Mùa tựu trường nhiều âu lo
VNTN- Thay vì rộn ràng với không khí chuẩn bị đón khai giảng như bao năm học trước đây, năm học mới 2021 - 2022 đang cận kề với nhiều âu lo. Có lẽ chưa bao giờ các nhà trường phải dự phòng nhiều phương án dạy học đến thế, các gia đình phải thấp thỏm đến như vậy. Và hơn ai hết, có lẽ chưa khi nào các em học sinh phải chuẩn bị cho việc đối diện, thích nghi với nhiều sự thay đổi cùng những khó khăn như năm học mới này…
Vừa học vừa lo dịch và những câu chuyện… khó giãi bày
Theo lẽ tự nhiên, thường lệ mỗi dịp năm học mới, thầy và trò các nhà trường dành nhiều tâm sức cho việc chuẩn bị chương trình hoạt động, sách vở, lớp học… Thế nhưng với năm học mới 2021 - 2022, dường như mối bận tâm đang dồn nhiều hơn cho vấn đề an toàn trường học trước bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.
Lần đầu tiên, các nhà trường phải chuẩn bị cùng lúc nhiều phương án cho việc tựu trường và lễ khai giảng, cũng như phương thức tổ chức dạy học. Nhằm đảm bảo sự chủ động và linh hoạt trước tình hình thực tế, đến nay, tất cả các nhà trường trên địa bàn tỉnh đều chuẩn bị sẵn sàng cho một chương trình khai giảng “đặc biệt”. Khả dĩ nhất, nếu vẫn được tổ chức trực tiếp như thường lệ, thì chương trình vẫn phải đảm bảo ngắn gọn, tập trung vào nội dung chính, nhưng phải đảm bảo giữ khoảng cách bằng việc giãn cách tối đa so với diện tích khuôn viên sân trường. Nếu tình hình đòi hỏi tránh tập trung đông, việc khai giảng có thể đưa về quy mô từng lớp, chia ca để lệch thời gian giữa các lớp. Trường hợp không được tổ chức trực tiếp, khai giảng sẽ chuyển sang hình thức trực tuyến, ngoài việc kết nối qua các ứng dụng online đến từng gia đình, nhà trường sẽ phát video nội dung chương trình đã được xây dựng từ trước. Đặc biệt, với việc đón chào các học sinh khối đầu cấp như lớp 1, các nhà trường vẫn xây dựng video riêng để các em phần nào cảm nhận được không khí, ý nghĩa của “ngày đầu tiên đi học”.
Nếu như việc khai giảng, tựu trường khó một thì việc triển khai dạy học có lẽ còn khó mười. Nếu may mắn được tập trung học tại trường bình thường, các nhà tường cũng có rất nhiều việc phải tình trước. Giáo viên sẽ phải kiêm thêm việc của “nhân viên y tế” khi trước giờ mỗi buổi học phải kiểm tra thông tin sức khỏe và đo thân nhiệt cho học sinh. Khó nhất là việc giãn cách trong lớp học, bởi diện tích phòng học theo thiết kế cũ của khá nhiều nhà trường không thể đáp ứng theo yêu cầu khoảng cách như các quy định của ngành y tế. Cũng chính vì điều này, nhiều nhà trường đã dự kiến tạm dừng các chương trình hoạt động ngoài thời khóa biểu chính khóa, để dành thời gian buổi 2, chia nhỏ mỗi lớp học thành 2 ca để giảm số lượng học sinh trong phòng học trong cùng một thời điểm.
Có một thực tế nữa cũng không thể không coi là… vấn đề, đó là câu chuyện đeo khẩu trang trong lớp học. Với học trò, nhất là học trò các khối lớp nhỏ tuổi, việc đeo khẩu trang cả buổi chắc chắn gây tâm lí khó chịu, khiến các em khó lòng tập trung cho việc học, chứ chưa nói đến sự hứng thú. Với giáo viên, việc đồng thời vừa phải đeo khẩu trang vừa phải nói trong suốt giờ dạy rõ ràng là một “thử thách” không hề dễ chịu, gây khó khăn nhất định, chứ chưa nói đến chuyện làm thế nào để có giờ dạy say sưa, sáng tạo.
Tinh thần chung của ngành giáo dục là chuẩn bị cho phương thức dạy học trực tuyến, sẵn sàng linh hoạt thích nghi khi không thể tập trung đến trường, với phương châm là tạm dừng đến trường chứ không ngừng việc học. Nói như vậy, nhưng đi vào thực tế, điều này gặp không ít khó khăn, nhất là phải tính toán sao cho có thể phù hợp với điều kiện từng địa phương, từng khu vực, từng cấp học thì mới mong đạt hiệu quả thực chất.
Do đặc thù cấp học, riêng đối với việc dạy học cho trẻ mầm non, sẽ không có hoạt động “dạy học trực tuyến”, mà thực tế chỉ có việc các cô giáo làm video hướng dẫn để phụ huynh tự hướng dẫn cho con trẻ. Việc không được trực tiếp tham gia hoạt động, tương tác với bạn bè cũng như hệ thống giáo cụ trên lớp chắc chắn sẽ không đáp ứng được đúng với yêu cầu của tâm lí lứa tuổi của trẻ. Thực tế đã cho thấy, sau một số lần gián đoạn lên lớp vì nghỉ tránh dịch như năm học trước, trẻ mầm non mất khá nhiều thời gian và gặp khó khăn để quay trở lại nhịp sinh hoạt, vui chơi học tập. Trong khi đó, như chúng ta đều biết, việc chuẩn bị ở giai đoạn trước 6 tuổi cho trẻ mang tính chất xây dựng nền tảng hết sức quan trọng, mà qua mất độ tuổi thì không dễ gì bù đắp được.
Đối với các bậc học ở cấp phổ thông, nếu như bậc THCS và THPT ít gặp khó khăn hơn trong dạy học trực tuyến, thì đây lại thực sự là vấn đề đối với cấp tiểu học. Do các em còn nhỏ tuổi, việc sử dụng các phương tiện như điện thoại, máy vi tính với học sinh tiểu học cần có sự đồng hành, hỗ trợ của phụ huynh. Do vậy, các nhà trường tiểu học đã trao đổi và thống nhất với phía gia đình, nếu dạy học trực tuyến thì chủ yếu sẽ dạy học vào các buổi tối - thời gian mà các bậc bố mẹ có thể “học cùng con”. Điều này, tất nhiên, dù đã là phương án khả dĩ nhất, nhưng không tránh khỏi bất cập trong việc đảm bảo thời gian, thời lượng cho tất cả các môn học.
Đó là chưa kể, với một số địa phương, khu vực miền núi, các xóm/xã vùng sâu, vùng xa, nhiều gia đình không có smart phone, máy vi tính, hoặc hạ tầng mạng internet chưa đảm bảo. Với những trường hợp này, các nhà trường lại phải tính đến phương án đón các em đến học trực tiếp tại lớp theo nhóm nhỏ.
Chương trình mới và nỗi lo cũ
Năm học 2020 - 2021, chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức được triển khai, bắt đầu với khối lớp 1. Chương trình sẽ được triển khai ở lớp 2, lớp 6 trong năm học mới này và lần lượt ở các năm học tiếp theo. Trong khi chương trình mới đang đặt ra nhiều yêu cầu ngày càng cao và khác so với trước, thì một vấn đề cũ vẫn đang đặt ra khó khăn lớn - đó là câu chuyện đội ngũ giáo viên.
Những năm học gần đây, ngành giáo dục tỉnh Thái Nguyên đang phải giải bài toán về việc thiếu hụt của đội ngũ giáo viên. Đây là câu chuyện không mới, cũng không phải chỉ của riêng Thái Nguyên, nhưng không dễ giải quyết.
Năm học 2020 - 2021, Thái Nguyên có 684 cơ sở giáo dục (cấp học mầm non: 244 trường và phổ thông: 440 trường), 10.562 nhóm/lớp với 330.500 học sinh/trẻ. Về đội ngũ giáo viên, toàn tỉnh hiện có hơn 16.000 giáo viên, so với định mức biên chế quy định đang còn thiếu trên 5.300 giáo viên, trong đó đặc biệt cấp mầm non thiếu trên 2.100 giáo viên, cấp tiểu học thiếu trên 1.800 giáo viên, cấp THCS thiếu trên 1.200 giáo viên. Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đối với cấp tiểu học, các môn Công nghệ và Tin học, Tiếng Anh, Giáo dục thể chất đều thiếu khoảng 200 giáo viên mỗi môn. Với cấp trung học cơ sở, việc thiếu giáo viên diễn ra chủ yếu ở một số môn như Công nghệ, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội… Thực tế này đặt ra những khó khăn không nhỏ, nhất là việc đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, đã bắt đầu triển khai cho lớp 1 năm học 2020 - 2021, thực hiện với lớp 2, lớp 6 trong năm học 2021 - 2022.
Trước vấn đề này, các nhà trường không chỉ hợp đồng thuê khoán định mức đối với giáo viên mới mà còn thuê khoán với các giáo viên vừa nghỉ hưu, giáo viên ở trường khác, thậm chí là với chính giáo viên tại trường còn có thể bố trí giờ. Vấn đề này trở nên “gay cấn” nhất ở một số môn học có tính chất đặc thù như Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật, Tổ hợp (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội),… do nguồn đào tạo chưa đáp ứng, hoặc nhiều sinh viên Sư phạm các ngành này ra trường nhưng lại đi làm công việc khác. Riêng đối với vấn đề chuẩn bị đội ngũ giáo viên các môn tổ hợp, các nhà trường đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho chính giáo viên các môn học liên quan hiện đang có. Quá trình dạy học, các giáo viên này sẽ được phân công phối hợp lên lớp, phụ trách những nội dung phù hợp chuyên ngành được đào tạo. Một số nhà trường phải trao đổi với các trường trên địa bàn gần nhằm có sự phối hợp, “chia sẻ” nhân lực, để các giáo viên hợp đồng có thể tham gia dạy cùng lúc một vài trường, vừa giải quyết việc làm, vừa đáp ứng nhu cầu thực tế. Đồng thời, có những thời điểm không đủ giáo viên, các trường cũng bố trí sắp xếp để một số giáo viên biên chế tại trường dạy thêm giờ để kịp thời đảm bảo.
Nhưng dù sao thì câu chuyện thiếu về số lượng giáo viên vẫn chưa phải khó giải quyết nhất, mà vấn đề còn nằm ở chỗ làm thế nào để đội ngũ giáo viên hiện nay có thể tiếp cận, triển khai dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới một cách hiệu quả.
Có thể hình dung một cách cơ bản về chương trình giáo dục phổ thông mới thông qua một số sự khác biệt chính so với chương trình cũ. Từ chỗ toàn bộ hệ thống giáo dục sử dụng một bộ sách giáo khoa duy nhất như trước đây, chương trình mới tạo tính đa dạng khi cho phép các đơn vị tự chủ động lựa chọn bộ sách mới. Từ chỗ tất cả các nhà trường, các địa phương cùng thực hiện một khung nội dung giáo dục như trước đây, chương trình mới sẽ có sự phân cấp rõ rệt khi trao quyền chủ động lựa chọn nội dung, ngữ liệu, cho phép giáo viên sáng tạo mà không bị ép vào khung giáo án “đồng phục”. Thay vì tiếp cận theo hướng mục tiêu “tri thức lí thuyết” như trước đây, chương trình mới tiếp cận theo hướng mục tiêu “năng lực người học”. Cũng chính vì vậy, phương thức dạy học của chương trình mới sẽ căn bản chuyển từ “truyền giảng” sang trở thành “trải nghiệm”.
Vấn đề đặt ra ở đây là đội ngũ các thầy cô giáo đang thực hiện theo chương trình cũ sẽ tự thay đổi bản thân mình như thế nào để “bắt nhịp” sự thay đổi này? Trong khi bản thân các thầy cô cần có quá trình tiếp cận mới (tập huấn, bồi dưỡng, thực nghiệm…), thì học sinh cũng cần có quá trình đón nhận, phía gia đình học sinh cũng cần có quá trình để đồng hành, thì việc bước vào chương trình mới tất nhiên không thể dễ dàng.
Đặt ra vấn đề như vậy, không có nghĩa là chúng ta nhìn nhận một cách bi quan hay nghi ngại, mà chính là để thấu hiểu hơn, thông cảm hơn với những khó khăn của các nhà trường, các thầy cô giáo. Sự nỗ lực của họ rất cần sự thấu hiểu, đồng hành của nhiều phía, để thấy rằng, trách nhiệm là của cả “nền” giáo dục chứ không chỉ là của riêng “ngành” giáo dục.
Phạm Văn Vũ
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...