Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
11:45 (GMT +7)

Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khình: Chỉ mong Múa không phải sống “tầm gửi”

Cuối năm 2022, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khình đón niềm vui lớn. Ông vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho 2 tiết mục múa “Những bông đỏ của rừng” và “Những cô gái Phiêng Hào”.

Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khình

Tôi gọi cửa căn nhà số 12, tổ 11, phường Đồng Quang (TP. Thái Nguyên) khá lâu. Mấy người bán hàng gần nhà ông Khình bảo: Ông ấy có nhà đấy, nhưng cô phải gọi to nữa lên. Rồi tiếng kẹt cửa, nụ cười tươi cùng lời mời vồn vã. Tôi theo ông bước lên những bậc thang hẹp, qua vài khúc gấp ngoằn ngoèo, là đến “cơ ngơi” của ông. Bộ bàn ghế cũ, căn bếp cũ, bức tường cũ. Ông bảo: Nhà xây mấy chục năm rồi, từ hồi bà nhà tôi còn sống, rộng lắm, nhưng tôi chỉ quanh quẩn góc này thôi.

Ở tuổi gần 90, nhiều chuyện tôi gợi lại, ông Khình lắc đầu: Chả nhớ. Ảnh cũ, tài liệu ghi chép, băng hình tư liệu chú để đâu? Chả nhớ. Chú được bao nhiêu Bằng khen, Giấy khen? Chả nhớ... Nhưng nói về nghề múa, thì ông nhớ rõ từng mốc thời gian.

Năm 19 tuổi, ông trở thành diễn viên múa của Đoàn Ca múa Dân gian Việt Bắc và làm việc ở đấy cho đến khi về hưu. Ông cười vui kể: Tôi đóng vai cô gái Triều Tiên múa với ông Đỗ Minh suốt đấy (nhạc sĩ Đỗ Minh - Người sáng tác ca khúc Ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam). Tôi múa 9 năm thì được Đoàn cử đi học biên đạo. Từ đó, tôi dàn dựng và biên đạo múa dân gian.

200 tác phẩm của Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khình hầu hết phản ánh đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Ông bảo: Động đến múa dân gian là phải hết sức tôn trọng vốn văn hóa ông cha để lại. Muốn sáng tác về dân tộc nào, mình phải hiểu được tinh thần, tính cách, đời sống của dân tộc ấy, tốt nhất là được sống với họ một thời gian. Các bạn trẻ đừng thấy vài động tác hay, vài bộ quần áo màu sắc độc đáo là “lao” vào làm tác phẩm luôn thì khó thành công. Muốn hiểu thì phải đi, đến, ở và nghiên cứu về họ thôi. Tôi hay đi với anh Đoàn Long lên Lào Cai, hai anh em vào vùng đồng bào dân tộc Lự ở đó hàng tháng trời ấy chứ.

Nếu như năm 2001, ông Lê Khình được trao Giải thưởng Nhà nước cho hai tác phẩm: “Múa Kỳ Yên” và “Tổ khúc múa then”, thì năm 2022 này, ông vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho hai tác phẩm: “Những bông đỏ của rừng” và “Những cô gái Phiêng Hào”.

Bày tỏ cảm xúc của mình trước danh hiệu cao quý vừa nhận được, ông Lê Khình xúc động: “Tôi phải cảm ơn Đoàn Ca múa Dân gian Việt Bắc đã đem tác phẩm của tôi đi biểu diễn trong nước và nhiều nước trên thế giới. Hai tác phẩm ra đời đã vài chục năm rồi mà đến hôm nay vẫn được khán giả hoan nghênh. Tôi coi đó là niềm vinh dự, tự hào vì đã đóng góp chút thành quả cho nghệ thuật múa nước nhà”.

Tôi đã mở YouTube xem đi xem lại hai tác phẩm đặc biệt này. “Những bông đỏ của rừng” là điệu múa của các thiếu nữ dân tộc Pà Thẻn. Màu đỏ rực của váy, áo, mũ cùng động tác múa sinh động, âm nhạc huyền ảo thu hút tôi. Hai mươi thiếu nữ như những ngọn lửa rực rỡ reo vui ngợi ca cuộc sống lao động vất vả mà hạnh phúc. Dù không hiểu nhiều về âm nhạc và ngôn ngữ của đồng bào dân tộc Pà Thẻn, nhưng người xem (như tôi) vẫn được “lây” niềm hứng khởi rộn ràng từ công việc tra hạt, phát rẫy, tỉa ngô, dệt vải... tôi cảm nhận được từ ngôn ngữ múa.

Tôi cũng tìm đọc về bản Phiêng Hào - nơi 100% đồng bào dân tộc Lào sinh sống để hiểu thêm tác phẩm “Những cô gái Phiêng Hào” của ông. Phiêng Hào thuộc xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên tỉnh Lai Châu. Năm 2004, khi ông sáng tác “Những cô gái Phiêng Hào” thì địa điểm này là nơi cách biệt và sợ hãi với nhiều người. Bởi muốn vào Phiêng Hào phải vượt qua sông Nậm Mu có ba con thác dữ và lời đồn thủy quái hằng năm hiện lên bắt người. Tôi không rõ ông Lê Khình đã đi bằng thuyền độc mộc, mảng, hay bơi để vượt sông vào Phiêng Hào. Nhưng đặt được chân vào nơi ấy đủ thấy tình yêu của ông với văn hóa dân tộc thiểu số tha thiết đến thế nào. Tôi cũng không biết ông đã ở lại Phiêng Hào bao lâu để bắt được “hồn vía” của đồng bào, đưa vào tác phẩm. Đến hôm nay, bà con ở đây vẫn giữ nghề dệt truyền thống; tự may quần áo và thêu nhiều họa tiết hoa văn đẹp mắt lên trang phục. Đọc về Phiêng Hào rồi xem tác phẩm “Những cô gái Phiêng Hào” của Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khình, tôi như thấy một Phiêng Hào khác, ảo huyền, xinh đẹp mà rất sống động, hiện ra trên sân khấu. Tôi thầm nghĩ: Không biết trong kho văn hóa của đồng bào dân tộc Lào nơi đây có tác phẩm múa “Những cô gái Phiêng Hào” nức tiếng này không? Nếu không có thì quả là đáng tiếc.

Trò chuyện về sáng tác mới, ông Lê Khình vui vẻ nói với tôi: Năm 2021, cô Nguyễn Thúy Quỳnh (Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) động viên tôi hoàn thành một tác phẩm tôi ấp ủ lâu rồi, có tên là “Cô gái Mông se lanh”. Tác phẩm này tôi dựa vào những động tác lao động của người Mông và biến thành nghệ thuật múa. Nhưng tôi mắc Covid khá nặng, vào ra viện mấy lần, may mà “Cô gái Mông se lanh” vẫn ra mắt được khán giả trong chương trình biểu diễn nghệ thuật Hoa Núi tối 25/12/2022.

Thấy tôi nhắc đến một số tác phẩm múa dân gian nổi tiếng một thời của ông như “Vượt núi lên Điện Biên”, “Quân then vượt qua bờ cõi”, “Múa Kỳ Yên”… gần đây khán giả ít được xem, ông Khình tâm tư: Đó là những tác phẩm rất tốt, nhưng giờ hiếm đoàn dựng lắm, chúng tôi ít được mời cô ạ. Vì múa phải có diễn viên chuyên nghiệp, mà diễn viên thì hầu hết chuyển sang múa nghệ thuật đương đại cả rồi. Có nơi họ bảo tôi sáng tác múa đương đại đi, nhưng tôi chịu, tôi học dân gian truyền thống cơ mà. À mà cô hỏi tôi mong muốn điều gì ư? Thú thật với cô là bây giờ có mong cũng không được, có muốn cũng không được, vì mỗi thời mỗi khác. Xem lớp trẻ múa thấy lạ lắm. Nhiều khi họ phá vỡ ngôn ngữ của nghệ thuật múa, không còn là tác phẩm hoàn chỉnh của múa nữa; nhiều tạo hình “lạ”, không đúng phong tục, không đúng nguyên tắc. Rồi thì tiết mục múa lắm khi như cây tầm gửi sống nhờ, chủ yếu minh họa cho bài hát. Tôi cũng thấy buồn. Nhưng thôi, mỗi thời mỗi khác.

Tạm biệt ông, tôi bần thần nghĩ đến người đàn ông sống một mình trong căn nhà vắng lặng, gần khu chợ ồn ã bán mua. Người đàn ông ấy ở tuổi quá hiếm (đã đành), nhưng cũng là nghệ sĩ sáng tác và biên đạo múa dân gian dân tộc hiếm hoi còn lại ở Thái Nguyên đến thời điểm này.

NSND Lê Khình dân tộc Nùng, sinh năm 1934, nguyên là Phó trưởng Đoàn Ca múa dân gian Việt Bắc. Ông được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1988, NSND năm 1997, Giải thưởng Nhà nước năm 2001, Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2022.

 

Minh Hằng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Thương nhớ nhà thơ Hà Đức Toàn

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Thơ Đàm Thế Du

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Lặng lẽ và viết

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Nhà văn Phạm Đức – Bạn tôi

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước