Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
18:50 (GMT +7)

Phan Thái – một hành trình văn chương ngoạn mục

VNTN - Tôi quen Phan Thái trong một hoàn cảnh có phần hơi bất ngờ. Đó là vào một ngày đầu năm 2000, trong một cuộc giao lưu giữa các văn nghệ sĩ Thái Nguyên với công nhân viên chức Mỏ than Phấn Mễ.

Những năm tháng ấy, không hiểu do sự hưng phấn hoặc lí do nào khác mà khá nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp trong tỉnh rất hâm mộ văn chương. Hằng năm thường có một số công sở, nhà máy, xí nghiệp mời các văn nghệ sĩ đến giao lưu gặp gỡ, nói chuyện, đọc thơ hoặc làm những cuốn sách truyền thống. Riêng Báo Văn nghệ Thái Nguyên còn kết nghĩa với một doanh nghiệp rất nổi tiếng là Công ty Xây lắp II. Cho đến tận bây giờ khi hầu như tất cả đã về hưu nhưng tình xưa nghĩa cũ vẫn không hề thay đổi, hàng năm vẫn có những cuộc hội ngộ rất thân tình. Ngày ấy không khí thật rộn rã và tràn đầy tình cảm. Đặc biệt là đối với các anh chị em công nhân. Họ không chỉ biết cắm cúi với máy móc, búa kìm, dầu mỡ khô khan mà còn được khai mở tâm hồn cùng những áng văn chương nghệ thuật. Ngược lại, người sáng tác cũng được bổ sung vốn sống rất nhiều khi đi vào đời sống sản xuất của công nhân, công nghiệp….

Tôi gặp Phan Thái trong một không khí như thế. Hay nói một cách khác, chính không khí ấy đã dần hình thành một tác giả Phan Thái của ngày hôm nay.

Ngày Hội Văn nghệ tỉnh đến giao lưu với Mỏ than Phẫn Mễ, Phan Thái đang là Bí thư Đảng ủy của Mỏ. Giờ giải lao, anh rủ tôi vào phòng uống nước. Cũng chỉ nghĩ là một cuộc viếng thăm thông thường. Nhưng sau một tuần trà, Phan Thái rút trong ngăn kéo một tập giấy A4 đưa cho tôi, với vẻ hơi e dè:

- Anh thử đọc xem những điều em viết có phải là thơ không?

Thú thật là cầm tập bản thảo của “ông bí thư đảng ủy” đưa nhưng tôi không mấy mặn mà vì tôi đã từng đọc hàng chục những kiểu bản thảo như thế khi đi xuống cơ sở. Thường đó chỉ là những bài thơ chất lượng rất thấp. Vậy mà khi đọc bài thơ đầu tiên trong tập bản thảo, tôi đã vui mừng kêu lên:

- Trời! Đúng là thơ Thái ạ.

Tôi đã cầm tập bản thảo của Phan Thái về đưa cho Ban Biên tập Báo Văn nghệ Thái Nguyên với kết quả là có rất nhiều bài thơ được chọn đăng.

Vậy là đã có thể hi vọng hình thành một tác giả thơ. Quan trọng hơn, Phan Thái lại là một tác giả thuộc ngành công nghiệp, một đối tượng hiện đang rất hiếm trong đội ngũ văn nghệ lúc bấy giờ. Hồi ấy, sau những năm của thập kỉ 80 thế kỉ trước, khi các nhà văn như Xuân Cang, Trịnh Thanh Sơn, Chu Hồng Hải, Nguyễn Đức Thiện… dần dần rời khỏi Thái Nguyên thì đội ngũ nhà văn công nhân, công nghiệp đã vắng đến mức “sạch không kình ngạc”. Nếu Phan Thái là một sự tiếp bước những cây bút công nghiệp đã đi khỏi Thái Nguyên thì không chỉ là niềm vinh dự của cá nhân anh mà còn là của phong trào sáng tác trong tỉnh.

Sau rất nhiều bài thơ được đăng báo, trở thành hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, đến năm 2010, Phan Thái chính thức xuất bản tập thơ đầu tay mang tên “Về sông xưa”. Rất bất ngờ và rất vui là năm ấy tập thơ đã đoạt giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Vài năm sau, Phan Thái còn được trao nhiều giải thưởng về thơ, trong đó có giải nhất của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Tất cả những điều này đã giúp Phan Thái trở thành một nhà thơ được khẳng định trong đội ngũ sáng tác của Thái Nguyên.

Vậy là chỉ hơn một chục năm kể từ buổi gặp gỡ đầu tiên với anh chị em văn nghệ sĩ, từ một bí thư đảng ủy, Phan Thái đã trở thành một nhà thơ chiếm được sự mến mộ của độc giả.

Có được như vậy vì thơ Phan Thái ngay từ những bài đầu tiên, tập thơ đầu tiên đã có xu hướng hình thành một phong cách. Phan Thái sáng tác khá nhiều nhưng chủ yếu viết về quê hương, một miền quê với những “áo nâu sồng”, những “lối rơm vàng”… đặc biệt, là miền quê hương ấy luôn gắn với tình mẹ. Cái hay, cái độc đáo của thơ Phan Thái là viết về quê hương, về mẹ theo kiểu của riêng mình.

Về nghệ thuật thơ, Phan Thái cũng có những đóng góp đáng kể. Những câu thơ vừa hiện đại vừa đậm chất dân gian như: “Bước chân ngập lối rơm vàng/ Bâng khuâng gặp lại cổng làng phong rêu”, “Mấy năm rồi cách xa nhau/ Xanh ngơ ngác những hàng cau bên vườn”, “Xin em cất gió vào chiều/ Để tôi gom gió cho diều thôi bay” đã góp phần làm thơ Thái Nguyên thêm lấp lánh.

Sau “Về sông xưa”, Phan Thái có in thêm hai tập thơ nữa và đều chiếm được cảm tình của độc giả.

Nhưng rồi vài năm sau đó, Phan Thái có một biến động trong hành trình sáng tác. Một lần trò chuyện với anh, trong đầu tôi bỗng vụt một linh cảm, tôi nói với Phan Thái:

- Thái ơi, viết văn xuôi đi. Thái có nhiều vốn sống về công nghiệp, hãy thử bút xem sao? Con đường của văn xuôi thường rộng dài hơn con đường của thơ.

Nghe mấy lời “vu vơ” của tôi, Phan Thái không nói gì. Tôi tưởng Phan Thái phật ý. Vì quả thật với một con đường thơ đang đi lên mà dội một “gáo nước lạnh” như vậy thì quả là khó chấp nhận.

Nhưng bẵng đi vài tháng, ngày tôi đang ở trại viết Đà Lạt thì Phan Thái điện thoại nói là đã hoàn thành bản thảo một cuốn tiểu thuyết. Tôi hơi giật mình, hẹn trở về sẽ đọc ngay. Tuy khuyên Phan Thái chuyển sang viết văn xuôi nhưng lòng tôi vẫn có chút nghi ngại. Vì từ thơ bước sang văn xuôi là một hành trình đầy gian khó và phải có thời gian. Nhiều người viết thơ thì hay nhưng đến khi viết truyện ngắn hoặc tiểu thuyết lại không thành công.

Nhưng rồi, thêm một lần nữa, Phan Thái lại làm tôi ngạc nhiên. Bản thảo tiểu thuyết với tên ban đầu là “Son phấn” tuy khó tránh một vài nhược điểm nhưng hoàn toàn có thể chấp nhận được. Đầu tiên, tôi định khuyên Phan Thái lấy giấy phép xuất bản rồi tự in, vì đây là cuốn sách đầu tay, e khó phát hành. Nhưng sau cùng tôi đã quyết định đưa bản thảo cho một công ty phát hành ở Hà Nội. Rất vui là bộ phận biên tập của công ty đã đồng ý xuất bản cùng với vài nhận xét tốt. Cuốn sách đầu tay của Phan Thái đã được phát hành toàn quốc (đổi tên là “Cơm áo chợ đời”). Đó là điều không phải tác giả văn xuôi nào ở Thái Nguyên cũng đạt được.

Phát huy thành tựu này, Phan Thái đã viết rất nhiều truyện ngắn và một, hai cuốn tiểu thuyết nữa. Cuốn nào cũng được nhà xuất bản và thị thường đón nhận.

Cũng xin nói thêm, khi Phan Thái chuyển sang viết văn xuôi với những kết quả ban đầu, có vài bạn đồng nghiệp tỏ ra chưa thật sự hài lòng. Trong một cuộc tọa đàm đã có những lời phê phán khá gay gắt về tác phẩm này, tác phẩm kia của Phan Thái. Thậm chí có người còn tiên đoán rằng Phan Thái chỉ thành công về thơ chứ văn xuôi thì… hãy đợi đấy.

Phan Thái có vẻ hơi buồn. Tôi bảo: “Trong văn chương, khen chê là điều khó tránh khỏi và cũng là chuyện bình thường. Đừng nên trách ai và đặc biệt là tránh sự thất vọng mà buông bút. Nếu thấy những nhận định của ai đó chưa chính xác thì điều duy nhất là cần phải tự khẳng định mình bằng chính những tác phẩm tiếp theo”. Và rồi, Phan Thái đã thanh thản tiếp tục cuộc hành trình văn chương mà mình đã chọn. Anh lại đêm đêm ngồi viết. Viết như bị “thần xui, quỷ khiến”, có người nhận xét vậy. Còn tôi vẫn thường nói vui với bạn bè rằng đó chính là tinh thần giai cấp công nhân lâu nay đã ngấm vào ông bí thư đảng ủy mỏ than. Rồi chưa đầy 5 năm sau, thật… khủng khiếp (tôi buộc phải dùng từ này, vì khó tìm một từ khác để thay thế), Phan Thái đã cho xuất bản liền một loạt tiểu thuyết dày dặn như: “Đèn giời” (2016), “Nắng phía sau mặt trời” (2019), “Linh Sơn tử chiến” (2020) cùng tập truyện ngắn “Người đàn bà đi trong sương” (2017). Gần đây nhất là cuốn tiểu thuyết “Lửa khuất” (2020). Và mới tuần trước, Phan Thái thông báo với tôi vừa chấm hết bản thảo văn xuôi thứ tám: “Binh minh máu”, là cuốn tiểu thuyết viết về truyền thống cách mạng những năm trước 1945 ở Mỏ than Phấn Mễ nơi anh từng công tác.

Nhà thơ Ma Trường Nguyên, một trong những người từng không coi trọng một, hai cuốn tiểu thuyết đầu tay của Phan Thái, khi đọc những tác phẩm mới sau này của anh đã thốt lên theo kiểu rất… Ma Trường Nguyên: “Được! Được! Không ngờ tay này có tiến bộ vượt bậc”. Cuốn “Lửa khuất”, một tiểu thuyết Phan Thái tham gia cuộc thi tiểu thuyết do Hội Nhà văn và Bộ Công an tổ chức. Hiện cuộc thi sắp kết thúc. Rất vinh dự, “Lửa khuất” là một trong 30 tác phẩm được vào chung khảo cuộc thi. Tác giả dự thi ở cuộc thi này hầu hết là những nhà văn “sừng sỏ” của cả nước. “Lửa khuất” cũng là 1/15 cuốn sách vừa được Nhà Xuất bản Công an Nhân dân giới thiệu một cách trang trọng trên trang điện tử với bạn đọc toàn quốc. Cảm động nhất là trong buổi ra mắt sách của Chi hội Văn xuôi vừa qua, chính nhà thơ kiêm nhà lí luận phê bình, người vài năm trước đã có một bài viết khá căng thẳng cùng một nhận định hơi oan về văn xuôi của Phan Thái, đã đứng lên phát biểu về cuốn “Lửa khuất” một cách rất công tâm và có sự đánh giá lại.

Theo thống kê thì hiện tại (năm 2020) Phan Thái đã có 12 tập sách được xuất bản cùng 10 giải thưởng văn học ở địa phương và trung ương. Tất nhiên đó là thành tựu của riêng Phan Thái, nhưng tôi còn nghĩ, đồng thời đó cũng là thành tựu tiêu biểu của văn xuôi Thái Nguyên, bởi sự đóng góp về đề tài công nghiệp - gang thép, một đề tài mà hiện tại chỉ duy nhất hiện diện trong tác phẩm của Phan Thái. Với những thành tích sáng tác như đã nêu trên, có thể khẳng định: Nhà văn Phan Thái đã đóng góp một phần nhất định cho nền văn học của Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Ngoài sáng tác, Phan Thái còn là một người hoạt động Hội rất tích cực và hiệu quả.

Mấy năm trước, Thái Nguyên có tổ chức 2 lớp học bồi dưỡng dài ngày cho các cây bút văn xuôi trong tỉnh. Sau lớp học đã hình thành được một đội ngũ sáng tác nhiều triển vọng với những cây bút mới như Hoàng Thị Hiền, Trần Thị Nhung, Hoàng Thao, Mai Linh Lan, Trần Đình Vinh, Đào Nguyên Hải… Đằng sau những sự thành công của các bạn văn ấy, không thể không kể đến công lao và sự nhiệt tình của Phan Thái với cả hai khóa học. Hiện thời thì “lớp văn xuôi Thái Nguyên” vẫn đang tồn tại và trở thành một tổ chức văn chương ổn định, dài lâu.

Hiện nay, với tư cách là Ủy viên Thường vụ Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên kiêm Chi hội trưởng Chi hội Văn xuôi, Phan Thái đã tiếp tục chỉ đạo Chi hội ngày một phát triển.

Đến với văn chương có phần hơi muộn, nhưng với tài năng và sức viết dồi dào, tin rằng Phan Thái còn đi xa hơn nữa. Nếu cần một lời trao đổi nào đó với Phan Thái, thì với tư cách là một bạn văn, tôi muốn nói với anh rằng: Hãy chuẩn bị cho một cuộc “vượt vũ môn” thứ hai trong cuộc hành trình văn chương đầy gian truân phía trước.

Hồ Thủy Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy