Nét đặc sắc của 3 di tích mới được xếp hạng ở huyện Phú Lương và Phú Bình
VNTN - Ngày 3/10, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Quyết định số 2395/QĐ-UBND, về việc xếp hạng di tích lịch sử đình Cúc Lùng, xã Phú Đô, Quyết định số 2397/QĐ-UBND xếp hạng di tích đình Làng Mới, xã Hợp Thành, huyện Phú Lương và Quyết định số 2396/QĐ-UBND xếp hạng di tích đình Kha Nhi, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình. Ba di tích đều có những nét đặc sắc riêng, chúng ta cùng nhau chiêm nghiệm từng di tích.
Đình Cúc Lùng thuộc xóm Cúc Lùng, xã Phú Đô, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Trước năm 1945, đình Cúc Lùng thuộc xã Phú Đô, tổng Tức Tranh, huyện Phú Lương. Theo Thần tích - Thần sắc xã Phú Đô, đình Cúc Lùng thờ thành hoàng làng là Cao Sơn Quý Minh đại vương, chính là danh tướng Dương Tự Minh, một vị Thủ lĩnh phủ Phú Lương thời nhà Lý (thế kỷ XII).
Từ nửa đầu thế kỷ XIX, đồng bào Sán Chay đến định cư trên địa bàn xã Phú Đô. Trải qua nhiều thế hệ, tồn tại và phát triển, họ đã tích lũy được một kho tàng tri thức địa phương và tập quán tộc người rất phong phú và đa dạng, trong đó có tục thờ thành hoàng làng. Cùng với thờ danh tướng Dương Tự Minh, đình Cúc Lùng còn thờ các vị thần: Ông Công Hà Bá; Thần Nông, Thổ kỳ; Cây đa bóng mát đại nhân thần.
Với quan niệm về nhân sinh quan, vũ trụ quan khá đặc biệt: tất cả các cây cối, sông, suối đều là thần linh và có vai trò rất quan trọng chi phối trong đời sống sản xuất và sinh hoạt, chính vì vậy, nhân dân nơi đây đã xây dựng nên những ngôi đình, miếu làm nơi thờ các thần, thánh và thực hành các nghi thức tín ngưỡng. Qua đó để tạ ơn các vị thần đã có công phù hộ cho dân làng làm ăn được mưa thuận gió hòa, mùa màng được bội thu.
Đình Cúc Lùng được xây dựng nằm bên hữu dòng sông Cầu thuộc xã Phú Đô, huyện Phú Lương cùng những dải đồi chè xanh ngắt. Từ xa xưa truyền lại đình Cúc Lùng tọa lạc trên một khu đất rộng bằng phẳng, dưới tán nhiều cây cổ thụ trong một không gian cổ kính và tĩnh mịch, yên bình. Cho đến nay, chưa tìm được tài liệu xác định thời gian khởi dựng của đình. Ngôi đình hiện tại được xây dựng từ trước năm 1871 và đã trải qua 3 lần đại trùng tu vào năm 1968, năm 1991 và gần đây nhất là năm 2007.
Đình Cúc Lùng được xây dựng theo lối truyền thống, bố cục mặt bằng kiểu chữ Nhất. Thượng cung đình có thang làm bằng gỗ để đi lên, đi xuống. Đình có hướng chính là hướng nam trông ra dãy núi Tời Pho, phía sau đình là núi Kính (nay còn gọi là núi Hích) và dòng sông Cầu uốn lượn xung quanh. Đình có diện tích khoảng 50m2, có 5 gian. Đình có hệ thống mở không có cửa. Kết cấu nhà xây gạch vữa, tường chịu lực. Xung quanh đình có nhiều cây cổ thụ như: cây đa, cây gạo, cây dổi, cây sấu.
Đình Cúc Lùng là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. Cộng động người Sán Chay chủ yếu sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp nên các thời gian tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng sẽ phụ thuộc phần lớn với thời gian nông lịch.
Đình Làng Mới thuộc xóm Làng Mới, xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Trước năm 1945, Đình thuộc thôn Mới, làng Môn Mãn, tổng Phủ Lý, huyện Phú Lương.
Hợp Thành là vùng đất có quá trình định cư lâu đời của các đồng bào dân tộc. Vùng đất này trước kia là rừng rậm, qua thời gian, nhân dân đã khai hoang an cư lập nghiệp từng bước hình thành các địa danh làng xóm. Người đầu tiên đến xóm làng Mới để an cư lập nghiệp là người Tày thuộc 3 dòng họ: Lương, Lý, La. Đây cũng là những người đầu tiên đứng ra xây dựng đình làng. Sau khi đã có cuộc sống ổn định, người dân trong xóm ngày càng đông, để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong vùng.
Theo Thần tích - Thần sắc thôn Mới (1938) lưu tại Viện Thông tin Khoa học xã hội Hà Nội cho biết: thôn Làng Mới, thôn Khuân Lân, thôn Làng Mãn cùng thờ vị Cao Sơn Quý Minh. Hiện nay đình đang thờ danh tướng Dương Tự Minh thời nhà Lý. Năm 1945, tại đình Làng Mới đã diễn ra cuộc mít tinh chào mừng chính quyền xã ra đời. Những năm 1947, 1948 Đình là nơi đặt tiền trạm quân y tiền phương của bộ đội ta. Năm 1954, Đình là nơi tập kết tù binh và hàng binh Pháp trước khi trao trả cho Pháp theo Hiệp định Giơnevơ.
Năm 1965, Bộ Y tế phải chuẩn bị kế hoạch sơ tán các cơ quan Bộ và các đơn vị trực thuộc trong đó có Trường Y Hà Nội. Từ cuối tháng 9/ 1965, trường Đại học Y Hà Nội bàn giao cơ sở “Khe nước lạnh” (xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn ) cho một cơ quan khác để chuyển về xây dựng ở địa điểm mới xã Hợp Thành (huyện Phú Lương) từ ngày 16/10/1965. Cơ sở sơ tán của trường là một khu vực khá rộng. Lực lượng xây dựng trường do 1.000 sinh viên các khóa và cùng 200 thầy, cô thuộc các bộ môn. Lực lượng này sau khi xây dựng xong cơ sở thì ở lại, khai giảng luôn. Mật danh Trường lúc này để giao dịch thư từ là Trường Bổ túc văn hóa Hoàng Hoa Thám. Trong thời gian trường Đại học Y Hà Nội sơ tán ở xã Hợp Thành đã sử dụng đình Làng Mới làm kho cất giữ đồ thí nghiệm. Cuối năm học 1968 - 1969, sau khi Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, nhà trường quyết định chuyển khu sơ tán về xuôi.
Đình Kha Nhi xưa kia có tên là đình Làng Đồng nằm ở xóm Mai Kha, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình. Trong thời kỳ vận động Cách mạng Tháng Tám (1939 - 1945), xã Kha Sơn là một trong những địa phương được chọn làm ATK II của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ. Cụm di tích Kha Sơn đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng quốc gia năm 1997. Đình Kha Nhi được nhân dân địa phương xây dựng và hoàn chỉnh vào khoảng cuối thế kỷ XVII dưới thời nhà Hậu Lê. Tại đình hiện còn lưu giữ 2 tấm bia đá mang tên Hậu thần bi ký. Tấm bia lớn được lập năm Lê Cảnh Hưng thứ 33, cho biết năm 1773 ở địa phương có vị quan Hoằng tín đại phu câu kê đã bỏ tiền, ruộng công đức cho làng tu bổ sửa chữa đình làng được bầu là Hậu thần. Văn bia cũng cho biết đây là bài văn do một Tiến sỹ thời Lê Trung Hưng soạn. Tấm bia thứ 2 cũng mang tên Hậu thần bi ký (bia nhỏ hơn) lập vào thời nhà Nguyễn niên hiệu Tự Đức (1848 -1882), thế kỷ XIX ghi công đức của ông Tự Phúc Nhã và hiệu Diệu Ninh giỗ vào 16 tháng 3 âm lịch. Do ông bà không có con đã công đức ruộng cho làng, nên được lập bia cho gửi giỗ.
Theo Thần tích, thần sắc làng Kha Nhi (1938), cho biết, đình làng Kha Nhi thờ thần húy là Dương Tự Minh. Sự linh thiêng về Ngài được nhân dân truyền khẩu, làng Kha Sơn Hạ (làng Ca) đến ăn trộm ngai thờ của làng Kha Nhi về thờ, khi qua khu đất Bãi Giao vì ngai thần nặng quá, người nọ đổi vai cho người kia những không tài nào đổi được bèn để lại ngai thần tại chỗ nghỉ - người đi ăn trộm ngai liền đành chịu về tay không.
Đình Kha Nhi là một công trình văn hóa được nhân dân địa phương khởi dựng vào thời nhà Hậu Lê (thế kỷ XVII). Đình được xây dựng tại vị trí trung tâm của làng, trên sườn đồi cao ráo, thoáng mát, phía bắc giáp đất làng Mai Sơn, phía tây giáp làng Tân Trung, phía nam nhìn ra cánh đồng bát ngát, thẳng cánh cò bay, phía đông giáp xóm Hòa Bình. Thế đất của đình là thế đất đẹp, bên phải đình có núi Bờ Vai hình voi phục, bên trái là hai ngọn đồi hình đôi ngưu quần, trước mặt là hình hổ chầu về đình, xa xa là con ngòi và dòng sông Cầu uốn khúc - là nơi tiền thủy, hậu sơn, thực là một vị trí đắc địa. Trải qua quá trình lịch sử, đình được nhân dân địa phương di chuyển xây dựng đến 3 lần. Đầu tiên đình được nhân dân xây dựng ở Núi Đình (vị trí hiện tại bây giờ). Sau đó, nhân dân lại di chuyển đình xuống dựng ở xứ Đồng Vườn thuộc làng Kha Nhi. Khoảng giữa thế kỷ XIX, năm 1840, làng xảy ra vụ hỏa hoạn, đình cũng bị cháy, do vậy nhân dân thường gọi khu vực này với cái tên là khu vực đồng Quán Cháy. Lần 2, nhân dân di chuyển đình từ xứ Đồng Vườn về chân Núi Đình (bây giờ là địa điểm Nhà Văn hóa xóm Mai Kha). Lần 3, khi dân làng thấy làng làm ăn không thuận, con cháu học hành không được hanh thông, nhân dân lại bảo nhau di chuyển đình về Núi Đình, tức là đúng vị trí ban đầu lại khởi dựng ngôi đình.
Đình hiện khá khang trang. Đường vào đình qua khu nhà Văn hóa xóm Mai Kha được đổ bê tông. Đường lên đình được xây bậc cẩn thận. Khu vực sau đình có nhiều cây xanh, mỗi đầu đình có một cây lim cổ thụ sum suê che bóng mát.
Đình là nơi sinh hoạt của nhân dân địa phương. Chính diện đình trông về hướng tây nam, theo quan niệm truyền thống của người Việt Nam, đó là hướng của mặt trời, hướng sinh sôi nảy nở, mát mẻ, đem đến cho cuộc sống con người những điều tốt đẹp, hạnh phúc. Đình Kha Sơn có kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, có một gian hai dĩ. Gian giữa đình trưng bày một hương án thờ cao, cách nền đình khoảng trên 1m, trên hương án bài các đồ thờ như bát hương, đồ lễ. Mặt cột hướng ra bên ngoài có treo câu đối nội dung như sau: “Đức đại an dân thiên cổ thịnh/ Công cao hộ quốc vạn niên trường” (Công đức của thần muôn đời còn thịnh vượng/ Cũng như việc bảo vệ đất nước của thần vạn năm còn dài lâu). Tiếp bên trong giáp Hậu cung đình cũng có câu đối chữ Hán như sau: “Ngũ sắc tường vân duyên thánh điện/ Thiên thu ân vụ phúc dân linh”(Mây lành ngũ sắc vây quanh thánh điện/ Ngàn năm ân đức của thánh còn che chở cho dân).
Trên đỉnh nhà tiên tế, gian giữa cạnh bàn thờ có treo bức hoành phi: “Tối linh từ” (Ngôi đền tối linh thiêng). Phía trên bàn thờ ở hậu cung còn giá văn cổ vẽ mũ thần và hai người hầu và trưng bày đồ thờ như bát hương cổ, lọ hoa, hạc, mâm bồng...
Đình Kha Nhi không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương, mà còn là một trong những di tích nằm trong quần thể di tích lịch sử, văn hóa của xã Kha Sơn và huyện Phú Bình cần được nhân dân và chính quyền địa phương gìn giữ, bảo tồn.
Ngôi đình Cúc Lùng và đình Làng Mới ở huyện Phú Lương là di tích lịch sử, nơi lưu giữ những phong tục, tập quán mang bản sắc văn hóa dân tộc, phản ánh đời sống văn hóa tinh thần phong phú và thuần hậu của nhân dân địa phương, bản địa là người Sán Chay, người Tày. Ngôi đình Kha Nhi ở huyện Phú Bình là di tích lịch sử ở vùng trung du, nơi tập trung người Kinh sinh sống, nhân dân sinh hoạt văn hóa tinh thần ở đình làng phản ánh bản sắc giống như nhân dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tuy có khác nhau về vùng, miền về một số đặc trưng phong tục nhưng nhân dân các dân tộc vẫn có một tín ngưỡng chung tạo nên sự đặc sắc đó là cùng chung một phong tục thờ phụng danh tướng Dương Tự Minh, người đã có công với dân với nước, người đã có ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, người đã đem lại may mắn và hạnh phúc cho cuộc sống bình yên và Người là vị thần bảo trợ muôn đời cho nhân dân. Đó là cốt lõi của truyền thống "Uống nước nhớ nguồn, Ăn quả nhớ người trồng cây", một trong những truyền thống, đạo lý tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam.
Bài và ảnh: Nguyễn Đình Hưng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...