Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
12:29 (GMT +7)

Người “phủi bụi tìm vàng”

VNTN - Tôi gọi anh như vậy bởi cái công việc lọ mọ đi khắp nơi trong tỉnh, cặm cụi sưu tầm, nghiên cứu các di sản Hán Nôm: văn bia, thần tích, thần sắc, câu đối, hoành phi... - nguồn tư liệu cổ xưa, quý hiếm vốn bị hao hụt theo thời gian lại chưa được nhiều nơi chú trọng gìn giữ.

Anh là Nguyễn Đình Hưng (49 tuổi), Phó Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cũng là cộng tác viên ruột của Văn nghệ Thái Nguyên. Trong số báo 37 ra ngày 15/9/2020 có đăng bài viết “Cần cứu lấy nguồn di sản quý” của anh. Đọc và cảm nhận những tâm tư, trăn trở trước nguy cơ mai một và mất đi vĩnh viễn nguồn di sản Hán Nôm của tỉnh thôi thúc tôi tìm gặp và viết về anh, với mong muốn hiểu rõ hơn nữa về sự cống hiến của những con người đang ngày đêm lặng lẽ làm công việc sưu tầm và bảo tồn nguồn tư liệu cổ quý báu này.

Mang tình yêu sâu đậm với nguồn di sản quý

Đến Phòng Quản lý di sản văn hóa tìm anh, chị Trần Thị Nhiện, Trưởng phòng chia sẻ: “Viết về Hán Nôm, em gặp anh Hưng là đúng người rồi. Có thể nói là một người đam mê, hết lòng với Hán Nôm!”. Và trong căn phòng làm việc với giấy tờ, tài liệu xếp chồng lớn chồng bé, cùng những cuốn sách gáy vuông dầy cộm, khổ lớn, nặng trịch - trông anh Hưng như lọt thỏm giữa thế giới tư liệu, giấy tờ, đề án, hồ sơ di tích… của mình. Đằng sau núi hồ sơ, tư liệu ngồn ngộn ấy là kết quả của những ngày rong ruổi đi điền dã, khảo sát các di tích lịch sử, văn hóa trên khắp địa bàn tỉnh, chẳng hiếm chuyện phải dầm mưa dãi nắng, trèo đèo lội suối, cuốc bộ đường trơn, thậm chí rúc bờ rúc bụi, lấm lem bùn đất… Bởi vậy mà trong công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể toàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2016 và kiểm kê di tích toàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021 anh đã có nhiều đóng góp đáng kể cho kết quả hai cuộc kiểm kê này.

 

Anh Nguyễn Đình Hưng (ngoài cùng, bên phải) tại một buổi khảo sát sắc phong ở Đền Làng Vàng (xã Cao Ngạn, TP. Thái Nguyên)

Cứ tưởng con người “chân đi” ấy phải rắn rỏi, sương gió lắm, ấy thế mà anh mang dáng vẻ thư sinh, giọng nói nhỏ, nhẹ nhưng chảy tràn nhiệt huyết, năng lượng khi nói về nghề, về di sản Hán Nôm: “Nhiệm vụ của mình cũng như Phòng mình là tham mưu giúp lãnh đạo thực hiện công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Trong đó di sản Hán Nôm thuộc lĩnh vực văn hóa phi vật thể. Đó là tài liệu khoa học đặc biệt, do ông cha mình sáng tạo ra để truyền lại cho đời sau, thường có ở các di tích như đình, đền, chùa, nghè, miếu… và ở cả các tư gia. Nó thể hiện tài hoa, trí tuệ, tâm hồn của cha ông, được coi là sợi dây nối quá khứ với hiện tại, giúp thế hệ hôm nay và mai sau có cơ hội tìm hiểu về cội nguồn lịch sử, văn hóa của dân tộc, địa phương”. Đôi lát ngừng lời, anh nói tiếp: “Trong quá trình đi khảo sát, điền dã,… để xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng hay trùng tu, tôn tạo di tích, bắt gặp những tư liệu Hán Nôm mình lại như “hổ đói”, muốn “ngấu nghiến” nghiên cứu, khai thác để sưu tầm bổ sung tài liệu khoa học phụ nhằm tăng thêm giá trị, làm dầy dặn hơn hồ sơ xếp hạng di tích”. 10 năm làm chuyên môn tại Bảo tàng Bắc Thái (nay là Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên) và hơn 16 năm làm quản lý nhà nước về lĩnh vực di sản văn hóa giúp anh có điều kiện nảy nở duyên lành với di sản Hán Nôm, ấy là việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy nguồn di sản độc đáo này. Chả thế mà anh em trong ngành vẫn gán cho anh biệt danh “Hưng cổ vật”!

Tuy không được đào tạo chuyên ngành, không có khả năng đọc hiểu 100% văn bản Hán Nôm, chỉ có hiểu biết nhất định về loại hình này, song anh chia sẻ: “Vốn liếng Hán Nôm của mình còn hạn hẹp, nhưng vì sự yêu mến, say mê nghiên cứu loại di sản văn hóa này nên nó trở thành phần việc gắn bó máu thịt với mình một cách tự nhiên, cứ như “đói thì ăn, khát thì uống” vậy. Nó thỏa mãn niềm đam mê sẵn có trong con người mình”.

Cái sự “gắn bó máu thịt” ấy thể hiện bằng việc đi đến đâu, thấy cái gì có chữ Hán, chữ Nho là để ý, thấy nó cổ, có giá trị lịch sử - văn hóa là anh lưu lại ngay. Những năm chín mấy, khi chưa có điện thoại chụp ảnh nhanh gọn như bây giờ, mà chụp bằng máy ảnh phải đi rửa rất tốn kém, khó khăn, nên anh chẳng ngại… bò ra mà ghi chép. Anh nhớ lại năm 1996, khi kiểm kê di tích tại huyện Phú Bình, thấy quả chuông có niên đại thời Tây Sơn oanh liệt của chùa Thượng Đình bị bỏ mặc ngoài vườn, cỏ mọc um tùm, cao vượt mặt người. Trời gần trưa, nắng chang chang, anh vẫn hì hục cả tiếng đồng hồ phát quang cỏ xem chuông. Chuông để lâu năm, rêu mốc bám kịt, lại hì hục lấy lá cây lau sạch để xem trên chuông khắc những chữ gì. Thực ra, với công việc được giao lúc đấy, anh chỉ cần đo qua, miêu tả sơ lược về hiện vật là xong. Nhưng anh lại muốn biết chi tiết quả chuông ấy khắc bài minh chuông gì, niên đại năm nào? Khi đưa sản phẩm kiểm kê về, lúc đó có ông Hoàng Ngọc Đăng, nguyên là Trưởng phòng Bảo tồn, bảo tàng (Sở Văn hóa Thông tin Bắc Thái) hỏi: “Cái “ông” Hưng này là ông nào, già cả ra làm sao, râu tóc thế nào mà viết kĩ thế này, cho tôi gặp “ông” ấy”. Nhưng khi gặp, thấy một thanh niên mặt non choẹt thì ông Đăng bất ngờ lắm, hỏi: “Cháu học cái gì mà cháu biết món này?”. “Cháu học Đại học Văn hóa Hà Nội, Khoa Bảo tồn, bảo tàng.”. “Cháu có cơ sở căn cứ nào mà khẳng định niên đại và nội dung những chữ Hán Nôm trên các hiện vật?”. “Thứ nhất là cháu được học, dù không nhiều và sâu như các bạn ở chuyên ngành Hán Nôm; thứ hai là cháu tự học, tra cứu thêm sách nữa; thứ ba là đi hỏi, đối chiếu với chính những người biết về các hiện vật”. Cuối cùng ông Đăng cũng phải công nhận sản phẩm kiểm kê chi tiết và kĩ lưỡng của cậu chàng mới 25 tuổi.

Suốt những năm ở Bảo tàng Bắc Thái và về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đi đâu trong tỉnh anh cũng kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, thuộc lòng từng di tích, biết rõ ở mỗi di tích có những di sản Hán Nôm nào, nội dung ra sao. Chưa kể, nghe đâu người dân, tư gia nào có di sản Hán Nôm là anh lại lặn lội tìm đến, say mê nghiên cứu. Anh bảo: “Cái may mắn cũng là niềm vui khi mình không chỉ được làm công việc chuyên môn gắn với sở thích, đam mê mà còn có thể đem chút sức mọn giúp được nhiều người”.

Anh kể câu chuyện của các cụ ở di tích Đình Phù Hương (xã Tân Hương, thị xã Phổ Yên) - ngôi đình được xếp hạng di tích cấp tỉnh từ năm 2007, song Ban Quản lý di tích và nhân dân địa phương rất quan tâm tu bổ, tôn tạo di tích; họ quan tâm cả những di sản thuộc về Đình đã bị thất tán nên đã nỗ lực sưu tầm, tìm kiếm. Đến năm 2016, họ đã tìm và đưa về được thêm 4 văn bia, nâng tổng số văn bia của Đình lên 10 chiếc. Họ còn tìm về Viện Thông tin khoa học xã hội (Hà Nội) để sưu tầm lại những thần tích, thần sắc của Đình. Rồi tìm đến anh, nhờ phiên âm, dịch nghĩa để hiểu được nội dung, giá trị của những tư liệu quý ấy. Trân trọng tinh thần trân quý di sản và nguyện vọng chính đáng của họ, anh không quản ngại bỏ thời gian, tâm sức, bằng khả năng của mình giúp các cụ trong Ban Quản lý di tích Đình Phù Hương nắm được khái quát sơ bộ 10 văn bia, các thần tích, thần sắc và một danh mục sắc phong của Đình. Nhờ đó họ càng có cơ sở và hiểu hơn Đình làng mình thờ thánh Tam Giang - hai vị tướng anh hùng Trương Hống, Trương Hát đã có công giúp tướng Triệu Quang Phục đánh thắng giặc nhà Lương ở thế kỷ VI.

Hay như chuyện Đình Quan Tràng (xã Thượng Đình, huyện Phú Bình). Cũng bởi “Trăm năm đình đổ tan hoang/ Bây giờ không biết thành hoàng ở đâu?”, Đình bị thất lạc sắc phong từ lâu. Được bắn tin ở dưới Đền Quán, xã Kha Sơn, cùng huyện có một sắc phong bị lạc ở đấy, có ghi địa danh Quan Tràng, Thượng Đình, người dân Quan Tràng liền xuống tìm hiểu. Họ chụp lại sắc phong rồi tìm đến anh, nhờ xem giúp. “Mình xem văn bản thì đúng rồi. Đó là sắc phong cho Đình Quan Tràng thờ ba vị thần: Cao Sơn, Quý Minh và Tam Giang biến hóa đại vương, sắc ban năm Đồng Khánh thứ 2 (1887)”. Tìm lại được sắc phong, người dân Quan Tràng vui lắm, còn coi anh là người làm cầu nối cho di tích Đình làng của họ được tôn lên, đầy đủ hơn.

Ngoài các di tích, anh cũng giúp rất nhiều dòng họ trong tỉnh đọc hiểu gia phả, bia đá trong Nhà thờ họ, để biết được tổ tiên trong quá khứ đã thành đạt, lập nên công trạng thế nào, từ đó giáo dục con cháu duy trì truyền thống hiếu học của cha ông, như: dòng họ Dương huyện Phú Bình; dòng họ Trần xã Tân Phú, thị xã Phổ Yên; dòng họ Đỗ xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ; dòng họ Ngô phường Cam Giá, thành phố Thái Nguyên...

Và nỗi trăn trở, xót xa

Hỏi về các di sản Hán Nôm trong tỉnh, anh đọc vanh vách: “Hiện tỉnh có 200 sắc phong, 312 bia đá, 757 đơn vị thần tích - thần sắc, 25 gia phả, hàng ngàn câu đối, 213 hương ước, và khoảng 900 cuốn sách cổ của các dân tộc về nhiều lĩnh vực.”. Giọng anh bỗng trầm xuống: “Có một thực tế đáng buồn là nguồn di sản Hán Nôm quý báu này hiện đang đứng trước nguy cơ bị mai một và có thể mất đi vĩnh viễn”.

 

Anh Nguyễn Đình Hưng đang in dập cây hương đá ở xã Tân Khánh (Phú Bình)

Theo anh, hiện nay nhiều di tích lưu giữ trong mình khối lượng di sản Hán Nôm đồ sộ nhưng để giải mã ý nghĩa của nó vô cùng khó khăn bởi số người biết chữ Hán, chữ Nôm cổ còn lại không nhiều. Bên cạnh đó, phần lớn những tư liệu Hán Nôm dưới sự tác động của thời gian, cũng như chưa được bảo quản khoa học dẫn đến tình trạng bị hư hại. Như: văn bia để ngoài trời, chịu tác động của mưa nắng làm mờ đi; những câu đối, hoành phi không được chống mối mọt, bị xuống cấp, mục nát; các sắc phong, thần sắc, thần tích... được đựng trong ống tre, hộp gỗ, bên ngoài bọc giấy dễ bị ẩm mốc, mủn nát... Cùng với đó, còn nhiều người dân chưa hiểu được giá trị, sự cần thiết phải bảo vệ, quan tâm các di sản Hán Nôm để từ đó có ý thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản. “Xót lắm khi tìm thấy những văn bia bị vứt vạ vật trong bụi rậm, hay bị đem ra kê làm cầu ao, đạng nước ngoài bờ ruộng hay đem đập lúa, mài dao...”, anh Hưng bùi ngùi.

Trước thực tế nguồn di sản Hán Nôm đang phải “kêu cứu”, nhận thấy trách nhiệm của mình không chỉ thực hiện công việc chuyên môn là sưu tầm, bảo tồn mà còn cần tuyên truyền về những giá trị di sản Hán Nôm để nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng, cùng các cấp ngành trong việc bảo tồn, phát huy nguồn di sản quý báu của dân tộc. Từ năm 2004 đến nay, anh miệt mài viết hàng trăm bài giới thiệu các di sản, di tích của tỉnh, đặc biệt là di sản Hán Nôm, đăng trên các báo, tạp chí ở trung ương và địa phương. Cùng với đó, năm 2017 - 2019, anh đã tham gia tích cực vào Đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Sưu tầm, tư liệu hóa hệ thống văn bia Hán Nôm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nhằm bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích của tỉnh” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai, thực hiện. Kết quả Đề tài đã sưu tầm, in dập được gần 300 văn bia. Công trình khoa học này được Viện nghiên cứu Hán Nôm đánh giá cao, và tiến hành chọn lọc, dịch thuật công phu 107 thác bản văn bia để xuất bản cuốn sách “Văn bia xứ Thái” (năm 2020) phục vụ công tác nghiên cứu và tuyên truyền phát huy giá trị hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh.

Song anh trăn trở: “Ngoài các văn bia ra thì các sắc phong, thần sắc, thần tích… cũng là nguồn di sản vô cùng quý báu, lại đứng trước nguy cơ cao bị hư hại, mất đi vĩnh viễn, gần như đang phải chạy đua với thời gian để gìn giữ, bảo tồn”. Bởi vậy, anh cũng đã có đề nghị tiếp tục thực hiện một đề tài cấp tỉnh nữa về sưu tầm, tư liệu hóa hệ thống sắc phong, thần sắc, thần tích… trên địa bàn tỉnh. Nhưng rất tiếc đến giờ vẫn chỉ là... đang chờ câu trả lời.

Bích Hồng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy