Thứ năm, ngày 02 tháng 05 năm 2024
02:03 (GMT +7)

Nguồn gốc của cuộc xâm lược Bắc Kỳ - Tiếp cận từ một số tư liệu lịch sử

VNTN- Năm 1858, nước Pháp chiếm thành công Tourane. Một năm sau, năm 1859, họ chiếm Sài Gòn đánh dấu quá trình xâm lược của thực dân Pháp ở phía Đông bán đảo Đông Dương. Tuy nhiên, thực dân Pháp phải đợi đến ngày 9 tháng 6 năm 1885, ngày ký kết thỏa thuận hòa bình với Trung Quốc để có thể chiếm đóng Bắc Kỳ, thiết lập chế độ bảo hộ của họ tại nơi đây. 

Một phòng đọc của Thư viện Quốc gia Pháp (BNF)
Một phòng đọc của Thư viện Quốc gia Pháp (BNF)

 

Tại sao thực dân Pháp phải làm tất cả để chiếm đóng Bắc Kỳ?  

Câu hỏi mà rất nhiều chính trị gia ủng hộ chính sách thuộc địa của Chính phủ Pháp thời bấy giờ đặt ra nhằm đưa ra những lời giải thích dành cho dân chúng Đại Lục (tên gọi của nước Pháp đại lục, không kể những phần lãnh thổ hải ngoại) về các hành động quân sự của họ tại các dải đất xa xôi, nơi không có tương quan về mặt lịch sử, địa lý cũng như chính trị với nước Pháp.

Đã có rất nhiều học giả cũng như các nhà thực dân đã đưa ra các câu trả lời cho câu hỏi này. Trong cuốn Những tuyến đường thương mại lớn của Bắc Kỳ của Đại úy Devrez xuất bản năm 1891, tác giả đã đưa ra lời giải thích rất rõ về một trong những lý do giải thích cho sự có mặt của thực dân Pháp tại vùng đất phía Bắc của nước An Nam như sau: “Những ý tưởng thúc đẩy các nhà thám hiểm Pháp nỗ lực tìm đến Bắc Kỳ chính là tìm kiếm một tuyến đường thương mại mới dẫn đến Tây Nam Trung Quốc và chủ yếu là Vân Nam”. 

Với những lợi ích to lớn trên, nước Pháp không dễ gì từ bỏ mảnh đất Bắc Kỳ. Trong cuốn sách Vấn đề Bắc Kỳ xuất bản năm 1885, tác giả Olivier Marrtellière đã đưa ra lời giải thích nhằm biện minh cho việc không thể từ bỏ vùng đất này như sau: “Điều này sẽ thừa nhận sự bất lực của chúng ta trong việc bảo tồn và quản lý một đất nước mà quyền sở hữu đối với chúng ta dường như trở thành nguồn tài nguyên dành cho Đại Lục. Chúng ta đừng quên rời khỏi Bắc Kỳ lúc này chính là đánh mất hoàn toàn ảnh hưởng của chúng ta ở vùng Viễn Đông, đánh dấu sự suy yếu về ưu thế của chúng ta ở châu Âu và đồng thời là sự từ bỏ chắc chắn trong tương lai quyền sở hữu Nam Kỳ của chúng ta”.

Tuy nhiên có một thực tế không thể không thừa nhận, sự xuất hiện của quân đội Pháp tại dải đất miền Viễn Đông cùng với những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã làm thay đổi sâu sắc đời sống văn hóa, tinh thần cũng như vật chất và nhất là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX của vùng đất này.

Sự xuất hiện của quân đội Pháp tại dải đất miền Viễn Đông cùng với những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã làm thay đổi sâu sắc đời sống văn hóa, tinh thần cũng như vật chất và nhất là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX của vùng đất này. 

Nếu như trước đây giao thông thương mại giữa các lãnh thổ nội địa phụ thuộc chủ yếu vào mạng lưới giao thông đường thủy và bằng thuyền tam bản truyền thống với những hạn chế rất lớn cả về vận tốc, số lượng hàng chuyên chở, cũng như khả năng vượt chướng ngại vật trên sông thì với sự xuất hiện của những con tàu với động cơ hơi nước, những khó khăn trên dường như đã được giải quyết. Không chỉ vận tốc nhanh hơn, số lượng chuyên chở lớn hơn và khả năng vượt chướng ngại vật trên sông cũng tuyệt vời hơn, tàu hơi nước còn mở ra thời kỳ phát triển trao đổi thương mại giữa các vùng lãnh  thổ mà cho đến bây giờ dường như vẫn còn khép kín, đặc biệt là với các vùng giáp ranh Trung Quốc nơi mở ra những thị trường lớn đầy hấp dẫn.

Nước Pháp với vai trò là người sở hữu Bắc Kỳ đang ở bị yếu thế trước các nước Anh và Đức về mặt xuất khẩu các hàng hóa giá rẻ tại các nước Đông Dương cũng như trên thị trường Trung Quốc mà lẽ ra là thuộc về họ với lợi thế giáp ranh Bắc Kỳ, đẩy người Pháp ở vào tình thế bằng mọi giá phải đẩy mạnh các hoạt động thương mại, nếu không muốn bị các nước khác chiếm mất thị trường ngay trên mảnh đất đang nằm dưới quyền bảo hộ của mình. Sẽ thật thất vọng cho nước Pháp vì sau bao nhiêu cố gắng để chiếm được Bắc Kỳ, cuối cùng họ buộc phải giữ vai trò của một “khán giả” chứng kiến những lợi ích kinh tế mà họ ao ước chảy vào con đường thương mại của Anh quốc và một số đế quốc khác. Một thuộc địa không có bất cứ một trao đổi nào với Đại Lục sẽ sớm có thiện cảm với quốc gia khác tạo dựng được cho họ những lợi ích qua lại.

Trang bìa cuốn “Vấn đề Bắc Kỳ” của W. Gagneur
Trang bìa cuốn “Vấn đề Bắc Kỳ” của W. Gagneur

 

Trong cuốn tài liệu sao chép gửi Bộ Thương mại và Công nghiệp Thuộc địa do Phó Tổng Thư ký Eugène Pallu de la Barrière của bộ Thuộc Địa ghi nhận dưới tiêu đề Trung Quốc và Bắc Kỳ - Hậu quả của của hiệp ước thương mại với Trung Quốc, tài liệu gửi các thành viên của quốc hội tại thời điểm thảo luận về ngân sách của An Nam và Bắc Kỳ, ngài Eugène Pallu de la Barrière đã tổng kết tình hình các hoạt động thương mại mà nước Pháp đang mong muốn đạt được với Bắc Kỳ cho thấy vị trí chiến lược của lãnh địa Bắc Kỳ trong chiến dịch xâm nhập thị trường rộng mở của đế chế Trung Quốc: “Tầm quan trọng của Bắc Kỳ, (…), nằm vị trí địa lý tiếp giáp với Trung Quốc cùng các mối quan hệ thương mại mà chúng ta có thể thiết lập với đế chế Trung Quốc”.

Tuy nhiên cho đến thời điểm này, người Pháp buộc phải chấp nhận vị trí phía sau đế quốc Anh. Người Anh với bộ óc thực tế ngay từ đầu đã luôn tìm cách thâm nhập thị trường Trung Quốc thông qua các dự án thiết lập hệ thống giao thông đường sắt thuận tiện và an toàn dẫn về các thị trường lớn trong đó điển hình là tuyến đường sắt nối Ấn Độ với Xiêm La. Để thay đổi tình hình thương mại giữa Pháp và các quốc gia cận Trung Quốc, rất nhiều nhà thám hiểm Pháp được chính quyền thuộc địa cử đi thực hiện các sứ mệnh thực địa phục vụ cho việc nghiên cứu khai hóa giao thông nội và ngoại địa, trong đó sứ mệnh Pavie (Auguste Pavie, 1847 – 1925) đã trở thành một trong những chuyến đi huyền thoại trong lịch sử khai hóa đường thủy Đông Dương.

A. Pavie, một trong những người tiên phong trong những nghiên cứu thực địa của Pháp tại Đông Dương, được bổ nhiệm làm lãnh sự Pháp tại Luang-Prabang năm 1886, ông đã thực hiện nhiều sứ mệnh thăm dò trong khu vực dưới quyền cai trị mà nước Pháp giao cho ông. Từ năm 1888, cùng với các cộng tác viên quân sự Coigniard, Cupet, Malglaive… và những tùy viên đại sứ Lefèvre-Pontalis hay nhà sinh vật học lỗi lạc Le Dantec, họ chia nhau thành các nhóm nhỏ thực hiện các nhiệm vụ rải rác trên các tuyến đường khác nhau với biên độ phủ rộng khá lớn.

Năm 1890 - 1891, được hỗ trợ bởi một nhóm lớn gồm các nhà địa lý, tự nhiên học, bác sĩ, nhà dân tộc học và nhà kinh tế học, A. Pavie đã tiến hành một cuộc thám sát lãnh thổ rộng lớn với mục đích thiết lập giới hạn đường biên giữa Đông Dương thuộc Pháp, Trung Quốc, Xiêm La và Miến Điện. Kết quả khoa học của quá trình thám sát tập thể này khá ấn tượng và có thể coi là đạt tới đỉnh cao trong tất cả các nghiên cứu trước đây mà Pháp hay các nước khác đã từng thực hiện tại Đông Dương.

Tổng cộng có khoảng 600.000 km² đã được khảo sát và được lập thành bản đồ một phần trong số các vùng lãnh thổ trên cùng với 70.000 km đường bộ và đường sông nằm trong diện được khảo sát. Nhờ vào kết quả của các cuộc thám sát, rất nhiều dự án thiết lập các tuyến đường giao thông được cụ thể hóa thành dự thảo để trình quốc hội Pháp phê duyệt.

Bản đồ An Nam (Trung kỳ) do A. Pavie thiết lập
Bản đồ An Nam (Trung kỳ) do A. Pavie thiết lập

Vào tháng 9 năm 1895 phái đoàn thực hiện sứ mệnh mang danh Pavie giải thể. Khi đó ở tuổi 48, Auguste Pavie rời Đông Dương trở về Pháp và trở thành một trong những thành viên sáng lập của Viện Hàn lâm Khoa học Thuộc địa, sau này trở thành Viện Hàn lâm Khoa học Hải ngoại.

Từ các cuộc thám hiểm thực hiện trong thời gian ở Đông Dương, Pavie đã cho ra đời cuốn Ghi chép và bản đồ, ngoài những nghiên cứu về địa hình cũng như đặc điểm lịch sử, dân tộc và thời tiết của các vùng lãnh thổ, A. Pavie còn cung cấp 10 tấm bản đồ địa hình chi tiết phục vụ cho những nghiên cứu mở rộng và xây dựng các tuyến đường nối các vùng lãnh thổ với nhau, trong đó phải kể đến vai trò có tính quyết định của cuốn tài liệu này trong lịch sử xây dựng các tuyến đường sắt tại Bắc Kỳ.

Tuy nhiên trước khi các dự án đường sắt được phác thảo, các thương nhân người Pháp vẫn cố gắng tìm cách khai thác mạng lưới giao thông đường thủy tại Bắc Kỳ sau khi đã từ bỏ những dự án khai thác các tuyến đường trên sông Mê Kông vì lý do lợi ích kinh tế thấp kém của tuyến đường này mang lại. Với hy vọng có thể thâm nhập vào Trung Quốc bằng các con tàu hơi nước hiện đại nhằm hạn chế ở mức tối thiểu những khó khăn và từ đó tỏa đi các hướng khác, các nhà thám hiểm Pháp đã tận dụng các nhánh sông lớn trong đó dự án Sông Hồng, sông Đen (với tên gọi chính xác ngày nay là sông Đà), sông Lô cùng nhiều nhánh sông khác.

Trong cuốn Những tuyến đường thương mại lớn ở Bắc Kỳ, đại úy Devrez đã kết luận như sau: “Vào thời điểm mà chúng ta đang bận rộn triển khai các tuyến đường sắt qua các sa mạc ở Châu Phi, không phải vô cớ để lưu ý rằng chúng ta đang sở hữu Viễn Đông, một thuộc địa lý tưởng bậc nhất, giàu có, đông dân cư và chỉ cần một chút sáng kiến ​​​​cùng trí thông minh sẽ giúp cho nền thương mại phát triển.

Chúng tôi sẽ rất vui nếu vài dòng này có thể thu hút sự chú ý đến Bắc Kỳ và mang lại lợi ích phục vụ cho sự phát triển thịnh vượng trong tương lai của mảnh đất này”.

Một góc bảo tồn sách di sản tại Thư viện Quốc gia Pháp
Một góc bảo tồn sách di sản tại Thư viện Quốc gia Pháp

Tuy nhiên các tàu hơi nước dù rất hiện đại cũng sớm trở nên lạc hậu không thể đáp ứng được nhu cầu giao thông thương mại tấp nập tại đây. Rất nhanh, các dự án đường sắt nối các thành phố lớn qua các vùng đông dân cư và các mỏ khoáng sản và nối dài đến Vân Nam, Trung Quốc được thiết lập. Dần dần từ mục đích thâm nhập Trung Quốc ban đầu, chính phủ bảo hộ dần nhận ra nếu chỉ cố thâm nhập vào Trung Quốc là còn chưa đủ, họ còn cần phải xây dựng một mạng lưới cơ sở hạ tầng đầy đủ mới mong khai thác tối đa các lợi thế kinh tế, tự nhiên của vùng châu thổ.

Đó là lời phát biểu khôn ngoan của ngài Guillemoto, Tổng Giám đốc Công trình công cộng được ghi nhận trong cuốn Tuyến đường sắt sông Hồng và cuộc thâm nhập của Pháp vào Vân Nam: “Đoạn Việt Trì - Lào Cai phải là một dự án mang tầm vóc lớn hơn là một cây cầu bắc ngang giữa Vân Nam và vùng đồng bằng Bắc Kỳ”. Do đó nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu dưới sự chỉ đạo của ông nhằm tìm kiếm những tuyến đường bộ tốt nhất nối các vùng lãnh thổ quan trọng với nhau cho phép tuyến đường sắt trong quá trình băng qua vùng núi đảm bảo đồng thời các tuyến giao thông địa phương.

Tuy nhiên tất cả những lý do mà những người ủng hộ cuộc chiếm đóng đưa ra nhằm che đậy mưu đồ ẩn giấu phía sau của cuộc xâm lược Bắc Kỳ đã bị Wladimir Gagneur lật tẩy trong cuốn sách có cùng tựa đề với cuốn sách Vấn đề Bắc Kỳ của tác giả Olivier Marrtellière do nhà xuất bản Wattier, Paris phát hành cùng năm. Cuốn sách chỉ dày 26 trang sách bỏ túi (sách khổ nhỏ) là lời chất vấn chính phủ thực dân về cuộc chiến mà họ đang tiến hành tại Bắc Kỳ đồng thời cũng là lời đáp trả rõ ràng nhất về những sai lầm mà giới chức Pháp lúc bấy giờ đang phạm phải. Trong phần một của cuốn sách nhỏ này, Gagneur đã đặt ra một câu hỏi lớn: “Nhưng có phải thông qua chiến tranh và thuộc địa hóa mà chúng ta sẽ khai hóa văn minh?”.

W. Gagneur sinh ngày 9 tháng 8 năm 1807 tại Poligny, Nghị sĩ Quốc hội từ 1815 – 1823, là một chính trị gia với tư tưởng chống đối quyết liệt chế độ chính trị của Đế chế thứ hai, ông từng bị lưu đày đến Brussels trong một năm. Trở lại Pháp, ông trở thành nhà báo và được bầu làm phó phe đối lập của vùng Jura vào năm 1869, tái đắc cử vào năm 1873 với tư cách là nghị sĩ vùng Jura cho đến khi ông qua đời vào năm 1889. Từ quan điểm báo chí, W. Gagneur từng là cộng tác viên của các tờ báo – la Sentinelle của vùng Jura, Tin tức tỉnh Ain – đồng thời còn tham gia thành lập ở Arbois tờ Tiếng vọng Jura, một tạp chí văn học, giai thoại, công, nông nghiệp. 

Vấn đề Bắc Kỳ là cuốn sách được Gagneur viết vào năm 1885 khi đó ông đang giữ chức vụ nghị sĩ của vùng Jura ngay sau khi chính quyền thực dân Pháp quyết định tiến hành cuộc chiến tranh chiếm đóng Bắc Kỳ và thiết lập chế độ bảo hộ tại đây. Do đó Vấn đề Bắc Kỳ thể hiện quan điểm của một chính trị gia, người tham gia vào những cuộc biểu quyết ngân sách cũng như các vấn đề về nhân lực dành cho cuộc chiến.

Trang mở đầu cuốn “Vấn đề Bắc Kỳ”
Trang mở đầu cuốn “Vấn đề Bắc Kỳ”

Gần một thế kỷ rưỡi đã trôi qua, lịch sử đã có câu trả lời rõ ràng cho những câu hỏi mà nhân dân Pháp cũng như giới chính trị yêu hòa bình đặt ra lúc bấy giờ, nhưng tại thời điểm xảy ra các sự kiện, liệu có bao nhiêu người có đủ trí tuệ và lòng dũng cảm để nêu ra những sai lầm mà chính phủ Pháp lúc bấy giờ đang mắc phải. Đó chính là lý do chúng ta cần đọc lại cuốn sách Vấn đề Bắc Kỳ của W. Gagneur.

Quyên GAVOYE

-----------

Xem toàn bộ nội dung cuốn Vấn đề Bắc Kỳ tại đây:

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy