Nghề làm ngói máng ở Quỳnh Sơn
VNTN - Những viên ngói máng (ngói âm dương) cấu tạo độc đáo được người xưa sáng tạo rất phù hợp với kiến trúc của những ngôi nhà sàn người Tày, Nùng miền núi phía Bắc. Và từ rất lâu người dân ở bản Quỳnh Sơn (Bắc Sơn, Lạng Sơn) luôn tự hào với nghề làm ngói máng của mình. Qua thời gian nghề làm ngói âm dương luôn được người dân nơi đây gìn giữ và phát triển.
Làng ngói Quỳnh Sơn nằm ngay con đường dẫn vào khu du lịch Quỳnh Sơn, cách Quốc lộ 1b khoảng 50m. Ở đây có khoảng 30 lò làm ngói thủ công. Người dân Quỳnh Sơn thường tranh thủ hết vụ mùa, từ tháng 8 cho đến ra xuân mới xoay sang làm ngói.
Mới đến đầu làng đã thấy không khí làm việc tất bật của những lò ngói với các công đoạn như: nhào đất, lọc đất, đóng ngói… Dọc đường dẫn vào làng ngói, từng chồng ngói đỏ nâu mới ra lò được các thợ ngói xếp ngay ngắn đợi khách đến mua. Nhìn những viên ngói nhỏ cong cong, mộc mạc ấy mấy ai hiểu để làm ra nó phải công phu và khéo léo như thế nào. Có chứng kiến từng công đoạn sản xuất ngói mới thấy hết công sức, sự chăm chỉ, tài hoa của người thợ ngói Quỳnh Sơn.
Để làm ngói công đoạn đầu tiên là nhào đất. Đất sẽ được nhào trộn kỹ, cho đến khi đất dính và ngấm đều nước. Muốn đất nhuyễn thì người thợ phải dẫm đất, đây có lẽ là công đoạn vất vả và tốn sức nhất (công việc này chủ yếu do đàn ông đảm nhiệm). Những đôi chân trần to bè của người thợ làm ngói cứ dẫm qua, dẫm lại trên cối đất đều đặn và cần mẫn. Dẫm đất như vậy vừa để lọc những viên đá và để chất sét, chất mùn và nhiều chất khác có trong đất được hòa quện. Vừa dẫm đất người thợ vừa thêm dần từng lượng nước nhỏ để sao cho đất không quá khô và cũng không quá ướt. Ở công đoạn này người thợ làm đất phải dẫm đến ba lần, lần đầu đất vẫn còn khô dẫm đến lần thứ ba khi thấy bàn chân trơn, mát mịn thì lúc đó khâu làm đất mới được hoàn thành. Ở khâu này người thợ cần chú ý nhất việc tưới nước. Nếu tưới nhiều nước đất sẽ nhão lâu nhuyễn, tưới nước đủ và đều đất và nước sẽ nhanh hòa quện, dính kết những thành phần có trong đất.
Đất sau khi nhào trộn sẽ được đánh thành cối và ủ khoảng hai đến ba ngày. Ủ đất như vậy cho đất vừa ngấu vừa róc bớt nước và tạo sự kết dính đều. Sau đó đất được thợ làm ngói chuyển vào trong lán và bắt đầu lọc sỏi đá. Ở khâu lọc sỏi, đất sẽ được đắp thành cối, những người phụ nữ làng ngói dùng cung tay (dụng cụ cắt đất) cắt đất thành những lát mỏng khoảng 1cm. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ chịu khó nên thường do phụ nữ đảm nhiệm. Việc cắt đất như vậy vừa để trộn đất đều đồng thời người thợ sẽ phát hiện, nhặt sạch và cũng lọc được ngay các tạp chất cùng những viên sỏi lẫn trong đó. Đất không lẫn tạp chất sẽ nhuyễn hơn để khi cho vào khuôn in ngói (đóng ngói) sẽ dễ dàng và đặc biệt là tránh cho ngói cong vênh nứt vỡ khi nung trong lò lửa.
Tiếp sau khâu lọc đất là đến khâu in ngói. Khâu này cũng thường là do nam giới làm bởi họ mới có đôi chân to, chắc khỏe để nện đất vào khuôn. Khi in ngói, người thợ lấy tro bếp được lọc mịn phủ đều khắp mặt trong của khuôn ngói. Tro bếp có tác dụng hút ẩm, tạo bề mặt nhẵn mịn và làm viên ngói róc, không bám vào khuôn. Mỗi khuôn ngói làm được hai viên ngói một lần. Người thợ sẽ lèn chặt đất vào khuôn rồi lại dùng chiếc cung tay để cắt phần đất thừa phía trên.
Ngói đã thành hình, phẳng phiu, vuông vắn, lúc này sẽ đến công đoạn khuôn ngói. Để viên ngói có hình cong thì những người thợ ngói Quỳnh Sơn sẽ tạo những mô đất khum nhẵn đều nhau. Những mô đất này là khuôn cốt để khi đưa những viên ngói mới đóng vào chúng sẽ uốn và có độ cong đều theo đường cong mô đất, khi phơi ngói các viên ngói sẽ được xếp chồng lên nhau. Lúc này tro bếp lại được sử dụng rắc lên bề mặt của viên ngói, để ngói xếp lên nhau nhưng không bị dính vào nhau.
Ngói âm dương rất mỏng, khi phơi không được phơi ngói ngoài trời để tránh ánh nắng gắt. Phải phơi ngói trong nhà nơi có nhiệt độ ổn định từ một đến hai tháng. Việc phơi ngói như vậy cũng đảm bảo ngói không biến đổi hình dạng do thời tiết. Công đoạn này cũng đòi hỏi người thợ phải thật khéo léo, nhẹ nhàng để tránh trường hợp ngói bị biến dạng, móp méo. Khi xếp khoảng mười viên ngói, người thợ ngói bắt đầu dùng bàn tấc (dụng cụ vỗ đất phẳng bằng gỗ) vỗ và vuốt vào các mép ngói làm cho viên ngói thẳng đều nhau khi phơi khô. Ngoài ngói âm dương người Quỳnh Sơn còn làm một loại ngói nữa để lợp nóc hoặc bó viền bờ mái nhà sàn gọi là ngói bò. Ngói bò to và dầy hơn ngói âm dương, làm ngói bò cũng đơn giản hơn ngói âm dương.
Sau khi những viên ngói đã khô một khâu quan trọng không kém là khâu nung ngói. Những viên ngói mộc sẽ được tắm trong lò lửa khoảng hơn mười ngày rồi ra lò thành ngói thành phẩm.
Ngói âm dương mỏng manh không chịu được nhiệt độ quá cao, khi nung không được dùng than như nung gạch vì nung như vậy viên ngói sẽ nứt vỡ hoặc cong vênh. Để viên ngói đạt chất lượng tốt, thợ ngói Quỳnh Sơn phải dùng củi nung liên tục trong khoảng mười đến mười hai ngày đêm (tùy thuộc vào khối lượng ngói nhiều hay ít). Những viên ngói được úp từng chồng, từng chồng lên nhau xong việc người thợ mới cho củi vào đốt. Ngói vào lò cũng là lúc những người dân, người thợ ngói quây quần vừa canh lửa lò ngói vừa rì rầm trà, rượu… Tuy vậy, khoảng thời gian này người thợ ngói có uống rượu cũng chỉ dùng dăm ba chén, tránh tình trạng say xỉn. Các nghệ nhân già ở Quỳnh Sơn chia sẻ, khâu đốt ngói là khâu quan trọng nhất. Ở khâu này những người thợ làm ngói phải thay phiên nhau canh lửa và người thợ phải luôn tỉnh táo để nhìn lửa và điều chỉnh nhiệt độ trong lò nung. Lửa non thì ngói sống, lửa già quá thì ngói vỡ hoặc cháy, để lò tắt lửa thì đốt lại rất tốn củi… Cứ thế những viên ngói sẽ được nung âm ỉ dưới lửa đến khi nào người thợ thấy hơi nước ở viên ngói không còn thì bắt đầu thêm củi đốt cho lửa mạnh hơn đến khi đủ thời gian thì viên ngói cũng chín đều. Sau khoảng mười ngày đắm trong lửa, viên ngói đã chín và sẽ ra lò. Nhìn màu ngói hồng rực, những người thợ ngói trong bản lúc này mới thở phào nhẹ nhõm.
Ở khâu ra lò, những người thợ làm ngói trong làng đều tập trung khiêng giúp ngói xếp ra ngoài ngay ngắn hoặc chất lên xe tải của khách đến mua hàng. Mỗi lò ngói được khoảng 4 vạn viên, giá trị khoảng 200 triệu đồng. Sau khi hoàn thành công việc người chủ lò ngói mới thịt gà, thịt lợn làm bữa cơm khao thợ…
Nghề làm ngói vất vả là thế nhưng những người thợ làm ngói vẫn luôn vui vẻ. Qua bao thế hệ, những người làm ngói Quỳnh Sơn vẫn gắn bó với nghề yêu nghề bởi nghề làm ngói không chỉ tăng thu nhập cho người dân mà nó như sợi dây tình cảm gắn bó tình làng nghĩa xóm.
Nhìn những ngôi nhà sàn với màu ngói thâm nâu, ẩn hiện giữa núi rừng tạo thành vẻ thâm u, nguyên sơ, ấm cúng chợt thấy rừng núi sao mà đẹp và gần gũi đến vậy. Trên từng mái nhà sàn, những viên ngói nhỏ cong mặt trụ áp đều vào nhau hàng sấp hàng ngửa, âm dương (ngói xếp ngửa gọi là hàng âm, xếp úp gọi là hàng dương) tưởng như chênh vênh mà lại rất chắc chắn. Ngói âm dương không sử dụng bất cứ loại chất kết dính công nghiệp nào, ấy vậy mà phẳng đều tăm tắp, trời mưa nước mưa cứ thế mà trôi tuồn tuột trên những rãnh nhỏ không hề bị hắt, ngấm.
Sản phẩm ngói âm dương ngày nay vẫn còn được nhiều khách hàng ưa chuộng. Theo đó nghề làm ngói máng được người dân Quỳnh Sơn giữ gìn và phát triển như một tài sản quý giá của tổ tiên truyền lại. Qua bao nắng mưa những người thợ làm ngói nơi đây vẫn miệt mài sản xuất loại ngói truyền thống góp phần làm nên diện mạo bao công trình kiến trúc văn hóa nổi tiếng trên mảnh đất xứ Lạng và khắp chiều dài đất nước. Làng ngói Quỳnh Sơn cũng như một điểm nhấn của tour du lịch sinh thái đầy hấp dẫn khi du khách tới tham quan, khám phá mảnh đất và con người xứ Lạng.
Quang Khải
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...