Thứ bảy, ngày 18 tháng 05 năm 2024
23:10 (GMT +7)

Người đàn ông chăm chỉ, yêu con

VNTN - Tôi có thời gian ngắn làm việc cùng anh Trần Văn Bột. Khoảng năm 1995, anh Bột được cơ quan nhận về làm một số việc liên quan đến xuất bản, như là vào nhà in nhận báo, trị sự và những công việc hành chính theo yêu cầu của Chủ tịch Hội khi đó là Nhà văn Hà Đức Toàn.

Anh Bột khi về Hội đã là cây bút văn xuôi bắt đầu quen tên. Trước đó anh xuất bản tập truyện ngắn có tên Ngõ ba nhà. Truyện ngắn “Câu cá sộp” của anh in trên Tạp chí của Hội trước đó được nhiều người nhắc đến. Nhưng cũng như chúng tôi khi ấy ở Hội Văn nghệ, nhà văn Trần Văn Bột vất vả xuôi ngược vì cuộc sống.

 

Đại diện Hội Văn học Nghệ thuật và Chi hội Văn xuôi đến thăm anh Trần Văn Bột ngày 22/7/2020.

Có lúc tâm sự với chúng tôi, anh nói nhiều về con. Anh bảo, anh về dưới này làm chủ yếu để hỗ trợ hai đứa con ăn học ở thành phố. Bố con thuê nhà, bố đi làm, con đi học. Thế nên chả mấy khi anh thong dong. Thoắt đến thoắt đi, xong việc là anh lao về với con. Áo quần giản tiện, ăn uống kham khổ, chưa bao giờ tôi thấy anh bảnh bao hay ung dung hưởng thụ riêng mình.

Một lần đến cơ quan anh kể:

- Hôm qua sợ quá.

- Sao thế anh?

- “Phích” cắm điện nhà mình bằng hai sợi dây. Mình cầm một sợi, cắm vào ổ điện một sợi, bị giật tung người lên.

- Ối trời - chúng tôi cười lăn - bác đúng là người trên trời!

Rồi chúng tôi chợt im lặng khi hiểu ra: Nhà anh Bột ở Đại Từ khi ấy chưa có điện, và việc anh lơ ngơ với điện là chuyện không có gì để cười.

Một chuyện nữa không hiểu sao khiến tôi nhớ lâu đến thế, đấy là chuyện anh Bột… xin giường.

Dạo ấy anh vào sửa bản in trong Xí nghiệp In Bắc Thái. Lúc qua lại ở hành lang anh phát hiện có một chiếc giường vứt chỏng chơ, vai giường, giát giường mỗi thứ một nơi. Vốn bản tính tiết kiệm, nhìn của còn dùng được mà vứt đi thế kia, anh tiếc lắm. Vào tay anh, chỉ một buổi lắp ráp, thêm chục chiếc đinh là có cái giường chắc chắn mà nằm. Anh muốn xin lắm mà cũng còn ngại ngại. Anh bảo tôi:

- Cô Hằng này. Trong Xí nghiệp In họ vứt đi cái giường còn tốt, anh định xin về cho Hội dùng.

Tôi giãy nảy:

- Sờ-tốp bác ơi. Mình quan hệ công tác mà xin xỏ cái giường hỏng làm gì. Người ta cười cho đấy. Anh đừng xin.

- Thế à. Ừ thì thôi vậy - Anh Bột nói đầy tiếc rẻ.

Năm 1997 tôi chuyển công tác, từ đấy thi thoảng gặp anh trong những lần Hội tổ chức họp. Bắt tay, hỏi thăm chớp nhoáng, thông tin của anh cũng chỉ xoay quanh con cái: các cháu học xong phổ thông rồi; các cháu đi học chuyên nghiệp rồi; các cháu ra trường rồi… Dù gánh nặng gia đình dần nhẹ bớt nhưng nhìn anh vẫn thế: vội vàng, tất tả và vẫn không nghĩ cho mình.

Cuộc sống không dư dả nhưng anh là người rất có trách nhiệm hội viên, cụ thể là đóng hội phí. Mỗi lần về họp là anh tìm người thu hội phí để nộp. Kể cả lúc phát hiện bệnh hiểm nghèo, bệnh viện trả về nhà, anh vẫn nhờ em trai đến Hội nộp hội phí.

Cuối tháng 7 năm nay, nghe tin anh ốm nặng, tôi cùng các anh: Hồ Thủy Giang, Phạm Quý, Phan Thái lên thăm anh ở xóm Đồng Tiến, xã Phú Lạc, huyện Đại Từ. Nhìn gia cảnh hôm nay, tôi càng hiểu nỗi vất vả lo toan của anh gần 30 năm về trước. Có lẽ vì ít nghĩ cho bản thân nên đau bụng lâu rồi nhưng anh chỉ uống lá lẩu loanh quanh, đến khi khám ra thì đã quá muộn.

Cúi đầu trước di ảnh anh, tôi nghe hơi gió từ vạt rừng sau nhà thổi về lạnh buốt. Ở nơi thênh thang ấy, chắc anh sẽ dành nhiều thời gian để làm công việc mình thích là viết văn. Phải không anh Bột?

Minh Hằng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy