Thứ năm, ngày 02 tháng 05 năm 2024
05:19 (GMT +7)

Người con của Núi Văn - Núi Võ

(Nhớ nhà thơ Hà Đức Toàn)

Năm 1970, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi lên công tác tại Sở Giáo dục Khu Tự trị Việt Bắc. (Ngày ấy miền Bắc XHCN có hai Khu Tự trị được thành lập sau 1954, là Khu Tự trị Tây Bắc, còn gọi là Khu Tự trị Thái Mèo, gồm các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Nghĩa Lộ, Yên Bái, thủ phủ đặt tại Sơn La; và Khu Tự trị Việt Bắc, còn gọi là Khu Tự trị Tày Nùng, gồm Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, thủ phủ đặt tại Thái Nguyên). Cơ quan  Sở Giáo dục sơ tán ở một xóm um tùm tre pheo thuộc Hóa Trung, gần con đường nối giữa đường 1B và đường số 3, qua cầu treo Sơn Cẩm. Cơ quan chừng bốn chục người, sống tập thể trong những nếp nhà lá cọ dựng tạm, chung bếp ăn tập thể, vui như thời kháng chiến.

Cố nhà thơ Hà Đức Toàn
Cố nhà thơ Hà Đức Toàn

 

Buổi sinh hoạt cơ quan đầu tiên, khi mọi người giới thiệu với tôi thầy giáo Hà Đức Toàn, thuộc tổ Biên soạn sách giáo khoa tiếng Việt và tiếng Tày Nùng, người từng đoạt giải Ba Cuộc vận động viết về “Thầy giáo và nhà trường” của Báo Người giáo viên Nhân dân (Báo Giáo dục và Thời đại ngày nay), năm 1961, với bài thơ “Nên nói nên chưa?”, thì tôi kính nể vô cùng. Vậy là tôi đã có một người thầy, một người anh đi trước trên con đường văn nghiệp. Bởi tôi chỉ là một anh giáo viên Địa lý, mê văn chương và từ hồi cấp hai đã tập tành sáng tác.

Năm 1963, báo Văn Nghệ mở cuộc thi thơ, chưa lên Thái Nguyên bao giờ, mà tôi đã làm thơ gửi dự thi: “Con tàu trở mình rú còi inh ỏi/ Đưa tôi lên thành phố thép tương lai/ Trời Tổ quốc hôm nay sao sáng chói/ Rộn rã lòng tôi tiếng gọi ngày mai…”. Thơ đã vận vào người. Bảy năm sau tôi được lên Thái Nguyên. Mơ ước cháy bỏng của tôi hồi tốt nghiệp phổ thông, là được vào khoa Văn Đại học Tổng hợp, hay chí ít cũng Đại học Sư phạm. Thời ấy, chúng tôi vào Đại học không phải thi mà xét lý lịch. Hồi cải cách ruộng đất, thầy tôi bị quy địa chủ, Quốc dân đảng, tôi được vào học khoa Địa lý Đại học Sư phạm Hà Nội là chiếu cố lắm rồi(!)

Thầy giáo Hà Đức Toàn, thuộc tuýp người của thơ ca. Anh hấp dẫn tôi bởi tính tình xởi lởi, chan hòa, bởi gương mặt phúc hậu, cách nói bộc trực, hơi lắp bắp khi xúc động. Có một đặc tính của anh Toàn, sau lan truyền khắp các cơ quan Khu Tự trị, là anh không biết ăn thịt. Các buổi liên hoan, anh đều có một suất riêng: rau quả, đậu phụ và cá. Tưởng đó là một phẩm chất bắt buộc của nhà thơ, tôi định bắt chước. Nhưng sau khi được in bài thơ đầu tay trên tạp chí Văn nghệ Việt Bắc, năm 1971, tôi nhận ra rằng thơ không liên quan gì đến ăn thịt hay ăn cá, nên bỏ ý định bắt chước Hà Đức Toàn.

Bài thơ đầu tay “Cầu ngầm cầu treo”, viết từ cảm hứng cầu treo Sơn Cẩm, có công tiến cử của Hà Đức Toàn, Hoàng Vượng và Nguyễn Xuân Nhân…, những nhà thơ của Sở. Các anh là cộng tác viên thân thiết của Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc, một tạp chí văn nghệ địa phương hàng đầu cả nước hồi bấy giờ, tập hợp nhiều nhà văn nhà thơ tên tuổi như Bàn Tài Đoàn, Nông Minh Châu, Nông Viết Toại, Lạc Dương, Bế Dôn, Hoàng Triều Ân, Mã Thế Vinh, Vi Thị Kim Bình, Hoàng Thể, Ma Trường Nguyên, Vi Hồng, Xuân Cang, Trịnh Thanh Sơn, Nguyễn Bùi Vợi, Phù Ninh, Đinh Công Diệp, Gia Dũng, Trần Văn Loa, Hồ Thủy Giang v.v.. Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc sơ tán gần Sở Giáo dục, anh Hà Đức Toàn rủ tôi sang chơi. Tôi mạnh dạn gửi bài. Thế là đứa con tinh thần mở đầu một đời văn với những câu thơ viết từ nơi sơ tán ra đời: “Đi giữa cầu ngầm như đi trong lòng suối/ Đi trên cầu treo như đi giữa trời mây/ Hai nhịp cầu như hai cánh tay/ Nối lại gần những miền đất nước…”.

Tiếp đó tôi thường xuyên có bài in trên Văn nghệ Việt Bắc, và trở thành bạn văn của Hà Đức Toàn. Những buổi tối, chụm nhau quanh bếp lửa, có chè Thái Nguyên vàng sánh, sắn nướng, khoai lùi và đôi khi một chai rượu của Hoàng Thái mang từ Bắc Sơn, của Mạc Ích Ló từ Trùng Khánh, của Hoàng Vượng từ Phú Bình, của Hà Đức Toàn từ  Đại Từ… chúng tôi hay kể chuyện “Việt Bắc boong hây” (Việt Bắc chúng ta). Tôi mường tượng ra quê Hà Đức Toàn dưới chân Tam Đảo, với những bãi mía, nương chè, rừng trẩu, nơi đã nuôi dưỡng hồn thơ anh để sau này anh trình làng ba tập thơ “Đêm trăng nhà sàn”(1988), “Thuở cho yêu” (1991), “Ly rượu mắt mình” (1996) và những bài bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết… thấm đẫm hơi thở vùng chiến khu Việt Bắc.

Anh thường hay kể về núi Văn, núi Võ, hai quả núi có hình dáng như hai chiếc mũ cánh chuồn của quan văn và mũ chiến của quan võ. Đó là huyền thoại và truyền thuyết về vùng đất dưới chân núi Tam Đảo, quê hương của người anh hùng Lưu Nhân Chú, một đại tướng của Lê Lợi, chiến công lừng lẫy, chủ soái của trận đại thắng Chi Lăng, chém đầu Liễu Thăng, góp công lớn đánh tan giặc Minh. Buồn thay, sau khúc khải hoàn ca chiến thắng, Lưu Nhân Chú cũng cùng chung số phận với Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo và bao đại tướng trung thần khác, đã bị thất sủng và bị các thế lực đen tối hãm hại... Hà Đức Toàn bảo, anh mơ ước có ngày đủ bút lực để dựng lại chân dung người anh hùng, mà lịch sử còn nhiều khuất lấp ấy. Tôi tin, nếu không gặp bệnh tật hiểm nghèo hơn chục năm trời, Hà Đức Toàn sẽ không những chỉ hoàn thành tiểu thuyết “Ba ông đầu rau” (in năm 1999) – một tiểu thuyết lịch sử tái hiện lại cuộc đấu tranh chống Pháp của nhân dân Đại Từ, Thái Nguyên, mà cha anh, Đội phó Đội du kích Cao Sơn, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Đại Từ, là nguyên mẫu, sẽ đủ thời gian và tâm huyết hoàn thành mơ ước đời văn của mình.

Có một kỷ niệm ngoài văn chương. Ấy là sau 1975, các cơ quan đã trở về thành phố. Tôi yêu một cô gái khoa Văn Đại học Sư phạm Việt Bắc và quyết lấy làm vợ. Chuyện yêu đương ly kỳ đầy chất tiểu thuyết, bởi nàng là con ông Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang. Bởi nàng có bà mẹ kế yêu con gái chồng nhưng rất “Maoits”. Vẫn là vấn đề lý lịch. Bố mẹ vợ tương lai của tôi không đồng ý làm thông gia với bố tôi, người từng bị thành phần địa chủ. (Sau này tôi được biết, còn có một lý do khác: con trai ông Bí thư Tỉnh ủy đang muốn làm nhân vật Thủy Tinh trong cuộc kén rể này).

Dù bị gàn quải, cản phá, mà vẫn quyết tâm tiến tới hôn nhân, thì hoặc là chúng tôi bị thần kinh, hoặc là tình yêu đủ mãnh liệt để vượt qua tất cả. Mùa hè năm 1974, trước khi nàng tốt nghiệp ra trường, tôi quyết định làm một cuộc ngược sông Lô, hệt như Thủy Thần, quyết đến gặp Vua Hùng để xin cưới Mị Nương làm vợ. Chuyến đi thất bại ê chề. Cả hai bố mẹ nàng đều quyết không gả con gái cho tôi. Nhưng nàng thì lại như thiêu thân, hơn cả Thúy Kiều ngày xưa “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”, càng bị giam cầm trong bóng tối, càng lao đến ngọn đèn, là tôi. Chuyến đi ấy, tôi viết bài thơ “Mùa thu thị xã” in trên Văn nghệ Việt Bắc, được Hà Đức Toàn khen là bài thơ tình hay nhất của nền văn nghệ Khu tự trị. “Lọt giữa một vùng núi đá lô xô/ Thị xã nhìn lên khoảng trời ngợp nắng/ Sông Lô chảy giữa hai bờ dốc đứng/ Vẫn hiền lành màu đất phù sa…”.

Chúng tôi quyết định tiến tới hôn nhân, mặc dù gia đình nhà gái không đồng ý. Nhưng rồi một lá thư của ông Phó Chủ tịch tỉnh gửi ông Giám đốc Sở Giáo dục Khu Việt Bắc, đồng kính gửi giáo sư  Hoàng Nhân, Chủ nhiệm khoa Văn Đại học Sư phạm, đề nghị can thiệp ngăn cản bằng được cuộc hôn nhân của chúng tôi. Tất nhiên người ta phải đứng về phía quyền thế. Đám cưới đã được ấn định tại hội trường Sở Giáo dục, hai trăm thiếp mời viết tay công phu và nghệ thuật, có dán ảnh cặp uyên ương ở góc, đã được Nguyễn Thành Luận thầy giáo dạy Lương Ngọc Quyến, bạn thân của tôi, kỳ công chế tác suốt tháng trời, được gửi đi. Tính sao đây? Anh Hà Đức Toàn hồi ấy là Chi ủy viên, Chủ tịch Công đoàn cơ quan, liền đứng ra can thiệp, kiên quyết bênh vực chúng tôi theo Luật hôn nhân gia đình. Một “cuộc chiến” thực sự giữa quyền lực và luật pháp.

Lúc này mới thấy phẩm chất một kẻ sỹ trước ngang trái thế tục, trước cường quyền. Chỉ mỗi việc tôi lấy vợ mà họp lên họp xuống, chi bộ, công đoàn, chi đoàn đấu tranh quyết liệt. Cuối cùng, anh Hà Đức Toàn gặp tôi, thở dài đánh thượt và bảo: “Thôi, giời không chịu đất, thì đất phải chịu giời. Bọn chúng mình chỉ là con sâu cái kiến. Công đoàn và đoàn thanh niên chúng tao ủng hộ mày, nhưng người ta cũng ủng hộ nhau. Mày có chân trong Ban Chấp hành Khu Đoàn Khu Tự trị Việt Bắc, nhưng lại là cán bộ của Sở Giáo dục, chịu trong khuôn phép cơ quan. Ông Giám đốc trót hứa với ông Phó Chủ tịch tỉnh rồi, không thể lật kèo. Bây giờ Công đoàn sẽ cấp giấy giới thiệu cho hai đứa đi đăng ký. Chúng mày mang nhau về quê mà tổ chức. Đừng làm ông Giám đốc mất mặt. Biện pháp này ổn cho cả hai bên...”.

Nhà thơ Hà Đức Toàn (thứ tư từ trái sang) và các đồng nghiệp trong một chuyến đi thực tế năm 1995
Nhà thơ Hà Đức Toàn (thứ tư từ trái sang) và các đồng nghiệp trong một chuyến đi thực tế năm 1995

 

Đầu tôi muốn nổ tung. Tôi không thể mang nàng về quê cưới mà không có họ nhà gái, không được sự ưng thuận của bố mẹ nàng. Đành nghe theo lời anh Hà Đức Toàn, đành thôi ý định đưa đơn kiện ra tòa và lặng lẽ tổ chức một lễ cưới tối giản, không có chủ hôn, không có rước dâu, trao nhẫn, không có quan viên hai họ… Thực ra đó chỉ là một cuộc gặp mặt giữa hai chúng tôi và mấy người bạn thân, trong đó có nhà thơ Hà Đức Toàn… tại căn phòng tranh nứa, nơi tôi ở. “Lễ cưới” ấy, có hai người bạn gái Thu, Bình, bạn học từ thời cấp một của cô dâu. Thu rút chiếc nhẫn vàng trên tay, vừa khóc thương bạn vừa đeo vào ngón áp út cô dâu; còn Bình, ca sỹ hoa khôi năm thứ tư khoa Văn Đại học Sư phạm Việt Bắc thì ào đến chúng tôi trao một bó hồng nhung tuyệt đẹp và hát tặng bài  “Trở về Surriento”.

Không ngờ nàng ca sỹ trong ngày cưới đó, mười lăm năm sau, lại thế chỗ người bạn gái của mình, để gắn bó với cuộc đời tôi…

***

Tôi ở Thái Nguyên đúng “bảy năm gian khổ” mà lãng mạn, ân tình. Năm 1977, sau khi Khu Tự trị Việt Bắc giải thể, tôi về làm phóng viên báo Người giáo viên Nhân Dân, anh Hà Đức Toàn lại trở về nghề dạy học. Xa anh, nhưng mỗi lần gặp, dù ở cương vị một thầy giáo trường Sư phạm, một trưởng phòng giáo dục, rồi phó Chủ tịch huyện Đaị Từ, Chủ tịch Hội Văn nghệ Thái Nguyên… Hà Đức Toàn vẫn một cốt cách nhà giáo, nhà thơ, mộc mạc mà gần gũi, đôn hậu mà chân tình.

Một lần, vào năm 1987, khi anh Hà Đức Toàn đang làm “quan”, Phó Chủ tịch huyện Đại Từ, có lời rủ tôi với phó tiến sỹ Vũ Nho về quê chơi. Vũ Nho hồi ấy đang là cán bộ giảng dạy Đại học Sư phạm Việt Bắc. Chúng tôi cưỡi xe đạp từ Thái Nguyên lên Đại Từ, đạp bở hơi tai bốn năm chục cây số, dọc đường ghé thăm nhà văn kiêm thầy giáo Hồ Thủy Giang, rồi lên Ký Phú, Cát Nê. Lâu lắm mới có một chuyến ngao du sơn thủy hữu tình. Miền quê Cát Nê dưới chân Tam Đảo thật đẹp. Những cánh rừng nối một triền xanh từ lưng chừng Tam Đảo xuống thung lũng sông Công. Những vạt ruộng nhấp nhô uốn lượn theo triền dốc.

Nhà ông Phó Chủ tịch huyện nằm bên một con suối, tường xây, mái ngói năm gian khiêm tốn như nhà một trung nông bình thường. Trước nhà, là một dòng suối mùa lũ mở lòng cuồn cuộn, mùa khô trong vắt, róc rách như tiếng nhạc. Đến trước nhà, suối bỗng gặp một khối đá ngầm, ngoặt dòng, tạo thành một đầm nước sâu, trong vắt,  gọi là Vực Ma. Vực Ma nước sâu ngang cổ, trong xanh tới đáy, sáng sớm và hoàng hôn ảo mờ sương khói. Mùa hè nóng bức, làm việc mệt mỏi, dầm mình trong Vực Ma khác nào tắm trong một bể lạnh khổng lồ. Tôi và ông phó tiến sỹ trút quần áo, ào xuống vực tìm ma. Trời ơi, hơn cả thiên đường. Hơi mát thấm tận tim phổi. Khói hơi nước mờ mịt như cõi Bồng Lai. Thảo nào ông Hà Đức Toàn có máu thơ từ hồi chưa biết chữ. Tôi bỗng nhớ những câu thơ đầy ám ảnh của Hà Đức Toàn: “Núi sương đẫm cả mặt hồ/ Thuyền ai một lá như mưa chập chờn/ Dập dềnh bọt nước cô đơn/ Thuyền bơi chở nặng nỗi buồn vào sương…”.

Đêm ấy chúng tôi ngồi uống trăng, uống rượu với vịt bầu vùng chân Tam Đảo, béo ngậy và thơm ngọt thứ thịt vịt pha lẫn chất của ngỗng trời, le le vùng đầm lầy chân núi. Uống rượu, đọc thơ, ngắm bóng núi và cùng lăn quay ngủ một giấc đằm sâu cho tới sáng bạch.

Khi chúng tôi tỉnh dậy, mặt trời đã chói lòa ngọn núi trước mặt. Nhà vắng không bóng người. Lũ trẻ đi học, còn hai vợ chồng ông Phó Chủ tịch bỏ khách đi đâu? Đang ngơ ngác nhìn quanh thì thấy một anh nông dân quần lửng, vai khoác bừa, dong trâu vào ngõ. Theo sau là chị vợ gánh hai sọt mạ. Thì ra trong khi hai vị khách ngủ chỏng vó, hai vợ chồng ông Phó Chủ tịch huyện đã tranh thủ ra đồng bừa ngả và cấy hơn sào ruộng khoán. Chị Toàn trách chúng tôi sao không ngủ tiếp cho khỏe, rồi đon đả bưng ra một mâm xôi nếp thịt gà thơm lừng, làm bụng chúng tôi bỗng sôi réo liên hồi. Tôi biết, đã bao nhiêu năm như thế, vào những ngày nghỉ, ngày Chủ nhật, Hà Đức Toàn thường đạp xe một mạch mấy chục cây số, từ thành phố Thái Nguyên, từ thị trấn Đại Từ về làng để giúp vợ cày xới gieo trồng trên mảnh đất quê, nuôi sáu đứa con trứng gà trứng vịt ăn học. Trong bút ký “Làng giáo có gì vui?”, in trên báo Văn Nghệ năm 1987, câu định nghĩa về nghề thầy những năm gian khổ ấy: “Thầy giáo là người nông dân có nghề phụ là nghề dạy học”, chính là nhờ thầy giáo Hà Đức Toàn đã cho tôi phát hiện đó.

Chuyến đi Cát Nê ấy, sau này đã cho tôi những trang viết tâm đắc nhất trong tiểu thuyết “Thời của Thánh Thần”. Tôi viết về sông Công, về nông trường Quan Chi (nguyên mẫu là Quân Chu), về chiến khu ATK thời kháng chiến chín năm. Tôi bê nguyên xi câu chuyện ông chú họ của Hà Đức Toàn, một nông dân một đời làm lụng vất vả gây dựng được một đàn trâu, bán lấy tiền cất giữ trong hòm lúa. Năm 1986, đổi tiền, bảy con trâu thành đống giấy, không mua nổi bảy con gà (!).

Cát Nê, Đại Từ, nôi sinh của nhà thơ Hà Đức Toàn, không chỉ cho ông cốt cách, tâm hồn Thơ, cho ông một vùng quê tiểu thuyết, mà còn bù đắp cho cả đời văn của tôi nữa.

Hoàng Minh Tường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục