Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
18:19 (GMT +7)

Người lặng thầm tìm về cội nguồn

VNTN - 1- Tôi chợt nhận ra đã 10 năm tròn, tôi và anh hôm nay mới ngồi trước mặt nhau, rủ rỉ trò chuyện như ngày cùng làm ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Căn nhà tập thể cheo veo trên đồi Dược phẩm ngày nào, giờ chĩnh chệ 7 mét mặt đường, khang trang cửa vòm cổng cuốn, gắn biển số 117, tổ 14 phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên). Hai đứa trẻ lon xon theo bố ra cơ quan năm xưa nay đã đề huề con cái.

Nhưng cái khoảng cách thời gian nhanh chóng bị xóa nhòa. Tôi lại nhận ra anh Nông Phúc Tước cẩn trọng từng con chữ, từng trang văn, như ngày nào chúng tôi cùng chung “chiến hào” biên tập viên Báo Văn nghệ Bắc Thái.

Vậy mà anh đã tròm trèm bước vào tuổi 70. Có lẽ do “múa” vợt bóng bàn từ thời trai trẻ, cộng với bản tính thật thà, hiền lành, không thích bon chen, luôn tự biết bằng lòng với mình, nên cái sự lão hóa chậm đến với anh hơn. Anh bảo, từ ngày về hưu, việc chính là “bơi lội” trong kho tàng chữ Nôm Tày, vừa là trở về cội nguồn dân tộc của mình, vừa là truyền lại cho con cháu những gì mình cảm nhận được.

Sinh năm 1948 tại xã Kim Hỷ, huyện Nà Rì, tỉnh Bắc Kạn, một nơi vùng sâu, vùng xa, từ nhà đến trường cấp I - II phải đi bộ hơn 20 cây số đường rừng, trèo đèo lội suối, anh là học sinh duy nhất của tỉnh năm đó (1967) được tuyển vào học lớp Văn (Khoa Ngữ văn) trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Hồi đó, trong giới sinh viên lưu truyền câu “quỷ Bách Khoa, ma Tổng hợp”, ý chê nhan sắc sinh viên hai trường này xấu, không ai quấy rầy, thành thử thời gian chỉ dành cho việc học, nên mới giỏi giang hơn người. Chuyện vui vậy thôi, chứ trường này đâu thiếu nam thanh nữ tú, anh Tước là một trong số đó.

Ra trường, anh nhận công tác tại Nhà Xuất bản Dân tộc (Khu Tự trị Việt Bắc). Dù là “lính mới” nhưng anh được Ban lãnh đạo Nhà Xuất bản tin tưởng giao cho thẩm định, tham mưu một cuốn sách đang có nguy cơ bị đình bản. Với bản lĩnh của biên tập viên, anh đã phân tích, bảo vệ cuốn sách được phát hành bình thường.

Năm 1976, Khu Tự trị Việt Bắc giải thể, anh chuyển về làm việc tại Nhà Xuất bản Văn hóa Dân tộc Hà Nội. Anh kể: 5 năm ăn cơm thủ đô nhưng không quen nổi cuộc sống chen chúc ồn ào, lại thêm nhớ vợ con, tôi bèn viết một cái thư tay gửi qua đường bưu điện cho ông Trưởng Phòng Tổ chức Ty Văn hóa Thông tin Bắc Thái, trình bày nguyện vọng xin về Ty công tác. Một tuần sau tôi nhận được quyết định tiếp nhận (cũng gửi theo đường Bưu điện).

Nhưng cuộc sống tiếp tục dịch chuyển, chỉ làm ở Ty Văn hóa Thông tin 3 năm, anh chuyển sang làm phóng viên, biên tập viên Đài Phát thanh Bắc Thái, rồi giữ vị trí Phó trưởng Ban Biên tập kiêm Trưởng phòng Tiếng dân tộc và Trưởng phòng Văn nghệ. Điểm dừng chân cuối cùng của anh là Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. 20 năm, anh Tước đã tham gia những sự kiện quan trọng của Hội: Là một trong những thành viên Ban Vận động thành lập Hội và cũng là một trong những cán bộ đầu tiên khi Hội chính thức ra đời. Những ngày tay lăm lăm “thước văn, thước thơ” cùng họa sĩ trình bày báo Thế Hòa, Vương Hạnh làm nên tờ Văn nghệ Bắc Thái; những ngày rong ruổi Hà Nội xin Giấy phép xuất bản Báo Văn nghệ; những ngày nghèo khó đầm ấm trong mái nhà Văn nghệ khi mới thành lập vẫn sống trong trí nhớ của anh. 20 năm gắn bó với Hội, anh Nông Phúc Tước đã tham gia Ban Chấp hành 2 khóa và 15 năm liên tục là Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Dân gian.

2- “Đời trôi nhanh em đừng đi chậm quá/ Ngước mắt lên đã thấy tuổi già”. Câu thơ của ai đó tự dưng vang trong đầu tôi. Như người ngồi trước mặt tôi đây, thoắt đã 10 năm cầm sổ hưu. Đời sẽ là bao lần ngước mắt?

Về hưu, với ông Nông Phúc Tước là một ngả rẽ khác, có phần sôi động hơn, thú vị hơn, tuy vẫn lặng thầm như bản tính và đặc điểm công việc hàng ngày của ông.

Vào nhà trong lấy ra cho tôi xem những cuốn sách viết tay bằng mực Nho trên giấy bản, ông Tước bảo: Niềm vui mấy chục năm qua của tôi đấy.

Tôi trố mắt nhìn những cuốn sách tuổi đời hàng trăm năm, giấy mỏng tang, chỗ rách chỗ lành, chi chít chữ Hán.

Cẩm một cuốn lên rồi thận trọng lật giở từng trang, ông Tước chậm rãi: Đây là Sách của các bậc trí thức người Tày (không rõ tên) chép chương then “Khảm hải” trong hệ thống then Tày - Nùng. Chữ viết trong sách này là Nôm Tày, một kiểu chữ riêng của người Tày, được kế tục và phát triển từ chữ Hán, tuân thủ trình tự, cách thức triết tự chữ Hán. Chữ Nôm Tày của dân tộc Tày tỉnh Bắc Kạn vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Ông Tước không giấu niềm tự hào ánh lên trong mắt: “Tôi có thể “vỗ ngực” khoe mình là một trong những người giỏi tiếng Tày nhất vùng hiện nay. Bởi từ những ngày làm biên tập viên nhà xuất bản, tôi đã tiếp xúc với các loại tiếng Tày. Hơn nữa, tôi là một trong những người hiếm hoi biết tiếng Nôm Tày. Tôi đến với chữ Nôm Tày như một cơ duyên. Thời gian làm biên tập sách ở Nhà Xuất bản Dân tộc Việt Bắc tôi đã mày mò tự học chữ Nôm Tày. Không trường lớp, không thầy dạy, tôi chỉ dựa vào các trí thức người Tày, nhờ họ chỉ bảo trong mỗi dịp gặp gỡ. Kiên trì mấy chục năm như thế, đến nay lượng từ vựng Nôm Tày của tôi cũng kha khá, nói giỏi thì chưa nhưng đọc cũng tàm tạm. Nhà báo có thấy hay không? Một mình một cõi, không “đụng hàng” ai, tha hồ vẫy vùng”…

Có trong tay chiếc chìa khóa chữ Nôm Tày, ông Tước dễ dàng mở cửa kho tàng văn học đồ sộ của dân tộc mình. Đó là những truyện thơ, văn bản then, phong slư…do các trí thức người dân tộc dùng chữ Hán để ghi theo tiếng Tày. Những tài liệu quý này ông có được nhờ các chuyến điền dã hàng tháng trời trong các bản làng của Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang. Mang về, đọc, dịch ra tiếng phổ thông, chuyển thể thành thơ, đó là niềm vui từ ngày nghỉ hưu của ông. Được Hội Văn nghệ Dân gian tài trợ, khuyến khích, ông đã xuất bản 7 cuốn sách và hoàn chỉnh nhiều tập bản thảo. Đó là các tập: Then Bách hoa bách điểu, Tần Chu, Lưu Tương, Trương Hản (truyện thơ dân gian Tày)…

Cầm lên cuốn “Trương Hản”, ông Tước kể ngọn nguồn: Một lần mở “choóng” sách của bố để lại, tôi đã “vớ” được tập truyện thơ này, viết bằng chữ Nôm Tày. Lúc đó (năm 2000), trình độ chữ Nôm Tày của tôi còn hạn chế, nên tôi đã nhờ bác họ tôi là Bế Sỹ Uông, nguyên cán bộ ngành văn hóa lâu năm, rất giỏi về chữ Nôm Tày giúp đỡ. Truyện thơ “Trương Hản” này cũng như những truyện thơ dân gian khác trong kho tàng truyện thơ dân gian Tày nhằm giáo dục con người sống phải nhân đức, ở hiền sẽ gặp may, ở ác sẽ bị trời trừng phạt. Thấy truyện mang tính giáo dục nhân cách tốt nên tôi chuyển ngữ sang tiếng Việt theo thể thơ thất ngôn trường thiên như nguyên bản để giới thiệu rộng rãi. Tác phẩm này đã được trao giải thưởng văn học nghệ thuật của tỉnh năm 2012.

Khác với Trương Hản, truyện Lưu Tương được ông tuyển chọn và hoàn thiện từ hai bản chữ Nôm Tày (ở Chợ Đồn và Nà Rì, tỉnh Bắc Kạn), ông Tước dịch ra tiếng Việt để xuất bản năm 2013. Bố cục của “Lưu Tương” có điểm đặc biệt là thêm chương “Mở lời” (có thể do giao thoa với nền văn học hiện đại), đặc biệt hơn là Lưu Tương, nhân vật chính của truyện là con cầu tự, một hình tượng ít gặp trong truyện thơ dân gian Tày.

Nghe ông Tước say sưa nói về những đứa con tinh thần yêu quý, tôi hỏi vui: Ông sẽ làm gì nếu nguồn sách Nôm Tày mai này không còn nữa? Ông Tước tự tin: Sách quý rất nhiều trong nhà mỗi người dân, chỉ lo không đủ sức. Năm 2017, tôi sẽ hoàn thiện truyện thơ Kim Quế và dành thời gian thích đáng đến các bản làng sưu tầm kho báu văn học dân tộc mình, tiếp tục công việc tôi yêu thích bấy lâu nay.

Miệt mài sưu tầm, nghiên cứu, ba tấm Huy chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam trao tặng; cùng bốn giải thưởng của Hội Văn nghệ Dân gian và nhiều giải thưởng khác của Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu sổ Việt Nam. Đây là những ghi nhận xứng đáng dành cho con người bấy nay lặng thầm truyền bá nền văn học Tày đến bạn đọc, cũng là một cách tri ân nguồn cội của ông Nông Phúc Tước.

Minh Hằng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Thương nhớ nhà thơ Hà Đức Toàn

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Thơ Đàm Thế Du

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Lặng lẽ và viết

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Nhà văn Phạm Đức – Bạn tôi

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước