Ngày hội IDAHOT: Lên tiếng để thay đổi
VNTN - Lần đầu tiên tại Thái Nguyên, ngày hội IDAHOT (ngày Quốc tế chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT), 17/5) đã được tổ chức tại trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên nhằm khẳng định sự ủng hộ và chia sẻ của nhà trường trong việc góp phần làm thay đổi định kiến, xóa bỏ kỳ thị của xã hội hiện nay với cộng đồng LGBT, trước hết là ngay trong học đường. Ngày hội mang tính tiên phong này đã góp thêm tiếng nói mạnh mẽ về một vấn đề mà xã hội còn ít quan tâm, thấu hiểu.
Với thông điệp “Cùng lên tiếng vì một tương lai bình đẳng”, Ngày hội IDAHOT do Bộ môn Công tác xã hội (Khoa Luật - Quản lý xã hội) và Khoa Văn - Xã hội của nhà trường phối hợp với nhóm Nextgen Thái Nguyên (mạng lưới những nhà lãnh đạo trẻ hoạt động vì quyền của người LGBT) tổ chức tối ngày 16/5 vừa qua đã thu hút đông đảo các bạn sinh viên, cộng đồng LGBT và người dân trên địa bàn.
Ngày hội thu hút đông đảo các bạn sinh viên, cộng đồng GLBT và người dân trên địa bàn
TS. Lê Thị Ngân, Trưởng khoa Luật và Quản lý xã hội - Trưởng Ban tổ chức chương trình, trong phát biểu mở đầu, đã nhấn mạnh: “Ngày 17/5/1990 là ngày mà WHO chính thức công nhận rằng: đồng tính không phải là một căn bệnh, và càng không phải là một biến thái trong cuộc sống. Để kỷ niệm sự kiện trọng đại này, cộng đồng LGBT toàn cầu lấy ngày 17 tháng 5 hàng năm là ngày IDAHOT. Nhiệm vụ của ngày này là đánh thức sự chú ý của công chúng về những nạn bạo hành, kỳ thị và kìm hãm đang xảy ra với người LGBT, mang lại cơ hội hành động và thay đổi thực trạng của họ. Đây là ngày để mọi người được tự do thể hiện cá tính và quan điểm của chính mình”.
Điểm nhấn của chương trình là phần Talkshow - với sự tham dự của các vị khách mời gồm các thầy cô giáo, nhà báo, thành viên cộng đồng LGBT Thái Nguyên. Nhiều vấn đề xoay quanh chủ đề này như thái độ của cộng đồng với những người LGBT, những quy định của pháp luật về quyền của người LGBT, việc đưa kiến thức LGBT vào học đường, việc hiện diện LGBT trước truyền thông được thảo luận thẳng thắn, cởi mở. Những trao đổi của các vị khách mời đã “đánh thức” trong khán giả không chỉ sự thấu hiểu và đồng cảm mà còn là trách nhiệm đối xử công bằng và thái độ tôn trọng với cộng đồng LGBT nói riêng, với sự đa dạng và khác biệt của các giá trị trong cuộc sống nói chung.
Talkshow với các vị khách mời cùng chia sẻ về những vấn đề xoay quanh cộng đồng LGBT
Chia sẻ câu chuyện đau buồn về cậu học trò là người đồng tính đã rời xa thế giới cách đây 2 năm, PGS.TS. Phạm Phương Thái, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học day dứt: “Đến giờ chúng tôi vẫn bị ám ảnh về hình ảnh một cậu bé lí lắc, dễ thương và rất tài năng nhưng cuối cùng bạn lại quyết định rời bỏ thế giới này, một sự ra đi trong cô đơn. Tôi mong là tất cả chúng ta cùng tiến đến một sự chia sẻ, cư xử bình đẳng để cho tất cả những người đồng tính, song tính, chuyển giới được sống đúng với xu hướng tình cảm và bản dạng giới của mình, để họ cởi mở, tự tin và hòa nhập cộng đồng”. Thông điệp này có lẽ cũng chính là điều mà những người tổ chức trăn trở nhất, với mong muốn xã hội cần có cái nhìn đúng đắn, công bằng để cộng đồng LGBT không bị kì thị và chịu thiệt thòi.
Ấn tượng, hút khán giả là phần trình diễn áo dài và trang phục dạ hội do nhóm người mẫu chuyển giới thể hiện. Với những cái tên như: Huỳnh Trúc Nhi - Hoa khôi chuyển giới Sơn La 2017, Hoàng Ngọc Kelly - Hoa khôi chuyển giới Kinh Bắc 2016, Hoàng Thùy Linh - Á khôi 2 Miss Ninh Bình 2016, trưởng nhóm chuyển giới Lady’r girl Thái Nguyên... đã làm nóng chương trình. Tự tin trong mỗi bước đi, háo hức và sự hạnh phúc trên từng gương mặt, ánh mắt đã cho thấy khao khát được thể hiện và khẳng định mình trước cộng đồng xã hội của những người LGBT thật mãnh liệt.
Phần trình diễn áo dài của nhóm người mẫu chuyển giới
Đến với chương trình, khán giả còn bị thu hút bởi 40 bức ảnh về cộng đồng LGBT theo chủ đề như “Bây giờ hay bao giờ” (Nguyễn Bằng Giang); “Giới tính không quyết định năng lực” (Tammy Cao) và “Mở - Bằng - Yêu” (Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE)). Mỗi bức ảnh như một câu chuyện mang ý nghĩa cũng như thông điệp riêng, cùng nhau khắc họa hình ảnh của cộng đồng LGBT trong cuộc sống thường ngày với những khó khăn trước sự kỳ thị và phân biệt đối xử từ xã hội. Đặc biệt, Ban tổ chức đã rất công phu khi chuẩn bị các tài liệu miễn phí để cung cấp những kiến thức cơ bản, dễ hiểu về cộng đồng LGBT cho đông đảo khán giả. Đây là điều hết sức cần thiết, bởi khi thiếu những hiểu biết đúng đắn thì chúng ta khó có thể chia sẻ, đồng cảm và tôn trọng cộng đồng LGBT - những người hiện vẫn đang chịu nhiều sự kì thị không đáng có.
Nhìn những ánh mắt chăm chú dõi theo chương trình, những cử chỉ thân thiện và cởi mở như nhường chỗ ngồi hay bắt chuyện với những người LGBT của các bạn sinh viên, chúng tôi cảm nhận được rất rõ sự đón nhận và chia sẻ nhiệt thành của các bạn trẻ.
Bạn Yến Kim Lê (thành viên cộng đồng LGBT) vui vẻ: “Tôi đến đây bởi chương trình lên tiếng cho những người LGBT. Thật hạnh phúc vì ở đây tôi được là chính mình và được mọi người tôn trọng”.
Để có được 2 giờ đồng hồ cống hiến cho khán giả một ngày hội IDAHOT như vậy, những người làm chương trình đã phải nỗ lực hết mình, như lời chia sẻ của Trưởng ban tổ chức là “không phải bằng 2 mà bằng 10 sức mình có”.
Quả đúng như vậy, bởi đây là một chương trình về một vấn đề tuy không mới nhưng vẫn chưa có được nhiều sự đón nhận từ xã hội. Không xin được nguồn kinh phí tài trợ bên ngoài như nhiều hoạt động xã hội khác, chương trình hoàn toàn chỉ có nguồn kinh phí eo hẹp từ trường Đại học Khoa học và nhóm Nextgen Thái Nguyên. Nguồn nhân lực cho chương trình thì ít ỏi, mà thời gian lại chỉ có 10 ngày để chuẩn bị. Các thành viên Ban tổ chức phải họp lên ý tưởng, chạy nội dung chương trình từ sáng tới tối muộn. Nhiều khi ý tưởng nảy sinh lúc nửa đêm, họ lại liên lạc trao đổi, bàn bạc để kịp sáng mai bắt tay ngay vào thực hiện.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của Ban tổ chức, chương trình đã nhận được những hiệu ứng tích cực từ nhiều phía. Cô Tạ Thảo, giảng viên bộ môn Công tác xã hội - thành viên Ban tổ chức chia sẻ: “Chương trình đã thực hiện được đúng mục đích đề ra ban đầu là nói về cộng đồng LGBT và nhận được tinh thần hưởng ứng cùng lên tiếng của đông đảo các thầy cô, các bạn sinh viên, để những người LGBT không phải đơn độc”. Cô còn cho biết: “Sau chương trình, đã có những bạn sinh viên là người LGBT dám come-out (công khai xu hướng tính dục hay bản dạng giới của bản thân mình), và được bạn bè xung quanh vui vẻ đón nhận. Thậm chí, có cả những bậc phụ huynh đã đến Khoa tìm gặp, nhờ tư vấn cho trường hợp của con em mình”.
Bạn Phạm Hương Giang (phụ trách truyền thông nhóm Nextgen Thái Nguyên) - một thành viên tích cực của Ban tổ chức cảm nhận: “Theo mình, chương trình thành công không phải ở quy mô to hay nhỏ, mà ở những gì chương trình đã đem lại. Đó là cơ hội để cộng đồng LGBT chúng mình được hiện diện ở môi trường học đường. Chương trình đã có những tác động thay đổi tới nhận thức của mọi người về quyền bình đẳng của cộng đồng LGBT trong trường học, hướng tới xây dựng một môi trường giáo dục bình đẳng, thấu hiểu và tôn trọng mọi cá nhân”.
Có thể thấy, với cách làm thiết thực và lôi cuốn, với nội dung mang tinh thần nhân văn nhằm hướng đến sự thấu hiểu, đồng cảm, tôn trọng và bình đẳng mà trước hết là ngay trong học đường, chúng ta có quyền hi vọng vào những ngày hội IDAHOT tiếp theo, hi vọng về những thay đổi ngày càng tích cực.
Chúng ta có thể thay đổi - trước hết bắt đầu bằng sự lên tiếng, ngay từ bây giờ!
Bích Hồng - Thanh Tâm
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...