Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
03:12 (GMT +7)

Người mẫu ảnh

VNTN - 1.    Hẹn hò mãi, rồi cuối cùng chúng tôi cũng tụ họp được với nhau tại Phố Hiến – Hưng Yên. Thói thường, mỗi khi mấy ông nhiếp ảnh ở các địa phương khác nhau gặp mặt, bao giờ cũng có những cuộc đi chụp chung mà mấy bạn nghề ở cơ sở làm hướng dẫn viên đưa khách đi “chiêu đãi” những hình ảnh đặc thù của địa phương… Sau bữa chiều thịnh soạn do anh Lê Hào mời tại nhà riêng, anh dẫn chúng tôi đến uống cà phê tại một quán giữa lòng thành phố, nơi có gió hồ lồng lộng và tiếng loạc quạc của lũ cò, vạc đang tranh nhau chỗ đậu trên cái đảo giữa lòng hồ. Bước vào thế kỷ 21, chứng kiến cuộc chạy đua của cả nước đang sầm sập cán mốc công nghiệp hóa. Của đáng tội, con mắt nay cũng đã quen với những hình ảnh ô tô nối đuôi nhau chạy trên quốc lộ và phải lần mò thì ký ức mới chật vật tua lại chập chờn về những tấm lưng loang lổ mồ hôi, cong nghiêng ngả thành đoàn trên những cái xe đạp khẳng khiu ken tràn mặt đường vào những năm tám mươi của thế kỷ trước. Nay nhâm nhi hương vị café Buôn Ma Thuột cạnh gốc nhãn Hưng Yên, nghe tiếng vạc liên hồi giữa lòng hồ vào đêm trăng cuối tuần mà tôi như thấy sáng lại trong nỗi nhớ xa vời vợi về lời ầu ơ ngọng như tiếng võng quê của mẹ… Anh Lê Hào hãnh diện khoe với chúng tôi là thành phố Hưng Yên còn có một cái hồ lớn nữa chỉ cách hai con phố và cũng là nơi chim chóc ngày, đêm về quần tụ. Người Hưng Yên đang tạo ra sự khác lạ, hay người Hưng Yên bảo thủ chẳng giống ai(?) trong lúc mà mọi nơi đua nhau lấp hồ để bán đất xây nhà hộp, thì người Hưng Yên lại kè đá quanh hồ, định vị một khoảnh không gian bất khả xâm phạm, cấm tiệt những kẻ săn chim và cấm luôn lũ “cò đất” lảng vảng đến? Hưng Yên thật “mới mẻ” trong tôi.

   Mới 8h tối, chúng tôi đã đến nhà ông Lương Sơn Bạc, (tôi thấy thú vị vì cái tên ông khiến người ta nghĩ đến địa danh nơi hội tụ của 108 vị anh hùng bất mãn với thời cuộc trong quá khứ phong kiến Trung Quốc). Ông ở làng Tất Duyên, xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên, cách thành phố chừng 5km, gần gốc đa năm chân, vùng quê là nguyên mẫu cho cốt truyện về đội nữ du kích Hoàng Ngân. Ông sinh năm 1938, mười ba tuổi ông đã đi buôn bán đó (một dụng cụ đánh bắt dưới nước), vợ ông là cô giáo làng đã nghỉ hưu từ nhiều năm.

   Tưởng chuyện chuyên nghiệp hóa là của các cường quốc công nghiệp ở phương Tây, nhưng nông dân vùng châu thổ sông Hồng mới là những người đi tiên phong cho sự chuyên nghiệp hóa các công đoạn cho một sản phẩm tiêu dùng. Bằng chứng là từ hàng trăm năm nay, một cái đó đã được phân đoạn cho ba vùng cách biệt nhau chung tay hoàn thiện. Một sản phẩm tưởng đơn giản, vậy mà phải có sự hợp tác của “hai tỉnh – ba làng”: Thân đó do thôn Tất Duyên – Thủ Sỹ - Tiên Lữ - Hưng Yên sản xuất. Chúm đó do Cốc Vực, Hội Động – Nhân Mỹ - Nam Hà sản xuất. Còn hom đó do hai thôn Ba xã, Ba Nhất – Thủ Sỹ - Tiên Lữ - Hưng Yên sản xuất. Ông Lương Sơn Bạc đan đó, rồi làm đại lý mua gom sản phẩm của nông dân trong các làng rồi chở đi khắp các vùng tận Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương… bán buôn.

     Trước hơn chục năm, nếu may mắn về vùng châu thổ sông Hồng, người ta có thể gặp một đoàn xe đạp, mỗi xe chở hàng trăm cái đó, nhìn xa như thấy một đàn nhím đi trên đê… Đàn nhím di chuyển qua làng mạc, qua những ngõ gạch long tróc rêu phong, kéo theo lũ trẻ nghịch ngợm chạy đàn phía sau, luồn dưới những khóm tre nhuộm sắc chiều vàng, lách qua những cánh đồng lúa xanh rì đang vào thời con gái…

Dưới làn nước mỏng của ruộng lúa nước là những con tôm, con tép sinh sôi ào ạt sau mưa rào, mình trong vắt lẫn vào khoảng rợp những bụi lúa, nếu vạch hàng lúa ra, có thể thấy những chấm nhỏ màu hổ phách li ti hướng về bạn, đó là mắt những con tép. Nếu thò tay xuống làn nước, thì lũ tép nhảy lao xao tung mình lên mặt nước…

   Từ khi lúa phủ xanh ruộng đến khi gặt và tháo ải cánh đồng là dịp những cái đó mảnh mai phát huy tác dụng, người đơm đó vén một bờ đất bùn mỏng, nơi tôm cá vẫn thường qua lại, đặt cái đó ngang qua bờ, chếch nghiêng 45 độ, hom bên trái hướng xuống ruộng dưới, hom bên phải hướng lên ruộng trên và nước chảy nhẹ nhàng qua những cái nan của thân đó, những con tôm, con tép và cả những con cá diếc… Khi ngược nước cũng phải qua đó, khi xuôi nước cũng phải qua đó. Chúng bị mắc lại bên trong vì cái hom đó. Lũ tôm, tép, cá cờ, cá bống thì chui vào chúm. Lũ cá lớn hơn thì nằm ở thân. Mỗi ngày tùy theo mùa, người đơm đó có thể đi đổ đó từ hai đến bốn lần. Tuổi thọ của cái đó cũng chừng một vụ lúa, sau mùa đơm đó người ta thấy trên ruộng lỏng chỏng những cái đó khô ải bị chuột gặm hay bị trâu bò xéo rúm ró ở khắp nơi, bọn trẻ trâu rất thích dùng những cái đó bỏ đi ấy làm mồi nhóm lửa.

    Những năm gần đây, ruộng đồng ít dần tôm cá, do người ta phun thuốc sâu, thuốc trừ cỏ… Nghề đan đó và kinh doanh đó lụn bại dần. Những cái hũ sành chứa mắm tép từ lâu đã khô cong, chỉ những người sành ăn mới biết cầu kỳ lặn lội xuống vùng biển mua tép nước mặn về làm mắm…

     Thêm một nguyên nhân làm cho nghề đan đó bị mai một, là các cơ sở công nghiệp giờ cài cắm ở khắp mọi miền quê, người ta làm một công những hơn trăm bạc, mưa không tới mặt, nắng không tới đầu… Ai dại gì ngồi đan đó, cả ngày nhặt nhạnh vài đồng không đủ mua rau? Chỉ những người già cả chẳng ai thuê, ngồi nhà xem phim Hàn dài tập mãi cũng chán, tay quen đan đó, như cái miệng quen nhai trầu…, thôi thì thêm thắt dược đồng nào hay đồng ấy…

    2. Mấy năm gần đây, ông Lương Sơn Bạc tự nhiên kiêm thêm nghề làm mẫu. Ông làm mẫu cho mấy tay nhiếp ảnh cả tây và ta. Thoạt đầu làm cho vui, giúp họ. Nhưng rồi có hôm ông mệt, bà vợ ông lên tận Hà Nội thăm con, ông quen cả đời ăn ba bữa bất kể thứ gì bà đặt trong lồng bàn, nay ông ăn uống thất thường nên bụng dạ sinh chuyện. Đúng hôm mấy cậu choai choai nói giọng miền Nam đi một đoàn xe máy nổ ầm ầm vào xóm, chẳng biết ai giới thiệu mà chúng lần đến tận nhà ông nhờ vả. Khi ông nói bị mệt và tìm cách chối từ thì một cậu tóc chào mào vẫy cả bọn xúm lại một lát, rồi cậu ta cầm cả nắm tiền toàn tờ trăm ngàn, xanh át cả màu mặt tái nhợt do “tào tháo đuổi” của ông. Nó xòe ra, rồi cuộn lại dúi vào túi ông… Số tiền mà ông biết có bán cả xe đó cũng không thu được…

   Chưa đầy nửa tiếng, ông xếp đó lên cái xe đạp cà tàng; Rồi chúng lại bảo ông tháo xuống. Chúng thi nhau chụp, mãi chừng như đã thỏa mãn, chúng cảm ơn ông và ào đi nhanh như khi chúng đến. Tháo xích cho con chó xong , ông kiểm đếm cái bọc trong túi áo thì được hơn chục tờ. Trời đất! Ông chưa từng kiếm tiền nhanh như vậy. Ông chợt nhớ một hôm xem tivi, thấy nói người mẫu Kiều T. có tiền tậu cả một bãi biển ngoài Phú Quốc, ý nghĩ thoáng qua khi xem tivi là: Gớm, cái cô ngực phẳng đét như thế, ngày xưa mà gặp ông ở thời trai trẻ, cha mẹ cô có các cả ruộng nhất đẳng điền làm hồi môn thì ông cũng lắc đầu!... Tợp một ngụm rượu sau khi tắm tưởng là sẽ ngủ ngon, nào ngờ suốt đêm đó ông cứ trằn trọc. Trong đêm thao thức, ông đã thảo xong một kế hoạch đầy tham vọng cho mình…

    Khôn ngoan như một thương gia Ả Rập, lạnh lùng như một lão cho vay nặng lãi người Do Thái, ông đi húi cua mái tóc bạc của mình. Biết dân nhiếp ảnh thích những gì cũ kỹ, ông vận một chiếc quần nâu xuềnh xoàng và sẵn sàng cởi trần dưới nắng, để khoe cái cơ bắp nhiễm phèn riêng biệt của một lão nông vùng bãi sậy…Của độc mà, mấy cậu đại lý bán đó gần đấy làm sao có cái thân hình “đặc thù” của ông (?)

    Trước cái cổng long bản lề nhà ông luôn có dòng chữ to đùng: Lương Sơn Bạc - sđt: 01… Ông không bỏ lỡ bất kể một hợp đồng nào. Mấy người chơi ảnh tận đồng bằng sông Cửu Long một lần đến muộn, muốn xin ngủ nhờ. Và rồi đến bữa phải ăn, họ đưa tiền nhờ bà ra chợ mua thức ăn nấu món này, món nọ…Vậy là ông dọn đống đó chưa bán được xuống bếp, trải cái đệm cũ thằng con để mốc ra từ ngày vào trường đại học không ai nằm, lấy thêm cái chăn trong tủ ra nữa, vậy mà mấy anh bạn chắc suốt ngày chạy xe máy dông trên đường nên mệt, ngủ ngáy như lên đồng. Từ đó ông kiêm luôn dịch vụ ăn uống, ngủ, nghỉ. Ông thửa ba cái chuồng gà, nhốt toàn gà trống và gà chọi, mấy tay chơi ảnh vốn sành ăn nhậu lại giỏi tán, ở nhà ông tha hồ “nổ”, bà nhà ông nghễnh ngãng nên họ càng thấy tự nhiên. Có nhóm ở xa đến, gặp thời tiết không thuận lợi, họ ăn, ngủ mấy hôm liền ở nhà ông. Trong bữa ăn có người khoe ông cái ống kính kia từng này, từng này tiền, ngay cái vành kính mỏng dính cũng vài trăm đô. Có anh bạn chơi ảnh làm luật sư, còn bày cho ông cách làm tiền từ những hãng truyền hình nhà nước hẳn hoi… Rồi ông được một công ty du lịch từ thành phố Hồ Chí Minh đặt mua mỗi năm hàng trăm cái đó, ngày khai trương khách sạn 5 sao còn đặt vé máy bay, thuê cả taxi đón ông ra tận sân bay, họ mời ông vào làm mẫu. Ông nghỉ ở những khách sạn có vòi nước tự chảy và ngồi tiểu tiện ở những cái bồn cầu sưởi ấm mông. Mỗi ngày ông xếp đó lên xe một lần, đội cái nón cũ và đạp vòng quanh khuôn viên khách sạn cho người nước ngoài chụp ảnh. Và rất nhiều cô đẹp như tranh tàu xin chụp ảnh với ông. Ông cũng được làm quen với thù lao bằng đồng USD và EURO từ đó.

    Bỏ thói quen hỏi làm gì và tại sao, ông thực hiện mọi yêu cầu của dân chụp ảnh, mãi rồi thành chuyên nghiệp, những chiều vàng đỏ vùng trời phía tây họ hay bắt ông đi lại trên con đê được bơm nước lên từ sông Hồng. Vào mùa hoa cải vàng cánh đồng màu, ông kềnh càng vòng đi, vòng lại cùng cái xe đó một cách nhẫn nại. Có hôm ông phải đi xa cả chục cây số đến vùng hoa lau nở trắng bãi sông. Thậm chí vào mùa xuân mịt mùng mưa bụi ông cũng vẫn cần mẫn dậy từ 5h sáng đi theo sự “sai bảo” của họ. Ông còn lập ra một tốp các bà đan lát để làm mẫu cho mấy ông nhiếp ảnh khi cần. Kinh nghiệm cho ông biết, mức thù lao cho ông, luôn tỷ lệ thuận với sự thỏa mãn của những tay chơi ảnh.

    Khi tôi bắt tay chào ông ra về, ông hỏi xin tôi số điện thoại của ông Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, tôi hỏi ông có việc gì? Ông nói ông mới cất được nồi rượu nếp ngon lắm, ông muốn gứi đến biếu ông Chủ Tịch Hội như một món quà cảm ơn, vì ông ấy đã liên tục mở những cuộc thi ảnh. Và nhờ vậy ông đó đã không thất nghiệp!

 Thái Nguyên 6/2015

  Kí. Vũ Kim Khoa  

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chùm thơ dự thi của Trần Huy Minh Phương

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Đánh thức mùa Vu lan

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Nguyên bản và bản sao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Lam Điểu

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Tựa bóng ca dao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Kỳ tích ở Khe Cạn

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước