Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
13:46 (GMT +7)

Người Sami, dân tộc sống giữa vùng băng tuyết

VNTN - Người Sami là một trong những dân tộc bản địa lâu đời nhất ở Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Nga. Họ đã cư trú trên bán đảo Scandinavia từ khá lâu, cho tới thời Trung Cổ thì bị cướp biển Viking đẩy tới những vùng đất phía bắc của vòng Bắc Cực, và từ đó tạo ra một bản sắc độc đáo nhất thế giới. Đấy là sống hòa đồng với tuyết và dựa vào những gì tự nhiên ban cho mà sống tốt. Do khí hậu ở đây rất lạnh, mùa đông tháng rét nhất dưới âm 30 độ C, nên khi hơi thở thoát ra khỏi miệng đều sẽ bị biến thành màn sương trắng, cộng với đi trên băng đá, bầu trời ngày đêm mờ ảo bởi tung tóe những chùm ánh sáng xanh đỏ ma quái, ta sẽ cảm thấy ấm lòng khi rẽ qua ngôi làng của người Sami.

Làng của người Sami thường gồm nhiều ngôi nhà gỗ nhỏ truyền thống, trong đó có những túp lều kata (lavvu) với dạng kim tự tháp và bằng các loại cành cây, thân gỗ chụm lại, rồi quây vải, da thú, chủ yếu là da tuần lộc cùng một số loại cỏ. Giữa lều đặt bếp lửa, lúc nào cũng cháy rừng rực để sưởi ấm và đun nấu. Hai bên là những hàng ghế dài bọc lông, cũng là một loại giường êm ái, ấm áp quanh năm. Người Sami nấu ăn ngay cạnh đó và chủ yếu ăn thịt hươu, thịt cá, thịt chim, bánh mỳ và các loại rau củ, địa y. Ai đến nhà cũng được ăn no vì người dân ở đây quan niệm ăn no mới có sức đi mọi nơi.

Vì sinh sống ở vùng lạnh giá, gắn liền với các sinh vật hoang dã của xứ sở tuyết, nhất là tuần lộc nên người Sami là những người duy nhất ở các nước được săn bắt và thuần dưỡng tuần lộc. Như Ông già Noel, mỗi nhà tại đây thường nuôi từ vài đến vài chục chú hươu để làm phương tiện đi lại (kéo xe), thức ăn, quần áo, giày dép, bạt quây nhà (bằng da), dụng cụ và đồ trang trí thủ công (bằng xương, sừng hươu) và một vài loại thuốc.

Nuôi tuần lộc đã là một nét văn hóa căn bản của người Sami, đi vào nếp nghĩ, nhà cửa, văn thơ và cả tâm linh, tín ngưỡng dân tộc. Mỗi năm, khi đàn hươu đổ về khu vực của họ từ khắp nơi, người dân ai nấy đều được phép bắt chúng phục vụ đời sống, và tới nay là chủ của hơn hai triệu con tuần lộc. Hàng ngày, họ sẽ cưỡi chúng để đi kiếm củi, câu cá, với vũ khí uy lực nhất mang tính cổ truyền là con dao bằng chính sừng hươu. Con dao là vật dụng vô cùng cần thiết, giúp họ làm mọi thứ từ cắt gọt thức ăn tới chẻ củi, xây nhà và tự vệ. Trẻ em từ dăm ba tuổi đã có một con dao nhỏ, dắt thắt lưng. Sáng sớm, cả nhà đã dậy làm việc; sự lao động chỉ là nhằm duy trì thức ăn, sự sống chứ không phải để kiếm tiền hay cất trữ vàng bạc. Cả già lẫn trẻ, phụ nữ lẫn nam giới đều phải làm việc để giữ gìn sức khỏe, khối cơ bắp vốn có trước cái lạnh. Nam giới thường đi câu, họ khoét trên băng những cái lỗ to, rồi dùng lưới hay lưỡi câu dài câu cá dưới băng, và một số người còn đi thuyền ra khơi bắt cá, vì cá câu được thường ít ỏi, chỉ có đánh cá ngoài biển mới nhiều. Phụ nữ được giao nhiệm vụ khâu vá, may các loại áo mũ ấm áp và đẹp mắt. Sau khi dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng xong xuôi, họ cũng theo chồng con đi câu, hoặc theo bọn trẻ thu nhặt những bộ sừng hươu tự rụng trong rừng, mang về chế tác đồ vật.

(Ảnh) Theo Fjord Tours

Ngoài dùng sừng hươu, họ cũng đẵn gỗ bu lô về làm bát đĩa và thuyền nhỏ phục vụ chài lưới. Như đã nói, trang phục của người Sami rất hấp dẫn, cả nam lẫn nữ đều có áo dài, khăn dày đính ngọc trai, bạc, thiếc, và nhuộm sặc sỡ, nổi bật với màu đỏ, xanh, vàng hoặc đen - vừa đẹp lại là một đặc điểm dễ nhận khi đi trong bão tuyết.

Do sống ở các vùng khác nhau, ví dụ như thị trấn Kautokeino và Karasjok của Na Uy, Rovaniemi và Inari của Phần Lan hoặc Kiruna của Thụy Điển, nên họ có tới chín thứ tiếng để giao tiếp với nhau, thành thử ai cũng giỏi thổ ngữ, chỉ cần nghe mấy câu, mấy từ là đã hiểu nhau, dù là người lạ nói gì. Đặc biệt, họ có tới hơn 100 từ để chỉ tuyết, thay vì chỉ một từ “snow” trong tiếng Anh, chẳng hạn moati là tuyết rơi thẳng, borga tuyết bay theo gió, ainadat tuyết đóng nhẹ trên mặt đất, seeangash tuyết đóng dày và khô… Hơn thế họ có tới 400 từ chỉ tuần lộc từ cái tới đực, con non tới con đã mọc sừng, thay sừng…

Nhờ đa dạng ngôn ngữ và vốn từ phong phú nên người Sami rất thích làm thơ, sáng tác truyện dân gian và ca hát, với đa số nội dung đều ca ngợi vẻ đẹp trù phú của thiên nhiên và tình yêu đôi lứa bị chia cắt bởi băng tuyết, phần còn lại là truyện cho trẻ con để ru các em ngủ trong những đêm đông. Truyện thường kể về các vị thần tuyết, thần gió, thần cây cùng các phù thủy nhiều phép thuật, do phù thủy là thủ lĩnh tôn giáo của người Sami, đứng giữa các hiện tượng thiên nhiên, thần thánh để chinh phục thiên nhiên và làm khuây khỏa con người. Phù thủy cũng là một thầy thuốc khi cần chữa bệnh biết dùng rất nhiều loại thuốc chế từ rêu tảo, cỏ cây Bắc Cực, còn về tâm linh thì có thể gọi hồn, thức tỉnh người ốm, ngăn ngừa cái chết bằng tiếng trống Runebommen… Bắt đầu từ năm 1970, thế giới đã thật sự biết nhiều về cuộc sống của người Sami vì có nhiều tác phẩm văn học và ca khúc bằng tiếng Sami. Về ca khúc có thể loại hát joik là những giai điệu ngân nga, luyến láy trong cổ họng, thể hiện nhiều tâm trạng trước muôn điều, trong đó có các bài hát mừng mùa màng, các loài chim thú đã quay trở về hoặc một người mới tới, rồi tình yêu trai gái, làng xóm. Ca sĩ có công lớn nhất giới thiệu âm nhạc Sami ra thế giới là Mari Boine vào thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước nhờ kết hợp nó với nhạc jazz, nhạc rock và hip hop… Hàng năm, nhất là dịp lễ hội, có cả vạn người tới làng của người Sami, tham dự những sinh hoạt dân dã cùng các trò chơi vui nhộn như dựng nhà, câu cá, bắt cua, đua xe kéo tuần lộc, đắp tượng tuyết, hát kể chuyện…

CHU MẠNH CƯỜNG

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy