Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
13:26 (GMT +7)

Mùa dịch bệnh và niềm vui nắng mới

VNTN - Chắc hẳn với thời tiết nồm, ẩm thấp hiện nay và trong những giờ khắc cả nước đang căng mình chống dịch bệnh COVID-19 nhiều người dân Việt đang mong chờ nắng tới. Nỗi mong mỏi nắng mới như Nguyễn Tuân đã từng viết: “vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng…”. 

Việt Nam là đất nước nông nghiệp, từ ngàn năm trước tới nhiều năm sau, vẫn đinh ninh một nẻo đi về: “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Nước là tiền đề sự sống, là vận mệnh nhà nông. Nông nghiệp Việt Nam là nông nghiệp lúa nước, văn hóa Việt Nam là văn hóa sông nước, tên gọi thân quen của Tổ quốc Việt Nam cũng là sự kết hợp từ hai mảnh thiêng liêng: Đất và Nước. Chính bởi lẽ đó, trong tư duy, ngôn ngữ và văn hóa Việt, giữa hai yếu tố “thiên thời”, thì mưa hình như được ưu ái nhiều hơn, với tất cả niềm khẩn cầu, mong mỏi: Lạy trời mưa xuống/Lấy nước tôi uống/Lấy ruộng tôi cày/Lấy đầy bát cơm/Lấy rơm đun bếp… Tuy nhiên, bánh xe thời tiết luân chuyển bốn mùa cũng có lúc dừng lại ở thời điểm mà nắng ấm trở thành khát vọng thiết tha bởi lòng người đã “ẩm mốc” lên vì chuỗi ngày rầm tháng rề của mưa phùn bất tận…

 

Ảnh minh họa: Internet

“Tháng Ba, hoa gạo đỏ những triền đê và mưa bụi tóc lây rây trên tóc” - câu văn đăng trên một trang báo tường mừng ngày “Hai sáu” ấy đã từng khiến tôi say mê suốt một một thời thơ trẻ. Trong góc nhìn thơ của những kẻ “thơ thơ”, mưa tháng Ba nào có đáng kể gì để cho lòng phiền toái. Hạt mưa lây rây, nhẹ như bông, rơi xuống cánh hoa mà chẳng hề để lại một rung động nhẹ. Mưa tháng Ba hiền lành, vô tội, không làm phiền ai, như cảm nhận của cô gái “lòng thấy giăng tơ một mối tình” trước đêm hẹn hò trong thơ Nguyễn Bính: “Em xin phép mẹ vội vàng đi/Mẹ bảo xem về, kể mẹ nghe/Mưa bụi nên em không ướt áo/Thôn Đoài cách có một thôi đê”. Từ góc nhìn nông học và phong thủy, mưa phùn mùa xuân đem về đại phúc, đại lợi. Trong thời điểm mùa đông, toàn bộ nửa cầu bắc nhận được lượng nhiệt và ánh sáng thấp, kết hợp với khối khí lục địa khô lạnh khiến thực vật kém phát triển, cây cỏ lụi tàn, khô héo. Mưa ẩm mùa xuân cùng với sự tăng cường ánh sáng, nhiệt độ đem đến sự hồi sinh của vạn vật. Tiết Vũ thủy (mưa ẩm) ở giữa thời điểm tháng Giêng nguyệt lịch (từ 21/2 đến 5/3 dương lịch), theo Kinh Dịch là quẻ Thái - quẻ cát lợi, với ba hào dương thăng lên, ba hào âm giáng xuống, biểu tượng cho đạo của người quân tử lên ngôi, đạo của kẻ tiểu nhân suy tàn. “Tam dương khai thái” báo hiệu sự tươi sáng trong trẻo, thuận lợi hanh thông; bệnh tật, ma quỷ, u ám, buồn đau biến mất. Thời điểm này con người thường tiến hành nhiều hoạt động trọng đại như bắt đầu mùa vụ, khai trương làm ăn, động thổ xây nhà, mở mang cơ nghiệp trong tiết trời ấm áp và hoa cỏ ngập tràn, tươi thắm.

Nhưng như một bài dân ca lê thê, đơn điệu, khi mưa xuân kéo dài từ Lập xuân, Vũ thủy, qua Kinh trập, Xuân phân thì cái “phơi phới bay” vui vẻ buổi đầu sẽ biến thành cái dầm dề thối đất thối cát những ngày cuối mùa đìu hiu, u ám. Chặng đường cuối, nàng xuân còn rủ về “người bạn trăm năm” mà không ai muốn “tiếp”: ấy là nồm - hiện tượng thời tiết “đặc sản” của miền Bắc. Theo lí giải khoa học, nồm là hiện tượng lượng nước trong không khí tăng quá mức bình thường khi nguồn không khí ẩm ngoài biển thổi vào gặp lớp không khí lạnh ở tầng thấp trong đất liền, kéo theo mưa rả rích kéo dài; đọng sương, hơi nước trên bề mặt sàn nhà, tường, đồ vật… Nồm ẩm giữa xuân miền Bắc khác với “nồm nam”, “nồm đông” ở miền Trung vào mùa hè - đợt gió hướng đông nam mang hơi nước từ đại dương thổi vào lục địa sau khi trời nắng nóng, vào khoảng từ sau 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều…. Ca dao miền Trung có câu: Gió nồm là gió nồm nam/ Trách chàng quân tử ăn tham chả mời. Gió nồm đông mát rượi dễ chịu như ve vuốt, ru ngủ, để rồi có cô thiếu nữ hớ hênh ngủ một giấc hè mà cả mấy trăm năm người đời vẫn còn “trộm ngó”: Mùa hè hây hẩy gió nồm đông/ Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng/ Lược trúc biếng cài trên mái tóc/ Yếm đào trễ xuống dưới nương long… (Hồ Xuân Hương).

Ngược lại, người miền Bắc coi chuỗi ngày nồm như một sự ám ảnh đến mức, buổi sớm tỉnh giấc bước chân xuống đất thấy nhơm nhớp, nhìn lên tấm gương thấy mờ mờ là đã muốn thở dài. Trong cảm nhận nhiều người, nồm là dạng khí hậu khó chịu nhất, bức bí nhất, ngao ngán hơn cả cái nóng đổ lửa mùa hè hay cái lạnh tê tái đêm đông. Mùa nồm, cả đất trời rỉ nước, ướt chảy ướt chả. Không chỉ đem lại cảm giác bẩn thỉu, ngột ngạt, độ ẩm không khí còn làm nảy sinh đủ thứ bệnh do lỗ chân lông bí, không có chỗ thoát hơi gây đau nhức. Không gian đáng sợ đối với con người nhưng lại là môi trường lí tưởng cho các loại vi khuẩn, nấm mốc, ruồi muỗi, sâu bọ nảy sinh, khiến cả vật nuôi, mùa màng và vạn vật xung quanh đều muốn ốm đau, ôi thiu, hỏng hóc. Ngày xưa, cứ đến tháng Hai, tháng Ba, các cụ lại dặn con cháu giữ gìn vệ sinh, bởi “mùa hoa xoan” là mùa chấy rận, ghẻ lở. Kinh nghiệm dân gian ấy khiến nhiều người có chút kỳ thị với loài hoa xinh đẹp mỏng manh rụng tím cả trời xuân trong làn mưa phơi phới. Chẳng biết hoa xoan có sinh ra chấy rận hay không, nhưng mùa của hoa xoan, của mưa phùn và nồm ẩm thì côn trùng, lở ngứa hẳn được mặc sức thao túng, tung hoành. Thức ăn qua một đêm là lên mốc, nền nhà trơn tuột như sân băng, quần áo phơi cả tuần vẫn càng phơi càng ướt… Và mỗi dịp tháng Ba, mọi người quanh ta lại nói với nhau về “kế sách trị nồm” từ phương thức truyền thống như trải báo, đóng cửa, rắc vôi cho đến dùng các công cụ hỗ trợ hiện đại như máy sưởi, điều hòa, bàn là, hút ẩm… Tất nhiên, mọi thứ chỉ là giải pháp tình thế bởi không ai có thể đóng cửa cả ngày hay hút ẩm, thổi mưa cả bốn phương trời đất. Chìa khóa hóa giải đơn giản chỉ có thể là một đợt gió mùa đông bắc thật khô hay trận nắng đầu hè thật giòn hong khô vạn vật…

Mỗi lần đọc lại tùy bút “Người lái đò sông Đà” chắc nhiều người đều tâm đắc cái cách mà nhà văn họ Nguyễn miêu tả niềm vui khi đột ngột gặp cảnh bãi bờ trong trẻo rộng dài trong một ngày vàng mơ màu nắng: “Bờ sông Đà, bãi sông Đà, chuồn chuồn, bươm bướm trên sông Đà. Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng. Đi rừng dài ngày rồi lại bắt ra sông Đà, đúng thế, nó đằm đằm, ấm ấm như gặp lại cố nhân…”. Niềm vui ngày nắng giòn tan dường như cũng ẩn hiện lấp lánh trong “Nắng mới” của Lưu Trọng Lư cùng tiếng gà trưa xao xác: “Tôi nhớ Me tôi thuở thiếu thời…/Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội/ Áo đỏ Người đưa trước giậu phơi”.

Nắng đầu mùa! Nắng thơm tho khô giòn giục ai nấy đem lũ quần áo “khươm mươi niên” ẩm nồng ra sân phơi phóng, giục cả làng xóm chạy ra ngoài để hong khô cái buồn buồn, ỉu ỉu cuối xuân. Và mùa nắng đầu mùa năm nay, chắc hẳn còn được mong nhiều hơn, tha thiết hơn, bởi dẫu các luận điểm khoa học còn nhiều tranh cãi, song hẳn nhiều người Việt vẫn tin, nắng hè sẽ đuổi bay “con Cô vít”, như cách nó đã đuổi bay những chấy rận và ẩm ương đáng ghét mùa nồm, từ hàng ngàn năm về trước…

SUỐI LINH

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy