Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
08:13 (GMT +7)

Nét đẹp bình dị trang phục Tày vùng Việt Bắc

Là cộng đồng dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái, người Tày đã cư trú lâu đời trên đất nước ta, sống tập trung nhất ở các tỉnh vùng Việt Bắc. Trong quá trình phát triển, người Tày lưu giữ một kho tàng đồ sộ về văn hóa vật chất và tinh thần, đóng góp vào kho tàng văn hóa chung của các dân tộc Việt Nam. Trang phục truyền thống là sản phẩm sáng tạo luôn chứa đựng những giá trị nhân văn, nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Tày. Xin được giới thiệu nét đẹp bình dị về trang phục Tày vùng Việt Bắc.


Nghề dệt vải là nghề thủ công truyền thống rất lâu đời của người Tày. Với đức tính cần cù, bàn tay khéo léo tài hoa, người phụ nữ Tày tự tay trồng bông quay xa, se sợi dệt vải. Vải sau khi dệt sẽ được nhuộm bằng loại thuốc nhuộm chế từ cây chàm mít, tiếng Tày gọi là xỏm. Việc chế ra loại thuốc nhuộm chàm phải qua nhiều công đoạn và thời gian từ việc hái lá chàm về đem ngâm với nước, pha vôi, lọc nước trong của tro bếp hòa cùng với chàm và hãm màu rồi mới đem nhuộm vải sau vài lần mới ra màu ưng ý. Với sắc màu chàm chủ đạo, bộ trang phục truyền thống của dân tộc Tày được cắt và khâu rất tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Không có họa tiết hoa văn nhưng phục trang ấy lại tạo nên vẻ giản dị nền nã cùng hòa vào núi non.

Người Tày Việt Bắc luôn ý thức bảo tồn những nét đẹp truyền thống

Trang phục nam giới:

Trang phục nam giới người Tày có hai loại là áo dài (Slửa rì) và áo ngắn (Sửa tẩn). Áo dài được may năm thân, xẻ nách, cổ đứng, đơm khuy vải hoặc khuy đồng, áo dài qua đầu gối. Áo ngắn có bốn thân, xẻ ngực cổ cao, xẻ tà có hai túi nhỏ ở hai bên tà trước, áo đơm khuy vải ngang. Loại khuy vải của áo Tày là khót mác sâu vì cái cúc vải được nút lại trông giống quả sau sau, một loại cây có nhiều ở vùng rừng núi. Quần chân què đũng rộng, cạp lá tọa rộng không luồn dải rút khi mặc thì có dây buộc rồi bẻ cạp quấn ra ngoài. Khăn đội đầu của nam giới là mảnh vải khổ rộng 30 phân dài đến hai mét được quấn lên đầu theo hình chữ nhân. Những dịp lễ hội, nam giới Tày thường mặc thêm chiếc áo cánh trắng ở trong áo chàm.

Trang phục nữ giới:

Phụ nữ Tày mặc áo dài (slửa rì) gồm 5 thân dài đến bắp chân, cổ đứng cao 2 phân, ống tay hẹp xẻ ở nách cài khuy vải hoặc khuy đồng, ở phía đông thì mặc quần, còn ở phía tây thì mặc váy. Chiếc thắt lưng vải dài khoảng hai sải tay quấn quanh thắt lưng rồi được buộc lơi thả sau lưng buông đến khoeo chân như nhấn thêm đường cong của cơ thể tạo nên thắt đáy lưng ong, làm cho bước đi đung đưa, uyển chuyển đầy nữ tính. Với chiếc thắt lưng này thì chị em phụ nữ sau khi sinh nở hết thời gian nghỉ sẽ giúp chị em có thể lao động sản xuất, lấy lại vóc dáng cũ, không bị sổ bụng sau sinh. Các thanh nữ thường dùng thắt lưng bằng lụa màu hồng hoặc xanh, đỏ, tím; còn người lớn tuổi thì dùng thắt lưng vải chàm... Phụ nữ Tày thường để tóc dài vấn lên, khăn là loại khăn vuông màu chàm khi đội gập chéo giống kiểu mỏ quạ của người Kinh, chân đi hài vải.

Thật thiếu sót nếu không nói đến chiếc áo ngắn (slửa cỏm) của phụ nữ Tày, vì nó là một phần trong phục trang ngày lễ hội, ngày tết cưới hỏi… Slửa cỏm gần như áo cánh của người Kinh gồm 4 thân, cổ tròn khuy ở giữa, xẻ tà, có hai túi nhỏ ở hai bên tà trước. Chiếc áo ngắn (slửa cỏm) thường được mặc ở nhà thuận tiện trong sinh hoạt, hằng ngày. Vào ngày lễ tết, những ngày trọng đại của đời người, người phụ nữ Tày mặc ở trong chiếc slửa cỏm màu trắng, bên ngoài là áo dài (slửa rì) màu chàm thắt lưng gọn ghẽ, có giắt vào thắt lưng phần trước bụng một chiếc khăn nhỏ mầu trắng gấp lộ mép khăn khỏi thắt lưng cùng các vòng trang sức bằng bạc đeo ở cổ, ở tay, ở chân và chùm xà tích đeo ngang eo. Có nơi còn đeo túi vải hoặc túi thổ cẩm cùng túi đựng trầu bên hông. Tất cả toát lên vẻ đẹp dịu dàng kín đáo, quyến rũ.

Không rực rỡ sắc màu, không cầu kỳ, không họa tiết hoa văn, nhưng lại đằm thắm dịu dàng. Đó chính là nét đẹp nền nã mà giản dị của trang phục Tày vùng Việt Bắc. Ngày nay trong xu hướng hội nhập thời mở cửa trước những biến đổi của đời sống xã hội hiện đại, trang phục truyền thống dân tộc Tày đã có một chút cải tiến cách điệu nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống vốn có, luôn xuất hiện trong các hoạt động cộng đồng, hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, các sự kiện trọng đại của đất nước. Điều đó khẳng định giá trị văn hóa và sức sống của trang phục dân tộc đang được bà con dân tộc Tày trân trọng lưu giữ.

Kim Hoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy