Chủ nhật, ngày 05 tháng 05 năm 2024
10:08 (GMT +7)

Người vẫn đi trên “Những cánh đồng và những dòng sông”

Lần đầu tiên tôi gặp anh Lê Thế Thành vào khoảng cuối năm 1987. Ngày ấy, Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Thái mới thành lập được vài tháng, còn đang phải mượn trụ sở của ngành giáo dục. Một hôm anh Nam Đa, phóng viên Báo Bắc Thái dẫn đến Hội một người đàn ông cao gày, nước da bánh mật, mặt đã xuất hiện những nếp nhăn mờ. Anh Nam Đa giới thiệu với tôi về người đàn ông: “Anh Lê Thế Thành, một nhà báo xuất sắc của Báo Quân khu 9. Vừa chuyển ra Bắc, hiện công tác tại Ban Tuyên giáo tỉnh nhà. Hồi ấy, nhìn chung, giới văn nghệ sĩ chúng tôi ít có cảm tình với các cán bộ tuyên giáo, có lẽ vì tính cách hơi nghiêm ngắn và có phần cứng nhắc của họ chăng? Vì vậy, tôi tiếp chuyện Lê Thế Thành không mấy thân thiện. Nhưng chỉ ngay sau đó ít phút, với tính cách có vẻ tài tử và nhất là những “chiến tích” báo chí của anh ở miền Nam khói lửa một thời đã chiếm được cảm tình của tôi.

Nhà văn, nhà báo Lê Thế Thành

Qua cách kể chuyện, qua ánh mắt của anh hôm ấy, không hiểu sao tôi đoán Lê Thế Thành mang máu văn chương nhiều hơn là báo chí và nhất là với nghề tuyên giáo. Vì thế, một thời gian sau, khi Hội VHNT có chủ trương xin anh Thành về làm Phó Tổng biên tập tờ Văn nghệ của Hội, tôi là người ủng hộ mạnh mẽ nhất. Và điều không ngờ được là sau đó, anh Thành đã trở thành một trong số ít những bạn văn thân thiết của tôi.

Anh Thành hơn tôi tới 7 tuổi nhưng chúng tôi hầu như không có giới hạn về tuổi tác. Sau ngày chính thức chuyển sang lĩnh vực mới, anh vừa chỉ đạo Báo vừa sáng tác rất say sưa. Những truyện ngắn đầu tiên của anh, theo tôi, cũng là những truyện ngắn xuất sắc, còn lưu lại trong lòng bạn văn và bạn đọc nhất được ra đời vào giai đoạn này.

Có một điều lạ, trong những năm 90 của thế kỉ trước, việc phấn đấu để trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã như một sức hút vô cùng mạnh mẽ đối với các cây bút ở địa phương, nhưng ở Lê Thế Thành tôi không hề mảy may thấy điều này, tuy tài năng và sức viết của anh cũng có thể là một ứng viên sáng giá. Chừng như anh công tác và sáng tác hoàn toàn chỉ xuất phát từ niềm vui và cả những nỗi buồn của tâm hồn mình. Ngay cái chức Phó Tổng biên tập đối với anh cũng như một phù du. Tôi còn nhớ thời đó anh làm báo vô cùng tài tử. Cứ như nghệ sĩ xiếc đi trên dây, vậy mà chưa bao giờ bị ngã nhào xuống đất. Tôi vài lần được mục sở thị, có những số báo bài vở còn tung tóe, hạn ra báo sắp đến gần mà thày trò Lê Thế Thành - Dương Quốc Hải (một BTV kiêm các việc vặt của tòa soạn, người sát cánh với Lê Thế Thành trong công việc) vẫn ngáy khò khò trên giường nhà tập thể. Chủ tịch Hội ruột gan rối như tơ vò, câu bấc câu chì với Phó Tổng biên tập. Vậy mà nhoáng một cái, hai thày trò lại thức xuyên đêm, báo vẫn ra đúng kì hạn.

Nhưng có một lần, chính cái chất amatơ ấy suýt hại anh. Đấy là cái lần báo Văn nghệ của Hội đăng một bài thơ của một tác giả ở Hà Nội. Sau đó bài thơ bị một vài người phản ánh lên Tỉnh ủy là có tính biểu tượng hai mặt gì đó. Thế là tòa soạn nhoáng nhoàng cả lên. Tổng biên tập bảo số báo ấy mình đi Hà Nội tập huấn nên đã ủy quyền cho Phó Tổng biên tập duyệt. Khi kiểm điểm ở cơ quan, Lê Thế Thành đã nhận lỗi để lọt bài thơ ấy là do mình không cẩn tắc trong khi duyệt bài. Nhưng sau đó, các hội đồng thẩm định xem xét và nhất là khi có ý kiến của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lúc ấy giờ đã kết luận bài thơ không có gì sai phạm, tất cả là do suy diễn vô căn cứ. Mọi sự trở lại bình thường. Ba tháng sau, một hôm anh Lê Thế Thành gọi tôi vào phòng, chìa ra bản thảo bài thơ nọ, ở góc trên bản thảo có chữ kí duyệt quá quen thuộc của Tổng biên tập. Tôi khuyên:

- Chuyện không có gì lớn, nhưng anh cũng nên đưa ra cuộc họp nội bộ để nói lại về trường hợp này. Chắc chắn là do cả hai người đều quên thôi. Nhưng đó là một dịp để minh chứng anh không có lỗi. Điều ấy cũng cần thiết.

Vậy mà Lê Thế Thành chỉ cười, bảo:

- Thôi, mọi chuyện cũng đã ổn rồi. Nói ra cũng không giải quyết được gì.

Lê Thế Thành là thế. Dĩ hòa vi quí, kể cả việc to đến việc nhỏ.

Không chỉ những chuyện lớn lao, liên quan đến công việc mà từ những chuyện hết sức vụn vặt trong đời sống hàng ngày, Lê Thế Thành cũng luôn tỏ ra rất vô tư, không tính toán. Có lần anh và tôi đang cùng đi trên một hè phố ở Hà Nội thì gặp hai thanh niên đánh nhau rất dữ dội. Không ai dám can ngăn. Bỗng Lê Thế Thành rút trong túi tấm thẻ nhà báo giơ cao, nói to như kiểu công an bắt cướp:

- Nhà báo đây! Dừng lại ngay!

Hai đương sự chẳng hiểu mô tê gì nhưng có lẽ nghe hai tiếng “nhà báo” chắc cũng hãi nên sững lại. Sau đó anh Thành vỗ vỗ vai hai “đối tượng”, nhẹ nhàng:

- Có gì thì bảo nhau, đừng hung hăng, có ngày hối không kịp đấy các cháu ạ.

Chẳng rõ nể ông già hiền từ hay sợ cái uy nhà báo (những năm ấy, báo chí rất có giá) mà ngưng “cuộc chiến”. Sau lần ấy, tôi mệnh danh anh là “người hùng văn nghệ”, đã viết thành bài bản đăng báo hẳn hoi.

Ngoài công việc làm báo và sáng tác rất mẫn cán và rất thành công, anh Thành còn chiếm được cảm tình của bạn bè nhờ chất uy - mua rất phong phú trong tinh thần sống. Có thể nói, về khoản thơ vui văn nghệ thì không một ai ở tỉnh Thái Nguyên qua được anh Thành. Nhiều bài thơ vui do anh sáng tác vẫn lưu truyền đến hôm nay và có lẽ là mãi mãi. Chính từ cái chất khôi hài “trời cho” của anh đã làm vơi bớt đi phần nào cuộc sống vốn nhiều thiếu thốn, nhiều lo toan, nhiều nỗi buồn của chính anh và không ít bạn bè.

Trong nghiệp văn chương, so với bạn bè, anh Lê Thế Thành viết không nhiều. Chỉ xuất bản dăm ba cuốn sách. Anh là một cây bút theo đúng với nghĩa “quí hồ tinh bất quí hồ đa”. Có lần tôi khuyên anh nên viết một tiểu thuyết về vùng chè Tân Cương quê hương anh. Đó là nơi anh sinh ra và trưởng thành, là người hiểu cặn kẽ vùng đất ấy. Vậy mà một thời gian sau anh tâm sự với tôi:

- Mình cảm thấy chưa đủ vốn sống và sự hiểu biết về cây chè, hơn nữa, thể tiểu thuyết mình chưa thử sức nên hơi ngại, chưa dám khai bút. Thôi, sau này để các bạn trẻ nghiên cứu thêm.

Nhưng chỉ với thể truyện ngắn, những tác phẩm như: “Hoa hậu Bắc Cạn”, “Dòng sữa”, “Tiếng nổ”, “Ngày 30 tháng Tư của mẹ”… của Lê Thế Thành đã đủ để lại sự cảm phục cho các bạn văn và độc giả. Nhất là vào năm 2017, tập truyện ngắn “Những cánh đồng và những dòng sông” của anh đoạt Giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật 5 năm của UBND tỉnh Thái Nguyên đã như một sự đền đáp xứng đáng đối với một cây bút hết mình trong văn nghiệp.

Lê Thế Thành ra đi không quá đột ngột. Nhiều năm trước anh đã trọng bệnh. Nhưng với giới văn nghệ sĩ Thái Nguyên thì vẫn là sự bất ngờ và đầy tiếc thương. Với tôi, dường như giữ nguyên một cảm giác là anh vẫn đang đi trên “Những cánh đồng và những dòng sông” vĩnh hằng. Mong sao, ở miền cực lạc, linh hồn anh siêu thoát.

Hồ Thủy Giang

1 đã tặng

1

0

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Thương nhớ nhà thơ Hà Đức Toàn

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Thơ Đàm Thế Du

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Lặng lẽ và viết

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Nhà văn Phạm Đức – Bạn tôi

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước