Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
05:54 (GMT +7)

Ngang qua khoảng nhớ trong veo

Trong ký ức của tôi và chắc của không ít người, thì hiệu sách, thư viện… là những “vùng trời thiêng”. Nơi ấy ươm khát khao, gieo mộng ước trong lành. Nơi ấy con chữ âm thầm uy lực làm nên chân đế văn hóa vững chắc cho bao thế hệ.


“Thánh đường” mê đắm một thời

Tôi không rõ những người cao tuổi hơn thì thế nào, tôi chỉ biết thế hệ 5 - 6X quanh tôi, họ một thời coi hiệu sách và thư viện như “thánh đường”.

Ở tuổi đó, người thành phố hầu hết lớn lên nơi sơ tán, đi học đội mũ rơm, ăn cơm độn. Người sinh ra và lớn lên ở nông thôn thì 7 - 8 tuổi đã vắt vẻo lưng trâu đồng gần đồng xa, 14 - 15 tuổi thành lao động chính, lầm lũi cày cuốc ngoài đồng. Buổi tối, bên ngọn đèn dầu tù mù (chụp thêm “bầu” giấy đen che bớt ánh sáng đề phòng máy bay Mỹ phát hiện), họ vừa dỏng tai canh tiếng máy bay kịp chạy xuống hầm trú ẩn, vừa hối hả học bài. Ấy vậy mà họ vẫn mê đọc sách quên ăn quên ngủ.

Để phục vụ công việc dạy Văn trong nhà trường, trước đây nhà giáo Vũ Đình Toàn phải đặt mua sách từ nước ngoài. Sau 60 năm công tác, giờ đây, những cuốn sách đó Thầy vẫn nâng niu giữ gìn.

Ông Nguyễn Sinh, nguyên giáo viên dạy môn Vật lý trường Vùng cao Việt Bắc là người như thế.

Ông Sinh kể: Năm 1963 - 1964 tôi học lớp 7 trường cấp 2 - 3 Đại Từ (cả huyện Đại Từ chỉ có một trường). Sách đối với lớp người như bọn tôi lúc ấy là đặc sản, chỉ có thể mượn nhau, xem suốt đêm. Từ năm 1969 tôi vào học tại Đại học Sư phạm Việt Bắc thì các tác phẩm văn học nước ngoài về đề tài chiến tranh như “Thép đã tôi thế đấy”, “Sông Đông êm đềm”, “Chiến tranh và Hoà bình”... đặc biệt được ưa chuộng. Để có được tấm thẻ của Thư viện thành phố là cả một niềm mơ ước. Mượn sách phải ký kết nếu làm rách, hỏng hoặc mất phải trả gấp 10 lần giá bìa cho nên bọn tôi giữ sách như giữ “mả tổ” vậy. Những tác phẩm như: Dấu chân người lính, Mẫn và Tôi, Một chuyện chép ở bệnh viện, thơ Xuân Quỳnh, Phạm Tiến Duật, Chế Lan Viên, ba tập thơ của Tố Hữu (đặc biệt là tập Gió lộng) được chúng tôi vô cùng yêu thích. Tôi còn nhớ có anh bạn mượn ở Thư viện thành phố được cuốn Vượt ngục, cả nhóm bốc thăm và “chia” thời gian mỗi người chỉ được đọc trong 1,5 ngày phải chuyển cho người khác. Năm 1972 vào Nam chiến đấu, tôi mang theo cuốn Dấu chân người lính. Dọc đường hành quân, tôi phải bỏ đi thịt hộp và một số vật dụng khác cho nhẹ ba lô nhưng “Dấu chân người lính” với chính ủy Kinh, Lượng, Lữ, Cận... thì không thể bỏ. Những ngày sách vừa là bạn vừa là Thầy theo đúng nghĩa của nó quả thực không kể hết được…

Nếu ông Sinh là thế hệ 5X “đầu súng trăng treo”, ra trận với trái tim quả cảm và mơ mộng thì thế hệ 6X chúng tôi lớn lên thời hàng hóa phân phối, niềm vui tinh thần giá trị nhất tìm được là ở trong sách.

Năm 1972, tôi học cấp 1 Phúc Trìu, thi thoảng ngược ra Đán (cách trường khoảng 2km) đến quầy tạp hóa của ông Hào. Đây là “trung tâm văn hóa” duy nhất khu vực nên con dốc thoai thoải, nơi có quầy tạp hóa được gọi luôn là dốc ông Hào. Cô bé 10 tuổi người mỏng như cái lá đứng chôn chân ngắm bìa tờ báo Nhi đồng, Thiếu niên Tiền phong “vắt vẻo” trên sợi dây thép chăng ngang. Có lần ông Hào lấy xuống một tờ cho tôi xem. Mùi giấy mùi mực thơm không thể tả. Tôi ngốn ngấu đọc, thích mê nhân vật Bóng nhựa và Bút thép. Bóng Nhựa có cái đầu tròn như quả bóng bàn, còn Bút Thép có cái đầu nhọn hoắt như chiếc ngòi bút sắt chấm mực của tôi. Sau này tôi mới biết Bút thép là nhà báo Mạnh Chuẩn, còn Bóng nhựa là nhà văn Cửu Thọ.

Không hẹn mà gặp, tôi và chị Thu Huyền (phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên) đều đặc biệt nhớ Hiệu sách nhân dân ở khu vực chợ Trung tâm (nay là Chợ Thái). Chị Huyền kể: Sáng Chủ nhật tôi thường được mẹ chở trên chiếc xe đạp Thống Nhất cũ cho đi chợ. Mua bán nhì nhằng xong, thỉnh thoảng mẹ cho tôi vào hiệu sách chơi. Trong đó là những quyển sách được bày ngay ngắn trong tủ kính, cả những cuốn họa báo được vắt gọn gàng trên sợi dây chăng ở góc tường. Những cuốn truyện như “Xóm đê ngày ấy” của Phan Thị Thanh Nhàn, “Nơi xa” của Văn Linh… tôi đọc suốt tuổi thơ, là được mẹ tằn tiện từ đồng lương mua cho ở Hiệu sách ấy. Giờ, sau hơn 40 năm, tôi vẫn chưa quên...

Chị Huyền được mẹ mua sách mới cho là “sang” lắm, như tôi ra hiệu sách chỉ để ngắm sách và hít hà mùi bánh rán bay ra từ cửa hàng ăn uống cạnh đó chứ tuyệt nhiên chưa mua được cuốn sách nào. Năm học lớp 6 (1974) thì tôi có chiếc thẻ thư viện đầu tiên. Cứ sểnh ra là tôi xuống thư viện đọc sách. Cái cảm giác hồi hộp, phập phồng khi cô thủ thư cầm tờ phiếu yêu cầu đi khuất vào phía trong tìm sách, tôi nhớ đến giờ. Nhiều cuốn truyện giấy vàng xỉn, chữ mờ tịt, không sao, tôi vẫn căng mắt đọc và nắn nót chép vào sổ tay “lời hay ý đẹp”: "Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, lúc đó thép trở nên cứng rắn và không hề biết sợ” (Thép đã tôi thế đấy - Nikolai Ostrovsky); ''Phải tốn ngàn câu quặng chữ mới thu về một chữ”, (Maiacopxki); “Dịu dàng quá dịu dàng không chịu nổi” (Mùa lá rụng - Onga Becgon)… Cũng từ thư viện lợp lá ấy, tôi nuôi mơ ước nghề nghiệp sau này là làm thủ thư. Chao ôi, tôi sẽ đọc hết cả cái thư viện này. Ước mơ đó gần thành sự thật. Năm 1986, tôi về công tác ở Phòng Xuất bản (Ty Văn hóa - Thông tin), chiều nào tôi cũng sang thư viện mượn sách về đọc. Quãng thời gian “vàng” đó thật hiếm, để rồi tôi bước vào con đường mướt mải với con cái và danh lợi.

“Biến hóa” không gian ở của sách

Nếu tuổi 6X “kết bạn” với sách chủ yếu ở hiệu sách và thư viện thì lớp người tuổi 7 - 8X lại thỏa nỗi “khát” sách bằng nguồn sách cũ. Khoảng những năm 1990 là thời “hoàng kim” của kinh doanh sách cũ. Nhà sách Văn Tiến (khu Đại học Sư phạm Thái Nguyên) là địa chỉ nhiều người lui tới. Ở đây sách văn học, khoa học, nghệ thuật… loại nào cũng có. Giá tiền chỉ bằng 20 - 30% sách mới nên khách, chủ yếu là sinh viên, lúc nào cũng nườm nượp. Chị Thanh Xuân (phường Tân Long) lại ấn tượng với nhà sách cũ trên đường vào ga Đồng Quang của gia đình thầy Đức Bình, giáo viên dạy Văn Trường THCS Nguyễn Huệ (những năm 1990 - 1993). Chị nhớ lại: Trong một không gian xưa cũ, rất nhiều sách cũ và người đứng quầy là bố đẻ thầy giáo Bình cũng rất cũ. Sách đa phần xuất bản khoảng năm 1965 đến 1975. Chủ hàng rất chiều khách, mua cũng được, đổi cuốn khác, thậm chí không mua, không đổi mà mượn đọc vài trang rồi trả lại… cũng chẳng phàn nàn nửa lời. Sau này gia đình thầy giáo Bình chuyển đi nơi khác đã để lại trong chị không ít luyến nhớ.

Đến thời các cô cậu tuổi 9X thì quen hơn các quầy cho thuê sách. Bạn Bùi Tuyết Nga, hiện công tác ở Hà Nội, không quên các “kho” sách gắn với tuổi thơ của mình. Nga kể: Mùa hè năm cuối cấp 1, cháu được bố mẹ cho đi học Aerobic ở Nhà thiếu nhi Thành phố. Học thì không mê tí nào, nhưng mê cái tủ sách bằng kính với hàng truyện Doremon đều tăm tắp xếp từ tập 1. Ban đầu cháu thỉnh thoảng mới thuê được một quyển đọc tại chỗ vì không có tiền đặt cọc. Về sau bác thủ thư tên là Nguyện cho đọc thoải mái không lấy tiền nữa. Đi học cấp 2 thì cháu quen và thân với cô Thu cho thuê truyện gần trường Trưng Vương. Ban đầu là thuê về, có lần ngồi lại đọc, thỉnh thoảng rủng rỉnh tiền mua 2 miếng chả khô chấm tương ớt vừa đọc vừa nhâm nhi. Cô chủ dần quen, nhiều khi cho đọc miễn phí, thậm chí cho mượn về không cần đặt cọc và luôn giảm giá đặc biệt cho cháu. Thời đó bắt đầu có phần 1 Harry Potter, loạt truyện của Nguyễn Nhật Ánh, truyện thám tử Conan, rồi “Black-Jack bác sĩ quái dị” 22 tập… mở ra muôn vàn tưởng tượng bay bổng đẹp đẽ những năm tháng ấy. Lên cấp 3 cháu cũng quen quầy thuê truyện cạnh cổng trường Lương Ngọc Quyến. Nhưng thời gian học dày đặc nên không thuê thường xuyên như trước. Thời đại thay đổi, sách điện tử, sách nói dần thế chỗ các quầy thuê sách. Dần dần các quầy thuê sách biến mất. Nhưng cảm xúc đắm chìm trong sách mỗi khi nhớ lại như những bông hoa nho nhỏ đủ màu sắc nở rộ trong lòng cháu…

Theo thời gian, không gian đọc sách cũng thay đổi. Khoảng năm 2005, Thái Nguyên xuất hiện mô hình cà phê - sách như Gác Mộc (đường Cách mạng Tháng Tám, phường Gia Sàng); Nhà sàn cuối ngõ (đường Việt Bắc, phường Quang Trung); Coffee sách MR Trung (đường Phan Đình Phùng). Mô hình hiệu sách - văn hóa phẩm - giải khát - khu vui chơi cho trẻ em như Vincom Plaza; Nhà sách Tiến Thọ; Nhà sách Tiền Phong. Ở những chỗ này hiếm thấy các “cụ” 5, 6, 7X lui tới. Nơi đọc sách không còn là “thánh đường” trang nghiêm mà đồng thời là chỗ trẻ con chơi đùa, người lớn lướt smartphone và “buôn” chuyện.

Mô hình sách - cà phê tại Nhà sách Tân Việt tại Vincom Plaza

Mùi sách mãi thơm trong ký ức

Nhiều nhà tiên tri thế giới dự đoán rằng sách và báo giấy không lâu nữa sẽ biến mất bởi sự phát triển của công nghệ. Có sách điện tử thì ắt có thư viện số. Ngồi ở Việt Nam, người đọc có thể “sục sạo” thư viện lớn tận nước Pháp tìm đọc cuốn sách quý hiếm nhất. Chưa bao giờ tìm sách dễ đến thế. Thư viện, nhà sách (cũ, mới) nằm ngay trong lòng tay, chỉ cần một cú click chuột là cuốn sách yêu thích hiện ra, cũng giở loạt xoạt từng trang như giấy thật.

Khu vực sách văn học tại nhà sách Phượng Dư.

Ấy vậy mà ông Nguyễn Trọng Dư, 60 tuổi, chủ hiệu sách Phượng Dư (đường Bắc Sơn, phường Hoàng Văn Thụ) lại khẳng định như “đinh đóng cột” rằng: sách giấy cùng hiệu sách và thư viện truyền thống sẽ không bao giờ mất.

“Bén duyên” với sách từ năm 1986, ông Dư nay là “lão làng” của ngành phát hành sách Bắc Thái/Thái Nguyên. Ông bảo, làm sách trước những năm 1990 “sướng” lắm, sách mang về chỉ việc phân phối thôi, không phải tính toán lỗ lãi đầu ra đầu vào như bây giờ. Sách văn học cũng vậy, những tác phẩm nổi tiếng thì phải có “tay trong” người đọc mới mua được. Ví dụ như cuốn “Thời xa vắng” của nhà văn Lê Lựu, cả hệ thống phát hành sách Bắc Thái được phân 20 cuốn, ai may mắn lắm mới sở hữu được. Biểu hiện rõ nhất của thời bao cấp là hệ thống hiệu sách từ tỉnh đến huyện đều mang tên Hiệu sách nhân dân (điều thú vị là ở khu đường tròn Gang Thép hiện nay có một Hiệu sách nhân dân, do tư nhân kinh doanh).

Đã 20 năm mở cửa hàng bán sách và văn hóa phẩm tại nhà, ông Dư khẳng định sách (báo) giấy cùng hệ thống thư viện, hiệu sách truyền thống không thể triệt tiêu, thậm chí, đang dần hồi sinh. Bởi, sách giấy cùng không gian trầm tĩnh của nó mang đến cho người đọc một cảm giác thưởng thức đặc biệt mà sách điện tử không bao giờ có được. Ngay như hiện nay, các Nhà sách của Thái Nguyên như Nhà Sách Đồng Hỷ (thị trấn Chùa Hang); Công ty Cổ phần sách Thái Hưng, Nhà sách Tâm Thoa, Nhà sách Vũ Sơn (đường Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Phùng); Nhà sách Khương Minh (đường Ga Thái Nguyên); Nhà sách Bảo Thư (Thịnh Đán)… cùng nhiều hàng sách cũ vẫn sống khỏe. Vẫn theo ông Dư: Hầu hết những người “đứng” được với sách là người trong nghề, không chỉ hiểu cách thức kinh doanh, nắm bắt đúng nhu cầu thị trường mà họ còn là người chăm đọc để tư vấn cho khách hàng. Nhà sách đông khách không hẳn phải “hoành tráng” về đầu sách và diện tích, quan trọng là có sách gì và người bán hiểu về các đầu sách của mình không? Như nhà sách của ông Dư, thời điểm nhiều nhất có hơn 1.000 đầu sách và người bán hàng cũng là “con mọt” sách.

Cuộc trò chuyện với “lão làng” của ngành phát hành sách khiến tôi thấy vui hơn. Rồi đây Thái Nguyên sẽ có đường sách, phố sách như một số thành phố lớn trong nước. Và hình ảnh ai đó nghiêng nghiêng gương mặt thanh tú bên trang giấy luôn “đốn tim” tôi mỗi khi chợt thấy.

Ngô Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 18 giờ trước