Người mải mê cùng những buồn vui thế sự
VNTN - Người vẽ tranh biếm họa có là người hài hước? Có phải những mối trăn trở của họ trước hiện thực đời sống luôn nhiều hơn người khác? Mang câu hỏi đó đến gặp họa sĩ Duy Sơn, ông cười vang, bảo: đụng đến hai từ nghệ thuật là phải nghĩ nhiều rồi, nghĩ để sáng tạo mà. Phác họa những chuyện cười vui vẻ, cười mà nghĩ, mà đau…, tôi vẫn vẽ nương theo sự thúc bách của trái tim. Thấy mình vui tính mà cũng đa cảm, có phải vì thế mà vẽ biếm họa dễ “vào guồng” hơn?
“Vẽ tranh vui, tranh biếm họa, có trường lớp nào dạy đâu. Cũng chẳng lý giải được tại sao mình lại gắn bó với thể loại này bền lâu đến thế” - họa sĩ Duy Sơn cười hóm hỉnh, cởi mở kể về nghiệp vẽ. Ấy là từ hồi học sinh, ông hay vẽ để trêu chọc bạn bè. Sau đọc báo thấy có mảng tranh biếm họa nên vẽ và gửi cộng tác. Nhớ tác phẩm đầu tiên được đăng trên báo Người giáo viên nhân dân (nay là Giáo dục và Thời đại) năm 1981, nó như một “liều thuốc” kích thích, khiến cho niềm hứng thú với tranh biếm trong ông như được “rắc men” vậy. Lúc đó giấy hiếm lắm, làm gì có giấy trắng như bây giờ. Cứ chờ hết năm là đi xin bạn bè, hàng xóm các tờ lịch cũ, về cắt ra vẽ ở mặt sau. Ngày ấy mực vẽ được pha bằng thuốc nhuộm vải. Những năm 90, báo chí từ trung ương đến địa phương đều có sử dụng tranh biếm họa, ông cộng tác và được đăng khá nhiều.
Họa sĩ Duy Sơn. Ảnh: Việt Hùng
Một phần do tuổi tác, phần nữa là vì sức khỏe suy yếu nhiều sau những lần phẫu thuật cắt túi mật, mổ sỏi, nên dù cuộc cách mạng công nghệ đã len lỏi vào tận giường ngủ của ai đó, người ta đua nhau ứng dụng các kỹ thuật, hình thức mới, thì Duy Sơn vẫn “chung thủy” vẽ với bút sắt và giấy. Ông cứ nhẩn nha gom nhặt chuyện từ đời thường mà vẽ. Tỉ như ra ngoài chợ, vào quán ăn, thấy mấy ông uống rượu, nói chuyện nhà chuyện nước, lắng tai một tí là thấy “chất liệu” của vui, của biếm liền. Đề tài ngồn ngộn từ truyền hình, báo chí, ông xem và đọc bất cứ khi nào có thời gian rảnh. Từ những vấn đề bức xúc trong dư luận, từ các thói hư tật xấu… được nhìn, nghe thấy mà cụ thể hóa vào tranh ở những góc nhìn hài hước. Sự sáng tạo biểu lộ ở thái độ phản ứng của người nghệ sĩ trước hiện thực. Ví như câu chuyện về ông giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Yên Bái có dinh cơ khủng xôn xao dư luận. Ông ta lý giải với đoàn thanh tra là nhờ buôn chổi đót, nuôi lợn, chạy xe ôm… mà có tiền xây biệt phủ. Bức vẽ của Duy Sơn thể hiện một người đàn ông bệ vệ khoác một chiếc áo lông cừu, giơ tay nói “tôi bán chổi đót xây biệt thự”, nhưng trong túi áo là những chiếc phong bì. Như thế thì đủ biết là giàu chân chính hay là tham nhũng rồi.
Không phải ai vẽ tranh vui, biếm họa cũng có “chất biếm”. Cái chất ấy nó bộc lộ từ trong hình hài nhân vật, sắc thái và ngôn ngữ. Tranh Duy Sơn dù chỉ toàn đen trắng vẫn truyền tải được nội dung và gây cười, đậm đặc chất biếm ấy. Mảng đề tài mà ông thường khai thác là những mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm: nói một đằng làm một nẻo, làm xấu nói tốt…; những chuyện cười mà đau vì sự ngu muội của con người như sự nghèo đói, đông con, sa đà vào cờ bạc rượu chè… Nuôi dưỡng cảm hứng và lệ thuộc vào nó, Duy Sơn không bao giờ đặt ra thời hạn hoàn thành tác phẩm. Bởi từ thực tế “va đập” vào cảm quan, tai nghe, mắt thấy, có chuyện sẽ chỉ vẽ 15 - 20 phút là hoàn chỉnh, cũng có chuyện nảy ra ý rồi nhưng phải ngẫm cả tuần, thậm chí cả tháng mới đặt bút. Ông bảo, tranh biếm họa là dòng tranh bám sát hiện thực đời sống, nhìn thấy những yếu tố gây cười, nhưng người họa sĩ phải chắt lọc sao cho không chỉ là cười đơn thuần. Vẽ châm biếm vừa phải đậm hơi thở cuộc sống, vừa phải có nét xa xôi, cường điệu. Muốn vẽ về đề tài gì, trước hết phải hiểu một cách đầy đủ về nó. Phải khác người ở chỗ, nhìn ở góc nào thì nó hài hước hơn. Bởi nhìn đúng là chuyện hết sức bình thường ai cũng làm được, nhưng nhìn cái mà người khác không nhìn thấy thì đó là năng khiếu riêng có của người nghệ sĩ.
Một số biếm họa của họa sĩ Duy Sơn
Cẩn thận lưu giữ tác phẩm sáng tác qua nhiều năm, Duy Sơn chỉ nhìn là có thể nhớ cặn kẽ hoàn cảnh ra đời của từng bức vẽ. Tư duy sáng tạo cũng dần thay đổi theo dòng chảy đời sống; nếu trước kia là lối vẽ trực diện đối tượng là mặt trái của xã hội, tập trung phê phán thói hư tật xấu (đua đòi kệch cỡm, quan tham, bàng quan vô trách nhiệm…), thì về sau là tranh vui - phê bình, dùng hình tượng con vật được nhân cách hóa. Với ông, bức vẽ nào ra đời cũng chứa đựng đầy đủ cảm xúc và lý lẽ của nó. Ông tâm đắc với những tác phẩm biếm họa không lời. Bởi nếu phải dùng lời nghĩa là tác phẩm ấy chưa nói được hết ý. Duy Sơn dễ dàng nhìn ra những mặt trái, những điều bất công, phi lý, nhưng ông tách bạch chúng rất rõ ràng với đời sống cá nhân. Giữ lý trí tỉnh táo, không ám ảnh từ những điều ngang tai trái mắt mà nhìn cuộc đời ủ dột. Khai thác những vấn đề tiêu cực, chua xót ở những góc nhìn sâu cay, nhưng đồng thời cũng lột tả niềm vui, sự lạc quan một cách tối đa. Luôn bận rộn dù sức khỏe yếu, ngoài vẽ ông còn viết nhạc, khi không làm những điều đó thì đọc. Xem biếm họa Duy Sơn, dễ dàng thấy được cái sự bạo gan, quyết liệt khi động chạm đến nhiều vấn đề nóng, nhiều người có thân thế. Ông bảo, những nét vẽ xỉa xoáy, cười mà nghĩ ấy chứa đựng sự đấu tranh và cả những dự cảm tương lai. Nhiều khi không phải chỉ vẽ những cái đã xảy ra, mà còn dự báo những điều có thể xảy ra để tránh nữa.
Tốt nghiệp trung cấp sư phạm nhưng chuỗi ngày đứng lớp ngắn ngủi, phần lớn thời gian công tác của Duy Sơn là ở Phòng Giáo dục, rồi Phòng Kế hoạch thống kê, sau cùng là Phòng Văn hóa huyện Phú Lương. Vốn liếng về mỹ thuật chẳng phải được đào tạo bài bản gì, ông cứ vừa vẽ vừa tự học qua năm tháng nhờ cái khiếu trời ban cho vậy thôi. Gia tài tranh biếm họa của Duy Sơn tính ra cả ngàn bức, nhưng sau mấy lần chuyển nhà, rồi mỗi khi gửi cộng tác với báo chí là gửi bản gốc chứ không photo như bây giờ, nên cũng thất thoát nhiều. Từ năm 1993 đến năm 2010, họa sĩ Duy Sơn đã có 3 triển lãm cá nhân ở thể loại biếm họa, đề tài đa dạng, phản ánh nhiều góc cạnh ngoài xã hội. Triển lãm năm 2010 với chủ đề “Trước mắt chúng ta”, ngoài thể loại biếm họa quen thuộc còn có thêm tranh trổ giấy. Gần đây nhất (2016), triển lãm lần thứ 4 với chủ đề “Bên cuộc đời tôi” gồm 62 tranh khổ nhỏ, trong đó có 30 tranh biếm họa và 32 tranh đồ họa. Giải thưởng do các ngành, cơ quan từ Trung ương đến địa phương trao tặng khá nhiều. Năm 2018 vừa qua, ông đã đoạt một số giải thưởng như: Giải thưởng tranh biếm họa chủ đề “Phòng, chống tham nhũng” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức (giải Ba và Khuyến khích); Giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre lần V, do báo Thể thao & Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức (giải Khuyến khích)…
Nhắc về những thành quả đã đạt được, ông vui vẻ: “Điều khiến tôi hài lòng là đã góp được tiếng nói với xã hội. Không thể hình dung ích lợi của nó đến đâu, nhưng sản phẩm sáng tạo ra được ghi nhận, ít nhiều đã góp một phần nhỏ bé vào việc xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn”. Nghỉ hưu từ năm 2014, vợ chồng ông chuyển từ Phú Lương về sống cùng gia đình con trai ở xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên. Thời gian thì xông xênh, sự ủng hộ của gia đình cho niềm đam mê của ông luôn vẹn nguyên, hứng lên, uống ngụm rượu vào là ông vẽ không biết mệt. Định lượng sức khỏe của mình, ông thành thật với những nỗi lo sợ rất đời, rất người, lo sẽ chẳng còn được cống hiến bao lâu nữa. Những dự định lớn lao cho sự nghiệp cũng không còn nung nấu, nhưng luôn tâm niệm rằng, còn hít thở được khí trời thì sẽ còn sáng tác.
Duy Sơn là vậy, cứ lặng lẽ, mải mê với những buồn vui thế sự, cười mà nghĩ thế thôi!
Lê Đình
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...