Thứ năm, ngày 02 tháng 05 năm 2024
05:19 (GMT +7)

Muôn đóa hoa xuân

Vậy là đã tròn một năm Văn nghệ Thái Nguyên chuyển đổi sang hình thức Tạp chí. Thật hạnh phúc biết mấy khi nhận được những tình cảm tin yêu, sự ghi nhận, khích lệ, động viên từ bạn đọc và những cộng tác viên gần xa gửi về Tòa soạn như muôn đóa hoa xuân nở bừng nhà Văn nghệ Thái Nguyên!


Nên tương tác với người viết nhiều hơn trước kỳ xuất bản

Tác giả Nguyễn Minh Trọng (Chi hội Thơ)

Ngót chục năm tôi làm quen và gắn bó với VNTN tính từ ngày bài thơ đầu tiên của tôi được đăng. Trong suốt khoảng thời gian đó, từ một người viết cộng tác với VNTN vì sở thích, đam mê đến khi là hội viên của Hội VHNT tỉnh - cơ quan chủ quản của VNTN thì việc tham gia viết bài, gửi sáng tác, xây dựng tờ Báo (nay là Tạp chí) của Hội với tôi đã trở thành trách nhiệm.

Một năm qua, chứng kiến VNTN đầy tự tin bước vào “Hành trình mới” với rất nhiều kết quả đáng tự hào. Thực sự khó có thể nói hết niềm hân hoan, vui mừng của bản thân tôi về những điều VNTN đã làm được khi chuyển đổi sang hình thức mới (bởi trong đó có sự góp sức của các hội viên, nghĩa là có cả bản thân mình, dù nhỏ nhoi thôi). Với mong muốn tiếp tục được đồng hành cùng VNTN vững bước trong những chặng đường tiếp theo, tôi mạo muội được góp ý kiến nhỏ của mình tới quý Tòa soạn và Ban Biên tập, rằng: trước mỗi kỳ ra Tạp chí nên tăng sự tương tác với các cộng tác viên (đặc biệt là các hội viên của Hội) nhiều hơn nữa, để qua đó, trao đổi về những mảng miếng, những chủ đề cần viết, những bài cộng tác viên đã gửi nhưng cần sửa để có thể sử dụng được, hoặc đặt bài về các chuyên mục cụ thể, phù hợp với sở trường của mỗi cộng tác viên... thì sẽ tăng sự gắn kết giữa Tạp chí, Hội và đội ngũ các cộng tác viên (nhất là hội viên). Để mục tiêu cuối cùng là cùng nhau nỗ lực, góp sức xây dựng một mái nhà đầm ấm mang tên Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên, mà tiếng nói của ngôi nhà ấy là những ấn phẩm Tạp chí VNTN đẹp đẽ, sang trọng, giàu giá trị.

“Nhiễm” tình yêu Văn nghệ Thái Nguyên từ “ông xã”

Chị Lê Thị Hào (Trung tâm Chính trị huyện Phú Bình)

Phải thú thật, trước đây, tôi là người ít đọc các báo, tạp chí liên quan đến văn chương, nghệ thuật. Thế nhưng, có “ông xã” là hội viên Hội VHNT tỉnh được cấp phát Báo/Tạp chí thường xuyên nên tôi có cơ hội được tiếp cận, lâu dần thành thói quen.

Những lúc rảnh, nhìn tờ Tạp chí VNTN để ngay ngắn trên bàn, tôi lại tò mò đọc. Tôi khá thích thú vì nhìn tờ Tạp chí bắt mắt, nội dung phong phú, đa dạng. Không chỉ có những bài viết chuyên sâu về lĩnh vực văn chương, nghệ thuật, tôi còn thấy nhiều chuyên mục khác thu hút người đọc như: Vấn đề cùng quan tâm; Chuyện người chuyện ta; Ý kiến bạn đọc,…

Thế rồi, tôi bỗng trở thành độc giả quen thuộc của Tạp chí tự lúc nào không rõ. Có tháng, thấy “ông xã” không mang Tạp chí VNTN về đọc, tôi liền nhắc hỏi. “Ông xã” bảo tôi lên mạng xem Tạp chí VNTN điện tử. Tôi lại ngạc nhiên thêm lần nữa khi biết rằng một tờ tạp chí cấp tỉnh lại có cả tạp chí in lẫn tạp chí điện tử. Thành thử bây giờ, trước khi bắt đầu làm việc, tôi thường lướt qua thông tin trên các trang báo điện tử một chút, trong đó không thể thiếu VNTN.

Trong những câu chuyện với đồng nghiệp, tôi vẫn thường kể với họ về những thông tin đọc được trên VNTN. Dần dà, họ cũng trở thành độc giả trung thành của Tạp chí. Không những vậy, chúng tôi còn tích cực tham gia các cuộc thi do Tạp chí và Hội VHNT tỉnh tổ chức như: “Đọc từ trái tim”, “Tôi và Thái Nguyên”... Thật may mắn, bài viết của tôi tham gia Cuộc thi viết “Tôi và Thái Nguyên” đã được lựa chọn đăng trên Tạp chí VNTN điện tử. Đây cũng là tác phẩm đầu tay của tôi.

Cũng phải nói thêm rằng, tôi biết VNTN từ khá lâu rồi nhưng thực sự có “duyên” với Tạp chí thì chỉ trong thời gian mới đây. Cảm ơn VNTN đã cho tôi thêm những cảm xúc mới mẻ sau những giờ làm việc căng thẳng. Và chắc chắn, thời gian tới, tôi sẽ còn gắn bó, cộng tác cùng tờ Tạp chí VNTN thân yêu này.

Tôi luôn dõi theo từng trang tạp chí

Nhà văn Phạm Quý (Chi hội Văn xuôi)

Vậy là Tạp chí VNTN đã một năm đồng hành cùng độc giả. Cũng tháng ngày này năm 2020 ai cũng mong chờ xem VNTN khi đổi từ “họ” báo sang tạp chí thì diện mạo thế nào. Tôi còn nhớ cảm xúc khi được nhận tờ Tạp chí số đầu tiên đón chào năm mới ấy. Háo hức lắm, tôi lật giở từng trang và biết rằng đây là một ấn phẩm rất đặc biệt mang tên “Hành trình mới”. Nó đặc biệt bởi dấu mốc chuyển từ tờ báo sang tạp chí.

Và trong suốt một năm qua, tôi vẫn luôn có cảm giác háo hức đón chờ một tháng hai kỳ Tạp chí ra. Số lượng ít đi hai kỳ so với Báo những năm trước, nhưng số trang lại tăng lên rất nhiều. Báo có 12 trang thì Tạp chí lên 44 trang, kích thước chênh nhau không đáng kể. Các chuyên mục cũng không thay đổi nhiều, nhưng nội dung thì có khác. Về hình thức trình bày, tờ nào tôi cũng thấy đẹp như số Tết những năm trước.

Ngay mục Tin tức, sự kiện và Chính trị xã hội của Báo trước kia thì nay với Tạp chí nó là Vấn đề cùng quan tâm. Nhưng lại được phân tích, mổ xẻ qua lăng kính của góc nhìn văn hóa, văn học nghệ thuật chứ không chỉ thuần túy đưa tin. Nó hợp với vai trò của một tạp chí văn nghệ. Với chuyên trang Sáng tác Văn học đất bây giờ rộng dài hơn. Dù tiêu chí đề ra chất lượng tác phẩm là trên hết, nhưng tôi nghĩ khi đất có hạn như Báo cũng rất hạn chế cho việc đăng thường xuyên những truyện ngắn có dung lượng lớn. Giờ các tác giả nếu có truyện dài một chút cũng không phải băn khoăn khi gửi bài. Độc giả thì được thưởng thức những truyện dài hơi hơn. Đặc biệt Tạp chí lại có thêm chuyên mục Truyện ngắn đặc sắc thêm lời bình của các nhà văn uy tín. Tôi thấy đây là một món ăn vừa ngon vừa bổ dưỡng với người thưởng thức. Độc giả được đọc một truyện ngắn chọn lọc đã có chỗ đứng trong làng truyện ngắn nước ta. Với người viết sẽ thêm một bài học quí giá từ cảm nhận đọc đến tiếp nhận các ý kiến trong lời bình của các nhà văn.

Khi đọc các kỳ Tạp chí đã ra, tôi thấy giống như Báo trước kia, dường như tất cả diện mạo các loại hình nghệ thuật đều được cất tiếng nói của mình nhưng rộng dài hơn. Với Nhiếp ảnh nay có riêng hai trang để mọi người thưởng thức cái đẹp luôn hiện hữu xung quanh. Rồi các bài viết về các bộ môn nghệ thuật khác, về văn hóa, văn học, đời sống, xã hội... đều có đất rộng hơn cho mình. Ngoài ra còn một số trang linh hoạt với các chủ đề mới. Tạp chí đã bày ra một món ăn tinh thần đủ độ đầy đặn, nhiều màu sắc các loại hình văn học nghệ thuật. Dư vị của nó luôn rất ấn tượng trong tôi. Nếu được góp ý thêm, tôi đề nghị mục Bút ký - Phóng sự nên mở thêm trang chuyên về ký ức, có thể hợp với rất nhiều đối tượng tham gia. Trang Nghiên cứu - Trao đổi nên tăng cường đặt các bài bình tác phẩm mới ra để thúc đẩy việc sáng tác.

Thấy đất của Tạp chí rộng dài, cửa Tạp chí rộng mở mà là một người viết tôi lại thấy buồn. Cơ hội để tôi bày món ăn của mình lên thì nhiều mà tôi bỏ phí tháng ngày qua. Rất nhiều điều nóng hổi của cuộc sống vẫn ngày ngày hiện lên mà tôi như bất lực. Một năm mới đang về, tôi tự hứa với mình sẽ thể hiện sự trân trọng, yêu quí Tạp chí bằng một tình yêu cụ thể hơn.

Văn nghệ Thái Nguyên - tự tin, năng động và chuyên nghiệp

Dịch giả Lê Công Vũ (Hà Nội)

Với tôi, Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên (trước là Bắc Thái) và tờ văn nghệ của Hội nào có khác đâu “người nhà” từ cái thời còn chen nhau xếp hàng mua tem phiếu ấy. Cụ thể thế nào có lẽ để một dịp khác, kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Hội năm nay chẳng hạn, tôi sẽ chia sẻ lại. Còn giờ, một năm qua, chứng kiến VNTN chính thức mang một diện mạo mới, bản thân tôi thấy thật vui mừng trước sự tự tin, năng động và đầy chuyên nghiệp của Tạp chí. Thẳng thắn mà nói, không phải bất cứ một tờ văn nghệ địa phương nào cũng làm được như vậy.

Chuyển đổi hình thức từ báo tuần sang tạp chí 2 kỳ/tháng cũng là cơ hội để Ban Biên tập nâng chất lượng bài vở. Trên phương diện này, Tòa soạn đã làm tốt trách nhiệm của mình. Bạn đọc cảm nhận trong từng bài viết, sáng tác... sự chu đáo và sự cầu toàn của các biên tập viên. Nỗ lực tối đa năng lượng sáng tạo của mình để đem đến cho độc giả thông tin thật đa dạng, phong phú và phản ánh sâu sắc đời sống văn hóa vùng đất ATK thuở nào và Thái Nguyên năng động hiện giờ.

Và một điều nữa, trong khi các tác phẩm văn học nghệ thuật ngày càng “phình” ra cả về số lượng và chất lượng, thật khó để tìm được “đất” cho sản phẩm của những người viết mới như ở VNTN. Bên cạnh những tác phẩm có giá trị cao, chuyên nghiệp nằm ở các mục Sáng tác văn học, Truyện ngắn đặc sắc, là những truyện ngắn và bài thơ của các tác giả trẻ, những người không chuyên nằm ở mục Sáng tác Trẻ, Văn nghệ các địa phương, độc giả sẽ thấy người viết vẫn còn “non tay” ở một số chỗ. Song điều này càng khiến việc tác phẩm của họ được đăng tải quý giá hơn. Một mặt người viết nhận được sự phản hồi từ các thế hệ đi trước và công chúng để tự cải thiện kỹ năng của mình. Mặt khác các tài năng trẻ có cơ hội được thể hiện, được “ươm mầm phát triển”, tạo động lực để họ tiếp tục sáng tác.

Tăng tính phổ cập của Tạp chí cũng là định hướng mà theo tôi Tòa soạn nên cân nhắc. Quả thật là đáng quý khi VNTN vẫn giữ được tính hàn lâm khi chuyển đổi từ báo sang tạp chí. Nhưng có vẻ như Tạp chí cũng nên xem xét đến sự thay đổi trong thị hiếu độc giả. Cả độc giả trí thức lẫn bình dân đều rất muốn đọc về những gì xảy ra ngay gần mình và giúp ích cho mình trên một phương diện nào đó. Liệu có nên chăng “dành đất” cho nhiều bài phóng sự (cả phóng sự điều tra) phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong lẫn ngoài tỉnh. Đi vào đời sống có lẽ là một trong những cách để VNTN thân thiện với đông đảo các tầng lớp bạn đọc cả nước hơn.

Có lẽ, nói đến việc “phổ cập hóa”, có ai đó sẽ nghĩ như thế là làm giảm giá trị của VNTN. Xin mong là đừng nghĩ vậy! Tờ VNTN từ đầu được lập ra không phải để cho chỉ giới nghệ sĩ đọc tác phẩm của nhau. Nó là phương tiện để làm phong phú hơn đời sống kinh tế - văn hóa - văn nghệ của bà con các dân tộc Thái Nguyên. Đồng thời như một công cụ bảo tồn các giá trị tinh thần quý báu.

ATK Thái Nguyên xưa đã thu hút giới trí thức cả nước đến nơi này. Và Ban Biên tập VNTN hẳn đã luôn để tâm tới điều này, đó là lý do mà tôi tin bước vào mùa Xuân năm con Hổ này, Tạp chí sẽ tiếp tục khởi sắc!

Một “người bạn tình” chung thủy, gắn bó những vui buồn

TS. Cao Thị Hồng (Chi hội Lý luận phê bình)

Từ bao năm nay VNTN như một “người bạn tình” chung thủy, gắn bó cùng tôi với những vui buồn. Tại sao tôi lại coi VNTN như vậy? Bởi lẽ, ấn phẩm văn nghệ này luôn mang đến cho tôi một cảm giác tinh thần mới lạ, hấp dẫn nhưng cũng rất đỗi ấm áp, gần gũi. Nói như vậy, quả thật không “văn hoa” chút nào vì với tôi - một người con của Thái Nguyên, viết cho Tạp chí Văn nghệ tỉnh nhà cũng là một cách để “khám phá” chính mình; và đọc Tạp chí Văn nghệ tỉnh nhà ngày mỗi ngày, tôi tìm thấy niềm an ủi, sự bao dung, thân thiện, sự chia sẻ tỏa ra từ những câu chữ được đăng tải trên Tạp chí. Những câu chuyện, bài thơ, tấm ảnh đẹp, trang phóng sự, bài nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật, bản nhạc mới... những sản phẩm nghệ thuật được chắt lọc từ tâm huyết, trí tuệ, sự sáng tạo của bao tấm lòng trân quý cái Đẹp, cái Thiện... tất cả như phù sa tươi rói, ngày mỗi ngày, bồi đắp phong phú thế giới tinh thần của tôi, nhắc nhở tôi sống tử tế và có trách nhiệm với công việc thường ngày, với những người sống quanh tôi...

Qua VNTN thấy thêm yêu thương và gắn bó với con người và những địa danh vốn rất bình dị, thầm lặng, nhưng ẩn chứa trong đó nhiều “bí ẩn” về văn hóa, lịch sử... VNTN giúp tôi thấu hiểu hơn chiều sâu văn hóa, lịch sử của mảnh đất nơi tôi sinh ra và lớn lên để từ đó suy ngẫm, tự tin lựa chọn những gì mình có thể cố gắng để góp phần chia sẻ, xây dựng quê hương.

Một năm qua, từ Báo trở thành Tạp chí, trong cảm nhận của tôi, VNTN đã nỗ lực rất nhiều để vượt qua chính mình. Đội ngũ biên tập luôn cầu thị, lắng nghe ý kiến bạn đọc và các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau để cải tiến các trang mục, nâng cao chất lượng Tạp chí cả hình thức và nội dung. Dù chỉ mới qua một năm chuyển đổi sang loại hình tạp chí nhưng VNTN đã khẳng định được vị trí của mình trong lòng bạn đọc. Nhiều tác phẩm của các tác giả trong và ngoài tỉnh được đăng tải trên Tạp chí đã để lại mỹ cảm sâu sắc cho bạn đọc - đây chính là thành công đáng kể nhất mà VNTN là một trong số không nhiều những tạp chí chuyên về văn nghệ đạt được. Có được kết quả đó, không thể không kể đến sự tận tâm, sáng tạo của tập thể Tòa soạn và các cộng tác viên trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là sự chia sẻ của nhiều hội viên Hội VHNT tỉnh nhà.

Năm mới 2022 đến trong bối cảnh lịch sử nhiều biến động, người Thái Nguyên đang tiếp tục bền bỉ, nỗ lực cùng đất nước vượt qua thử thách bởi đại dịch COVID-19, VNTN càng chứng tỏ vai trò quan trọng của mình trong đời sống tinh thần của bạn đọc.

Chúc Tạp chí VNTN tiếp tục phát huy nội lực, ngoại lực để nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ ngày càng phong phú, đa dạng của bạn đọc.

Vài cảm nghĩ về Văn nghệ Thái Nguyên

Anh Nguyễn Đình Hưng (Chi hội Văn nghệ dân gian)

Nhớ lại buổi Gặp mặt cộng tác viên cuối năm 2020 để họp bàn tổ chức hai số đầu tiên của VNTN chuyển đổi từ báo tuần sang tạp chí, là số 1 - Hành trình mới và số Xuân Tân Sửu - Về nhà. Khi ấy, nghe đồng chí tân Tổng Biên tập chia sẻ VNTN chuyển đổi sang Tạp chí, có nhiều chuyên mục của Báo trước kia được giữ nguyên như Sáng tác văn học, Nghệ thuật, Văn hóa (trước là Văn hóa - Đời sống), Nghiên cứu - Trao đổi, Văn học nước ngoài, Chuyện người chuyện ta, Bút ký - Phóng sự (trước là Phóng sự - Ký sự)... nhưng mỗi chuyên mục lại mở rộng về đất đai hơn. Cùng với đó là xây dựng những chuyên mục mới như Vấn đề cùng quan tâm, Truyện ngắn đặc sắc, những trang ảnh nghệ thuật hay phóng sự ảnh... Ai cũng mừng và vui vì VNTN bước vào “Hành trình mới” vẫn giữ những giá trị, nét riêng vốn có, lại được bổ sung, phát triển thêm cái mới.

Và tính đến nay, VNTN đã tròn một năm chuyển đổi sang hình thức tạp chí, đã làm được nhiều việc đáng kể. Tạp chí đã bám sát được những vấn đề mang tính thời sự, đi sâu vào tâm tư, tình cảm của đại đa số quần chúng nhân dân; làm tốt việc giới thiệu, quảng bá những tác phẩm văn học, nghệ thuật của tỉnh nhà và cả những tinh hoa văn hóa thế giới đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của bạn đọc. Tạp chí còn là một sân chơi thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo quần chúng nhân dân thông qua những cuộc thi như: “Đọc từ trái tim”, “Tôi và Thái Nguyên”, “Bút ký - Phóng sự năm 2021 – 2022”...

Với Cuộc thi “Đọc từ trái tim”, những tác phẩm văn học, những bài viết trên Tạp chí VNTN điện tử vốn lâu nay chỉ ở kênh chữ truyền thống - độc giả đọc bằng mắt, nay đã được chuyển tải qua những giọng đọc truyền cảm, khiến các tác phẩm, bài viết trở nên sinh động và cuốn hút hơn.

Với Cuộc thi viết “Tôi và Thái Nguyên” dường như đã chạm đến được đông đảo tầng lớp nhân dân cả trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên, với rất nhiều những tác giả không chuyên song hầu hết các tác phẩm dự thi với những câu chuyện riêng nhưng đều hướng về một Thái Nguyên oai hùng, bất khuất xưa với những con người nhỏ bé mà kiên cường, chịu thương chịu khó, nặng tình nặng nghĩa và một Thái Nguyên phồn thịnh hôm nay với những con người năng động, giàu sức trẻ...

Còn Cuộc thi Bút ký - Phóng sự năm 2021 - 2022 mới đi được nửa chặng đường song đã ít nhiều thu hút được các văn nghệ sĩ, trí thức thể hiện các tác phẩm mang hơi thở thời đại, phản ánh những hoạt động trên mọi mặt của đời sống Thái Nguyên hôm qua và hôm nay.

Bước vào năm mới 2022, chúc VNTN tiếp tục phát huy những kết quả tích cực đã làm được trong năm 2021, có thêm những cách làm hay thu hút đông đảo lực lượng cộng tác viên, tạo ra nhiều tác phẩm, bài viết có chất lượng, và cùng với Hội thực sự là “ngôi nhà văn nghệ” được nhiều người lui tới chung góp bằng tất cả tài hoa và trí tuệ.

Là điểm sáng cho người yêu văn nghệ

Họa sĩ Nguyễn Văn Dũng (TP. Hồ Chí Minh)

Cầm tờ Tạp chí VNTN trên tay, thấy hình thức, nội dung khác nhiều so với trước đây. Là những “cái khác” mang nghĩa tích cực và đi lên. Từ hình thức trình bày bắt mắt hơn đến nội dung từng trang Tạp chí từ lâu đã hay, nay càng nhiều bài viết, sáng tác chất lượng hơn.

Đọc VNTN như lạc vào một thế giới thu nhỏ. Ở đó có những trang viết khiến ta vui lây với những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của Thái Nguyên và cả nước; lại có những trang viết khiến ta phải trầm ngâm, nặng lòng suy tư trước những góc khuất, mặt trái của cuộc sống, những số phận con người; lại có khi được đắm mình trong những sáng tác thẫm đẫm tính nhân văn, khơi gợi tình yêu thương giữa con người với con người, niềm tin yêu, lạc quan và hy vọng; có khi lại cảm thấy bức bối, bất bình, muốn đấu tranh cùng những bài thơ châm, tranh biếm họa đả kích những thói hư tật xấu, những việc làm chưa hay của xã hội...

Với tôi, VNTN thực sự hữu ích, là điểm sáng, là người bạn thân thiết cho những ai yêu văn học, nghệ thuật!

Có thêm nguồn tư liệu cho bài giảng

Anh Triệu Văn Lũy (Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đồng Hỷ)

Tôi biết đến Tạp chí VNTN (trước đây là Báo VNTN) từ lâu, tuy nhiên cũng không theo dõi được thường xuyên. Mặc dù vậy, trong những lần tìm thêm tư liệu cho bài giảng lý luận chính trị, tôi cũng đã tham khảo được khá nhiều thông tin từ VNTN. Trong đó, có lần tìm tư liệu tham khảo cho bài giảng về chuyên đề “Giáo dục Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong giai đoạn mới”, tôi đã tìm đọc rất nhiều bài thơ, câu chuyện đăng trên VNTN về sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ TNXP Đại đội 915 năm 1972. Có những bài thơ tôi đọc và vận dụng liên hệ vào bài giảng giúp học viên chăm chú lắng nghe, xúc động. Tương tự với những bài giảng khác, tùy từng nội dung, tôi cũng liên hệ vận dụng các thông tin thu thập được từ VNTN vào bài giảng cho phù hợp. Ngoài chuyên mục thơ, văn, tôi cũng rất thích các chuyên mục khác của VNTN như: Hướng về biển đảo quê hương, Chuyện người chuyện ta, Câu chuyện văn hóa,...

Vì công việc cũng khá bận nên tôi chủ yếu tranh thủ thời gian ngắn truy cập vào trang VNTN điện tử để tìm hiểu thêm thông tin. Từ khi chuyển đổi loại hình báo sang tạp chí, tôi thấy VNTN đã có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, gần gũi, bám sát hơi thở cuộc sống. Là người yêu thích văn hóa, văn nghệ, tôi cũng thường xuyên theo dõi các cuộc thi trên VNTN. Đặc biệt là các cuộc thi mang tính tương tác cao như “Tôi và Thái Nguyên”, “Đọc từ trái tim”. Với cách thức chia sẻ trên mạng xã hội nên các cuộc thi lan tỏa được đến nhiều thành phần, đối tượng, vùng miền. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, với cách làm sáng tạo, độc đáo, phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp mà Tạp chí VNTN thực hiện thời gian qua, theo tôi, đây là những kinh nghiệm hay để các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh học tập.

Cá nhân tôi mong rằng thời gian tới, Tạp chí VNTN sẽ tiếp tục đổi mới hơn nữa, có thêm nhiều bài viết bám sát nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, đi sâu vào phản ánh tâm tư, nguyện vọng người dân, đặc biệt là cuộc sống người dân ở vùng sâu vùng xa của tỉnh; tích cực chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của các tập thể, cá nhân tiêu biểu để các đơn vị khác học hỏi kinh nghiệm, góp phần thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền trong tình hình mới... Và tôi lại có thêm nhiều nguồn tư liệu quý giá cho những bài giảng của mình.

Mừng Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên thêm một mùa xuân

Em Phạm Ánh Mai (Lớp 7A, THCS Hoàng Ngân, Định Hóa)

Thật may mắn cho em khi được là thành viên tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ Văn học của nhà trường. Ở đây, em được tham gia các hoạt động trải nghiệm và cảm nhận các tác phẩm của văn học thanh thiếu nhi, em tập viết văn, làm thơ,… Ngoài ra em còn thường xuyên theo dõi, tìm đọc các tác phẩm, bài viết ở trên Báo nay là Tạp chí Văn nghệ của tỉnh nhà.

Nhờ những tờ báo, cuốn tạp chí xinh xắn này đã đem đến cho em rất nhiều thông tin bổ ích. Nội dung thường đề cập về cuộc sống thường nhật, những đặc sắc nghệ thuật, nét độc đáo riêng về văn hóa vùng miền... và các tác phẩm văn thơ hay phù hợp với mọi lứa tuổi, rất đáng để đọc. Với Báo VNTN trước kia đều đặn mỗi tuần một số, hình thức trình bày đẹp, nội dung đặc sắc nhưng số lượng chỉ 12 trang/số. Còn nay Tạp chí VNTN dường như vừa kế thừa lại vừa phát huy được những cái hay, cái đẹp của Báo trước kia. Tuy Tạp chí mỗi tháng chỉ ra hai kỳ nhưng số lượng mỗi kỳ lên tới 44 trang nên lượng nội dung đi kèm vừa đặc sắc lại đa dạng và phong phú hơn. Ngoài ra số lượng tranh ảnh góp mặt trong Tạp chí cũng nhiều hơn hẳn, càng làm hình thức của VNTN trước kia đã đẹp nay trông còn bắt mắt và sinh động hơn.

Qua nhiều năm luôn theo dõi VNTN và cả một năm qua nhìn VNTN chuyển đổi từ báo sang tạp chí, em mong muốn tờ Văn nghệ của tỉnh nhà sẽ ngày thêm lớn mạnh, đáp ứng nhu cầu của độc giả gần xa và đặc biệt có thêm nhiều chuyên mục hay phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi hơn nữa. Trước thềm năm mới, em xin kính chúc Tạp chí VNTN vững bước trên con đường hội nhập, thu hút nhiều độc giả gần xa.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Giang hồ luận

Ý kiến bạn đọc 6 tháng trước

Đôi điều suy ngẫm về Tết  Trung thu

Ý kiến bạn đọc 7 tháng trước

Chuyện từ những tờ phiếu  sinh hoạt hè

Ý kiến bạn đọc 7 tháng trước