Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
11:59 (GMT +7)
Tác phẩm tham dự Cuộc thi “Đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX vào cuộc sống”

Tôn tạo di tích An dưỡng đường – niềm hy vọng sẽ thành hiện thực?

VNTN- Tháng Bảy về, chúng tôi lại đau đáu nỗi niềm với những di tích An dưỡng đường trên đất Đại Từ mà bao năm nay báo/ tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên đã theo đuổi. Nhưng có một điều khác, lần này địa điểm di tích không còn cỏ cây mọc um tùm nữa, thay vào đó nó đã được san nền vuông vức để chuẩn bị chuyển quyền sử dụng đất cho chủ mới.

Đại diện ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh; Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đại Từ, UBND xã Lục Ba có mặt tại Di tích địa điểm An dưỡng đường bà Bá Huy (1947), ngày 20/7/2023
Đại diện ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh; Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đại Từ, UBND xã Lục Ba có mặt tại Di tích Địa điểm An dưỡng đường Bà Bá Huy (1947), ngày 20/7/2023

Clip: Phát biểu của bà Nguyễn Thị Tỉnh, con dâu bà Bá Huy

Những câu chuyện chưa cũ

Khi gõ cụm từ “An dưỡng đường” vào ô “Tìm kiếm” của Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử, ta thấy ngay kết quả là 4 bài viết:

Về lại những An dưỡng đường năm xưa (tác giả: Bích Hồng - Anh Thắng; đăng ngày 09/7/2017); Thêm một di tích An dưỡng đường thương binh bị “bỏ quên” (tác giả: Nguyễn Văn Vượng, đăng ngày 02/08/2017); Đâu là sự thật? (tác giả: Nguyễn Đình Thưởng, đăng ngày 29/7/2018) và Lại về những An Dưỡng Đường năm xưa (tác giả: Phú Thái, đăng ngày 20/07/2021).

Những bài viết trên đây đều nói về 3 khu An dưỡng đường/ Trại an dưỡng được lập nên ở huyện Đại Từ năm 1947, gắn liền với sự ra đời của Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 và Di tích lịch sử Quốc gia 27/7 - Địa điểm công bố Ngày Thương binh liệt sỹ toàn quốc (27/7/1947), ở thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ.

Bên cạnh những thông tin về hoàn cảnh ra đời, ghi nhận công lao đóng góp của các gia đình trong việc hiến đất, xây dựng các An dưỡng đường, các bài viết còn nêu lên thực trạng chưa được đầu tư tôn tạo đối với di tích khiến khu đất đã được khoanh vùng di tích trở nên hoang hóa, cây cỏ mọc um tùm.

Băn khoăn trên cũng là điều dễ hiểu, bởi trên địa bàn huyện Đại Từ tính đến thời điểm tháng 7/2023 có 115 di tích đã được kiểm kê, 42 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 10 di tích quốc gia. Di tích nhiều, nguồn kinh phí hằng năm cấp cho tu bổ tôn tạo còn vô cùng khó khăn, hạn chế nên bước đầu Nhà nước mới quan tâm được một số di tích có giá trị tiêu biểu…

Đối với 3 An dưỡng đường, người dân địa phương thường gọi theo tên của người đã đóng góp tài sản để tạo nơi nuôi dưỡng, chăm sóc thương binh ngay tại nhà mình gồm: An dưỡng đường Bà Bá Huy (còn gọi là An dưỡng đường số 1, tại xã Lục Ba); An dưỡng đường Đặng Văn Ẩm (còn gọi An dưỡng đường số 2, tại xã Mỹ Yên) và Trại thương binh Chu Văn Thông (còn gọi là An dưỡng đường số 3, tại xã An Khánh).

Hiện nay, có hai khu An dưỡng đường đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh, đó là: (1) Địa điểm An dưỡng đường Bà Bá Huy (1947), xã Lục Ba, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; Quyết định số 2894/QĐ-UBND, ngày 12/12/2014; (2) Địa điểm An dưỡng đường thương binh số 2 trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược giai đoạn (1947 - 1952) xã Mỹ Yên; Quyết định số 290/QĐ-UBND, ngày 07/02/2013.

Cần phải nói thêm cho rõ, cả ba khu An dưỡng đường/ Trại an dưỡng nêu trên đều do Đảng, Chính phủ giao cho Quân đội lập nên. Nhưng khi đó trong điều kiện còn vô cùng thiếu thốn, nên những người dân có điều kiện đã sẵn lòng giúp đỡ và thậm chí còn giữ vai trò là người chủ yếu nuôi dưỡng, chăm sóc các thương binh. Bởi vậy, mà người dân thường gọi tên các An dưỡng đường theo tên của những người hiến đất đai, tài sản như trên đã nói.

Trong sách “Từ điển Thái Nguyên” do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thái Nguyên tổ chức biên soạn, NXB. Văn học xuất bản năm 2016, ở trang 872 – 873 ghi khá đầy đủ về An dưỡng đường số 1 và số 2 như sau:

“TRẠI AN DƯỠNG ĐƯỜNG SỐ 1

Được thành lập năm 1947 tại xóm Trại Ngò, xã Lục Ba (trước năm 1947 là xã Tân An), huyện Đại Từ.

Tháng 5/1947, các đồng chí Lê Thành An (1), Liễu, Thọ, Chân, Thành là những cán bộ của Phòng Thương binh thuộc Nha Thương binh Trung ương, đến xóm Trại Ngò liên hệ xây dựng ở đây một trại an dưỡng đường làm nơi cứu chữa, chăm sóc thương binh, bệnh binh từ các mặt trận gửi về.

Được nhân dân địa phương hết lòng ủng hộ, giúp đỡ, chỉ trong một thời gian ngắn, cơ quan đã dựng được 5 ngôi nhà làm nơi ăn ở, điều trị cho thương binh, bệnh binh. Người có đóng góp nhiều nhất là bà Nguyễn Thị Đích, tức Bá Huy (Bí thư Phụ nữ Cứu quốc xã Tân An). Bà đã cho cơ quan mượn nhà, đón thương binh về nuôi và vận động nhân dân trong xã tích cực giúp đỡ thương binh. Riêng gia đình bà ủng hộ 3 mẫu ruộng, 1 con trâu để Trại an dưỡng tổ chức cho những thương binh, bệnh binh còn có thể lao động được tăng gia, sản xuất và ủng hộ 120 nồi thóc để trại làm giống và lương ăn những ngày đầu.

Ngày khánh thành Trại được tổ chức trọng thể. Đồng chí Trần Huy Liệu - đại diện Tổng bộ Việt Minh, đồng chí Văn Tiến Dũng - đại diện Bộ Quốc phòng, cùng đại diện nhiều cơ quan, đoàn thể Trung ương và địa phương tới dự. Sau sự kiện này, bà Bá Huy được Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ gửi thư cảm ơn và khen ngợi.

TRẠI AN DƯỠNG ĐƯỜNG SỐ 2

Thành lập tháng 9/1947, đóng tại xóm xóm Cao, xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ. Được sự giúp đỡ của chính quyền và nhân dân trong xã, chỉ trong một thời gian ngắn, Trại đã chuẩn bị được cơ sở vật chất để đón thương binh về nuôi dưỡng. Đợt đầu đón 46 thương binh, có nhiều thương binh nặng không đi được, nhân dân Mỹ Yên đã cùng với nhân viên của Trại ra tận cầu Huy Ngạc khiêng về. Nhân dân Mỹ Yên quyên góp lương thực, thực phẩm nuôi dưỡng thương binh. Nhiều hội viên phụ nữ xã đón thương binh về nhà nuôi, có 2 chị đăng ký lấy 2 đồng chí thương binh nặng. Gia đình ông Đặng Văn Ẩm ủng hộ trại 5 mẫu ruộng, 4 con bò để sản xuất, 8 gian nhà để nuôi dưỡng thương binh. Đầu tháng 12/1947, quân Pháp 2 lần càn vào Mỹ Yên, do đã chủ động đề phong từ trước và được nhân dân giúp đỡ, số thương binh của Trại được phân tán về các gia đình nuôi giấu an toàn”.

Tại di tích An dưỡng đường số 1 (An dưỡng đường Bà Bá Huy theo tên gọi của di tích) khu vực lán trại của thương binh nay đã chìm dưới lòng hồ, chỉ còn lại một phần đất của gia đình bà Bá Huy là nằm ở ven hồ. Khu vực này đã được cơ quan chức năng khoanh vùng di tích.

Đứng trước nhu cầu cuộc sống, cũng là thực hiện quyền của người sử dụng đất, gia đình ông Trần Đình Tỉnh - con trai bà Bá Huy (năm nay đã ngoài 80 tuổi, sức khoẻ yếu) và vợ là Nguyễn Thị Tỉnh đã bàn bạc, thống nhất với con cái chuyển nhượng thửa đất có khoanh vùng Di tích ở trên cho người khác.

Chính quyền địa phương thống nhất sẽ vận động gia đình bà Bá Huy hiến đất tại vị trí các đại biểu đang đứng để đặt bia di tích (phần đất dưới thấp đã được gia đình nhận đặt cọc chuyển nhượng)
Chính quyền địa phương thống nhất sẽ vận động gia đình bà Bá Huy hiến đất tại vị trí các đại biểu đang đứng để đặt bia di tích (phần đất dưới thấp đã được gia đình nhận đặt cọc chuyển nhượng)

Theo như bà Tỉnh cho biết, bà đã nhận tiền đặt cọc để chuyển nhượng cho ông Vũ Quốc Chiến, chủ trang trại chăn nuôi liền kề với mảnh đất Di tích mà gia đình đang quản lý. Tuy nhiên, đến nay thủ tục chuyển nhượng chưa hoàn tất.

Không thể chậm trễ 

Nắm được tình hình, chúng tôi lập tức trao đổi với lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và lãnh đạo Sở đã cử 2 cán bộ thuộc Phòng Quản lý di sản văn hóa ngay hôm sau cùng chúng tôi về Lục Ba. Tham gia đoàn công tác còn có ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đại Từ cùng các cán bộ của Phòng; ông Trần Đức Tuân, Chủ tịch UBND xã Lục Ba và một số cán bộ chuyên môn của xã. Có thể nói, những diễn biến mới trên thực địa khiến địa phương không thể chậm trễ.

Theo Bản đồ trích đo địa chính Di tích An dưỡng đường thương binh số 1, trích đo và chỉnh lý từ tờ bản đồ địa chính số 58, lưu trong Hồ sơ Di tích do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý, toàn bộ khu vực được khoanh vùng di tích nằm trên phần đất của ông Tỉnh (con trai bà Bá Huy). Diện tích Khu vực 1 là 150m2; Khu vực 2 là 1225m2.

Trích bản đồ khoanh vùng di tích An dưỡng đường thương binh số 1
Trích bản đồ khoanh vùng di tích An dưỡng đường thương binh số 1

Hiện trường thửa đất có quy hoạch di tích cho thấy: một khu vực rộng lớn bao gồm cả Khu vực 1 (vùng lõi) và Khu vực 2 (vùng tiếp giáp) đã được múc, san thành 2 cấp. Phía bên trên nối với đường từ ngoài vào (xe ô tô chạy vào được), ở trên cao, diện tích nhỏ hơn. Phía dưới, thấp hơn khoảng 3m, sát mặt nước hồ Núi Cốc, diện tích rộng, vuông vắn và ngang với “cốt” của phần đất nhà ông Vũ Quốc Chiến.

Chưa rõ sau khi chuyển nhượng, ông Chiến sẽ sử dụng diện tích này vào mục đích gì, nhưng với việc bỏ ra hàng tỷ đồng để đầu tư, chắc hẳn ông chủ trang trại sẽ phải “sử dụng đất đúng mục đích” theo như quy định về nghĩa vụ chung của người sử dụng đất trong Luật Đất đai.

Bà Nguyễn Thị Tỉnh, xóm Gò Lớn, xã Lục Ba, vợ ông Trần Đình Tỉnh (người đứng tên trong Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất ở thời điểm lập bản đồ địa chính) là người thay mặt gia đình để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc sử dụng đất hiện nay. Trao đổi với chúng tôi, bà Tỉnh bức xúc nói: “Gia đình chúng tôi vẫn đề nghị cấp trên ghi nhận công lao cho mẹ tôi (bà Bá Huy) đúng với những công lao mà mẹ tôi đóng góp cho cách mạng. Còn về thửa đất di tích do gia đình đang quản lý, chúng tôi đã quyết định chuyển nhượng và nhận tiền đặt cọc. Đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp gia đình hoàn tất các thủ tục, giấy tờ theo quy định của pháp luật”.

Vị trí dự kiến đặt bia di tích có vị trí rất phong thủy, nằm ở trên cao, lưng dựa vào núi (phía sau mỏm đất đánh dấu “X” trong ảnh), nhìn vượt qua thửa đất đang chuyển nhượng, hướng ra lòng hồ Núi Cốc
Vị trí dự kiến đặt bia di tích có vị trí rất phong thủy, nằm ở trên cao, lưng dựa vào núi (phía sau mỏm đất đánh dấu “X” trong ảnh), nhìn vượt qua thửa đất đang chuyển nhượng, hướng ra lòng hồ Núi Cốc

Đứng ngay trên nền của thửa đất Di tích, chúng tôi trao đổi với ông Trần Đức Tuân, Chủ tịch UBND xã Lục Ba về chủ trương của địa phương trong việc quản lý và phát huy giá trị của di tích này. Ông Tuân cho biết: Địa phương mong muốn các cấp có thẩm quyền quan tâm để xây dựng Nhà lưu niệm hoặc làm bia để ghi dấu. Điều đó không những sẽ tạo điều kiện để tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về công lao của những người đi trước đối với cách mạng, tạo thuận lợi cho địa phương trong việc quản lý và phát huy Di tích, mà còn giúp gia đình thuận lợi, chủ đồng trong việc sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Clip: Phát biểu của ông Trần Đức Tuân, Chủ tịch UBND xã Lục Ba

Khi được hỏi về việc hiến đất để địa phương dựng bia di tích, bà Tỉnh cho biết: Gia đình ủng hộ, song còn phải thỏa thuận lại với người đặt cọc mua đất chứ gia đình cũng không quyết định được ngay.

Còn đối với An dưỡng đường số 2 (An dưỡng đường Đặng Văn Ẩm) tại xã Mỹ Yên), được biết khó khăn hiện nay cũng là ở vấn đề chưa có đất để xây dựng di tích. Địa điểm di tích nằm trong khu vực đồi chè của gia đình ông Đặng Văn Ẩm.

Địa điểm di tích An dưỡng đường số 2. Ảnh: Văn Vượng
Địa điểm di tích An dưỡng đường số 2. Ảnh: Văn Vượng

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đại Từ cho biết: Đối với cả hai di tích An dưỡng đường đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh trên địa bàn huyện Đại Từ, phòng đã tham mưu UBND huyện xây dựng bia di tích. Tuy nhiên, hiện tại chưa có đất để dựng bia nên chưa thể triển khai được. Chúng tôi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND các xã có di tích tăng cường vận động người dân hiến đất. Khi có mặt bằng sẽ hoàn thiện hồ sơ, tìm các nguồn kinh phí đầu tư và triển khai ngay.

/tmp/phpG6uk0E

“Đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động gia đình hiến một phần diện tích đất phù hợp để địa phương đề xuất xây dựng Bia ghi dấu sự kiện di tích nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ”

(Ông Nguyễn Mạnh Thường, Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Niềm hy vọng

Qua chia sẻ, trao đổi với các cơ quan chức năng có thẩm quyền và gia đình, con cháu bà Bá Huy, chúng tôi thấy rằng: Các cơ quan chức năng đều thống nhất cho rằng việc bảo tồn, gìn giữ địa điểm di tích là cần thiết và mong sớm được đầu tư, tôn tạo. Quan điểm của gia đình cũng đồng tình ủng hộ việc tôn tạo di tích. Song với hiện trạng như hiện nay, điểm khó nhất là chưa có quỹ đất để đặt bia (trong tương lai có thể là Nhà bia, Nhà lưu niệm…).  

Đối với An dưỡng đường số 1, mấu chốt hiện nay là sự vào cuộc tích cực, chủ động cùng công tác dân vận của lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Lục Ba đối với gia đình bà Bá Huy sao cho hiệu quả nhất.

Chủ trương của ngành Văn hoá và của địa phương đã rõ. Người dân đã cơ bản đồng thuận. Chúng tôi tin rằng, với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết của đội ngũ cán bộ, thì các công trình bia di tích An dưỡng đường ở huyện Đại Từ sẽ sớm trở thành hiện thực, góp phần tri ân những người có công lao với cách mạng và đáp ứng niềm mong mỏi của đông đảo người dân.

Huy Văn

-------

(1) Theo chúng tôi, tên đúng phải là Lê Thành Ân.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy