Thứ bảy, ngày 18 tháng 05 năm 2024
21:11 (GMT +7)

Nhà văn Ma Trường Nguyên: “Hình ảnh Bác Hồ in đậm trong tâm trí tôi!”

VNTN - Dẫu đã bước sang tuổi 76, đầu phơ tóc bạc, nhưng hễ nói chuyện văn chương, hai mắt ông vẫn ngời lên, ngồi cả buổi cũng không dứt ra được. Ấy là nhà văn Ma Trường Nguyên - một con người chẳng màng tuổi tác, cứ cần mẫn, cặm cụi trên cánh đồng chữ nghĩa. Kể từ năm 2014 đến nay, ông dành nhiều tâm sức cho những sáng tác về đề tài Bác Hồ với một tình cảm sâu đậm, được nuôi dưỡng, bồi đắp từ thuở thiếu thời.


Nhà văn Ma Trường Nguyên

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; hội viên Hội VHNT các DTTS Việt Nam; hội viên Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên.

Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam với tiểu thuyết “Rễ người dài” (1996).

Giải thưởng của Hội VHNT các DTTS Việt Nam trao cho tập thơ “Cây nêu” (2007), tiểu luận “Hiện đại mà dân tộc” (2010), tiểu luận “Trên cánh đồng chữ nghĩa” (2012), tiểu thuyết “Ông Ké trở lại chiến khu” (2018).

Giải thưởng của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT, báo chí về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trao cho chùm thơ 6 bài về Bác (2015), tiểu thuyết “Ông Ké thượng cấp” (2018).

Giải thưởng VHNT 5 năm tỉnh Thái Nguyên (5 lần).

Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tỉnh Thái Nguyên trao cho các bài thơ: “Dưới vòm cây thiên tuế”, “Điệu then Pác Bó”, “Cây ổi mọc trước cửa hang Pác Bó” (2014) và tập thơ “Bóng suối chiến khu” (2020).

Huy chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (2002).

Huy chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (2003).

 

Có thể nhận thấy, trong gia tài văn chương gần ba chục đầu sách của nhà văn có một phần không nhỏ những sáng tác về Bác Hồ - thời kỳ Người sống và làm việc ở chiến khu Việt Bắc, đặc biệt là ở ATK (An toàn khu) Định Hóa. Nhà văn có thể lý giải về điều này?

Nhà văn Ma Trường Nguyên: Tuy chưa phải là nhiều, song tôi đã đầu tư thời gian, vốn sống và sự tâm huyết của mình để viết về đề tài Bác Hồ ở Việt Bắc và ATK Định Hóa. Điều đó có thể lý giải, bởi quê tôi - xã Phú Đình, huyện Định Hóa - là trung tâm ATK Định Hóa, và ATK Định Hóa là trung tâm của ATK Trung ương. Từ lúc tôi 7, 8 tuổi, đã được sống trong không khí sôi nổi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tôi và lũ bạn chăn trâu đã nhiều lần nhìn thấy Bác Hồ cưỡi ngựa trên đường mòn qua thôn bản. Bố tôi là một cán bộ Việt Minh hoạt động cách mạng ở địa phương, được tổ chức cử đi đón Bác từ lán Khau Tý (xã Điềm Mặc) về lán Tỉn Keo (xã Phú Đình). Mà trong phần Khai bút và Vĩ thanh của cuốn tiểu thuyết “Ông Ké thượng cấp” (Nhà xuất bản Hồng Đức, năm 2016 - pv) chính là đời sống thật của tôi và gia đình tôi thời bấy giờ. Có thể nói, được viết về Bác Hồ đối với tôi là một niềm vinh hạnh và đầy tự hào cho quê hương Thái Nguyên và Việt Bắc; hay cũng “có thể coi như một cách để trả món nợ với đồng bào Việt Bắc - một vùng địa lợi, nhân hòa, đã góp công sức đáng kể cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp” như nhiều người nhận định về sáng tác của tôi.

Có nhận định rằng: “Viết về lịch sử 'ngốn' rất nhiều tri thức; người viết cần một quá trình tự tích lũy, tự rèn luyện bản thân bền bỉ, lâu dài”. Điều đó có ứng với nhà văn?

Nhà văn Ma Trường Nguyên: Đúng là viết về lịch sử rất cần vốn sống và sự am hiểu nhiều mặt về thời kỳ lịch sử đó. Là người con được sinh ra và lớn lên trên quê hương căn cứ địa cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp, hình ảnh Bác Hồ đã in đậm trong tâm trí tôi từ thời niên thiếu, rồi từ những lời kể của bố tôi về Bác Hồ, lời kể của người dân trong vùng ATK về Bác... Cả một không gian, thời gian thâm nhập vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn tôi; từ nhìn thấy, nghe kể, đọc được những tư liệu về Bác Hồ mấy chục năm qua, mãi đến năm 2014 - 2016, tôi mới hoàn thành hai cuốn tiểu thuyết tư liệu về Bác Hồ.

Viết về lịch sử đã khó, viết về Bác - một con người vĩ đại, được nhiều người biết đến cũng như nhiều ngòi bút hướng về, lại càng khó hơn. Vậy nhà văn đã làm thế nào để vượt qua cái khó, và từ những cái người khác đã viết về Bác để tìm ra cái riêng cho những sáng tác của mình?

Nhà văn Ma Trường Nguyên: Lúc đầu tôi nghĩ viết về Bác rất khó. Vì Bác là vị Lãnh tụ vĩ đại, vị Cha già dân tộc, có rất nhiều người viết cả thơ, văn ở trong nước và nước ngoài đã rất thành công. Song, tôi thấy “ông Ké” là cách gọi kính trọng và gần gũi của đồng bào Tày gọi Bác thời kỳ Người về hoạt động ở Việt Bắc. Và trong đồng bào dân tộc thiểu số có rất nhiều người kể chuyện về ông Ké. Thế thì tôi cứ với giọng kể của đồng bào để kể chuyện về Bác Hồ trong những sáng tác của mình, nhất là sáng tác tiểu thuyết.

Nhà văn có thể nói cụ thể hơn những nét riêng biệt trong những sáng tác của ông về Bác Hồ?

Nhà văn Ma Trường Nguyên: Như tôi đã nói: tôi đã tạo ra giọng kể của đồng bào Tày quê tôi để kể chuyện về ông Ké - một cách kể chuyện mang đậm nét người miền núi mà vẫn trang trọng, gần gũi, thân mật. Vì thế, Bác Hồ hiện lên trong sáng tác của tôi là hình ảnh ông Ké gắn bó với cuộc sống của đồng bào trong kháng chiến, trong lao động sản xuất và xây dựng cuộc sống ở vùng căn cứ địa cách mạng ấm áp và ân tình.

Sáng tác về lịch sử, về Bác Hồ với những sự kiện đã diễn ra cách đây gần ¾ thế kỷ thì việc bám vào sử liệu là vô cùng quan trọng. Nhà văn có thể chia sẻ về quá trình nghiên cứu sử liệu của mình?

Nhà văn Ma Trường Nguyên: Đúng là sáng tác về lịch sử, về Bác Hồ cách đây gần ¾ thế kỷ thật sự rất khó khăn. Nhưng có một thuận lợi là từ lâu nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử cách mạng Việt Nam, về cuộc đời, sự nghiệp của Bác... đã được công bố. Cùng với đó, tôi lại được sống trực tiếp ở ATK Định Hóa nên hình ảnh Bác Hồ đã in sâu vào trí nhớ và tình cảm của tôi một cách rất tự nhiên, ông Ké - Bác Hồ với tôi như người thân trong gia đình của đồng bào. Bởi vậy khi viết tôi đã tái hiện không khí thời kỳ lịch sử đã được chứng kiến cộng với những tư liệu lịch sử mình dày công tìm kiếm, sưu tầm, nghiên cứu, tham khảo... Tuy nhiên nó là cả một quá trình tích lũy bền bỉ và lâu dài, như tôi đã chia sẻ ở trên là mấy chục năm.

Trong bài “Đọc Ông Ké thượng cấp của Ma Trường Nguyên, bàn thêm về đặc trưng thể loại tiểu thuyết lịch sử” của tác giả Nguyễn Huy Quát, đăng trên Văn nghệ Thái Nguyên số 48 (885), ra ngày 28/11/2017 với những dòng nhận xét: “Đối với loại tiểu thuyết lịch sử, việc kết hợp nhuần nhị giữa sự kiện và hư cấu với cái nhìn của thế hệ sau để rút ra những vấn đề khái quát có ý nghĩa triết lý nhân sinh là rất quan trọng. [...] Tiểu thuyết Ông Ké thượng cấp của Ma Trường Nguyên chưa có sự kết hợp nhuần nhị giữa sự kiện và hư cấu vì ở đó chủ yếu là sự lắp ghép tư liệu lịch sử đã có sẵn”. Nhà văn nghĩ sao về điều này? Ông có định thay đổi cách viết không?

Những đầu sách của nhà văn Ma Trường Nguyên viết về đề tài Bác Hồ

Nhà văn Ma Trường Nguyên: Như tôi được biết, về sáng tác tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết tư liệu đến nay trong nước và trên thế giới vẫn còn nhiều quan niệm khác nhau. Nhưng tựu trung có hai quan niệm. Quan niệm thứ nhất cho rằng: tiểu thuyết lịch sử phải tôn trọng lịch sử, từ đó hư cấu tạo thành tác phẩm. Quan niệm thứ hai cho rằng: tiểu thuyết lịch sử không nên quá coi trọng lịch sử, lịch sử chỉ là cái cớ để viết tiểu thuyết mà thôi. Như quan niệm của nhà văn Pháp Alexandre Dumas đã từng phát biểu: “Lịch sử chỉ là những cái đinh để tôi treo những bức tranh của tôi”.

Tôi viết tiểu thuyết tư liệu thuộc loại tiểu thuyết tôn trọng sự kiện lịch sử, với “nhiệm vụ của tiểu thuyết lịch sử là chứng minh sự tồn tại của một hoàn cảnh và nhân vật lịch sử bằng công cụ nghệ thuật” như nhà tiểu thuyết lịch sử, nhà nghiên cứu lý luận Hungary G. Lukacs đã khẳng định.

Trong “Từ điển thuật ngữ Văn học” (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi chủ biên) đã nhận định: “Các tác phẩm về đề tài lịch sử này có chứa đựng các nhân vật và các chi tiết hư cấu, tuy nhiên nhân vật chính và sự kiện chính thì được sáng tạo trên các sự kiện xác thực trong lịch sử, tôn trọng lời ăn tiếng nói, trang phục, phong tục, tập quán phù hợp với giai đoạn lịch sử ấy. Tác phẩm văn học lịch sử thường mượn chuyện xưa nói chuyện đời nay, hấp thụ những bài học quá khứ, bày tỏ sự đồng cảm với những con người và thời đại đã qua, song không vì thế mà hiện đại hóa người xưa, phá vỡ tính chân thực lịch sử của thể loại này”.

Đối với Ông Ké thượng cấp của tôi thuộc thể loại tiểu thuyết tư liệu nên tôi tôn trọng lịch sử, đó là ý định của tôi đặt ra khi viết tác phẩm. Nếu còn viết tiểu thuyết tư liệu về Bác Hồ tôi không thay đổi cách viết này. Vì tôi nhận thấy: “Cuộc đời Cụ Hồ hay hơn tiểu thuyết”.

Được biết, sắp tới nhà văn sẽ cho ra mắt đầu sách mới về Bác Hồ. Ông có thể chia sẻ về dự định này của mình?

Đến nay tôi đã xuất bản hai tiểu thuyết tư liệu “Ông Ké thượng cấp” (2016), “Ông Ké trở lại chiến khu” (2017) và tập thơ “Bóng suối chiến khu” (2018) là những đầu sách viết về đề tài Bác Hồ. Dự định năm 2021 tới, tôi sẽ xuất bản tập thơ “Mùa xuân trên đèo De”, gồm 33 bài thơ và 4 bài tiểu luận, phê bình về đề tài Bác Hồ. Trong 33 bài thơ, có 7 bài đã được in ở một số tập thơ trước, và bài thơ “Mùa xuân trên đèo De” in trong tập thơ “Bóng suối chiến khu” được tôi rút ra làm nhan đề tập thơ mới, bởi bài thơ đã khắc họa rõ hình ảnh Bác Hồ in đậm trong tâm trí tôi từ thời niên thiếu, như một ký ức đẹp theo tôi suốt cuộc đời:

“Nhớ hôm trời mới tinh mơ

Gặp Ông Cụ tóc phơ phơ mái đầu

Đường đèo vó ngựa bước mau

Áo quần Cụ mặc xanh màu núi xanh

Có đôi mắt sáng long lanh

Cao cao vầng trán thanh thanh dáng người

...

Từ khi Bác bước lên đèo

Là mùa xuân đã về theo cùng Người.”

Cảm ơn nhà văn với những chia sẻ hết sức chân thành, cởi mở cũng như những tình cảm, niềm tự hào trong ông khi được cầm bút viết về Bác Hồ - vị Cha già dân tộc. Chúc ông sức khỏe, bút lực dồi dào để tiếp tục cống hiến cho văn chương nói chung và những sáng tác về đề tài Bác Hồ nói riêng.

Bích Hồng (thực hiện)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục