sản cũng như cộng đồng. Thậm chí nhiều cá nhân đưa thông tin sai lệch về nguồn gốc hình thành và phát triển của then, gây ra sự ngộ nhận khi cho rằng then cũng là một phần của “phép sơn trang” nằm trong tín ngưỡng thờ Mẫu [1, tr25]. Sự nhầm lẫn này vô hình chung làm ảnh hưởng đến sự nhận diện thực hành then trong hệ thống tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Đây là điều rất đáng bàn luận và rất cần phải phân định rạch ròi để tránh việc ngộ nhận trong thời gian dài sẽ nghiễm nhiên từ sai lại trở thành đúng.
Kết luận
Con đường hình thành, phát triển cũng như biến đổi của di sản luôn luôn gắn liền với từng chặng đường lịch sử cụ thể và di sản then của các tộc người Tày, Nùng, Thái cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Tuy nhiên do nhiều thiếu sót cả chủ quan và khách quan trong quá trình quảng bá then nên đã tạo nên những hiểu lầm của cộng đồng đối với loại hình di sản này. Điều đó đặt ra rất nhiều câu hỏi cho công tác quản lý văn hoá, nghệ thuật và di sản. Câu hỏi lớn nhất là làm sao cho việc nhận diện di sản then thực sự đúng đắn và chuẩn xác.
Việc nhận diện diễn xướng then trong mối tương quan với các loại hình nghệ thuật và diễn xướng khác giúp hoạch định những chiến lược trong việc bảo tồn cũng như phát huy giá trị của di sản trong thời kỳ đương đại. Bên cạnh đó, sự nhận diện một cách đúng đắn còn là giải pháp quan trọng tránh cho di sản nói chung cũng như then nói riêng bị nhầm lẫn và dẫn đến bị biến đổi tiêu cực.
-------------
Chú thích
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Yên thì then là biến âm của từ thiên nghĩa là trời trong tín ngưỡng Tày – Thái cổ.
Trong ngôn ngữ Tày, Nùng thì vựt/ vửt/ pựt nghĩa là Phật và sliên nghĩa là thần tiên.
Ở đây chúng tôi muốn nói đến những nghệ nhân thực hành nghi lễ then.
Ngôn ngữ của người Tày có sự phân biệt giữa 02 loại ong: Loại ong to gọi là tua tó và loại ong mật nhỏ (ong khoái) được gọi là tua then.
Ví dụ NNND Mông Thị Sấm (Tp. Lạng Sơn) là nghệ nhân thực hành nghi lễ then dân tộc Nùng nên thường được gọi là Pựt Mùng. Trong đó, từ “Pựt” chỉ nghề nghiệp của bà là làm then và từ “Mùng” là họ Mông đọc theo âm Nùng.
Tài liệu tham khảo
Nguyễn Văn Bách, Hoàng Minh Hiếu (2017), “Hình tượng Chúa Then trong sự giao lưu văn hóa Tày, Nùng – Việt”, Tạp chí Văn hóa dân gian số 4 (172)/2017.
Vi Hồng (1979), Sli lượn dân ca trữ tình Tày, Nùng, Nxb Văn hóa, Hà Nội.
Đinh Phương Lan (2017), “Lượn then trong đời sống người Tày ở vùng miền Đông tỉnh Cao Bằng”, luận văn tốt nghiệp Cao học ngành Văn hoá học, Đại học văn hoá Hà Nội.
Phạm Phúc Minh (1993), Tìm hiểu Dân ca Việt Nam, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
Nguyễn Thị Yên (2009), Tín ngưỡng dân gian Tày, Nùng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
Nguyễn Văn Bách
(Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...