Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
21:11 (GMT +7)

Nhà văn Phan Thái và sự say mê sáng tác về đề tài lịch sử quê hương

Chỉ trong vài năm gần đây, nhà văn Phan Thái đã cho ra đời hai tiểu thuyết lịch sử, chưa kể vài tiểu thuyết ở đề tài khác. Phải nói, đây là một bước đi mạnh dạn, một sự say mê, một sức viết đáng khâm phục của anh. Ai cũng biết viết được một tác phẩm văn học cho ra tấm ra món là cực khó, dù nó ở thể loại nào. Ai dấn thân sáng tác về đề tài lịch sử sẽ nhiều khó khăn hơn. Bởi, các đề tài khác dựa vào vốn sống, sự nắm bắt hiện thực cộng với khả năng “chế biến” của từng người để ra tác phẩm. Trí tưởng tượng sẽ có không gian rộng để thỏa sức tìm tòi. Cảm xúc cá nhân có cơ hội tự do thăng hoa để dẫn dắt câu chuyện. Đề tài lịch sử lại chỉ có không gian, thời gian nhất định. Người viết dẫu có cái nhìn sắc xảo để lý giải những góc khuất lịch sử vẫn phải luôn bám cái khung dữ liệu lịch sử ấy.

Tác phẩm Linh Sơn tử chiến

Tôi cho rằng, viết về đề tài lịch sử cái ngưỡng thứ nhất là sự cân nhắc và quyết tâm của bản thân người viết. Tôi nói đến điều này vì xác định viết về đề tài lịch sử là một sự hy sinh. Bởi nhu cầu người đọc hiện nay dường như không mặn mà lắm với đề tài này. Thị hiếu người đọc, nhất là người trẻ thường là các tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, mới mẻ với cách sáng tạo hiện đại cùng nhiều sự thể hiện khác nhau. Cầm trên tay cuốn tiểu thuyết lịch sử, dù viết về cá nhân hay cả một triều đại, có lẽ ai cũng có cảm giác ít nhiều biết diễn biến cơ bản của nó thế nào qua các trang sử nước nhà.

Cái ngưỡng thứ hai, cũng là cái ngưỡng quan trọng với người viết là làm thế nào để các nhân vật có một cuộc sống riêng của một con người thực sự. Các nhân vật và sự kiện lịch sử phải được mổ xẻ, lý giải dưới góc nhìn nhà văn chứ không phải tạc lại tượng các nhân vật lịch sử, hay mô tả lại một cách khô cứng. Trước khi đặt bút, người viết phải biết rõ mình cho các nhân vật hoạt động với mục đích gì. Hay nói cách khác, sự mô tả ấy lý giải điều gì về lịch sử. Điều này đòi hỏi trí tưởng tượng của người viết rất cao, có ý tưởng sắc xảo, kết hợp nhuần nhuyễn với sự am hiểu lịch sử một cách thấu đáo mới làm nên sự hấp dẫn của tác phẩm.

Tác phẩm Bình minh máu

Vậy tại sao Phan Thái lại chọn con đường khó ấy để thử sức, trong khi vốn sống trong đề tài công nghiệp, các đề tài khác anh vẫn rất dồi dào? Câu hỏi này có lẽ chỉ có anh mới là người có câu trả lời chính xác nhất, nhưng theo cá nhân tôi, Phan Thái là người thích khám phá để giải nghĩa cho những điều ẩn chứa xa xưa mà dấu tích của nó vẫn còn đó trước mắt mình. Anh biết những dấu ấn ấy không ngẫu nhiên mà có. Nó có đời sống của nó. Nó có cả một câu chuyện của thế hệ cha ông đã đi qua, nhưng nó đã và đang dần bị lãng quên. Có thể những điều đó thôi thúc anh lao vào khám phá.

Tôi có nhận xét này vì biết một vài câu chuyện của Phan Thái. Khi được điều về công tác tại mỏ sắt Tiến Bộ (xã Linh Sơn, thành phố Thái Nguyên),trong thời gian phải giao dịch giải phóng mặt bằng, lắp đặt các thiết bị chuẩn bị khai thác, Phan Thái đã bắt gặp rất nhiều địa danh gắn với một cuộc chiến xa xưa như Voi Đằm, Ao Than, Bến Tượng, núi Bàn Cờ, động Linh Sơn, bia đá mang dấu ấn vương phi Ỷ Lan... Những dấu ấn này đã có tác động rất mạnh đến cảm xúc Phan Thái. Với một người nhạy cảm trước dấu tích lịch sử thì khi đứng tại những dấu tích ấy sẽ có một điều gì như linh thiêng thúc giục trong lòng. Nó kéo anh vào cuộc kiếm tìm từng chi tiết nhỏ trong lịch sử từ đấy.

Nói về việc kiếm tìm tư liệu, tôi phục Phan Thái về sự kiên trì. Tôi cũng là một người con sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Linh Sơn. Tôi cũng đã có những rung động về những dấu tích trên quê hương mình, nhưng chưa khi nào tôi dám nghĩ sẽ viết về sự kiện lịch sử ấy vì cảm thấy mình chưa đủ sức. Chuyện đã xảy ra gần nghìn năm, chẳng có tài liệu nào chép lại điều này. Gõ Google chỉ có mấy dòng nhắc lại mốc thời gian diễn ra trận chiến. Vậy mà do đam mê và sự kiên trì, anh cứ tìm nơi những bậc cao niên - những người tuy chẳng dính dáng gì đến nghiên cứu lịch sử nhưng lại cho anh những kết quả bất ngờ. Phan Thái đã gặp được người còn giữ những tư liệu ghi chép về trận chiến tại Linh sơn. Đây không phải chuyện gặp may mà vì thấy anh có tâm, đau đáu với việc này nên nhiều bậc cao niên cũng lao vào tìm kiếm giúp.

Có một số tư liệu trong tay mới chỉ là những viên gạch mộc không đồng kích thước đầu tiên. Phan Thái lại phải tự kiểm chứng để chọn ra những ...viên gạch nào có tính chân thực nhất để chuẩn bị xây cho công trình của mình. Đây chính là giai đoạn nhọc nhằn nhất cho những người viết tác phẩm văn học lịch sử. Tôi phải dài dòng chuyện này vì ai ngại đi tra cứu, tìm hiểu kỹ về lịch sử sẽ dễ bỏ cuộc bởi tác phẩm dù được hư cấu cũng không thể tách rời sự kiện lịch sử. Nó đòi hỏi người viết phải am hiểu cả những chi tiết nhỏ như tập quán, trang phục, khẩu ngữ, cảnh quan… của thời kỳ đó. Chỉ một sự sơ suất chủ quan sẽ làm giảm tính chân thực của tác phẩm, thậm chí trở thành điều ngớ ngẩn râu ông nọ cắm cằm bà kia.

Phan Thái có một đặc điểm là khi đã có tư liệu thì anh viết rất nhanh. Tiểu thuyết “Linh Sơn tử chiến” anh viết chỉ trong vòng ba tháng. Tiểu thuyết “Bình minh máu” cũng vậy. Nhiều bạn viết đều thấy kinh ngạc về tốc độ này.

Đến cuốn tiểu thuyết thứ hai Phan Thái có lẽ có nhiều thuận lợi hơn, khi viết về mỏ than Phấn Mễ - nơi anh từng làm Chủ tịch Công đoàn nhiều năm: một vài nhân vật thời kỳ đó còn sống, việc tìm kiếm tư liệu cũng phong phú và dễ dàng hơn, khoảng cách lịch sử cũng chưa xa (1942 đến 1945), phong cảnh xung quanh khu mỏ tuy có thay đổi nhưng cơ bản vẫn còn trong trí nhớ nhiều người… Phan Thái cũng đã qua một lần viết về đề tài lịch sử, ít nhiều sự tự tin cũng vững vàng hơn. Như vậy là hai cuốn tiểu thuyết lịch sử của Phan Thái ra đời đều được gắn với hai địa phương mà anh có gắn bó, làm việc. Thật trân trọng tâm huyết của anh với mảng đề tài này.

Đọc tiểu thuyết của Phan Thái, có ý kiến cho rằng anh đã có nhiều sáng tạo trong việc dựng lại một câu chuyện lịch sử. Lại cũng có ý kiến nói rằng tác phẩm mới chỉ mô tả lại lịch sử chứ chưa đi sâu kiến giải về nó. Là độc giả thì mỗi người mỗi góc nhìn, có độc giả hài lòng với những tìm tòi ấy. Có độc giả lại yêu cầu trong mổ xẻ, lý giải ở một tầm cao hơn, mà có thế nó mới có sự phong phú khi mỗi tác phẩm ra đời. Riêng thiển nghĩ của cá nhân tôi, mỗi tác phẩm lịch sử thì sự mô tả và lý giải sự kiện đó đã luôn phải hòa quyện trong nhau rồi. Không có mô tả làm sao làm sáng tỏ được điều lịch sử quan tâm. Chỉ có điều mô tả các hoạt động làm sao cho đời sống nhân vật hiện lên một cách sáng tạo, đạt được ý đồ cần lý giải của một nhân vật hay một triều đại lịch sử. Có thể là những khám phá đầy bất ngờ so với dòng lịch sử đã có nhưng vẫn bảo đảm sự lô zích của nó. Đó chính là tài năng và là mấu chốt đạt đến chất lượng tác phẩm của từng tác giả.

Ta thử tìm sự hỗ trợ, hòa quyện hai yếu tố này với nhau trong tác phẩm của Phan Thái.

Ở “Linh Sơn tử chiến”, tôi tin Phan Thái trước khi viết phải biết đây là trận chiến ta chiến thắng quân Tống trong bối cảnh như thế nào. Tại sao ta ít, địch nhiều mà vẫn chiến thắng. Đấy là câu hỏi cần lý giải và Phan Thái đã mô tả về chiến thuật, về cách ứng xử để tạo sự đoàn kết trong quân dân, về sự dùng người trong phát huy sáng tạo chế tạo vũ khí thông qua nhân vật chính là Lang trung tướng quân Nông Tùng Đản. Từ nhân vật chính này xoay quanh rất nhiều yếu tố khác đã lý giải cho câu hỏi này.

Đến “Bình minh máu” thì ngay nhan đề cuốn sách đã gói gọn ý đồ cần lý giải của tác giả. Một ngày mới sẽ hiện ra, nhưng để có điều ấy, lịch sử của mỏ than Phấn Mễ đã phải qua một đêm đen dài và cả máu của những người công nhân mỏ. Ngay việc chọn thời điểm lịch sử để viết cũng có sự cân nhắc rất kỹ của Phan Thái. Mỏ Phấn Mễ có từ năm 1910. Nó đã có 32 năm hoạt động dưới thời thuộc Pháp. Nhưng sự kiện có tính chất lịch sử thì phải đến năm 1945 khi ta giành được chính quyền mới là bước ngoặt đổi thay ở mỏ. Tôi nghĩ Phan Thái lấy mốc từ năm 1942 đến 1945 là đủ mô tả nỗi thống khổ của người thợ mỏ khi đất nước đang bị thực dân Pháp và Nhật cai trị. Thời điểm này cũng nói lên những biến chuyển về nhận thức của họ và họ chỉ được đổi đời thực sự khi vận mệnh nước nhà thay đổi. Cuộc sống, các mối quan hệ, nhận thức của các nhân vật được Phan Thái mô tả một cách sống động, nó gây xúc động và giúp độc giả hình dung rõ bức tranh này. Gogin, Roche, Cvastre, Dancoisue đại diện cho giới chủ mỏ người Pháp, từ cái nhìn đến cách hành xử của chúng là lớp người trên. Ông Trương, Hà Bá Dị, Thông, Đại, Nụ, Thu đại diện cho lớp phu mỏ đầy thống khổ. Hạ Bá Cung, Hoàng Thái Nguyên, Hoàng Tài La đại diện cho cách mạng đang xây dựng phong trào trong thợ mỏ. Hãnh, Phú,Hạo, Lãng, Cao lại đại diện cho những tên tay sai bán nước, hại dân. Tất cả sự xuất hiện cũng như hoạt động của các nhân vật đều nhằm toát lên ý tưởng mà Phan Thái đã đặt ra.

Như vậy, qua hai tác phẩm đầu viết về đề tài lịch sử, tôi cho rằng Phan Thái đã gặt hái được rất nhiều khi tác phẩm ra đời. Với “Linh Sơn tử chiến” anh đã bước qua cái ngưỡng vẫn thường mặc cảm với người viết, đó là cái bóng đã có sẵn của lịch sử. Anh đã thổi vào các địa danh ở Linh Sơn để nó có một câu chuyện sống động cách đây gần nghìn năm, cũng như lý giải về các nguyên nhân khiến nước Đại Việt nhỏ bé thắng đội quân Tống hung bạo, hùng mạnh. Với “Bình minh máu” anh chứng tỏ sự tự tin, vững vàng hơn với mảng đề tài này. Các nhân vật được xây dựng với các tính cách rõ nét để vẽ lên bức tranh chân thực, nổi bật được ý đồ tác giả.

Tôi tin rằng hai tác phẩm vừa trình làng của Phan Thái mới chỉ là hai lát cắt trong kho tàng lịch sử của tỉnh Thái Nguyên, vẫn còn đó những sự kiện lớn gắn với những địa danh tỉnh nhà còn sáng mãi trong lịch sử dân tộc, thậm chí vang động cả năm châu đang mong đợi những người cầm bút dấn thân.

Phạm Quý

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy