Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
03:30 (GMT +7)

Đôi điều về tượng đài nghệ thuật và văn hóa tâm linh

Vào dịp giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo vừa qua (tháng 8 Âm lịch), dư luận ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số trang mạng xã hội rộ lên ý kiến yêu cầu chính quyền thành phố phải đưa lư hương đặt trước tượng đài Trần Hưng Đạo về vị trí cũ ở quảng trường Mê Linh, trên bến Bạch Đằng. Tượng đài khánh thành năm 1967, được cho là công trình văn hóa gây ấn tượng đối với người dân Sài Gòn lúc bây giờ. Tượng cao 6 mét, thể hiện thần thái Trần Hưng Đạo oai phong lẫm liệt, đặt trên bệ khối tam giác cao 10 mét, ba mặt trang trí phù điêu thể hiện ba lần quân dân Đại Việt thắng quân Nguyên Mông. Ngày 17/2/2019, chính quyền địa phương đã “cẩu lư hương” di dời khỏi tượng đài, gây bất bình trong dư luận. Lý giải về việc làm này, bà Trần Thị Kim Yến, Bí thư Quận ủy Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh nói: “Công viên không phải là nơi thờ phụng, mà việc thờ phụng nên đặt nơi đình, đền, chùa sẽ đúng hơn”. Dư luận (trong đó có cả trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo lên tiếng) thì cho rằng không chỉ làm biến dạng bố cục của tượng đài mà còn gây tổn thương đến tâm lý tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân! Gần đây, có ý kiến đề xuất chính quyền Thành phố nên lấy ý kiến rộng rãi nhân dân để đặt đưa lư hương trở lại vị trí ban đầu.

Tượng đài Trần Hưng Đạo ở quảng trường Mê Linh

1. Sự việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, gợi ra và khiến chúng ta cần suy nghĩ xung quanh vấn đề về văn hóa tượng đài ở Việt Nam, mà dư luận xã hội gần đây thường đề cập đến. Trước hết, thử nhìn lại quá trình phát triển của tượng đài Việt Nam, từ khi du nhập từ nước ngoài vào, cho đến khi có chỗ đứng trong không gian văn hóa Việt.

Những tượng ngoài trời đầu tiên ở Việt Nam được người Pháp đặt ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn. Nó được dựng lên từ nhu cầu về phát triển nghệ thuật, để tô điểm cho không gian kiến trúc đô thị mang đậm phong cách châu Âu. Ở Hà Nội có tượng Nữ thần Tự Do (mà người Việt gọi nôm na là tượng bà đầm xòe) đúc bằng đồng, cao 2,85 mét, được xem là xuất hiện sớm nhất - năm 1887. Tiếp theo là tượng vua Lê dựng năm 1894, đúc bằng đồng, cao 1,2 mét. Sau đó là tượng đài tử sĩ đặt ở vườn hoa Canh Nông (nên người Việt gọi là tượng đài Canh nông - có hình tượng con trâu, người cày). Cùng với việc dựng tượng các danh nhân: bác sĩ người Pháp Pasteur, nhà văn Pháp Renan ở Hà Nội; tại Sài Gòn, người Pháp dựng tượng Leon Gambetta - một chính trị gia có công trong việc đặt ách đô hộ của Pháp lên Việt Nam, De Genneuily - đô đốc thủy quân, Fran CisGarnier - sĩ quan, nhà thám hiểm sông Mê Công…

Tượng ở Philadelphia, bang Pennsylvania (Mỹ) mang thông điệp: Con người luôn cố gắng để thoát khỏi khuôn mẫu ràng buộc

Từ khi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thành lập, thì mỹ thuật hiện đại nói chung tượng ngoài trời nói riêng dần đi vào đời sống văn hóa, nghệ thuật của người Việt. Sau 1954, đất nước hai miền chia cắt, dù miền Nam tiếp tục ảnh hưởng của mỹ thuật Âu, Mỹ hay miền Bắc ảnh hưởng của mỹ thuật Liên Xô, phong cách nghệ thuật mỗi vùng có khác nhau, nhưng nhìn chung, hệ thống tượng đài ở Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại hóa, hội nhập với thế giới. Đề tài, chủ đề cũng như phong cách nghệ thuật ngày càng đa dạng.

Thời gian trước 1975, ở Sài Gòn cũng đã có nhiều tượng đài các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, như: tượng An Dương Vương ở vòng xoay ngã sáu Nguyễn Tri Phương, tượng Trần Hưng Đạo trên bến Bạch Đằng, tượng đài Phan Đình Phùng ở vòng xoay Bưu Điện Chợ Lớn, tượng vua Quang Trung trước chợ Nguyễn Tri Phương, tượng Trần Nguyên Hãn ở vòng xoay chợ Bến Thành, tượng Phù Đổng Thiên Vương ở vòng xoay ngã sáu đường Phù Đổng. Ở Hà Nội tượng đài dường như ít hơn - có lẽ do một phần Hà Nội giai đoạn này luôn trong bối cảnh của một đô thị thời chiến, phải sơ tán.

Từ 1975, nhất là trong mấy thập niên gần đây, tượng đài ở Việt Nam có sự phát triển mang tính đột phá. Cùng với sự phát triển về số lượng, thì dường như chức năng của tượng đài cũng có dấu hiệu phân hóa. Bên cạnh ý nghĩa nghệ thuật, tượng đài còn là nơi thực hành tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng. Hiện tượng này được thể hiện rõ nhất trong nhóm tượng đài các nhân vật lịch sử (Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lê Lợi). Nhóm tượng tôn giáo (chủ yếu là Phật giáo) được tạo tác theo lối cách tân cũng từ chùa tiến ra “chiếm lĩnh không gian ngoài trời”, với sự xuất hiện hàng loạt tượng Phật ngoài trời ở các địa phương trong cả nước (tượng Phật bà Quan Âm ở chùa Linh Ứng - thành phố Đà Nẵng; tượng Thích Ca nhập Niết bàn trên núi Cà Tú - Bình Thuận; tượng Phật Thích Ca ở Nam Định; tượng Phật Di Lặc ở An Giang và Bắc Ninh; tượng A Di Đà trên núi Phật Tích…).

Tượng Phật Bà Quan Âm ở chùa Linh Ứng

Tượng ngoài trời ở Việt Nam (kể cả tượng tôn giáo và tượng danh nhân) càng gần đây càng có chiều kích, quy mô to lớn. Dường như tính “hoành tráng” được xem như một tiêu chí, có khi còn là động cơ ganh đua, tạo nên sự vượt trội về quy mô, không chỉ so với tượng đài ở các giai đoạn trước mà so với cả một số quốc gia châu Âu. Tượng Chúa Ki Tô trên núi Tao Phùng - Vũng Tàu, tại thời điểm hoàn thành là tượng chúa cao nhất châu Á; tượng Phật Bà Quan Âm ở chùa Linh Ứng- thành phố Đà Nẵng cao 87 mét; tượng Phật Di Lặc ở huyện Tịnh Biên - An Giang, cao 71 mét; tượng Thích Ca ở Thiên Trường - Nam Định nặng tới 150 tấn đồng; tượng đài Chiến thắng Điện Biên cao 12,6 mét, lượng đồng lên tới 220 tấn; tượng Mẹ Thứ ở Quảng Nam cao 18 mét; tượng Thánh Gióng ở Sóc Sơn - Hà Nội cao 11,7 mét (85 tấn đồng).

2. Trước sự nở rộ của các công trình tượng đài ngoài trời, chúng ta nhìn xem người Việt “ứng xử” với sản phẩm văn hóa có phần mới mẻ này như thế nào? Tại sao lại có những ý kiến trái chiều xung quanh việc thắp hương hay không thắp hương ở các tượng đài? Cơ sở nào để ủng hộ hay không ủng hộ cho việc thắp hương ở tượng đài? Và hướng đi nào cho việc giải quyết vấn đề đang đặt ra đối với hệ thống tượng đài ngoài trời ở Việt Nam?

Để nhìn và giải quyết vấn đề có chiều sâu, đảm bảo tính khách quan, khoa học và phù hợp, thiết tưởng không thể không tìm hiểu về tục thắp hương của người Việt, rộng hơn là tập tục thắp hương của cư dân các quốc gia trong khu vực.

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ

Theo nhiều nguồn tài liệu khảo cổ học, tục đốt hương (còn gọi là nhang) có cách đây tới 5.000 năm, được phát hiện qua khai quật các công trình khảo cổ ở Ấn Độ, Ai Cập. Ban đầu, người Ấn làm hương từ gỗ trầm có mùi hương thơm đặc biệt. Dần dần, hương được chế từ các loại hương liệu phong phú hơn. Tục đốt hương có hầu hết ở các quốc gia châu Á. Ở Trung Quốc, có tài liệu nói hương được sử dụng từ thời Hán, gắn liền với sự kiện Phật giáo được truyền vào qua hai trung tâm Bành Thành và Lạc Dương. Trong “Vân Đài Loại Ngữ”, Lê Quý Đôn cho rằng tục đốt hương của người Trung Quốc là học từ người “Tây Phương” - tức Ấn Độ. Nhưng tục đốt hương không chỉ gắn riêng với nghi lễ Phật Giáo. Có sách chép, thứ sử Giao Châu là Trương Độ Tân (người Hán) đốt hương ở tịnh xá để đọc Đạo thư, nên có thể có từ trước nữa.

Ở Việt Nam, tục thắp hương được nói đến trong các câu chuyện truyền thuyết về thời Hùng Vương. Người xưa đốt hương trong nhiều nghi lễ tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau. Hương không chỉ thắp trong thờ cúng tổ tiên ở mỗi gia đình; cúng thần ở đình, đền, miếu mạo; cúng Tam Bảo ở chùa chiền. Hương được dùng trong nghi lễ thờ các vị nhân thần được phong thánh và trong nghi lễ thờ thiên thần, như thờ tứ pháp, thờ mẫu (mẫu Thiên, mẫu Địa, mẫu Thoải, mẫu Nhạc) và thờ các vị thần linh, thổ địa. Có thể nói rằng, từ trong tiềm thức, mỗi khi ở chốn linh thiêng như đền, chùa hành lễ hay vãn cảnh, người Việt đều dâng hương cầu nguyện như một lẽ tự nhiên. Nếu không, mỗi người tự thấy bất an. Người xưa tin rằng hương khói là phương tiện chuyển lời cầu nguyện cung kính của con người tới tiên tổ, thánh thần. Tiếng Việt có từ “tâm hương” kết hợp hai từ “tâm” và “hương” với nhau là vậy! Trong không khí uy nghi của điện thờ và không gian huyền ảo của đèn nến, tín chủ thành tâm trong chánh niệm làm lễ nguyện cầu, đốm lửa đầu cây hương tương trưng cho niềm tin và hi vọng, khói hương huyền ảo cùng mùi hương trầm ấm cúng, thiêng liêng lan tỏa như mang lời cầu nguyện đến các đấng quyền năng, uy linh.

Từ một tập quán thắp hương như thế, đến khi các tượng Phật (Thích Ca, A Di Đà, Di Lặc, Bồ Tát) được tạo dựng ngoài trời, người dân đến chiêm bái, cúng lễ là đương nhiên, không có gì khó hiểu. Mặc dù, để cung kính thánh thần, người Việt vốn có truyền thống thờ thần, Phật trong cung cấm nơi đền, chùa, chứ không đem các ngài ra đứng ngoài trời chịu nắng nôi hay mưa giông, bão tố. Nhưng trước việc dựng tượng Phật ngoài trời đang trở thành một phong trào, thì tín ngưỡng tâm linh người Việt dường như cũng phải điều chỉnh cho phù hợp!

Tuy nhiên, trước những bức tượng diễn tả nét đẹp bình dị của con người trong đời sống thường nhật như: “Chị em kéo co”, “Cô gái đọc sách”, “Thiếu nữ tóc dài” ở trong công viên Thống Nhất - Hà Nội, hoặc diễn tả tinh thần chiến đấu của quân dân bảo vệ Tổ quốc như: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đặt ở cạnh đền Bà Kiệu bên hồ Gươm, vườn hoa Hàng Đậu, cùng hàng trăm, hàng nghìn tượng tròn khác được tạo dựng đặt trong các khuôn viên của cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện và quảng trường, công viên… thì không ai nghĩ đến việc phải thắp hương. Điều đó cho thấy tượng ngoài trời từ khi du nhập vào Việt Nam thì cũng hòa chung với loại hình nghệ thuật của thế giới, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của nhân dân, tôn vinh các giá trị tinh thần của dân tộc trong công cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước, diễn tả vẻ đẹp của đời sống trong không gian ba chiều. Những bức tượng đó đem đến cho người xem thuần túy cảm xúc về cái đẹp của một tác phẩm nghệ thuật. Điều này đã được Heghen nói: tượng là để “tô điểm, trang trí cho không gian có tính kiến trúc” và nghệ thuật điêu khắc Hy Lạp đều tả “cái đẹp của lý tưởng” nhằm “tương ứng với nhu cầu của sự sống đòi hỏi phải được thỏa mãn”. Ở mảng này, tượng ngoài trời Việt Nam, với tư cách là một loại hình nghệ thuật, từ tiếp thu, học tập nước ngoài, đã và đang hội nhập với thế giới.

Tuy nhiên, trong thực tế cho thấy, nhiều tượng đài không có dấu hiệu liên quan đến tín ngưỡng, tâm linh, người dân vẫn cứ thắp hương. Rõ ràng, ở đây có sự ngộ nhận giữa tượng nghệ thuật và tượng tâm linh. Đến với tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta sẽ không tránh khỏi cảm giác ngạc nhiên và tiếc nuối về một tượng đài được đánh giá là rất thành công về phương diện nghệ thuật. Trước một tượng đài rất hoành tráng, thể hiện hai chiến sĩ ngẩng cao đầu, phất cờ, nâng em bé lên cao, diễn tả niềm vui khải hoàn, tràn đầy tinh thần lạc quan, nhưng ở trước tượng đài lại đặt một cái lư hương khổ lớn khiến cho bệ tượng đài bề thế trông như một nấm mộ khổng lồ, chẳng ăn nhập gì với một tượng đài nghệ thuật!

Tình trạng này cũng thường xảy ra đối với các cơ sở, như bệnh viện, trường học có tượng đài danh nhân được nhà trường mang tên. Trong không gian của khuôn viên, với chất liệu mới, phong cách tạo tác hiện đại, những bức tượng là những tác phẩm nghệ thuật, được sơn trắng bóng, nhưng du khách vẫn cố tình cắm hương khiến tượng đen xỉn. Trước thực tế đó, nhiều nhà thiết kế lại bị động chạy theo công chúng, bổ sung bình hương trước bệ tượng. Từ đó, dẫn đến tình trạng, cùng một nhân vật cụ thể, nhưng tượng ở nơi này thì đặt bát hương, tượng ở nơi khác lại không. Qua những sự việc trên, cho thấy một thực tế là quan niệm có thắp hương (hay không) trước tượng đài ở Việt Nam hiện nay đang rất thiếu thống nhất!

Những đôi giày trên bờ sông Danube, Budapest, Hungary - Đây là đài tưởng niệm được tạo ra để tưởng nhớ về những người Do Thái bị giết bởi quân phát xít trong thế chiến II

Như vậy, vấn đề của Thành phố Hồ Chí Minh xung quanh việc di dời lư hương khỏi tượng đài Trần Hưng Đạo, có sự bất đồng là khó tránh khỏi và không có gì khó hiểu. Hướng giải quyết cho vấn đề có nên đặt lư hương ở các tượng đài ngoài trời không thuộc sơ sở tôn giáo hay không và giải pháp nào cho việc khắc phục sự cố ở tượng đài Trần Hưng Đạo ở Thành phố Hồ Chính Minh, rất cần có những hội thảo khoa học để giải quyết, sao cho tìm được cách tiếp cận khoa học, đảm bảo sự phù hợp cả về lý luận và thực tiễn.

3. Trước vấn đề đang đặt ra, người viết bài này mạn phép xin được chia sẻ một vài ý kiến cá nhân:

Trước hết phải khẳng định Việt Nam là một nước có truyền thống văn hóa thờ thần. Các nhân vật lịch sử có công lao với đất nước với dân, sau khi chết được nhân dân suy tôn thành thần, thánh. Nghi lễ thờ thần, thánh diễn ra nơi đền, miếu được cộng đồng dân cư lập thành hương ước và thực hiện nghiêm ngặt. Tiếp nối truyền thống, ngày nay, các địa phương cấp huyện đều lập Đền thờ liệt sĩ có quy mô khá lớn để thờ những người có công với nước. Nhiều nơi dựng “Nhà lưu niệm” (thực chất là một dạng đền thờ) để tri ân các vị tham gia tiền khởi nghĩa, giữ trọng trách cao trong các cơ quan Đảng, Nhà nước. Việc làm này không có gì sai, vừa tri ân người có công với cách mạng, vừa phù hợp với đạo lý dân tộc “uống nước nhớ nguồn”. Như vậy, xét về mặt thiết chế tín ngưỡng, tâm linh, ngày nay chúng ta không những duy trì được các cơ sở thờ tự cũ mà còn sáng tạo thêm (đền liệt sĩ, nhà lưu niệm).

Nhìn lại truyền thống, người Việt thờ tượng Phật trong chùa nhưng lại không thờ thần, thánh bằng tượng. Tục thờ thần cũng giống như tục thờ cúng tổ tiên của người Việt, tức là bài vị chứ không thờ tượng. Có thể, đó là cách lựa chọn của người Việt, phù hợp với quan niệm thần sau khi đã hóa thì không hiện diện qua hình thức một pho tượng cụ thể mới phù hợp với quan niệm thần thông biến hóa về thần và tính vô hình mới nói lên được sự vi diệu của thần linh. Một căn cứ nữa cũng cần kể đến là trong tín ngưỡng tâm linh của người Việt thì khi một pho tượng sau khi được tạo tác xong phải được thiêng hóa qua nghi thức “hô thần nhập tượng”. Những tượng đài nghệ thuật được xây dựng ở không gian ngoài trời do chính quyền hoặc đơn vị sự nghiệp đứng ra thực hiện, do vậy, xét về thiết chế văn hóa, không phải là cơ sở thờ tự; xét về tín ngưỡng, tâm linh thì cũng không phải là tượng thờ. Cho nên, việc nhà quản lý để đặt bình cắm hương dưới chân tượng đài trong trường hợp này là không phù hợp. Ngành văn hóa, trong trường hợp này cần làm rõ vai trò định hướng chứ không nên chạy theo dư luận.

Trong thời đại mở cửa, giao lưu và hội nhập với quốc tế về mọi mặt, từ kinh tế đến văn hóa, nghệ thuật, việc tách bỏ nghi thức thắp hương cầu nguyện thần linh ra khỏi tượng đài, để tượng đài thể hiện đúng nghĩa với tư cách là một công trình nghệ thuật là tạo cơ hội cho tượng ngoài trời Việt Nam có cùng một ngôn ngữ chung, hội nhập cùng thế giới. Qua đó, mới giải phóng cho tượng đài khỏi hình thức khuôn mẫu của tượng thờ (bị gò bó từ tư thế cho đến bút pháp tả thực), để các nghệ sĩ tự do khám phá, sáng tạo cho hệ thống tượng đài nghệ thuật về các nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa của dân tộc tránh khỏi nguy cơ dẫn đến sáo mòn, nhàm chán.

Để kết thúc cho bài trao đổi, xin được dẫn lời nhà văn Tô Hoài, sinh thời có dịp cùng với nhà thơ Trần Đăng Khoa, ông bộc bạch: “Dân mình không mặn mà lắm với tượng đài. Yêu ai, kính ai thì họ lập chùa chiền, đền, miếu để thờ, rồi còn hương khói cúng tế. Không ai cắm hương chân tượng đài cả. Dân mình là dân có tín ngưỡng. Đình, chùa, đền, miếu mới chính là tượng đài của người Việt. Thần linh phải vô hình, còn phơi mặt ra giữa thanh thiên bạch nhật thì không còn là thần linh nữa… Các nhà quản lý văn hóa rất nên nghiên cứu kỹ tâm lý, quan niệm của dân ta. Bỏ hàng trăm tỷ ra mà dân không đến thì có nên chăng”?.

Cảnh Thụy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy