Thứ tư, ngày 18 tháng 09 năm 2024
11:01 (GMT +7)

Người đã bước qua chín bậc cầu thang về với mường trời

Tôi và Triệu Doanh đến Sở Văn hóa Bắc Thái công tác gần như cùng một thời điểm (1980 - 1981). Tôi ở Ban Vận động thành lập Hội Văn học Nghệ thuật, sau chuyển sang Phòng Xuất bản, còn Triệu Doanh ở Phòng Văn nghệ. Ngày ấy Triệu Doanh mới ngoài hai mươi tuổi, phới phới sức trai. Chúng tôi cùng trong khu tập thể của Sở. Căn phòng tôi ở đối diện với phòng của Triệu Doanh, chỉ cách một cái sân đất nhỏ.

Ngày ấy, ngoài giờ làm việc, tôi luôn nhìn thấy Triệu Doanh lúi húi trên chiếc bàn nhỏ kê ở một chỗ hơi khuất ở tận bên trong căn phòng nhỏ. Về sau mới biết anh có niềm đam mê tìm hiểu sửa chữa các loại đài bán dẫn. Những năm tháng ấy, rất ít người hiểu về các loại đài điện. Là một người học chuyên về ngôn ngữ mà có ý thích tìm hiểu và có sự thành công về cái công việc trái ngành như vậy cũng là điều lạ và hiếm. Triệu Doanh sưu tầm nhiều linh kiện từ các loại đài cũ và lắp được những chiếc đài khá chuẩn. Ngày ấy, anh thường sửa chữa đài miễn phí cho khá nhiều người trong Sở. Tôi cũng được một lần anh sửa cho chiếc đài bị ẩm IC hay hỏng ở một bộ phận nào đó.

Chủ tịch Triệu Doanh (ngoài cùng bên trái) cùng cá hội viên của mình: nhà lý luận Nguyễn Long, nhà văn Ma Trường Nguyên và cố nhà thơ Nguyễn Ngọc Minh

Chuyên ngành ngôn ngữ của anh tại trường Đại học Tổng hợp lúc bấy giờ là chuyên ngành hiếm. Sở Văn hóa nhận anh về công tác nhưng cũng chưa sử dung đến chuyên ngành này nên biên chế anh vào công việc sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian. Thấy Triệu Doanh có khả năng viết lách nên tôi đã động viên anh viết bài cho tờ đặc san của sở lúc ấy là tờ “Văn hóa Văn nghệ Bắc Thái” do tôi phụ trách bản thảo. Tôi còn nhớ có một lần chúng tôi cùng viết chung một bài về văn nghệ dân gian, kí cả hai tên Triệu Doanh - Hồ Thủy Giang. Chuyện nhỏ nhưng rất vui. Nhưng về chuyện viết lách, có một kỉ niệm với Triệu Doanh làm tôi nhớ mãi.

Đó là cái lần tôi vô tình lục lại đống bản thảo do một biên tập viên đã loại và thấy một tản văn chỉ khoảng 500 chữ của Triệu Doanh với nhan đề là “Cái cầu thang”. Tôi đọc và thấy đó là một tản văn rất hay nhưng không hiểu sao biên tâp viên nọ lại loại bỏ, nên cho đăng ngay. Câu chuyện tưởng thế là kết thúc. Nhưng sau đó ít lâu, nhà thơ Trần Văn An, cũng là hội viên của Hội VHNT tỉnh Bắc Thái đã dựa vào ý bài tản văn này để viết thành bài thơ “Chín bậc cầu thang”, cũng đăng trên tờ “Văn hóa Văn nghệ Bắc Thái”, và có đề tặng Triệu Doanh là tác giả bài tản văn. Sau đó, vào năm 1989, ông Trần Văn An cho xuất bản tập thơ “Chờ em” gồm hơn hai chục bài, trong đó có bài “Chín bậc cầu thang”, nhưng không còn lời đề tặng Triệu Doanh như trước nữa.

Sau này, nhạc sĩ An Thuyên cho ra đời bài hát nổi tiếng “Chín bậc tình yêu”, phần lời bài hát phỏng theo ý tứ của bài tản văn "“Cái cầu thang” của Triệu Doanh cũng là ý tứ bài thơ “Chín bậc cầu thang” của Trần Văn An nhưng không ghi tác giả nào trong lời bài hát.

Khi nhạc sĩ An Thuyên mất, ca sĩ Bông Mai, con gái cố nhạc sĩ An Thuyên trong một buổi diễn trên đài truyền hình Vịệt Nam, đã thay cha nói rõ tác giả nguyên gốc phần lời ca khúc “Chín bậc tình yêu” là Triệu Doanh. Như vậy, câu chuyện khuất lấp từ nhiều năm nay, tuy hơi muộn màng nhưng có phần đã được sáng rõ hơn.

Có một lần trả lời phỏng vấn báo chí, Triệu Doanh đã nói, đại ý: mọi việc cũng đã khép lại, bài hát đã đi vào lòng công chúng và trở thành bài ca đi cùng năm tháng, về cơ bản tôi không có ý kiến gì, dù tác giả phần lời là ai cũng không còn quan trọng nữa.

Tuy nhiên, ở góc độ cá nhân, tôi vẫn đau đáu một điều, ấy là cần sửa lại từ “cây muỗm” thành “con muỗm” cho đúng ý biểu đạt… “Con muỗm” mới thực sự đúng trong hoàn cảnh này vì đó là thứ quà mà những người mẹ miền núi mỗi khi đi đồng vẫn thường mang về cho con trẻ. Còn “cây muỗm” như lời bài hát thì chẳng mang ý tứ gì (theo bài viết của Hoàng Chiến Thắng trên Báo Tiền phong).

Là người dễ tính, dễ bỏ qua những sơ suất của đồng nghiệp nhưng đồng thời lại là một người suốt đời đau đáu với văn hóa dân gian Tày như anh, nên khó chấp nhận những gì “lạc” khỏi đời sống văn hóa dân tộc mình.

Trong các bài viết của Triệu Doanh sau này, hình tượng chín bậc cầu thang luôn quay trở lại. Trong đó, bài thơ “Ngày em đi làm dâu” là một ví dụ tiêu biểu: “Em cúi đầu đi qua cửa/ Vịn vai bạn thời chăn trâu/ Buông chân rơi từng bước/ Nước mắt nhòe chín bậc cầu thang (theo bài viết của Minh Hằng trên Báo Thái Nguyên)

Năm 2008, Triệu Doanh đang là Phó giám đốc Sở Văn hóa Thông tin được giới thiệu sang Hội Văn nghệ Thái Nguyên để bầu làm chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên. Tuy ngày ấy tôi đã về hưu nhưng lại được sinh hoạt cùng trong Ban Thường vụ Hội với Triệu Doanh.

Tưởng qua nhiều năm trong các cương vị lãnh đạo, Triệu Doanh sẽ không còn là một con người xuề xòa, cả nể và đặc biệt là tính “sợ” phụ nữ (điều này chính anh đã nói với tôi khá nhiều lần). Hóa ra tính tình anh vẫn không hề thay đổi.

Trọng trách đấy, nhưng chỉ ở những cuộc họp hoặc khi trực tiếp điều hành công việc, còn lại, vẫn là Triệu Doanh xưa, không hề một chút quan cách, lên mặt. Hai khóa anh làm chủ tịch Hội, có lúc lên bổng xuống trầm, nhưng điều được nhất là rất nhiều người đã coi anh là bạn đúng nghĩa, rất nhiều hội viên đã coi Hội là mái nhà thân hiết, ấm cúng của mình.

Trong cuộc sống đời thường, Triệu Doanh gặp một vài trắc trở. Bạn bè thông cảm với anh nhưng phải bó tay mà đứng ngoài cuộc. Rồi mọi chuyện cũng qua. Người ta thường nói, có gặp gian truân, trắc trở mới thấu hiểu lòng người. Với những gì tôi biết và hiểu về Triệu Doanh thì qua những tai ương chướng họa ở đời, điều làm tôi cảm mến và khâm phục anh nhất chính là lòng độ lượng và thủy chung son sắt với vợ con. Điều này rất hiếm người có được.

Về hưu chưa được mấy năm, còn nhiều dự định chưa kịp thực hiện mà anh đã ra đi. Thật đáng buồn và đáng tiếc nhưng chắc chắn là không hề bi lụy. Anh đã bước qua “chín bậc cầu thang” để thanh thản về với “mường trời”.

Với anh, trong văn chương, trong biên khảo dù thành tựu không phải là đồ sộ, nhưng anh đã đặt được dấu chân mình trên chín bậc cầu thang của dân tộc mình, góp một phần nhỏ cho nền văn hóa mà sinh thời anh đã hết lòng theo đuổi. Bạn bè cảm thông và luôn nhớ tới anh.

Đúng như trên facebook của Triệu Anh Thắng, con trai anh đã viết về bố làm xúc động bạn bè văn nghệ, văn hóa trên khắp mọi miền: “Thời gian dài chiến đấu với căn bệnh quái ác, không phải ai cũng mạnh mẽ và kiên cường như vậy. Kiếp này còn những điều chưa vui và trọn vẹn, mong kiếp sau sẽ chỉ gặp toàn những điều tốt đẹp. Vĩnh biệt bố của con!”.

Vĩnh biệt Triệu Doanh, hãy thanh thản trên cao xanh, anh nhé!

Tháng 2 năm 2023 

Hồ Thủy Giang            

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục