Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
19:21 (GMT +7)

Mùa quả cọ

VNTN - Cây cọ sống nhiều ở các tỉnh miền núi trung du phía Bắc và có nhiều ở Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ... Mùa quả cọ là mùa đông cho đến đầu xuân, không biết từ bao đời nay cây cọ đã trở nên gắn bó với đồng bào dân tộc sinh sống nơi đây. Lá cọ được dùng để lợp mái nhà sàn, làm chuồng trại. Thân cây cọ dùng làm cột kèo, dui mè, cán cọ dùng để đan chiếu mành. Và đặc biệt lá non cây cọ để đan nón, búp cọ chế biến thành món ăn ẩm thực lạ miệng hấp dẫn được dùng trong các dịp lễ tết, hội hè, đám thứ…

Từ xa xưa, điều kiện kinh tế khó khăn, giao thương đi lại chưa thuận lợi như bây giờ, đồng bào đã biết lấy quả cọ ép dầu để thay cho mỡ động vật hoặc làm dầu đốt thay dầu hỏa trong sinh hoạt hằng ngày. Quả cọ còn được người dân thu lượm về sấy khô để dành làm thức ăn trong những mùa giáp hạt, đãi khách đến chơi nhà. Quả cọ sấy khô bảo quản trên gác bếp nhà sàn quanh năm bện khói, khi ăn phải đem ra ngâm nước ấm cho sạch bồ hóng và mùi khói rồi mới chế biến, có thể xào cùng thịt lợn, thịt thú rừng hay đồ xôi nếp lúa nương. Quả cọ có vị thơm bùi đặc trưng mà không một loại trái cây nào giống được.

Để chọn được cây cho quả ngon thì không phải ai cũng biết. Theo kinh nghiệm dân gian, năm nào quả cọ ra nhiều là năm đó rét đậm mưa nhiều, muốn chọn cây có quả ngon, ngậy thì người đi hái phải tìm những cây to, lá xanh tốt, có nhiều chim về ăn trái. Ngoài ra còn phải dùng dao gọt xem phần thịt của quả, cọ ngon là phần thịt quả có màu vàng óng, thớ quả mịn, ít thô, có sâu ăn... Đó mới là cây cọ ngon và sẽ được người dân bản lấy về dùng. Để ỏm cọ bở, chín và thơm ngậy đúng tầm thì cần phải có kinh nghiệm. Quả hái về, rửa sạch để ráo nước, sau đó cho vào rổ tre, dùng tay miết nhẹ đều, khi quả tróc hết lớp vỏ đen, khoe ra lớp thịt cọ màu vàng bóng, thì công đoạn tiếp theo là đun nước giếng sạch, nước đun không được sôi, để thử nhiệt độ của nước xem đã đảm bảo hay chưa thì người ỏm cần nhúng ngón tay vào nồi nước để kiểm tra, áng chừng nóng già tay là được. Lúc đó mới cho quả vào nồi, đậy kín vung, bắc nồi ra khỏi bếp quãng chừng 15 phút là cọ chín, cọ chín mùi thơm ngậy, nước ỏm cọ nổi nhiều váng mỡ vàng tựa như nước luộc gà thì mới là cọ ngon, cọ chín mềm, dùng tay bửa ra ăn khi còn nóng cho ta cảm giác thơm, béo ngậy khó quên, vào mùa quả rộ, người dân đi hái về nhiều, một phần để chế biến món ăn, phần còn lại sẽ được sấy khô trên than củi, rồi cất trên gác bếp để dùng dần.

Bao đời nay, đến bây giờ cũng vậy, đồi cọ luôn được người dân coi như linh hồn làng bản, không những đem lại lợi ích kinh tế thiết thực, mà nó còn in đậm bản sắc văn hóa, phong tục tập quán cùng với nghệ thuật ẩm thực người dân địa phương, mấy năm gần đây, các nơi phát triển ồ ạt phong trào thu mua gỗ bóc, xưởng chế biến gỗ mọc lên khắp vùng quê, cơ sở hạ tầng thay đổi... Phần cũng vì lợi ích trước mắt mà đồi cọ bị người dân thay thế bằng trồng cây keo khai thác gỗ! Rừng cọ đã mất đi vẻ tự nhiên, đang dần bị thu hẹp, để lại những đồi trọc đang hứng chịu cơn gió bấc đầu mùa.

Đã đến mùa quả cọ, vài đàn chim huýt xứ lạnh lại tìm về gọi bạn ríu ran làm rơi mấy trái cọ đầu mùa lên thảm cỏ xanh non đang thức giấc đón một mùa xuân ấm.

Doãn Long

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy