Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
09:50 (GMT +7)

Nghệ thuật tranh ghép vải

VNTN - Là một mảnh ghép trong bức tranh toàn cảnh của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Tuy sinh sau đẻ muộn nhưng tranh ghép vải cũng đã tiếp thu được những tinh hoa của mỹ thuật Việt Nam với cả hai dòng tranh dân gian và hiện đại. Trên thế giới, tranh ghép vải xuất hiện ở nhiều nơi, thuộc các vùng văn hóa và địa lý khác nhau nên rất phong phú và đa dạng. Ở Việt Nam, dòng tranh này cũng tạo được những dấu ấn riêng đặc sắc.


Có thể khẳng định rằng sự ra đời của tranh ghép vải gắn liền với trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Năm 1949, Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp được thành lập với tên trường là “Quốc gia Mỹ nghệ” gồm bốn chuyên ngành đào tạo chính là sơn mài, chạm kim, mộc và trang trí dệt. Cùng với quá trình phát triển của nhà trường, ngành trang trí dệt có những sự thay đổi rõ rệt khi mở rộng giảng dạy thêm nhiều môn, ngoài dệt thảm len còn có dệt thổ cẩm, vải hoa, tranh chất liệu tổng hợp, tranh ghép vải.

Tác phẩm “Hoa mẫu đơn” của Lưu Thanh Hà

Tranh ghép vải có những đặc điểm nghệ thuật riêng biệt, độc đáo so với những dòng tranh khác ở chất liệu và kỹ thuật thể hiện. Chất liệu vải có những đặc tính riêng như mềm mại, có ganh, mầu sắc phong phú, đa dạng về chủng loại. Kỹ thuật thể hiện tranh ghép vải có những nét đặc trưng riêng, khác biệt; người hoạ sĩ khi sáng tác dòng tranh này thường sử dụng các kỹ thuật chính là cắt - ghép - thêu hoặc cắt - dán. Vì thế tranh ghép vải được chia theo hai loại ứng với các kỹ thuật thể hiện là tranh ghép vải chất liệu và tranh dán vải. Cũng như các dòng tranh hội họa khác, tranh ghép vải có đầy đủ các yếu tố tạo hình cơ bản như đường nét, mảng khối, không gian, màu sắc…

Tranh ghép vải chất liệu là thể loại tranh yêu cầu kết hợp nhiều kỹ thuật với nhau như cắt, đính, thêu, se sợi. Trong quá trình thể hiện, để che lấp những đường viền giữa các lớp vải thô sơ, các họa sĩ sử dụng kỹ thuật thêu bao viền bằng len. Bên cạnh đó, để dung hòa được yếu tố chính - phụ, mảng lớn - nhỏ, và tạo sự đa dạng về màu sắc, họa sĩ kết hợp cả yếu tố thêu cùng với ghép vải và thường là kỹ thuật thêu bạt. Vải sử dụng trong tranh thường là những loại vải dày dặn, trơn màu, phù hợp khi kết hợp với thêu len. Ảnh hưởng bởi kỹ thuật thể hiện, các họa sĩ tranh ghép vải chất liệu thường thể hiện đường nét và mảng khối theo hai phong cách là sử dụng đường nét làm yếu tố chính hoặc sử dụng mảng khối làm yếu tố chính trong việc thể hiện ý tưởng. Mỗi cách thức thể hiện đều có nét độc đáo riêng và dù chọn yếu tố nào làm chính thì vẫn cần yếu tố còn lại để bổ trợ.

Hạnh phúc

Ở tác phẩm “Mùa xuân”, họa sĩ Dương Kim Dung đã giản lược các họa tiết hoa lá, đưa về những hình dạng đơn giản, cơ bản như hình tròn, hình chữ nhật, đường lượn sóng, kết hợp kỹ thuật se những sợi len lại với nhau tạo thành những sợi to, nhỏ khác nhau rồi đính chúng lại theo những ý đồ đã định, kết hợp với những họa tiết nhỏ được thêu với những kỹ thuật như thêu xô chéo, thêu sa hạt, thêu lướt vặn, thêu nong mốt để tôn lên yếu tố đường nét làm chính. Tác phẩm “Hạnh phúc” lại sử dụng yếu tố mảng khối làm chính với hình ảnh hai chú ngựa thong dong trong một buổi chiều tà. Họa sĩ sử dụng những mảng lớn để tạo hình hai chú ngựa và sử dụng những yếu tố nhỏ để trang trí tạo điểm nhấn như bờm ngựa, yên ngựa, phần không gian nền được sử lý bằng những đường chuyển động nhẹ nhàng làm tôn lên hình ảnh chính. Ngoài kỹ thuật thêu bo viền và thêu bạt, họa sĩ còn sử dụng kỹ thuật se sợi cho những đường lượn sóng phần nền dưới, tạo độ tương phản.

Trong tranh ghép vải chất liệu, vì đặc thù của yếu tố kỹ thuật là thêu viền nên nó ảnh hưởng trực tiếp đến tạo hình tác phẩm. Không gian thể hiện trong các tranh ghép vải chất liệu thường là không gian ước lệ. Họa sĩ thể hiện xa gần bằng cách sắp xếp các hình ảnh đứng trước - sau, đậm - nhạt, to - nhỏ, tuy nhiên tất cả chỉ ở mức tương đối và phần hình đều có nét bao viền rõ ràng, không có tạo khối như trong không gian ba chiều.

Khác với tranh ghép vải chất liệu, các họa sĩ sáng tác tranh dán vải chỉ dùng kỹ thuật cắt và dán để thể hiện. Khi sáng tác loại tranh này, họa sĩ thường sử dụng các họa tiết hoa văn in sẵn ở trên vải để phục vụ cho việc thể hiện ý tưởng của mình. Các loại vải rất đa dạng nhưng thường là các loại vải mỏng, nhẹ và bay để khi dán chồng các lớp vải lên nhau đường viền vải không bị thô. Khi thể hiện tranh dán vải, người họa sĩ có thể lên ý tưởng trước cho tác phẩm, sau đó tìm vải phù hợp để thể hiện. Nhưng nhiều khi, trong quá trình tìm tòi, tiếp xúc với chất liệu thì ý tưởng lại được hình thành từ những hình in, màu sắc của vải mà cho ra đề tài, bố cục của tác phẩm. Hình in trên vải tùy theo ý đồ của tác giả mà cần hình in sắc nét hoặc có độ loang màu hoặc vải trơn.

Nếu trong tranh ghép vải chất liệu, phần đường nét và hình mảng có tầm quan trọng tương đương nhau thì trong tranh dán vải phần hình mảng lại nổi trội hơn hẳn. Với kỹ thuật thể hiện là dán các miếng vải với nhau, phần đường nét đơn thuần chỉ mang ý nghĩa là ranh giới phân tách các mảng. Họa sĩ khi thể hiện có khi còn làm lu mờ và gián đoạn phần ranh giới này tạo cảm giác các hình, mảng được hòa lẫn vào nhau.

Tác phẩm “Mùa xuân” của họa sĩ Dương Kim Dung

Bức tranh tĩnh vật “Hoa mẫu đơn” được họa sĩ Lưu Thanh Hà làm nổi bật yếu tố hình mảng. Tác phẩm thể hiện lọ hoa mẫu đơn bằng kỹ thuật dán vải. Phần nền được chia làm hai mảng sáng và tối. Phần mảng sáng phía trên là sự kết hợp giữa vải chiffon và voan in họa tiết, phần nền tối được kết hợp bằng những mảnh vải kaki, cotton, bò, thô, trơn mầu. Đây là một trong những tác phẩm được kết hợp nhiều loại vải nhất và họa sĩ còn tinh tế khi để lại những sợi vải xước để phá vỡ sự khô cứng của nét. Phần hình chính là hình ảnh lọ hoa đặt trên bàn được tác giả miêu tả tỉ mỉ. Nhìn có thể nhận ra ngay là chiếc bàn mây hay chiếc lọ hoa bằng gốm. Những cành hoa mẫu đơn được cắt dán chi tiết từ lá đến bông hoa li ti. Lá có chiếc đậm, chiếc nhạt, to nhỏ khác nhau, sử dụng chất liệu vải thô và những nhát cắt theo đường thẳng tạo cảm giác cứng cáp và dầy dặn. Phần hoa được cắt đến từng bông nhỏ, vải có chút bóng tạo sự mềm mại và tương phản với lá.

Trong các sáng tác của mình, họa sĩ Lưu Thanh Hà thường chọn cách gợi những điểm đặc trưng rồi sắp xếp hình và mảng, kết hợp với những đường cắt thẳng, tạo góc cạnh thể hiện sự mạnh mẽ, cá tính. Các mảng lớn nhỏ dưới sự sắp xếp còn tạo ra không gian cho tác phẩm. Họa sĩ không quá phụ thuộc vào các họa tiết in trên vải mà thường tạo hình trên vải. Do không bị giới hạn bởi đường nét viền bao quanh nên trong tranh dán vải họa sĩ có thể thoải mái sáng tạo với cả không gian ba chiều và không gian ước lệ.

Trong hội họa, màu sắc đóng vai trò đem lại cảm hứng cho cả người sáng tác và người thưởng thức. Màu sắc chẳng những biểu hiện trạng thái tình cảm của tác giả mà còn truyền tới người xem những ý vị của ngôn ngữ hội họa. Màu sắc trong tranh ghép vải chất liệu cũng như tranh dán vải rất đa dạng và phong phú. Mỗi họa sĩ thường chọn cho mình những gam màu khác nhau. Đây là do ảnh hưởng tính cách và sở thích của từng người. Trên thị trường, vải và len sợi rất phong phú về chất liệu và màu sắc, là nguồn nguyên liệu dồi dào để các họa sĩ sáng tác. Đặc trưng về màu sắc trong các tác phẩm tranh ghép vải chất liệu và tranh dán vải là các họa sĩ sử dụng những màu có sẵn từ vải, len, sắp đặt chúng cạnh nhau tạo ra sự hài hòa, uyển chuyển hoặc tương phản. Không như tranh sơn dầu hay bột màu được thoải mái pha trộn, sử dụng bút để đi màu tạo hiệu ứng, tranh ghép vải phải dùng các kỹ thuật đặc trưng với kim, kéo, vải, len, keo để thể hiện tác phẩm. Vì thế không thể tìm được sự linh động trong việc hòa trộn màu sắc hay vờn khối tạo chiều sâu, nhưng thay vào đó ta lại tìm được nét độc đáo trong cách sắp đặt màu sắc và nét mộc mạc của chất liệu vải khi đặt chúng cạnh nhau.

Qua việc kết hợp các kỹ thuật với chất liệu vải, các họa sĩ đã làm cho tác phẩm của mình phong phú, thể hiện được tính độc đáo chất liệu. Khi thưởng thức một tác phẩm ghép vải, ta tìm thấy sự độc đáo từ phương pháp tạo hình đến việc sử dụng chất liệu và các kỹ thuật thể hiện. Điểm đặc biệt ở tranh ghép vải là càng xem kỹ mới càng thấy rõ nét đẹp của nó, bởi có quan sát kỹ mới thấy được các kỹ thuật người họa sĩ thể hiện và vẻ đẹp của các chất liệu khi được kết hợp hài hòa với nhau.

Ở nước ta, tranh ghép vải là một dòng tranh mới nhưng đã gây được nhiều sự chú ý đối với công chúng vì chất lạ và tính ứng dụng cao. Các họa sĩ cũng đã có những thành tựu nhất định khi đạt được những giải cao trong các cuộc triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ Dương Kim Dung có tác phẩm “Nhịp sống” đoạt giải C triển lãm Khu vực I của Hội Mỹ thuật Việt Nam, giải Khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ nhất (2009)…; hoạ sĩ Nông Minh Tân cũng có nhiều tác phẩm đoạt giải tại các cuộc triển lãm khu vực.

Với những thành tựu bước đầu mà các họa sĩ đã đạt được, có thể thấy tranh ghép vải đã được công nhận là một trong những thể loại nghệ thuật tạo hình. Về bố cục, hòa sắc đã tương đương với hội họa. Tuy vậy tranh ghép vải vẫn chưa nhận được sự đánh giá đúng đắn về giá trị cũng như chưa tạo được nhiều sự hứng thú với các họa sĩ. Có lẽ do đặc thù trong cách thể hiện yêu cầu nhiều về kỹ thuật, độ tỉ mỉ, khéo tay và lại phụ thuộc vào chất liệu nên không có nhiều người theo đuổi dòng tranh này. So với số lượng các họa sĩ nghệ thuật tạo hình thì số họa sĩ làm tranh ghép vải rất ít. Muốn phát triển dòng tranh ghép vải, chúng ta cần có những giải pháp và định hướng đúng đắn về đào tạo, về ứng dụng thực tiễn và cách truyền thông các sản phẩm. Có như vậy thì tác phẩm mới đến được đông đảo công chúng và được đón nhận.

Thu Thủy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy