Nhà bia Di tích An dưỡng đường: vẫn chỉ là mong đợi
Đúng Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm trước (27/7/2023), Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên đăng bài “Tôn tạo di tích An dưỡng đường – niềm hy vọng sẽ thành hiện thực?”. Nhưng trở lại sau một năm, chúng tôi thấy tình hình không tiến triển như mong đợi. Thậm chí, sự việc đang lùi về theo hướng khó khăn hơn.
Clip: Phỏng vấn bà Nguyễn Thị Tỉnh (con dâu bà Bá Huy)
Vẫn chưa có đất làm Nhà bia di tích
Trở lại với bài báo năm 2023 đã đề cập ở trên. Dù trong bài báo không nói kỹ về những tình tiết có liên quan đến việc hiến đất, nhưng tại thời điểm đó chúng tôi đã có khá nhiều thông tin nội bộ cho thấy việc vận động bà Tỉnh hiến 100m2 đất để làm nhà bia đã gần như chỉ còn chờ tín hiệu từ phía UBND xã Lục Ba là hoàn tất.
Ông Nguyễn Văn Vượng, một người say mê nghiên cứu lịch sử, trú tại thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ là người luôn đồng hành với chúng tôi trong quá trình tác nghiệp. Không chỉ ráp mối để chúng tôi tiếp cận với gia đình bà Tỉnh, với lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đại Từ, với lãnh đạo xã Lục Ba được dễ dàng, ông Vượng còn tự nguyện làm “cầu nối” để chuyển tải thông tin, nguyện vọng của gia đình bà Tỉnh với ông Trần Đức Tuân, Chủ tịch UBND xã. Ông thường xuyên gọi điện trao đổi với bà Tỉnh, sau đó lại gọi điện trao đổi với ông Tuân. Chính vì vậy, ý tứ của gia đình ra sao, chính quyền xã đã đến nhà bà Tỉnh vận động hay chưa, chúng tôi biết rõ.
Khi ấy, thực sự gia đình bà Tỉnh đã “xuôi” với phương án mà chúng tôi gợi ý: hiến 100m2 đất trồng cây lâm nghiệp ở vị trí trên cao, liền với đường đi vào để xây dựng Nhà bia. Ngược lại, gia đình bà mong muốn UBND xã sẽ tạo điều kiện để gia đình hoàn tất thủ tục chuyển nhượng phần đất ở phía dưới cho ông Vũ Quốc Chiến, chủ trang trại chăn nuôi liền kề với mảnh đất của gia đình bà. Toàn bộ phần diện tích đất (gồm cả phần trên cao và phần dưới thấp) đã được ông Chiến bỏ tiền ra san ủi sau khi đặt cọc.
Sau khi bài báo đăng, tức sau dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 năm trước, UBND huyện Đại Từ đã có văn bản số 359-TB/UBND ngày 7/8/2023 Thông báo kết luận Hội nghị đánh giá công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá trên địa bàn huyện Đại Từ (Hội nghị họp ngày 3/8/2023). Trong đó, giao nhiệm vụ cho một số ngành, địa phương tham mưu và triển khai thực hiện một số nhiệm vụ liên quan. Phòng Văn hoá và Thông tin “Tiếp tục phối hợp, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn thực hiện công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn”. UBND xã Lục Ba được giao “tham mưu, đề xuất phương án, vị trí xây dựng bia ghi dấu sự kiện tại di tích địa điểm An dưỡng đường Bà Bá Huy”… Chỉ có điều, do sơ xuất thế nào đó, văn bản bị thiếu thời hạn phải hoàn thành (ảnh).
Dù văn bản không ghi cụ thể về trình tự các bước phải thực hiện, song ở góc độ quản lý nhà nước có thể thấy: UBND xã Lục Ba muốn “đề xuất phương án, vị trí xây dựng bia ghi dấu sự kiện” được thì phải căn cứ vào tình hình thực tiễn, trong đó có cả việc phải trao đổi với chủ sử dụng đất là gia đình bà Nguyễn Thị Tỉnh. Điểm này rất phù hợp với những nội dung mà chúng tôi đã trao đổi với bà Tỉnh và đề cập trong bài báo đăng ngày 27/7/2023: “Đối với An dưỡng đường số 1, mấu chốt hiện nay là sự vào cuộc tích cực, chủ động cùng công tác dân vận của lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Lục Ba đối với gia đình bà Bá Huy sao cho hiệu quả nhất”.
Nhưng thật đáng tiếc, điều đó đã không xảy ra. Điều kiện thuận lợi nhất đã trôi qua, bởi UBND xã Lục Ba có phần chậm trễ, không kịp thời vào cuộc; trong khi, do biến động của thị trường, giá chuyển nhượng đất giảm sâu khiến ông Chiến không còn mặn mà với việc hoàn tất thủ tục mua bán.
Đi lùi về hướng khó
Ngày 5/7/2024, chúng tôi trở lại gia đình bà Nguyễn Thị Tỉnh (con dâu bà Bá Huy) để hỏi lại xem kết quả việc hiến đất làm Nhà bia di tích, thì bà Tỉnh nói: Suốt một năm qua, gia đình bà chưa được UBND xã Lục Ba đến vận động. Trong khi, trước lúc đến gia đình bà Tỉnh, chúng tôi có vào trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND xã Lục Ba, được lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã tiếp và cho biết đã đến vận động nhưng bà chưa đồng ý (?).
Khi được hỏi ý kiến của gia đình hiện nay ra sao, bà Tỉnh nói: Mảnh đất của gia đình có diện tích khá rộng. Hiến đi 100m2 để làm Nhà bia thì có thể sẽ không đáng kể gì về mặt diện tích, song vấn đề là phần diện tích còn lại xung quanh Nhà bia đó sẽ sử dụng ra sao. Cho nên, nếu Nhà nước muốn làm Nhà bia hay công trình gì đó liên quan đến Di tích thì nên xem xét, hỗ trợ để gia đình đỡ thiệt thòi.
Câu chuyện về sử dụng đất mà trên đất đó đã có quy hoạch Di tích là vấn đề khá phức tạp bởi nó liên quan đến Luật Di sản văn hóa năm 2013. Theo Luật này, đối với di tích đã được công nhận (cấp tỉnh, cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt) sẽ có 2 khu vực bảo vệ. Khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích. Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I.
Khoản 3. Điều 32 của Luật Di sản văn hóa 2013 quy định: “Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó.
Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích”.
Rõ ràng là: khi chưa có Nhà bia hay công trình tưởng niệm của Di tích, thì việc khai thác, sử dụng đất của gia đình bà Tỉnh sẽ phải phù hợp với các quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Nếu bà Tỉnh chuyển nhượng thành công cho người khác, thì người chủ mới cũng phải chấp hành các quy định này. Còn trong trường hợp Nhà bia hoặc công trình tưởng niệm đã được xây dựng, có khuôn viên rõ ràng, thì phần diện tích còn lại (bên ngoài 2 khu vực bảo vệ di tích) sẽ không phải chịu các ràng buộc của Luật Di sản văn hóa.
Trong năm 2023 và cho đến nay, UBND xã không nhận được hồ sơ xin chuyển nhượng của gia đình bà Tỉnh. Về giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến mảnh đất đó, UBND xã đã phối hợp với các ngành, các cấp thực hiện xong việc cấp đổi Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho gia đình bà, bao gồm phần diện tích thực tế phía trên cao trình 48,5m của lòng hồ.
Ông Trần Đức Tuân, Chủ tịch UBND xã Lục Ba
Hướng nào để giải quyết?
Trao đổi với chúng tôi hôm 5/7/2024, bà Tỉnh vẫn nêu quan điểm “Đề nghị cấp trên ghi nhận công lao cho mẹ tôi (bà Bá Huy) đúng với những công lao mà mẹ tôi đóng góp cho cách mạng”. Chúng tôi đặt vấn đề đây là hai việc khác nhau, việc xây dựng nhà bia để tôn vinh công lao của bà Bá Huy là chủ trương của Đảng bộ, chính quyền các cấp, bởi đã có đầy đủ căn cứ pháp lý. Bà Bá Huy đã góp công, góp của dựng nên An dưỡng đường để nuôi dưỡng thương binh, được Bác Hồ gửi thư khen, được ghi rõ trong sử sách; nay địa điểm xây dựng An dưỡng đường đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Còn việc ghi nhận bà Bá Huy là Người có công với cách mạng, các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh đã nhiều lần tra tìm hồ sơ nhưng chưa thấy có văn bản giảm thành phần của bà xuống “địa chủ kháng chiến”, nên không đủ điều kiện để trình cấp có thẩm quyền công nhận…
Cho dù đã trao đổi rất thân tình, cởi mở, nhưng hiện tại gia đình bà Tỉnh không đồng ý hiến đất, mà nêu ý kiến đề nghị cấp trên nếu thu hồi đất để làm Nhà bia thì có kinh phí hỗ trợ cho gia đình.
Chúng tôi trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đại Từ. Ông Dũng cho biết: Chủ trương của huyện là vận động người dân hiến đất. Sau khi có vị trí để xây dựng, Phòng sẽ tham mưu UBND huyện đầu tư, kết hợp vận động xã hội hóa để xây dựng Nhà bia Di tích.
Trong trường hợp người dân không hiến đất, sẽ phải triển khai theo hướng lập dự án, xin phê duyệt của cấp có thẩm quyền, sau đó tiến hành bồi thường và thu hồi đất. Việc này cũng không quá khó, song do nguồn kinh phí hạn hẹp, nên huyện đang ưu tiên đầu tư vào những di tích gắn liền với khai thác du lịch, phát triển kinh tế. Bởi vậy, chắc chắn chưa thể đưa ngay hạng mục này vào kế hoạch tài chính của huyện trong thời gian tới. Tóm lại, nếu gia đình không đồng ý hiến đất thì công trình Nhà bia di tích An dưỡng đường thương binh số 1 sẽ chưa thể triển khai được trong ngắn hạn.
Mới đây, ngày 15/7/2024, trao đổi lại với chúng tôi qua điện thoại, ông Trần Đức Tuân, Chủ tịch UBND xã Lục Ba cho biết: Xã vừa cử đoàn công tác vào để tiếp tục vận động gia đình bà Tỉnh, nhưng quan điểm của gia đình bà vẫn y nguyên như hôm đoàn công tác của nhà báo vào làm việc (hôm 5/7/2024, trong đoàn có đại diện lãnh đạo và chuyên viên Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, cán bộ văn hóa xã Lục Ba, ông Nguyễn Văn Vượng và tác giả). Nghĩa là bà Tỉnh vẫn đề nghị cấp trên giải quyết chế độ người có công cho bà Bá Huy và nếu Nhà nước cần lấy đất để xây dựng Nhà bia hay Khu Di tích thì có kinh phí hỗ trợ cho gia đình.
Vấn đề tôn tạo Di tích An dưỡng đường số 1 tưởng chừng thuận lợi, nhưng nay lại trở nên khó khăn hơn, khiến niềm hy vọng về một công trình ghi nhận địa điểm di tích cùng những công lao đóng góp cho cách mạng của bà Bá Huy vẫn chỉ là hy vọng và chờ đợi. Dù đã nhiều lần theo đuổi đề tài này, có những tiếng nói xác đáng trên công luận, thậm chí cả hành động rất trách nhiệm để thúc đẩy sự việc nhanh về đích, nhưng với chức năng, nhiệm vụ được quy định, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên cũng không thể làm gì hơn. Chúng tôi chỉ thêm một lần nêu vấn đề để các cơ quan chức năng có thẩm quyền của huyện Đại Từ và ngành Văn hóa tỉnh xem xét, giải quyết.
Trần Thép
Xem thêm:
Tôn tạo di tích An dưỡng đường – niềm hy vọng sẽ thành hiện thực?
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...