Chủ nhật, ngày 19 tháng 05 năm 2024
20:39 (GMT +7)
KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ (07/5/1954 - 07/5/2024)

Người lính già kể chuyện Điện Biên

Trong không khí cả nước kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), tôi may mắn được tiếp xúc với một số chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Ở tuổi trên dưới 90, sức khỏe không còn tốt, nhưng trong họ tinh thần của người lính Cụ Hồ vẫn luôn cháy bỏng. Đặc biệt hơn, tôi được đọc cuốn hồi ký của “những người lính già đầu bạc kể mãi chuyện Điện Biên”. Với tâm thế tri ân, tôi xin lược trích một số bài viết của những người lính năm xưa, với mong muốn tiếp thêm ý chí, niềm tin đến thế hệ trẻ hôm nay.

Bìa cuốn Hồi ký
Bìa cuốn Hồi ký

 

Trong ký ức những người lính Điện Biên năm xưa ở Thái Nguyên, thì cuộc hành quân lịch sử của hơn 3.000 chiến sĩ, đi bộ ròng rã gần một tháng trời từ Thái Nguyên, vượt hơn 500km đến Điện Biên Phủ, qua suối sâu, đèo cao, trong cái rét thấu xương là ấn tượng khó quên. Trong bài “Từ ATK đến Điện Biên”, ông Trần Xuân Yến (sinh năm 1935, nhập ngũ năm 1952, chiến sĩ Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308) đã kể về cuộc hành quân vĩ đại ấy:

“Mặt trời khuất về bên kia dãy núi Tam Đảo thì có lệnh xuất phát. Đi được khoảng một giờ đến ngã ba Thịnh Đán, theo đường vào Gốc Cây Xanh, vượt qua ruộng bậc thang lên cánh đồng bằng. Dòng người dài, tiếng sột soạt đều đều như con trăn khổng lồ trườn trên mặt đất… Tôi là tân binh trẻ nhất tiểu đội cả về tuổi đời, tuổi quân và chưa từng trải trận mạc. Ngoài đồ đạc cá nhân mang theo, tôi được phân công gánh 2 máy điện thoại là chiến lợi phẩm ta thu được ở các chiến dịch trước, mỗi máy nặng 5,5kg, thắt lưng đeo 2 quả lựu đạn, dao găm, 3 cuộn dây điện thoại, mỗi cuộn dài từ 5 đến 6m dự phòng khi bị pháo địch bắn đứt dây thì sẽ có dây để nối, một xẻng úp sau ba lô, toàn bộ trọng lượng mang trên người chừng 25kg.

Chặng hành quân đầu tiên dừng chân ở lưng Đèo Khế, lúc xuất phát khoảng 6 giờ tối đến vị trí tạm dừng độ 4 giờ sáng hôm sau. Toàn thân đang đau nhừ, chân nhức không buồn đứng lên thì tiểu đội trưởng ra lệnh: Tổ 1 đào công sự, tổ 2 làm lán tạm, tổ 3 cử hai đồng chí lấy củi cho anh nuôi, một đồng chí cảnh giới khu vực trú quân. Tôi bàng hoàng, tưởng đến trạm dừng chân thì được ngủ, đã đi suốt đêm còn gì, lại còn phải làm những việc như thế này ư? Đào công sự làm gì? Ở đây làm gì có địch? Các anh cựu binh ghé sát tai tôi nói: Bài học đấy em ạ, đã là lính chiến, đặt ba lô xuống trước tiên là phải đào công sự để tránh mọi tình huống bất ngờ xảy ra, nếu không có công sự, bị địch oanh tạc thì có mà chui lỗ nẻ.

  Khổ nhất là những ngày trời mưa, đường trơn, chúng tôi phải dò từng bước chân suốt đêm, đến trạm thì trời đã sáng bạch. Được nghỉ 10 phút nhưng không có chỗ đặt ba lô, cứ phải đeo trên vai, không để vũ khí, phương tiện, gạo bị ướt. Muỗi bay vo vo quanh người còn vắt thì nhiều vô kể, vắt xanh chỉ cần chạm khẽ, nó đã bám ngay vào người, vắt nâu thì ngọ nguậy dưới chân chầu sẵn hướng về nơi có hơi người bám vào kẽ chân tay để hút máu, chỉ sơ ý vài phút chúng đã no tròn như quả ớt.

 Đường hành quân của chúng tôi qua Tuyên Quang lên Yên Bái vượt sông sang Nghĩa Lộ, Quang Huy, Nà Sản, qua thị xã Sơn La thì cắt rừng vòng xuống phía nam Điện Biên Phủ. Cả Trung đoàn trên 3.000 người thành đội hình hành quân, đêm đi ngày nghỉ ròng rã một tháng trời. Mỗi đêm đi từ 25 đến 30km, xuất phát từ căn cứ địa Thái Nguyên lên đến Điện Biên Phủ hơn 500 km bằng đôi chân người lính”…

Ông Lê Ngọc Chinh (sinh 1935, nhập ngũ 1949) lại nhớ về những con cá suối thấm đượm tình cảm của đồng bào Tây Bắc dành cho bộ đội. Ông viết: Cuối năm 1953, sau khi chỉnh quân xong, chúng tôi, những người lính của Trung đoàn 9, Đại đoàn 304 được lệnh hành quân đi chiến dịch. Để tránh máy bay của địch, đêm đi ngày ngủ, cứ hoàng hôn xuống là đơn vị lại rậm rịch lên đường, bình minh sắp rạng, chúng tôi đã đâu vào đấy trú quân an toàn. Hôm nào được hành quân dưới tán rừng già giữa ban ngày, anh em sung sướng muốn hét lên thật to cho thỏa những đêm “tức mắt”. Đơn vị hành quân đến Nà Sản, cấp trên phổ biến rõ: Ban Cung cấp (nay gọi là Hậu cần) cùng một số phân đội bộ binh, trợ chiến có nhiệm vụ “chốt” xung quanh sân bay Nà Sản. Nhiệm vụ của đơn vị chúng tôi là tập kết lương thực thực phẩm để sẵn sàng phục vụ tiền tuyến. Một số phân đội bộ binh triển khai sẵn sàng chiến đấu để phòng máy bay địch đổ quân đường không đánh sau lưng đại quân ta đang bao vây Điện Biên.

 Điểm tập kết của Ban Cung cấp Trung đoàn vừa ổn định thì sáng hôm sau trực ban sở chỉ huy báo cáo: “có khách”. Đồng chí Võ Tắc - Chính ủy - lẩm bẩm: “Khách đâu mà đột nhập doanh trại sớm thế?”. Tôi là nhân viên của Ban được đi cùng cấp trên ra trạm khách, thấy một đoàn người quần áo sờn rách đứng ngay ngắn như tiểu đội quân đang chờ lệnh chỉ huy, trong tay mỗi người xách một xâu cá, con to nhất bằng ngón chân cái. Tuy thấy lạ và không biết tiếng nhưng Chính ủy vẫn mời mọi người vào lều tiếp khách. Các chị em là người dân tộc Thái, trang phục cũ kỹ nhưng gọn gàng sạch sẽ, khuôn mặt ai cũng gầy guộc xanh xao nhưng đôi mắt vẫn ánh lên niềm vui. Người “phiên dịch” già nói rằng chị em biết bộ đội lên đây đánh giặc Tây cho đồng bào hết đói khổ, làng, bản không có gì giúp bộ đội cả, chỉ có mấy con cá bắt ở suối đem cho bộ đội làm bữa. Cảm động trước tấm lòng của bà con với bộ đội, đồng chí Chính ủy ôm chặt đôi bàn tay gầy guộc của già bản, lắc lắc, đồng chí lại đến trước mặt từng chị em cúi đầu tỏ lòng cảm ơn…”.

Bản đồ chiến dịch ĐBP (13/3 đến 7/5)
Bản đồ chiến dịch ĐBP (13/3 đến 7/5)

 

 Ông Phùng Văn Tằng (sinh 1928, nhập ngũ 1945, Tiểu đoàn 113, Trung đoàn 675, Đại đoàn 351) lại kể lại chuyện “hi hữu” ở chiến trường, đó là việc bộ đội đóng cối xay, cối giã gạo. Ông viết: Đại đội chúng tôi hành quân từ Yên Bái lên, trên đường đi cùng với lính công binh và dân công làm đường, sửa đường. Khi đến Điện Biên, Đại đội được lệnh sang phía Tây cánh đồng Mường Thanh trú quân, phối thuộc Đại đoàn 308 ở bên đó chưa bố trí được kho lương thực (kho gạo). Nhân dân nói, dân chúng tôi gặt lúa và chất từng đống ở cánh đồng đấy. Vì thằng Tây nó nhảy dù xuống chiếm đóng ở Điện Biên, trâu bò gà lợn vẫn để ở trong làng không mang theo được. Bộ đội lên đây đánh thằng Tây, dân làng chúng tôi không có gạo nuôi bộ đội nhưng dân chúng tôi sẽ giúp các anh, buổi tối đưa các anh xuống cánh đồng lấy thóc.

 Thế là Đại đội chúng tôi mỗi tối cắt cử hơn chục chiến sĩ, mỗi người mang theo một quần dài đến từng đống thóc, tuốt, vò thóc vào hai ống quần vác về.

 Có thóc rồi, nhưng lấy đâu ra công cụ làm ra hạt gạo? Giần, sàng, thúng, mẹt, nia nhiều anh em biết đan, nhưng còn cối xay, cối giã? Cuối cùng cũng có mấy anh em xung phong đóng cối xay, làm cối giã. Họ lấy đất thịt khô, đặc biệt là đất tổ mối, đập tơi thành bột đất, nhào nhuyễn, nhồi đầy vào tang thớt cối. Anh em làm thâu đêm liên tục 30 tiếng đồng hồ cũng xong cái cối xay.

Chuyện làm cối giã cũng không đơn giản. Cái cần chày phải có mỏ to để lắp mỏ chày, một lỗ đục nhỏ để lắp tai chày. Cái cối phải làm sao có sức chịu đựng của vô vàn cú đập của mỏ chày? Anh em lấy đoạn tre to, rỗng, chẻ nan, đan nhiều vành xung quanh từ đáy nhỏ, rồi to dần lên miệng cối, lấy đất dẻo trộn cám nhào thật nhuyễn, trát xung quanh nan tre. Cối được hạ xuống hố, chèn đất chặt như nêm ở bên ngoài khuôn. Nhưng chỉ giã được vài chày là bục đáy, gạo lẫn nhiều sạn, đất, rác.

Bỗng Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3 Phạm Tín cầm hòn đá suối reo to: “A, cái này dùng được đấy”. Tín lấy đá suối lót vào cối giã gạo, đổ gạo vào giã liền 3 cối. Gạo nhanh trắng, sạch, cối không bị bục, thủng đáy nữa. Thử nghiệm của Tín được phổ biến đến các đơn vị làm gạo. Việc xay giã gạo diễn ra mấy tuần lễ sôi nổi, góp phần cho bộ đội ta ăn no đánh thắng. Tháng 1/1954, Phạm Tín được tặng giấy khen của Trung đoàn, tại khu rừng phía Tây chiến trường Mường Thanh.

Ông Lê Văn Huỳnh (sinh năm 1929, nhập ngũ năm 1946) lại nhớ thương những đồng đội đã hy sinh. Nhận nhiệm vụ mai táng tử sĩ trong trận chiến đấu ngày 28/3/1954 tại cánh đồng Pe Luông, Mường Thanh, ông Huỳnh không quên những giờ phút đau thương ấy: Tiểu đoàn 387 và nhất là Đại đội 78 đã làm chỉ huy Pháp mất ăn mất ngủ vì máy bay của chúng bị pháo bắn khống chế, không thể hạ thấp độ cao để thả dù tiếp tế cho lính Pháp ở trung tâm Mường Thanh, dù tiếp tế hầu hết rơi xuống khu vực quân ta chiếm giữ. Đại đội 78 không khác gì cái gai cắm vào mắt địch, chúng kiên quyết phải tiêu diệt bằng được lực lượng của ta. Sau hơn 1 giờ pháo kích, quân địch dùng máy bay liên tiếp oanh tạc vào Pe Luông. Tiếng bom nổ như tiếng sấm rền không ngớt, đường dây thông tin bị đứt, mọi tin tức về Đại đội 78 đều rơi vào im lặng. Chúng tôi ai cũng nóng lòng muốn được chi viện cho các đồng đội ở Pe Luông, nhiều người nước mắt nhạt nhòa tay nắm chặt súng hướng về phía Pe Luông, chỉ cần chờ có lệnh là vọt tiến...

  Tiếng súng của ta nổ cầm chừng, khi thì rộ lên khi thì tắt lịm. Tiếng xe tăng địch gầm rú điên loạn. Súng của ta lại nổ nhưng cứ thưa dần thưa dần rồi không còn vang lên nữa. Tiếng xe tăng gầm rú ghê rợn như nghiến nát trái tim chúng tôi. Các đồng chí ấy đã hy sinh hết rồi sao? Không ai bảo ai anh em chúng tôi bỏ mũ lặng lẽ cúi đầu, có tiếng ai đó bật khóc. Sương tan dần, lòng chảo Điện Biên hiện lên trong ánh nắng yếu ớt. Một cảnh tượng rùng rợn hiện ra trước mắt chúng tôi, tất cả các ụ súng đều bị xe tăng nghiền nát. Hào giao thông bị cầy xới. Nhiều chiến sĩ hy sinh không còn hình hài nguyên vẹn, máu thấm đen mặt đất. Trong trận đánh không cân sức giữa 30 chiến sĩ pháo phòng không của ta với đại bác, xe tăng và cả tiểu đoàn bộ binh địch thì quân ta khó lòng chiến thắng được. Tim chúng tôi nghẹn lại, lòng căm thù địch hừng hực trong mỗi chúng tôi. Các đồng chí ơi, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng để giải phóng Điện Biên, để trả thù cho các đồng chí.

Năm nào cũng thế, cứ đến ngày 28 tháng 3, những người lính Tiểu đoàn Phòng không 387, Đại đoàn 308 chúng tôi đều gặp nhau để ôn lại kỷ niệm chiến trường xưa và tưởng nhớ về những đồng đội đã chiến đấu dũng cảm hy sinh thân mình vì sự nghiệp cách mạng vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Ông Phan Lâu (sinh năm 1933, nhập ngũ 1947) lại nhớ như in khoảnh khắc chiếc máy bay B24 của giặc bị bắn rơi ở Điện Biên Phủ. Ông viết: Vào khoảng 1h30 phút chiều ngày 12/4/1954, sau những loạt đạn cao xạ của bộ đội ta giáng trả máy bay địch, chiếc B24 “5 đầu” mà không quân Pháp gọi là “pháo đài bay” và “huyền thoại tự hàn trên không” đã tan thành mây khói. Chiếc cổ ngỗng dài ngoẵng chứa cả kíp bay đã bị lìa khỏi thân, cháy đùng đùng giữa trời xanh như một bó đuốc khổng lồ văng gần đồi Độc Lập. Phần thân xác nặng nề to đùng gắn 4 động cơ cánh quạt đổ vật xuống một khu ruộng gần Bản Kéo, làm chấn động không gian phía Tây Bắc mặt trận. Bộ đội và dân công hỏa tuyến hò reo hả dạ. Mấy anh lính trẻ chúng tôi từ vị trí quan sát đặc biệt, được chứng kiến một pha ngoạn mục trên chiến trường, đó là lực lượng phòng không bắn rơi chiếc máy bay thứ 50 của Pháp, lập thành tích chào mừng Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng lên đường đi dự hội nghị Genève.

  Trận đánh của Đại đội pháo cao xạ 828 thuộc Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367, Đại đoàn công pháo 351 ở trận địa Bản Mịn do Đại đội trưởng Nguyễn Đỗ Hưu, Chính trị viên Lê Viết Nhiên chỉ huy, bằng hai loạt điểm xạ dài đã kết liễu chiếc “pháo đài bay” rơi tại chỗ đầu tiên tại mặt trận, được Bộ chỉ huy chiến dịch thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì…

Trên đây chỉ là một số đoạn trích trong số các bài viết của những con người đã trực tiếp chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Sự chân thực, giản dị của câu chữ chính là sức mạnh của tập hồi ký này. Nói như Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương, người đã từng chiến đấu ở Điện Biên Phủ: “Trong cuốn sách này là khí phách anh hùng cùng niềm tự hào to lớn của tất cả anh em chiến sĩ và chỉ huy. Chúng ta, kể cả thế hệ hôm nay và mai sau vẫn cần những cuốn hồi ký chiến đấu như thế này”…

 Năm 2000, Ban Liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Thái Nguyên ra đời, tập hợp được 423 thành viên là các chiến sĩ Điện Biên Phủ đang sinh sống tại thành phố Thái Nguyên. Họ đã tổ chức nhiều buổi “Kể chuyện Điện Biên”, tổ chức các đoàn về thăm chiến trường xưa và năm 2014 họ đã xuất bản cuốn sách nói trên.

 Minh Hằng (lược ghi)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy